B. GIỚI THIỆU TÁC PHẨM "ĐƯỜNG KÁCH MỆNH"
II. NHỮNG BIẾN ĐỔI VỀ KINH TẾ – XÃ HỘI VIỆT NAM
Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp với sự du nhập hạn chế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong quá trình khai thác đã tác động làm cho cơ cấu kinh tế xã hội Việt Nam biến đổi sâu sắc, toàn diện. Nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến nhất định theo hướng tư bản. Tuy nhiên, do mục đích và âm mưu của thực dân Pháp, nền kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc và kìm hãm trong tình trạng lạc hậu.
Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai với khoản đầu tư ngày càng lớn và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa du nhập ngày càng sâu, đã tạo ra bước phát triển mới trong các ngành kinh tế của tư bản Pháp ở Đông Dương. Sự thâm nhập đó dẫn tới sự tan rã dần của nền kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc ở nông thôn và làm cho nền kinh tế hàng hoá ở Việt Nam có điều kiện phát triển.
Mục đích của Pháp không thay đổi trong chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai là không nhằm phát triển công nghiệp ở Việt Nam, mà biến Việt Nam thành thị trường cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ hàng hoá cho chính quốc. Mặt khác, vì Pháp vẫn tiếp tục sử dụng giai cấp địa chủ phong kiến cùng với phương
thức bóc lột của nó, duy trì quan hệ sản xuất phong kiến. Vì vậy tác động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được du nhập vào Việt Nam rất hạn chế.
Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã phân tích chính sách đó của thực dân Pháp xấu hơn so với chính sách của Anh ở Bắc Mỹ.
Trong điều kiện như vậy, Việt Nam không thể có nền kinh tế dân tộc phát triển bình thường lên tư bản chủ nghĩa, mà trở thành xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Dẫu có tồn tại phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dưới hình thái thực dân, nhưng nền kinh tế lệ thuộc do sự kết hợp giữa phương thức bóc lột tư bản Pháp với phương thức bóc lột phong kiến.
2. Những biến đổi về xã hội
Chính sách kinh tế, cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình kinh tế và còn gây những biến đổi sâu sắc về xã hội ở Việt Nam cả về tính chất và cơ cấu giai cấp- xã hội.
Sự biến chuyển trong chế độ sở hữu ruộng đất thể hiện rõ nhất ở nông thôn Việt Nam. Nông dân Việt Nam khoảng 90% dân số lúc đó. Chính sách chiếm ruộng để phát canh thu tô đã làm cho nông dân phá sản, đi làm thuê trong các mỏ, đồn điền hoặc đi phu ngày càng đông. Họ bị đế quốc, phong kiến, địa chủ và tư sản áp bức, bóc lột... nên có nhiều mâu thuẫn sâu sắc với đế quốc và phong kiến.
Thực dân Pháp vẫn duy trì địa chủ ở nông thôn làm cơ sở cho bóc lột. Do đó, giai cấp địa chủ phong kiến nay đông đảo hơn và bị phân hoá thành tiểu, trung và đại địa chủ. Trong đó, bộ phận nhỏ là đại địa chủ, giàu có lên nhờ dựa vào Pháp,xu hướng chống lại cách mạng. Bộ phận lớn là trung tiểu địa chủ, bị đế quốc chèn ép, đụng chạm tới quyền lợi, nên ít nhiều có tinh thần chống đế quốc, họ sẵn sàng tham gia phong trào yêu nước khi có điều kiện.
Ngoài hai giai cấp trên, từ trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, ra đời một giai cấp mới là giai cấp công nhân. Đó là những người lao động làm việc trong các hầm mỏ, đồn điền, công trường, xí nghiệp công nghiệp, các ngành giao thông.
Năm 1906, ở Nam Kỳ có 2.500 công nhân, trung Kỳ có 4.500 công nhân, ở Bắc Kỳ có 2000 công nhân. Năm 1914 công nhân cả nước có khoảng 10 vạn nhưng tăng lên khá nhanh. Công nhân Việt Nam, vừa bị tư bản Pháp bóc lột về kinh tế, vừa phải chịu thân phận của người dân mất nước, cho nên sớm có tinh thần đấu tranh chống đế quốc và phong kiến. Họ sớm có tinh thần đoàn kết, gắn bó với nông dân.
