TÂN VIỆT CÁCH MẠNG ĐẢNG

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG sự RA đời của ĐẢNG CỘNG sản VIỆT NAM (Trang 139 - 144)

B. GIỚI THIỆU TÁC PHẨM "ĐƯỜNG KÁCH MỆNH"

II. TÂN VIỆT CÁCH MẠNG ĐẢNG

1. Sự thành lập, mục tiêu và hình thức tổ chức hoạt động

Tân Việt cách mạng Đảng (Đảng Tân Việt) ra đời và hoạt động ở trong nước, chủ yếu ở Trung Kỳ, là kết quả của sự phân hoá trong nội bộ các nhóm tiểu tư sản và tư sản dân tộc Việt Nam. Đảng này lúc đầu do một số trí thức có xu hướng cộng sản sáng lập ra. Nhưng do thiếu kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và do hạn chế về ý thức hệ nên họ không đề ra được chương trình hành động và không tự tổ chức thành một Đảng cách mạng.

Tiền thân của Tân Việt cách mạng Đảng là Hội Phục Việt thành lập tháng 7- 1925. Năm 1926, do bị lộ sau lần rải truyền đơn đòi nhà cầm quyền Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (11-1925), Hội Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam.

Để bàn về việc hợp nhất không thành công, tháng 7-1926, Hội Hưng Nam đổi tên thành Việt Nam cách mạng Đảng. Trong những năm 1926 đến 1928, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Việt Nam cách mạng Đảng nhiều lần triệu tập hội nghị hợp nhất nhưng không thành. Năm 1927 Việt Nam cách mạng Đảng lại đổi thành Việt Nam cách mạng đồng chí Hội (1927).

Sau đó, nhiều hội viên của Việt Nam cách mạng đồng chí Hội (viết tắt là VNCMĐCH) đi dự lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu và chuyển sang Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Ngày 14- 7-1928, VNCMĐCH họp đại hội ở Huế, quyết định đổi tên thành Tân Việt cách mạng Đảng và tự tuyên bố độc lập với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên về phương diện tổ chức.

Mục tiêu hoạt động của VNCMĐCH. Do ra đời trong điều kiện Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ngày càng phát triển, lý luận Mác-Lênin và tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc đang ảnh hưởng mạnh mẽ nên Tân Việt cách mạng Đảng chủ trương liên hợp với các đồng chí trong và ngoài nước; trong thì dẫn đường cho quần chúng công, nông binh; ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức để đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái mới. Mục đích của cuộc cách mạng là làm cuộc cách mạng chính trị để đánh đổ đế quốc và phong kiến, dựng lên chính phủ cộng hoà, đem lại quyền tự do dân chủ cho mọi người.

Hình thức tổ chức của Tân Việt cách mạng Đảng: Tân Việt lấy cơ quan làm việc cấp tỉnh làm đơn vị. Nơi nào chưa có đảng viên thì cử người ở ban huấn luyện đến phụ trách và tổ chức ra những đoàn thể hợp pháp. Trên cơ sở đó, tổ chức ra một tiểu tổ bí mật từ 5 đến 6 người. Trong tỉnh, đây là cơ quan chấp hành tạm thời.

Cách tổ chức này gọi là tổ chức từ trên xuống. Tổ chức đoàn thể thì lấy tiểu tổ làm

đơn vị, mỗi tiểu tổ từ 5 đến 6 người nhưng không quá 6 người. Năm tiểu tổ hợp thành một đại tổ gồm 30 người. Nơi nào có một đại tổ thì cử cơ quan chấp hành chính thức. Cách này gọi là phép tổ chức từ dưới lên.

Các đại biểu đại tổ trong một tỉnh họp tổ chức ra chuyên đoàn uỷ hội. Đại biểu tỉnh chuyên đoàn trong các tỉnh họp tổ chức ra liên tỉnh chuyên đoàn uỷ hội.

Sau đó, tổ chức ra trưởng uỷ hội. Một cơ quan thống nhất, mỗi chuyên đoàn có một hội Tổng chấp hành uỷ viên.

Về Đảng bộ: Đặt Tổng bộ coi cả nước. Đặt kỳ bộ trong mỗi kỳ để coi việc toàn kỳ phụ thuộc tổng bộ, sau đó đến Liên tỉnh bộ, tỉnh bộ. Đặt tiểu tổ, đại tổ trong các địa hạt và các cơ quan sản nghiệp. Trong nước chia làm 3 kỳ, 10 liên tỉnh có bí danh riêng. Bắc kỳ (bí danh là Nhân kỳ) đặt Đảng bộ ở Hà Nội, gồm 3 liên tỉnh.

Liên tỉnh Cửu Phú đặt Đảng bộ ở Phú Thọ, gồm 9 tỉnh: Phú Thọ, Lao Kay, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Sơn Tây, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang.

Liên tỉnh Thập Hà đặt Đảng bộ ở Hà Nội, gồm 10 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phủ Lạng Thương, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Đông, Bắc Kạn, Ninh Bình, Hà Nam.Liên tỉnh Lục Hải đặt Đảng bộ ở Hải Phòng, gồm 6 tỉnh: Móng Cái, Quảng Yên, Kiến An, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên.

