B. GIỚI THIỆU TÁC PHẨM "ĐƯỜNG KÁCH MỆNH"
I. HỘI VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN
2. Quá trình hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên
Hoạt động quan trọng đầu tiên của Hội là mở các lớp huấn luyện chính trị, bồi dưỡng cho hội viên những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, về đường lối cách mạng và phương pháp tổ chức quần chúng. Chỉ trong 2 năm (1925-1927), Hội đã đào tạo được khoảng 300 Hội viên. Sau các khoá đào tạo, huấn luyện, phần lớn Hội viên trở lại đất nước hoạt động.
Cuối năm 1928, Hội đưa chủ trương “vô sản hoá”. Nhiều cán bộ của Hội đã sống và cùng lao động với công nhân trong các xí nghiệp, nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để tuyên truyền và vận động cách mạng. Năm 1929, số Hội viên lên tới gần 1.700 người. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã có ảnh hưởng và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của phong trào công nhân, phong trào yêu nước, đưa lý luận Mác-Lênin và tôn chỉ mục đích đấu tranh của Hội vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Sự hoạt động tích cực của các Hội viên trong phong trào “vô sản hoá” đã thúc đẩy phong trào công nhân phát triển trên quy mô lớn. Từ tổ chức công hội đầu tiên ở Ba Son (Sài Gòn, 1925) đã thúc đẩy việc thành lập các tổ chức công hội ở nhà máy xe lửa Trường Thi (Vinh,Nghệ An); Công hội nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy dệt Nam Định và công hội ở các mỏ than Mạo Khê, Hồng Gai,...
Ngày 28/07/1929, Tổng công hội Bắc Kỳ thành lập, tiếp đó, tháng 10/1929, Tổng công hội Nam Kỳ cũng ra đời.
Năm 1927, các kỳ bộ ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ của Hội lần lượt ra đời.
Tổ chức cơ sở của Hội được xây dựng ở nhiều tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre,...
Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào nông dân, đóng vai trò quyết định làm cho phong trào nông dân ngày càng gắn bó với phong trào công nhân. Trong việc xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ, Hội coi trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Chủ nghiã Mác-Lênin, đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đã được đưa vào giảng dạy tại các khoá đào tạo cán bộ cho cách mạng Đông Dương.
Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu được xuất bản thành cuốn sách “Đường Kách mệnh”. Trong tác phẩm quan trọng này, những nét phác thảo về một cương lính chính trị được hình thành có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cách mạng Việt Nam.
Mở đầu, tác phẩm đã thiệu các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới và cho rằng cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp là cách mạng không đến nơi. Chỉ có cách mạng Nga là thành công và thành công đến nơi. Theo Người, cuộc cách mạng ở Việt Nam sẽ theo con đường cách mạng Tháng Mười vĩ đại, Thế mới khỏi hy
sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc. Tác phẩm còn chỉ rõ tư cách một người cách mạng; đối tượng đấu tranh của cách mạng Việt Nam là tư bản đế quốc chủ nghĩa và phong kiến địa chủ tay sai; xác định lực lượng công nông là gốc, là chủ của cách mạng. Còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là bầu bạn cách mạng của công nông. Cách mạng là công việc chung cả dân chúng chứ không phải là việc một hai người. Cách mạng trước hết phải làm cho dân giác ngộ, dân hiểu, phải bày sách lược cho dân. Cách mạng An Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Cách mạng muốn thắng lợi cần thiết phải có Đảng cách mạng.
Sự ra đời và hoạt động của Hội VNCMTN đã tác động mạnh mẽ, thúc đẩy và tạo ra bước ngoặt của phong trào cách mạng Việt Nam. Hội đã đóng vai trò quyết định nhất truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam làm cho phong trào công nhân nhanh chóng trưởng thành từ tự phát thành tự giác và mang tính chất chính trị theo khuynh hướng vô sản rõ nét.
Hội VNCMTN là một tổ chức cách mạng theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Hội tập hợp những thanh niên, sinh viên, tiểu tư sản trí thức đào tạo cán bộ, phát triển hội viên. Dưới sự dẫn dắt và đào tạo của Nguyễn Ái Quốc, họ đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản.
Hoạt động của Hội VNCMTN chứng tỏ chủ nghĩa Mác-Lênin không những thâm nhập vào phong trào công nhân mà còn lôi cuốn một lớp người Việt Nam yêu nước, giác ngộ họ theo phương hướng cách mạng vô sản. Khuynh hướng cách mạng giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản đã chiến thắng trước tất cả các xu hướng khác. Hệ tư tưởng của giai cấp công nhân Việt Nam là chủ nghĩa Mác- Lênin đã được dần được hình thành. Hội VNCMTN đã trực tiếp chuẩn bị về tư tưởng, lý luận chính trị và tổ chức cho việc thành lập chính Đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam.
Hội VNCMTN đã góp phần huấn luyện, đào tạo lớp cán bộ đầu tiên của Đảng. Nhiều cán bộ đã được huấn luyện, đào tạo trở về nước, xây dựng và phát triển phong trào. Trong số cán bộ được đào tạo ở Quảng Châu có nhiều người được chọn đi học ở Trường đại học phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập,..., một số được cử đi học quân sự ở Trường Hoàng Phố (Trung Quốc).
Vai trò to lớn của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên gắn liền với tên tuổi và công lao chuẩn bị chu đáo của Nguyễn ái Quốc- Người sáng lập và rèn luyện để
cho nó hoàn thành nhiệm vụ lịch sử là tổ chức tiền thân, tổ chức quá độ cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam.