PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VIỆT NAM THEO KHUYNH HƯỚNG DÂN CHỦ TƯ SẢN

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG sự RA đời của ĐẢNG CỘNG sản VIỆT NAM (Trang 108 - 112)

B. GIỚI THIỆU TÁC PHẨM "ĐƯỜNG KÁCH MỆNH"

II. PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VIỆT NAM THEO KHUYNH HƯỚNG DÂN CHỦ TƯ SẢN

1. Phan Bội Châu và xu hướng vũ trang bạo động

Phan Bội Châu (1867-1940) quê ở Nam Đàn, Nghệ An, năm 1900 đỗ đầu khoa thi hương. Ông là người đứng đầu phong trào yêu nước theo xu hướng bạo động mang tính chất tư sản. Quá trình hoạt động của Phan Bội Châu có hai thời kỳ rõ rệt:

- Thời kỳ Duy Tân Hội và Phong trào Đông Du (1904-1908): Tháng 5 năm 1904, Phan Bội Châu lập ra Duy Tân Hội tại Quảng Nam Hội tôn Cường Để, cháu đích tôn 6 đời của vua Gia Long làm Hội chủ. Mục đích của hội là tổ chức lực lượng chống thực dân Pháp giành độc lập, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến.. Kế hoạch của hội là "phát triển thế lực, tập trung sức người và tài chính, xúc tiến bạo động, cử người xuất dương học tập cầu viện". Lực lượng của Hội là “mười hạng người đồng tâm” gồm các nhà hào phú; các quan lại tại chức; các con nhà quyền quý; giáo đồ Thiên chúa giáo; lính tập; hội đảng; thông ngôn, ký lục, bồi bếp; giới phụ nữ; con em các gia đình bị giặc tàn sát; những người đi du học. Đến năm 1906, Phan Bội Châu đã thấy vai trò của tầng lớp người lao động nghèo khổ.

Tháng 1/1905, Phan Bội Châu bí mật sang Nhật cầu viện trợ vũ khí, tài chính và nhận thanh niên Việt Nam du học. Nhật chỉ đồng ý cho thanh niên Việt Nam sang Nhật học. Tại Nhật, Phan Bội Châu viết nhiều sách như Việt Nam vong quốc sử; Hải ngoại huyết thư… bí mật gửi về nước tuyên truyền cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác thực dân Pháp, kêu gọi thanh niên sang Nhật học tập.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, trong nước đã xuất hiện phong trào Đông Du. Tới năm 1908 đã có 200 lưu học sinh Việt Nam được học ở các trường Đồng Văn thư viện, trường Chấn vũ Học viện của Nhật… Tháng 9/1908 thực dân Pháp phối hợp với Nhật Bản trục xuất học sinh Việt Nam về nước kể cả Phan Bội Châu và Cường Để.

- Thời kỳ Việt Nam Quang Phục Hội (1912-1918). Sau khi bị trục xuất khỏi nước Nhật, Phan Bội Châu cùng một số thanh niên yêu nước Việt Nam tiếp tục hoạt động ở nước ngoài. Chụi ảnh hưởng cả cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc (1911), Phan Bội Châu từ bỏ lập trường quân chủ lập hiến chuyển sang lập trường dân chủ tư sản. Ông từ Thái Lan sang Trung Quốc lập Việt Nam Quang Phục Hội tại Quảng Đông (1912). Thời kỳ từ 1914- 1918, Hội có một số hoạt động về quân sự dọc đường biên giới Việt-Trung, tổ chức được hai vụ ám sát tuần phủ Nguyễn duy Hàn và hai trung tá Pháp. Nhưng Phan bội Châu sớm bị bắt và giam giữ ở Quảng Đông. Năm 1916, Cụ bị kết án khổ sai chung thân. Việt Nam Quang Phục hội tan rã.

