2.3.1. Khái niệm khách quan và chủ quan
Từ điển tiếng Việt giải thích, khách quan được hiểu là “cái tồn tại bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức, ý muốn của con người, trong quan hệ đối lập với chủ quan”1. Chủ quan được hiểu là “ý thức, tinh thần của con người, trong quan hệ đối lập với khách quan”2. Theo Từ điển triết học, khách quan được hiểu là
“thuộc về khách thể hay do khách thể quyết định. Khi áp dụng vào các khách thể hiện thực thì khái niệm đó có nghĩa là những đối tượng, những đặc tính và những quan hệ tồn tại ở bên ngoài chủ thể và không phụ thuộc vào chủ thể. Áp dụng vào các biểu tượng, khái niệm hay phán đoán thì nó chỉ ra nguồn gốc của tri thức chúng ta, cơ sở vật chất của tri thức đó”3. Chủ quan được hiểu là “không được quan niệm là tình trạng bên trong (tâm lý) của chủ thể, đối lập với khách thể, mà được quan niệm là cái phái sinh của hoạt động của cái chủ thể tiếp thu nội dung của khách thể dưới các hình thức của hoạt động đó”4.
1 Hoàng Phê (2009), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Hà Nội, tr.629.
2 Hoàng Phê (2009), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Hà Nội, tr.242.
3 Từ điển triết học (1986), Nxb Tiến bộ, Mát – xcơ – va, 1986, tr.273.
4 Từ điển triết học (1986), Nxb Tiến bộ, Mát – xcơ – va, 1986, tr.93.
47
Có nhiều quan điểm khác nhau về khách quan/ tính khách quan và chủ quan/
tính chủ quan. Quan điểm thứ nhất, khách quan là tất cả những gì tồn tại bên ngoài ý thức (chủ thể). Theo quan điểm này thì khách quan về cơ bản là đồng nhất với vật chất. Chủ quan là cái chỉ thuộc về ý thức, chỉ có trong chủ thể, nằm trong chủ thể nó có thể được hiểu: thứ nhất, những cái thuộc về thế giới bên trong chủ thể được đưa lại một cách trực tiếp cho chủ thể; thứ hai, những cái bị quyết định, phản ánh đặc điểm bản chất của chủ thể và những khía cạnh thuộc tính của thế giới bên trong của chủ thể; thứ ba, tính tích cực của chủ thể gây nên việc biến đổi cái chủ quan thành cái khách quan. Theo quan điểm thứ nhất, trong công cuộc đổi mới của nước ta, khách quan là điều kiện kinh tế, chính trị của thế giới, sự ủng hộ của các nước trong khu vực đối với công cuộc đổi mới. Chủ quan là phẩm chất của con người Việt Nam: cần cù, chịu khó, sáng tạo trong đổi mới.
Quan điểm thứ hai, khách quan dùng để chỉ tất cả những gì tồn tại không phụ thuộc vào một chủ thể xác định, hợp thành một hoàn cảnh hiện thực, thường xuyên tác động đến việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của chủ thể đó (điều kiện - khả năng - quy luật khách quan). Chủ quan dùng để chỉ tất cả những gì cấu thành phẩm chất, năng lực của một chủ thể nhất định, phản ánh vai trò của chủ thể ấy đối với những hoàn cảnh hiện thực khách quan trong hoạt động nhận thức và cải tạo khách thể (phẩm chất - năng lực). Các xu thế lớn của thế giới: hòa bình, toàn cầu hóa, ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trở thành tính khách quan của công cuộc đổi mới. Các nhân tố thuộc phẩm chất, năng lực của người Việt Nam là những nhân tố chủ quan của công cuộc đổi mới.
Như vậy, khách quan là nói đến tất cả những gì tồn tại độc lập, bên ngoài và không lệ thuộc vào chủ thể hoạt động. Khách quan bao gồm những điều kiện, khả năng và quy luật khách quan. Chủ quan bao gồm tất cả những gì cấu thành và phản ánh trình độ phát triển về phẩm chất và năng lực của một chủ thể nhất định.
Nói đến chủ quan là nói đến sức mạnh hiện thực bên trong của chủ thể.
Đối với mỗi sự vật, hiện tượng, quá trình, xác định đúng đắn tính khách quan, chủ quan có ý nghĩa quan trọng, giúp cho con người chủ động đánh giá được sự tác động của các nhân tố đến sự phát triển của sự vật.
48
2.3.2. Mối quan hệ giữa khách quan và chủ quan
Về mối quan hệ khách quan và chủ quan, cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, cái khách quan quyết định cái chủ quan ở khâu ý thức. Quan điểm thứ hai cho rằng, cái khách quan quyết định cái chủ quan cả ở khâu ý thức lẫn hành động dưới sự điều khiển của ý thức đó, quyết định cả những công cụ, phương tiện, phương thức thực hiện hành động. Chủ quan, nhân tố chủ quan có logic phát triển nội tại của mình, có tác động trở lại cái khách quan, nhân tố khách quan, điều kiện khách quan hướng đến phá bỏ nới rộng ranh giới cái khách quan nhưng không thể vượt qua những giới hạn đó.