Cùng với qua trình phát triển của lịch sử, họ có đủ điều kiện để trở thành một giai cấp độc lập. Tuy nhiên, giai cấp công nhân Việt Nam đầu thế kỷ vẫn còn ít ỏi, phong trào của họ đang ở trình độ tự phát, đấu tranh chủ yếu nhằm mục đích kinh tế. Sự ra đời của giai cấp công nhân trước giai cấp tư sản dân tộc là một đặc điểm
riêng của xã hội Việt Nam. Đặc điểm đó là một yếu tố khách quan quy định sứ mệnh lịch sử cao cả của giai cấp công nhân Việt Nam sau này.
Việc tăng cường khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã làm cho các đô thị Việt Nam phát triển nhanh chóng. Một số thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Chợ Lớn... sầm uất hơn. Sự phát triển của các đô thị và công thương nghiệp đã làm xuất hiện tầng lớp tư sản. Vì có quyền lợi kinh tế gắn liền với Pháp, họ cùng Pháp bóc lột nhân dân. Tuy nhiên, họ cũng bị Pháp chèn ép nên chỉ giữ vai trò hạn chế trong kinh doanh.
Tầng lớp tiểu tư sản gồm tiểu thương, viên chức, trí thức, học sinh... giờ đây tăng nhanh hơn trước. Đời sống của họ tuy khá hơn công nhân, nông dân nhưng họ cũng bị áp bức về chính trị, bấp bênh về kinh tế, bị chèn ép về chuyên môn. Họ đều hiểu rõ nỗi nhục mất nước, có tinh thần dân tộc nên sớm gắn bó với công nông.
Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính chất xã hội Việt Nam. Việt Nam từ một xã hội phong kiến thuần tuý đã biến thành một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến.
Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, các giai cấp xã hội cũ (địa chủ phong kiến và nông dân) phân hoá sâu sắc hơn; những tầng lớp xã hội mới (tư sản, tiểu tư sản) nảy sinh trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, phát triển và trở thành giai cấp thực sự; giai cấp công nhân trưởng thành và trở thành giai cấp tự giác. Trong sự phát triển ngày một cao của cuộc đấu tranh dân tộc, sự phân hoá, phát triển của mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp trong xã hội với địa vị và quyền lợi khác nhau cũng ngày một thay đổi rõ rệt.
Giai cấp địa chủ phong kiến tiếp tục phân hoá thành hai bộ phận với hai thái độ chính trị khác nhau trước kẻ thù và trong cuộc đấu tranh dân tộc.
Giai cấp tư sản ra đời sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, tầng lớp tư sản, phần đông là lớp người làm trung gian cho tư bản Pháp, khi đã kiếm được số vốn khá, đứng ra kinh doanh riêng, lập công ty một số ngành công thương, trở thành nhà tư sản. Tuy nhiên, giai cấp tư sản Việt Nam vừa mới ra đời đã bị ngay tư sản Pháp chèn ép, kìm hãm, làm lệ thuộc, nên số lượng ít, thế lực kinh tế yếu, nặng về thương nhiệp, không đương đầu nổi với sự cạnh tranh của tư bản Pháp. Vốn tư bản Việt Nam chỉ bằng 5% vốn tư bản nước ngoài.
Giai cấp tư sản Việt Nam phát triển đến mức độ nhất định đã phân hoá thành hai bộ phận. Một bộ phận là tư sản mại bản có quyền lợi gắn với đế quốc, nên câu kết chặt chẽ về chính trị với chúng, chống lại dân tộc. Một bộ phận khác là tư sản dân tộc có khuynh hướng kinh doanh độc lập, phát triển kinh tế dân tộc, nên ít
nhiều có tinh thần dân tộc, dân chủ chống đế quốc và phong kiến phản động, nhưng lập trường không kiên định, dễ dàng thoả hiệp, cải lương khi đế quốc mạnh.
Giai cấp tiểu tư sản cũng bị đế quốc bạc đãi, khinh rẻ, đời sống bấp bênh, gặp khó khăn, dễ đứng trước nguy cơ bị phá sản hoặc thất nghiệp. Phần đông trong giai cấp này là những trí thức, sinh viên, học sinh. Trong xã hội họ là bộ phận có điều kiện tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng, văn hoá tiến bộ bên ngoài, nên nhạy bén với tình hình chính trị, có tinh thần cách mạng, hăng hái đấu tranh, và là một lực lượng quan trọng trong cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta.