Con đường cứu nước của cụ, dựa vào tên đế quốc này để đánh tên đề quốc khác chẳng khác gì đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau. Cuộc đời của Phan Bội Châu như cụ suy ngẫm khi bị giam lỏng ở Huế: “Than ôi, lịch sử của tôi là lịch sử một trăm lần thất bại mà không một thành công”. Tuy vậy phong trào do Phan Bội Châu lãnh đạo phản ánh ý chí kiên cường, chủ nghĩa yêu nước và hoài bão động viên toàn dân Việt Nam đứng lên quyết không khuất phục trước kẻ thù. Phan Bội Châu được coi là một trong những nhà yêu nước vĩ đại, có nhiều đóng góp lớn lao cho phong trào cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX.

2. Phan Chu Trinh với xu hướng cải cách

Phan Chu Trinh (1872-1926) quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm 1900 cụ đỗ cử nhân, năm 1901 đỗ phó bảng. Phan Chu Trinh là một nhà yêu nước nhiệt thành. Cụ lên án gay gắt tội ác của thực dân Pháp và quan lại phong kiến là những kẻ đớn hèn, để đất nước ta rơi vào tay thực dân Pháp. Chịu ảnh hưởng của khuynh hướng dân chủ tư sản Pháp, Ấn Độ, Phan Chu Trinh chủ trương dựa vào Pháp để tiến hành cải cách, phản đối việc vũ trang bạo động chống Pháp. Sau khi đi Nhật về (15-8-1906), Cụ nói: “Bất bạo động, bạo động tắc tử, bất vọng ngoại, vọng ngoại tất vong”. Trong thư “Thất trảm” gửi vua Khải Định khi nhà vua sang Pháp (1922), Phan Chu Trinh viết: “ Mau mau quay đầu mà thoái vị đi, đem chính quyền trả lại cho quốc dân để quốc dân được trực tiếp với chính phủ Pháp mà làm việc đặng mưu lợi ích sau này”.

Phan Chu Trinh có tư tưởng dân chủ sớm nhất nước ta. Ông chủ trương đấu tranh dân chủ, công khai với nhiệm vụ cấp bách : “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”, tạm dựa vào Pháp để đánh đổ vua quan phong kiến. Năm 1906, dưới sự lãnh đạo của Phan Chu Trinh và nhóm sỹ phu tiến bộ ở Quảng Ngãi, một cuộc vận động Duy Tân dấy lên ở Trung Kỳ. Cuộc vận động Duy Tân thể hiện nhiều trên nhiều mặt. Về mặt kinh tế, phong trào chú ý trước tiên tới cổ động lập nghiệp, thành lập hội kinh doanh, hội buôn bán; phát triển nghề nông, nghề thủ công; lập cơ sở dệt vải may quần áo...cổ vũ dùng hàng nội hoá. Về văn hoá giáo dục, chú ý đặc biệt đến mở trường học theo kiểu mới: dạy các môn khoa học tự nhiên, dạy chữ quốc ngữ, vận động từ bỏ lối ăn, mặc cũ, tiếp nhận lối ăn mặc "Âu hoá" rẻ tiền mà lại tiện lợi, cắt tóc ngắn, mặc áo cộc tay, để răng trắng, lên án chế độ mê tín dị đoan, giải thể các cúng lễ có tính chất duy tâm…

Cuộc vận động Duy Tân đáp ứng yêu cầu muốn thoát khỏi cuộc sống tù túng, tăm tối của người nô lệ nên được quần chúng nhiệt tình hưởng ứng. Khi phong trào lan rộng về nông thôn thì phát triển mạnh thành phong trào đấu tranh của quần chúng, như phong trào chống thuế ở Trung kỳ. Năm 1908, thực dân Pháp đàn áp phong trào chống thuế, Phan Chu Trinh bị bắt và bị kết án tù 3 năm ở Côn

Đảo. Năm 1911, Pháp đưa Phan Chu Trinh sang Pa-ri. Sau 14 năm sống ở Pháp, ông vẫn giữ đường lối cải lương, phản đối đấu tranh vũ trang, kêu gọi dân quyền, dân sinh, dân chủ. Năm 1925, Phan Chu Trinh về nước và mất ở Sài Gòn vào tháng 3-1926.

Hạn chế của Phan Chu Trinh là phản đối bạo động muốn dựa vào Pháp để chống chế độ phong kiến, cách làm đó chẳng khác gì “xin giặc rủ lòng thương”.