Khách quan và chủ quan là hai mặt, hai yếu tố không thể tách rời trong mọi hoạt động của mỗi chủ thể. Trong mối quan hệ giữa khách quan và chủ quan thì suy đến cùng, khách quan bao giờ cùng là cơ sở, tiền đề và giữ vai trò quyết định chủ quan. Bởi vì, các điều kiện, khả năng và quy luật khách quan, không những luôn tồn tại độc lập không lệ thuộc vào chủ thể, luôn buộc chủ thể phải tính đến trước tiên trong mọi hoạt động, mà còn là cội nguồn làm nảy sinh mọi tri thức, tình cảm, ý chí và nguyện vọng của chủ thể.
Khách quan quy định nội dung và sự vận động biến đổi của chủ quan.
Không phải thế giới khách quan khuôn theo ý chí, nguyện vọng chủ quan của con người, mà trái lại, ý chí, nguyện vọng của con người chỉ đúng khi nó phản ánh được sự vận động biến đổi của những điều kiện, khả năng và quy luật vốn có của thế giới khách quan. Trong khi khẳng định khách quan là nhân tố có vai trò quyết định, triết học Mác - Lênin không những không phủ nhận mà còn đánh giá cao vai trò của tính năng động chủ quan.
2.3.3. Ý nghĩa phương pháp luận trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam Nghiên cứu về vật chất, ý thức, mối quan hệ vật chất và ý thức, khách quan, chủ quan, chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định vật chất tồn tại khách quan bên ngoài ý thức con người và không lệ thuộc vào ý thức con người; ý thức chỉ là sản phẩm của vật chất, phản ánh chủ động, sáng tạo thế giới khách quan “là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”. Tuy vậy, ý thức có tính độc lập tương đối tác động trở lại vật chất thông quan hoạt động của con người. Trong mối quan hệ giữa khách quan và chủ quan thì khách quan quyết định chủ quan.
Đây chính là nội dung khoa học, cách mạng định hướng và chỉ đạo hoạt động của con người. Theo đó, vận dụng mối quan hệ vật chất, ý thức và khách quan, chủ quan trong xây dựng đời sống vật chất và tinh thần ở nước ta, con người cần quán triệt các bài học phương pháp luận sau:
49
Nguyên tắc khách quan (tôn trọng và tuân theo quy luật khách quan)
Quán triệt bài học này, tổng kết kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, Đảng ta khẳng định: mọi đường lối, chủ trưởng của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Điều đó có nghĩa, mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng xuất phát và phản ánh đúng quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, không phải là ý muốn chủ quan của cá nhân, tập thể nào; đường lối, chủ trương phải đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của quần chúng nhân dân. Quá trình triển khai chủ trương, đường lối của Đảng phải gắn với điều kiện vật chất cụ thể của các địa phương, đồng thời phải phát huy tính đoàn kết của quần chúng nhân dân. Quần chúng nhân dân là lực lượng vật chất để biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành hiện thực.
Phát huy tính năng động chủ quan của con người
Con người là chủ thể của nhận thức và hoạt động thực tiễn. Đồng thời với nguyên tắc trên, cần phải quan tâm đến con người, chú trọng phát huy tính năng động chủ quan của con người. Nói đến tính năng động chủ quan của con người chính là nói tới việc phát huy vai trò của ý thức trong việc phản ánh, nhận thức bản chất, quy luật khách quan của sự vật, hiện tượng, nhu cầu, lợi ích của quần chúng nhân dân, làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chính sách, chủ trương.
Ngoài ra, phát huy tính năng động chủ quan của con người cũng cần phải chú ý tới việc phát huy của các nhân tố thể chất, trí tuệ, tâm lý, tình cảm, kinh nghiệm, phương pháp ....của con người trong quá trình triển khai và hiện thực hóa mọi chủ trương, đường lối, chính sách.
Nhận thức sâu sắc bài học này, trong thực tiễn, Đảng ta lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; khơi dậy trong nhân dân lòng yêu nước, ý chí quật cường, phát tuy tài trí của người Việt Nam. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân...chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính”1.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.738.
50
Ngoài việc tập trung phát triển các phẩm chất, năng lực của con người, phát huy nguồn lực con người còn cần phải tập trung phát triển giáo dục và đào tạo, coi đây là “quốc sách hàng đầu”. Đảng ta khẳng định: “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.
Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển”1.
Đây là hai bài học phương pháp luận quan trọng trong nhận thức và vận dụng nội dung khoa học của phép biện chứng duy vật trong thực tiễn.
CÂU HỎI ÔN TẬP
Câu 1. Bản thể luận là gì? Nhận xét, đánh giá về bản thể luận trong triết học phương Đông và phương Tây.
Câu 2. Phân tích cách tiếp cận và giải quyết vấn đề bản thể luận trong triết học Mác – Lênin.
Câu 3. Phân tích định nghĩa vật chất của Lenin. Đánh giá cống hiến của Lenin về vật chất.
Câu 4. Khách quan là gì? Chủ quan là gì? Cho thí dụ minh họa.
Câu 5. Phân tích mối quan hệ khách quan và chủ quan trong công cuộc đổi mới ở nước ta.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.739.
51