Trung kỳ (bí danh làTrí kỳ) đặt Đảng bộ ở Huế, gồm 4 liên tỉnh: Liên tỉnh Lục Hoan đặt Đảng bộ ở Vinh, có sáu tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thà Khẹt, Viêng Chăn, Xuyên Khoảng. Liên tỉnh Ngũ Hoa, đặt Đảng bộ ở Huế, có 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Sa Va Na Khẹt.

Liên tỉnh Tứ Định, đặt Đảng bộ ở Quy Nhơn, có 4 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum.

Liên tỉnh Ngũ Trang, đặt Đảng bộ ở Nha Trang, có 5 tỉnh: Khánh Hoà, Bình Thuận, Phan Thiết, Đồng Nai thượng, Ban Mê Thuột.

Nam kỳ, đặt Đảng bộ ở Sài Gòn có 3 liên tỉnh: Liên tỉnh Lục Can, đặt Đảng bộ ở Cần Thơ, gồm 6 tỉnh: Châu Đốc, Rạch Giá, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long Xuyên, Cần Thơ.

Liên tỉnh Lục Mỹ, đặt Đảng bộ ở Mỹ Tho, có 6 tỉnh: Trà Vinh, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Phnômpênh.

Liên tỉnh Lục Sài, đặt Đảng bộ ở Sài Gòn, có 6 tỉnh: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Bà Rịa, Chợ Lớn, Gia Định.

Cơ quan tổng bộ đặt ở nơi tiện lợi cho việc vận động cách mạng, ít nhất có 4 người thường xuyên có mặt. Một bí thư giấu mặt chuyên giữ các sổ sách giấy tờ bí mật của Đảng. Một bí thư rõ mặt chuyên thu các báo cáo và triệu tập hội nghị. Một tài chính. Một giao thông.

Trong khi còn ít việc thì các bộ khác như điều tra, củ soát (kiểm soát), tuyên truyền, tổ chức, giáo dục, một người có thể kiêm hai, ba bộ như tài chính kiêm tổ chức, giao thông kiêm tuyên truyền. Đặt một liên lạc để chuyên việc liên lạc với các đoàn thể cách mạng trong nước.

Cách tổ chức: Đối với công nhân, nông dân, binh lính: 10 đảng viên thành lập 1 chi bộ, 6 đảng viên đối với trí thức thành lập 1 chi bộ. Có 3 loại chi bộ: Chi bộ xí nghiệp, chi bộ đường phố, và chi bộ làng xã. Mỗi chi bộ do một bí thư lãnh đạo. Ba chi bộ thuộc loại 10 đảng viên hình thành một liên chi bộ, do một bí thư trong các bí thư chi bộ đó lãnh đạo. Năm chi bộ thuộc loại 6 đảng viên cũng hình thành một liên chi bộ. Cách sắp xếp như sau: có chi bộ trại lính, chi bộ xí nghiệp, chi bộ đường phố; chi bộ làng xã. Có uỷ ban tỉnh, liên tỉnh, uỷ ban kỳ, uỷ ban Trung ương

Việc quản lý các tổ chức: Chi bộ có một bí thư được bầu ra trong sáu tháng (có thể được bầu lại). Các uỷ ban được bầu ra bởi các hội nghị tương ứng của Đảng. Các thành viên có thể được bầu lại. Mỗi uỷ ban được bầu ra phải được uỷ ban cấp trên công nhận . Các quyết định của một uỷ ban cấp trên có hiệu lực luật pháp đối với tất cả uỷ ban cấp dưới. Mỗi uỷ ban phân thành tám tiểu ban; tiểu ban thư ký; liên lạc; tuyên truyền; tổ chức; an ninh; cảnh sát; huấn luyện; tài chính. Mỗi uỷ ban có một bí thư mật để giữ các tài liệu hoặc để thay thế bí thư chính thức trong trường hợp bất thường hay bị tù đày; số lượng các thành viên của các uỷ ban lãnh đạo tuỳ thuộc vào tầm quan trọng của công tác.

Chi bộ họp một tuần một lần. Liên chi bộ họp một hay hai lần một tháng.

Khu vực họp một tháng một lần. Hội nghị hàng tỉnh ba tháng một lần. Hội nghị liên tỉnh: ba tháng một lần. Hội nghị kỳ: một năm hai lần. Hội nghị toàn quốc: một năm hai lần. Đại hội toàn quốc: một năm một lần. Các uỷ ban chính trị họp hàng tuần

Chương trình nghị sự của các cuộc họp gồm: báo cáo về công tác đã hoàn thành. Thảo luận về các công việc của Đảng; phân công công tác giữa các đảng viên; nhũng vấn đề địa phương, quốc gia, quốc tế; phát biểu tự do về đường lối chính trị hay về học thuyết; tự phê bình

Đảng viên: Tổng số lượng đảng viên của Đảng cho đến tháng 7 năm 1928 là khoảng 400 đảng viên, số lượng đó đã tăng lên nhiều trong một năm. Tân Việt cách mạng Đảng có đảng viên chính thức và đảng viên dự bị. Đảng viên dự bị phải biểu lộ rõ ràng tư tưởng và thái độ của mình, mọi hành vi phải phù hợp với chủ nghĩa của Đảng, phải có nghĩa vụ chính thức như người đảng viên nhưng được hưởng quyền lợi giáo dục, chỉ được dự hội nghị với người giới thiệu và người tổ chức. Thời kỳ dự bị ít nhất 3 tháng, khi hết thời kỳ dự bị phải có 2 đảng viên chính

thức đủ tư cách làm việc giới thiệu. Nếu không có ai phản đối thì trở thành đảng viên chính thức.