Cũng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh tự thừa nhận: “Tôi ngựa đã hết nước kiệu, bây giờ thân tôi như chim lồng cá chậu và càng già thì gió dễ lay, người già thì lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn, vì quốc sự gia phong mà hối tâm càng phải gào cho hả dạ, may ra có tỉnh giấc hồn mê”.

Phan Chu Trinh là một nhà yêu nước, nhà dân chủ sớm nhất, tiêu biểu cho xu hướng cải cách ở nước ta. Ông đã góp phần cổ vũ và giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc, cổ vũ mở mang và nâng cao dân trí ở nước ta. Tên tuổi của ông mãi mãi gắn liền với giai đoạn đấu tranh sôi nổi của nhân dân ta đầu thế kỷ XX.

3 - Phong trào Đông Kinh - Nghĩa Thục (1907)

Năm 1907, một số sỹ phu tiến bộ ở Hà Nội như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền… đứng ra mở trường tư lấy tên là Đông kinh nghĩa thục tại số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội. Trường được tổ chức và giảng dạy theo mô hình của Nhật Bản. Nội dung học gồm các môn văn hoá và học bằng chữ quốc ngữ. Trường còn tổ chức diễn thuyết, bình thơ văn, cổ động học chữ quốc ngữ, hô hào mở kinh doanh, chống lối học cũ, bài trừ mê tín dị đoan... Ảnh hưởng của trường ngày một sâu rộng và thành phong trào lớn, có lúc thu hút hàng ngàn học sinh cả già lẫn trẻ. Chương trình học tập mang tính chất tuyên truyền văn hoá, tập hợp và cổ vũ lòng yêu nước.

Trường là trung tâm vận động dân tộc, dân chủ.

Đông Kinh Nghĩa Thục tuy tuyên truyền cải cách văn hoá và xã hội, tiến công vào tư tưởng phong kiến nhưng có xu hướng chính là Pháp. Lo sợ nhà trường trở thành ''một lò phiến loạn Bắc kỳ'', thực dân Pháp đã ngăn cấm nhà trường hoạt động. Tháng 11-1907, trường bị đóng cửa, hầu hết giáo viên của trường bị bắt, các sách báo của nhà trường bị tịch thu. Tuy chỉ tồn tại 7 tháng nhưng hoạt động của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã có ý nghĩa to lớn, nó đã góp phần thức tỉnh lòng yêu nước và mở đầu cho hệ tư tưởng dân chủ tư sản xâm nhập vào Việt Nam.

Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự là một tổ chức cách mạng có cống hiến lớn trong việc tuyên truyền lòng yêu nước, cổ vũ đấu tranh cách mạng của nhân dân.

4. Việt Nam quốc dân Đảng (25-12-1927)

Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài sáng lập. Đây là Đảng chính trị theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Mục tiêu của Việt Nam quốc dân Đảng là đánh đuổi giặc Pháp, đánh đổ ngôi vua, thực hiện dân quyền.

Việt Nam quốc dân Đảng chia làm 3 cấp, hoạt động chủ yếu trong một số địa phương ở Bắc Kỳ. Thành phần đảng viên rất đa dạng, gồm sinh viên, công chức, tư sản, thân hào, địa chủ, phú nông, binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp....Sau sự kiện giết tên trùm mộ phu Ba Danh (9-2-1929) tại Hà Nội, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, khủng bố. Do tổ chức lỏng lẻo, ít có cơ sở trong quần chúng nên hàng loạt đảng viên bị bắt, nhiều cơ sở đảng bị vỡ.

Bị động trước tình thế, các lãnh tụ Đảng quyết định khởi nghĩa với phương châm “không thành công cũng thành nhân”. Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam quốc dân Đảng nổ ra đêm 9-2-1930 ở Yên Bái và một vài địa phương ở Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình đã bị thực dân Pháp nhanh chóng dập tắt. Nguyễn Thái Học cùng nhiều đồng chí của ông đã bị giết hại tại Yên Bái.