Giai cấp nông dân tiếp tục là nạn nhân trực tiếp của chính sách chiếm đoạt ruộng đất, chính sách sưu thuế, địa tô, phu phen, tạp dịch dưới chế độ thực dân phong kiến. Họ tiếp tục bị bần cùng hoá và phá sản trên quy mô lớn. Tuy nhiên, quá trình bần cùng hoá của giai cấp nông dân Việt Nam diễn ra không giống như nhiều bước tư bản trên thế giới, nghĩa là quá trình đó không đi liền với quá trình công nhân hoá toàn bộ. Bởi vì, số đô thị và trung tâm công nghiệp mọc ra không nhiều, trong lúc số nhân công dư thừa ở nông thôn khấ đông đảo. Chỉ có bộ phận nhỏ rời làng quê tìm được việc làm, được thu nhận vào làm trong các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, còn bộ phận lớn phải ở lại làng quê sống cuộc đời tá điền với chủ điền mới ngay trên mảnh ruộng cũ của mình. Giai cấp nông dân chiếm 90% dân số, vốn giàu lòng yêu nước, có tinh thần chống đế quốc và phong kiến, là lực lượng hăng hái và đông đảo nhất của cách mạng.
Giai cấp công nhân ra đời từ trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất và phát triển nhanh về số lượng và chất lượng trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp. Tổng số công nhân ở nước ta từ 10 vạn năm 1914 tăng lên 22 vạn năm 1929, phần lớn tập trung tại các trung tâm kinh tế quan trọng của Pháp là các vùng mỏ, đồn điền cao su và các thành phố công nghiệp như Hà Nội, Sài Gòn – Chợ Lớn, Hải Phòng, Nam Định.
Ngoài những đặc điểm chung của giai cấp công nhân quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam có những đặc điểm riêng. Giai cấp công nhân Việt Nam là con đẻ của sự du nhập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, chịu ba tầng áp bức bóc lột của đế quốc, phong kiến, tư sản bản xứ, có quan hệ tự nhiên gắn bó với giai cấp nông dân, kế thừa truyền thống yêu nước anh hùng, bất khuất của dân tộc. Đặc biệt, vừa lớn lên, giai cấp công nhân Việt Nam đã tiếp thu ngay chủ nghĩa Mác – Lênin và chịu ảnh hưởng của cách mạng Tháng Mười Nga và phong trào cách mạng thế giới sau chiến tranh.
Giai cấp công nhân Việt Nam với hoàn cảnh ra đời và phát triển, cùng với những đặc điểm của mình là giai cấp yêu nước, cách mạng, cùng với giai cấp nông dân làm thành hai động lực chính, sớm trở thành lực lượng chính trị độc lập, tự
giác, thống nhất trong cả nước. Trên cơ sở đó nhanh chóng vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng, đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai.
Chính sách thống trị của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam thay đổi, từ một xã hội phong kiến độc lập, Việt Nam trở thành một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Nhân dân ta bị bần cùng hoá, công nhân, nông dân nghèo đói, tiểu tư sản phá sản, trí thức thất nghiệp, tư sản dân tộc, địa chủ nhỏ và vừa bị chén ép.
Mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt. Trong xã hội Việt Nam lúc này tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản: Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam, chủ yếu là giữa nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. Mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Độc lập dân tộc và người cày có ruộng là hai yêu cầu cơ bản của xã hội Việt Nam thuộc địa nửa phong kiến, nhưng độc lập dân tộc là yêu cầu chủ yếu trước mắt, phản ánh nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp, giai cấp trong dân tộc. Những thay đổi đó đã tạo ra những điều kiện bên trong cho một cuộc vận động giải phóng dân tộc theo hướng mới từ đầu thế kỷ XX.
CHƯƠNG VII
CÁC PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VIỆT NAM THEO KHUYNH HƯỚNG PHONG KIẾN VÀ TƯ SẢN CUỐI THẾ KỶ XIX, ĐẦU THẾ KỶ XX
Cuối thế kỷ XIX, sau khi hoàn thành việc xâm lược, thực dân Pháp thực hiện chính sách khai thác thuộc địa ở Việt Nam. Trong lòng xã hội Việt Nam xuất hiện hai mâu thuẫn cơ bản. Một là, mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược; hai là, mâu thuẫn giữa nhân dân lao động, chủ yếu là nông dân với địa chủ phong kiến. Hai mâu thuẫn này diễn ra ngày càng gay gắt. Mâu thuẫn dân tộc đến cực điểm là nguyên nhân chính làm bùng nổ các phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.