Các đảng viên trong thời kỳ dự bị nếu có tư tưởng và hành vi không phù hợp với Đảng thì đình chỉ tư cách đảng viên. Đủ 18 tuổi được chính thức làm đảng viên.

Điều kiện kết nạp: Tân Việt cách mạng Đảng kết nạp những người tuân thủ đường lối chính trị của Đảng, hoạt động trong tổ chức Đảng và tuân thủ chặt chẽ kỷ luật của Đảng. Đảng viên có quyền thảo luận, bầu cử và ứng cử nhưng họ phải có nghĩa vụ tuân thủ những nghị quyết của Đảng. Họ phải tuyên truyền, giáo dục, học tập, tập hợp quần chúng, thực hiện sự phân công của tổ chức.

Mỗi tháng họp chi bộ một lần và dự các cuộc họp bất thường khác. Đảng viên phải hoà mình trong quần chúng, trong thực tiễn đấu tranh cách mạng nhằm nắm vững tình hình đất nước, nhận rõ kẻ thù và hành vi của các đồng chí mình.

Thông qua hoạt động mà đảng viên tự trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, chống những hành vi sai trái làm tổn hại đến Đảng.

Đối với Đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, tuỳ theo lỗi lầm mắc phải mà đảng viên có thể bị tước bỏ quyền phát biểu và bầu cử trong một hay nhiều kỳ họp, cấm tham gia những cuộc họp trong một thời gian nhất định, có thể bị khai trừ tạm thời, khai trừ vĩnh viễn, cho chuyển đổi nơi công tác, thậm chí bị ám sát nếu phản bội.

2- Hoạt động và vai trò của Tân Việt cách mạng Đảng

Trước tháng 7 năm 1927, Đảng chỉ là một nhóm người không có tổ chức.

Lúc đó, điều lệ cương lĩnh của Đảng không rõ ràng. Công tác xã hội của Đảng không tốt, các đảng viên thường là không hoạt động mà chỉ làm công việc là tuyển chọn các đảng viên mới. Trong thời kỳ này, Đảng chỉ tổ chức quần chúng biểu dương lực lượng, mở lớp học, tổ chức nhiều cuộc bãi khoá ở Vinh, ở Huế...

Sau hội nghị hợp nhất thứ nhất không thành giữa Việt Nam cách mạng thanh niên và Tân việt cách mạng Đảng (7-1927), Đảng vạch ra đường lối cách mạng và Điều lệ rõ ràng hơn và có Uỷ ban Trung ương lâm thời. Đến năm 1928 số lượng đảng viên đã tăng lên đáng kể. Đảng tổ chức được hai lớp giáo dục chính trị cho các đảng viên và in được 15 cuốn sách bằng chữ quốc ngữ. Sau tháng 7- 1928, Đảng tuyên bố độc lập và tổ chức chặt chẽ hơn. Thành lập ra một Uỷ ban Trung ương chính thức. Tất cả các tổ chức của các cấp khác nhau của Đảng đều có nhiệm vụ. Mỗi đảng viên được phân công một công tác nhất định của Đảng.

Tân Việt cách mạng Đảng ra đời khi sự đấu tranh giữa hai khuynh hướng cải lương và cách mạng diễn ra sâu sắc trong nội bộ Đảng. Một số đảng viên tiên tiến đã ngả theo lập trường vô sản của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Số đảng viên tiên tiến còn lại đã chuẩn bị những điều kiện để tiến tới thành lập một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân theo chủ nghĩa Mác-Lênin.

Sự ra đời và hoạt động của Tân Việt cách mạng Đảng cũng Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam phát triển.

Những năm 1926-1927, mỗi năm có hàng chục cuộc bãi công. Trong 2 năm 1928- 1929 nổ ra hơn 40 cuộc bãi công ở nhà máy Xi măng Hải Phòng, nhà máy Sơn Nam Định, nhà máy Diêm và Cưa Bến Thủy…

Tân Việt cách mạng Đảng đã góp phần nhất định đào tạo lớp cán bộ đầu tiên của Đảng, làm cho phong trào công nhân nhanh chóng trưởng thành theo khuynh hướng vô sản. Tân Việt cách mạng Đảng là một trong những tổ chức tiền thân, tổ chức quá độ cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam.

CHƯƠNG X

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG sự RA đời của ĐẢNG CỘNG sản VIỆT NAM (Trang 139 - 144)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(162 trang)
w