B. GIỚI THIỆU TÁC PHẨM "ĐƯỜNG KÁCH MỆNH"
I. CHÍNH SÁCH THỐNG TRỊ VÀ KHAI THÁC THUỘC ĐỊA CỦA
2. Qua trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam
Khâu chủ yếu trong chính sách khai thác thuộc địa của Đume là đầu tư vào một số ngành kinh tế mũi nhọn để khẳng định vị trí của chủ nghĩa tư bản Pháp ở Việt Nam. Mới đầu, với số vốn đầu tư còn hạn chế, tư bản Pháp dành cho khai thác tài nguyên mỏ ở Hòn Gai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Nam... Pháp bắt đầu xây dựng một số cở sở công nghiệp điện, nước, bưu điện... nhằm phục vụ cho khai thác và đời sống của giới cai trị. Để khai thác được nhiều lợi nhuận, Pháp thi hành chính sách cho vay nặng lãi đối với nhân dân Đông Dương. Phần lớn số tiền vay đều được chuyển hoá thành các thiết bị máy móc, hàng hoá của Pháp. Pháp quản lý một đầu mối phát hành giấy bạc và giữ tiền là Ngân hàng Đông Dương. Ngân hàng này có cơ sở ở nhiều tỉnh, thành phố, bắt nông dân vay nợ với lãi suất rất cao và chèn ép các ngân hàng nước ngoài khác. Cho vay nặng lãi là một trong những chính sách bóc lột tàn bạo của tư bản Pháp ở mọi nơi, kể cả ở Đông Dương và Việt Nam.
Trong chương trình khai thác thuộc địa, Pháp có chú ý mở mang giao thông, xây dựng đường sá, cầu cống, bến cảng… nhằm mục đích kinh tế và quân sự. Pháp sử dụng số vốn công trái Đông Dương vay được vào phát triển giao thông vận tải.
Pháp đã cho xây dựng hơn 20.000 km đường bộ, 14.000 km đường dây điện thoại nối giữa các tỉnh. Pháp cho khai thông vận tải trên các sông lớn như Hậu Giang, sông Hồng, sông Thái Bình, cho đào thêm kênh Vĩnh Tế, Vĩnh An và phát triển tuyến đường sắt Sài Gòn- Mỹ Tho, Hà Nội- Lạng Sơn, Hải Phòng- Vân Nam. Pháp mỏ rộng và nâng cấp đường bộ số 1, xây dựng cầu lớn như Long Biên (Hà Nội), Tràng Tiền (Huế), Bình Lợi (Sài Gòn)..., mở các cảng Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng… và tuyến đường biển nối liền nước ta với Pháp và nhiều nước trên thế giới. Mục đích chung của việc làm đó là để vơ vét nguyên liệu và thu lợi nhận qua buôn bán với nước ngoài.
Về thương nghiệp và tài chính, thực dân Pháp độc chiếm thị trường Đông Dương, nắm nguồn thuế, độc quyền thương mại, thuế quan, xuất nhập khẩu. Thuế khoá nặng nề là đặc trưng chính sách thực dân của Pháp ở Đông Dương và là nguồn thu lợi lớn đối với Pháp. Với hai thứ thuế trực thu ( muối, rượu, thuốc phiện), trong đó thuế thân là một thứ thuế tàn nhẫn nhất, đánh vào nam giới từ 18 đến 60 tuổi, khi chết cũng không được miễn. Chính quyền Pháp ấn định số lượng rượu phải tiêu thụ cho mỗi làng, còn thuốc phiện được nhà nước khuyến khích tiêu thụ.
Về công nghiệp, chúng tập trung vào các ngành khai thác mỏ và chế biến khoáng sản. Các mỏ thiếc Tĩnh Túc, mỏ bạc Ngân Sơn, mỏ sắt Thái Nguyên, mỏ vàng Bồng Miêu, mỏ than Hòn Gai... đều được đẩy mạnh khai thác.