Việt Nam quốc dân Đảng trong phong trào dân tộc vừa mới nhen nhóm đã vĩnh viễn chấm dứt. Điều đó phản ánh tính chất non yếu và không vững chắc của phong trào dân tộc dân chủ tư sản Việt Nam. Mặc dù bị thất bại, cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã góp phần cổ vũ lòng yêu nước và chí căm thù giặc của nhân dân ta.

5. Các phong trào đấu tranh đòi cải cách dân chủ khác

Giai cấp tư sản Việt Nam sinh ra trong quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, tiềm lực kinh tế nhỏ yếu, lại bị thực dân Pháp và tư sản mại bản Hoa Kiều cạnh tranh. Năm 1919 đã tư sản Việt Nam dấy lên phong trào “tẩy chay các chú” ở Sài Gòn. Năm 1923, nổ ra cuộc đấu tranh chống sự độc quyền xuất nhập khẩu ở cảng Sài Gòn. Cuộc đấu tranh đó đã lôi cuốn đông đảo thanh niên, trí thức, tư sản và tiểu tư sản vùng lên đấu tranh và có tiếng vang lớn đến chính giới Pháp.

Năm 1924, Đảng Lập hiến do Bùi Quang Chiêu đứng đầu được thành lập.

Phần lớn đảng viên và cán bộ chủ chốt của Đảng này đều có quốc tịch Pháp. Mục tiêu của họ là xin nhà cầm quyền Pháp ban hành hiến pháp mới với chế độ tự trị trong khuôn khổ của chế độ thực dân. Chính sách của Đảng Lập hiến là hợp tác Pháp-Việt. Năm 1925, Đảng Lập hiến đưa ra tập “Dân nguyện” gửi đến toàn quyền Đông Dương Varen đòi một số quyền tự do dân chủ. Bùi Quang Chiêu còn sang Pháp vận động chính phủ Pháp ban hành một số cải cách dân chủ cho Đông Dương.

Tất cả các chủ trương đó đều thất bại. Cuối cùng Đảng Lập hiến chuyển sang lập trường chính trị phản động, bắt tay với thực dân Pháp.

Năm 1925 có phong trào đấu tranh sôi sục đòi trả lại tự do cho cụ Phan Bội Châu; Tháng 3 năm 1926 có phong trào tổ chức đám tang cho cụ Phan Chu Trinh.

Đây là những dịp biểu dương lòng yêu nước, thức tỉnh tinh thần dân tộc và dân chủ của đông đảo quần chúng thanh niên, học sinh, trí thức và nhiều tầng lớp khác.

Trong bối cảnh đó đã xuất hiện một số tổ chức yêu nước cấp tiến như Việt Nam nghĩa hoà Đoàn (1925) do một nhóm sinh viên trường Cao đẳng Hà Nội như

Tôn Quang Lập, Đặng Thai Mai, Phạm Thiều đứng ra tổ chức. Về sau nhóm này kết hợp với một số nhà yêu nước ở tù ra như Lê Văn Huân, Trần Mộng Bạch, Nguyễn Đình Kiên đổi tên thành Hội Phục Việt rồi đổi thành Hội Hưng Nam.

Đảng Thanh niên được thành lập ở Sài Gòn tháng 3- 1926 do Nguyễn Trọng Hy, Trần Huy Liệu sáng lập. Đảng không có Cương lĩnh, Điều lệ và hệ thống tổ chức. Đảng An Nam độc lập do một số lưu học sinh Việt Nam tại Pháp xuất thân từ các gia đình địa chủ, tư sản lập nên, không có cơ sở trong nước. Hoạt động chủ yếu của họ là diễn thuyết, tuyên truyền cho chủ nghĩa quốc gia dân tộc tư sản.

Những tổ chức trên đây không có đường lối chính trị rõ ràng và tổ chức chặt chẽ, hoạt động rời rạc, không có khả năng tập hợp quần chúng. Tuy vậy hoạt động của các tổ chức đó đã có sức thu hút lớp thanh niên-học sinh và sinh viên đi theo.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG sự RA đời của ĐẢNG CỘNG sản VIỆT NAM (Trang 108 - 112)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(162 trang)
w