Về nông nghiệp, thực dân Pháp thực hiện chính sách lớn nhằm cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền và bóc lột địa tô. Năm 1897, Pháp ép triều đình ký Điều ước “nhượng” quyền “khai khẩn đất hoang” cho chúng. Chỉ tính riêng ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đến năm 1915, địa chủ người Pháp đã chiếm tới 470.000 hécta lập đồn điền. Quyền sở hữu tối cao về ruộng đất ở Việt Nam chuyển từ tay vua sang tay
“nhà nước bảo hộ” Pháp. Thủ hiến người Pháp ở ba kỳ có quyền ký giấy cấp cho mỗi người một lần 300 hécta trở xuống, còn Toàn quyền Đông Dương thì ký từ 300 hécta trở lên. Ngày 1-5-1900, Pháp ra Nghị định xoá bỏ chế độ ruộng đất phong kiến nhà Nguyễn, cho phép tư bản Pháp và những kẻ giàu có, những người có công với Pháp được tự do mua bán và lấn chiếm ruộng đất. Giáo hội Thiên chúa cũng tham gia chiếm ruộng và kinh doanh ruộng đất theo lối phát canh thu tô. Các đồn điền xuất hiện ở nước ta ngày càng nhiều.
Toàn bộ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt nam thực tế là chính sách vơ vét bóc lột nhân dân một cách trắng trợn, xấu hơn so với các thực dân khác. Chính sách đó quán triệt nguyên tắc là không phát triển công nghiệp nặng, biến nước ta thành thị trường cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ hàng hoá cho chính quốc.
b. Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp (1919-1929) Tháng 11-1918, chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc. Ngày 18-1-1919, đại diện của các nước đế quốc thắng trận họp ở Vecxai (Pháp) ký văn bản phân chia lợi lộc sau chiến tranh. Pháp thuộc phe thắng trận, nhưng đất nước bị tàn phá nặng nề, kinh tế giảm sút nghiêm trọng. Pháp trở thành con nợ của nhiều nước tư bản khác. Để nhanh chóng hàn gắn hậu quả chiến tranh, khôi phục địa vị của mình, thực dân Pháp ra sức bóc lột lao động trong nước và đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa, trong đó Việt nam được coi là trọng điểm.
Ngay sau chiến tranh, nhất là từ năm 1924, Pháp đã đầu tư vào Việt nam với tốc độ và quy mô gấp nhiều lần so với trước năm 1924. Chỉ trong vòng 6 năm (1924-1929), tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam tăng gấp 6 lần số vốn đầu tư trong 20 năm trước chiến tranh. Lúc đó có 50 công ty nông nghiệp, 46 công ty công nghiệp, 19 công ty mỏ, 31 công ty thương nghiệp đầu tư tổng số vốn trên 4 tỷ Phrăng vào Việt Nam. Tất cả những công ty này đều chịu sự kiểm soát và chi phối của ngân hàng Đông Dương.
Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, tư bản Pháp bỏ vốn nhiều vào ngành mỏ, giao thông vận tải, thương nghiệp và nông nghiệp. Trong cuộc khai thác lần này, tư bản Pháp không chỉ tăng vốn đầu tư mà còn mở rộng quy mô, tập trung đầu tư vào nông nghiệp, ngành mỏ, công nghiệp chế biến, giao thông vận tải... Số
lượng và cơ cấu đầu tư trên cho thấy sự tăng cường chính sách độc quyền và tính chất vụ lợi của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Về nông nghiệp, thực dân Pháp tăng cường đoạt ruộng đất. Mở thêm đồn điền để tăng thu nông phẩm xuất khẩu. Khi bắt đầu xâm lược đến năm 1912, thực dân Pháp cướp đoạt 469.729 ha ruộng đất ở Việt Nam. Mười năm sau chiến tranh thế giới thứ nhất, số ruộng đất bị cướp thêm là 775.700 ha. Tổng số ruộng đất mà thực dân Pháp cướp đoạt để lập đồn điền là trên 1,2 triệu ha, bằng một phần tư tổng số diện tích đất canh tác cả nước ta bấy giờ. Việc chiếm đất, tách một phần nông dân ra khỏi ruộng đất là chính sách bóc lột tương đối điển hình của Pháp ở Việt Nam.
Chiếm được ruộng đất, Pháp đã lập ra những đồn điền rộng lớn. Đến giữa năm 20 của thế kỷ XX, ở Bắc Kỳ đã có tới 155 đồn điền, ở Trung và Nam Kỳ có tới hàng nghìn đồn điền của người Pháp. Tại các đồn điền trồng lúa, Pháp vẫn duy trì lối bóc lột phong kiến, phát ruộng cho gia đình nông dân mà chúng vừa cướp ruộng để họ sản xuất thủ công, đến cuối vụ thu tô, thuế cao. Trên đồng ruộng Việt Nam, chỉ thấy cảnh người tá điền kéo cày mà không thấy máy công nghiệp như nước khác. Thóc gạo mà thực dân Pháp thu được phần lớn để xuất khẩu kiếm lời.
Pháp mở đồn điền trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, chè, mía, dừa, bông gòn, hồ tiêu... và độc quyền chế biến, xuất khẩu những sản phẩm đó để thu lợi lớn.
Về công nghiệp, chủ trương của Pháp là chủ yếu xuất nguyên liệu thô và nhập thành phẩm. Pháp đẩy mạnh công nghiệp khai thác mỏ, không phát triển công nghiệp nặng. Công nghiệp chế biến được phát triển với điều kiện không làm ảnh hưởng đến công nghiệp chính quốc. Năm 1930, diện tích các khu vực thăm dò, tìm kiếm khoáng sản mở rộng bằng 1/4 diện tích toàn Đông Dương. Năm 1919 gồm 706 dự án, năm 1930 có 17.685 dự án được cấp giấy phép. Các khoáng sản mà Pháp tập trung khai thác là than, kẽm, chì, thiếc... Tổng giá trị các loại quặng khai thác được trong năm 1919 là 4,5 triệu đồng, năm 1929 tăng lên 18,6 triệu đồng (tương đương 213,7 triệu Phrăng). Tất cả các khoáng sản Pháp khai thác được ở Việt Nam đều phục cụ cho mục đích xuất khẩu thu lợi nhuận.
Về thương nghiệp, thực dân Pháp thực hiện chính sách độc quyền ngoại thương ở Việt Nam. Hàng hoá của Pháp vào Việt Nam được bảo hộ, chỉ phải đóng thuế rất ít hoặc được miễn thuế. Hàng của Pháp bán ở Việt Nam đắt gấp hai đến ba lần so với bán ở các nước khác. Pháp lập hàng rào thuế quan ngặt nghèo với hàng hoá nhập từ các nước khác.
Về tài chính, một trong những công cụ bóc lột quan trọng nhất của thực dân Pháp vẫn là sử dụng ngân hàng Đông Dương. Ngân hàng này là cơ quan chỉ huy tín dụng đối với tất cả các ngành kinh tế. Nó nắm độc quyền phát hành giấy bạc và cho
vay nặng lãi. Từ năm 1925 đến 1930, ngân hàng này còn tổ chức thêm 19 ngân hàng nông khố để cho nông dân vay. Ngân hàng Đông Dương còn có nguồn thu từ các loại thuế, chủ yếu là thuế trực thu và thuế gián thu. Từ năm 1919 đến 1921, thực dân Pháp bắt mọi người dân bản xứ từ 18 đến 60 tuổi đều phải đóng thuế thân 2,5 đồng, riêng Nam Kỳ, năm 1929 thuế tăng lên 7,5 đồng. Thuế gián thu (thuế rượu, muối, thuốc phiện), năm 1920, Pháp thu tới 27 triệu, năm 1929 tăng lên 38 triệu đồng. Mỗi dịp thu thuế, ở thành thị cũng như ở nông thôn đều xảy ra sự bắt bớ, khám xét rất bất công, gây nên nhiều cảnh thảm thương...
Về giao thông vận tải, do yêu cầu của công cuộc khai thác, bóc lột và mục đích quan sự, Pháp cho xây dựng thêm 250 km đường sắt, đoạn Vinh- Đông Hà, Đồng Đăng- Na Sầm; rải đá 15.000 km đường bộ... Ngoài cảng Sài Gòn và Hải Phòng, Pháp còn xây dựng thêm cảng mới Hòn Gai, Cẩm Phả, Đà Nẵng. Pháp huy động hàng vạn dân đinh, phát hành hàng chục triệu đồng công trái để phát triển mạng lưới giao thông.
Thực dân Pháp thực hiện chính sách phát triển kinh tế thuộc địa Việt Nam mất cân đối, phụ thuộc vào chính quốc, thi hành chính sách chính trị phản động, chính sách ngu dân về văn hoá xã hôi. Toàn bộ những tội ác đó đã vạch trần luận điệu lừa bịp “khai hoá văn minh” của chúng. Tội ác đó đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trình bày đầy đủ trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản năm 1925 tại Pháp.