Chương 4. CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
4.1. Phương pháp tiếp cận về hình thái kinh tế - xã hội
4.1.2 Phương pháp tiếp cận của triết học Mác-Lênin
Triết học Mác đã tìm ra cách tiếp cận hoàn toàn mới trong việc nghiên cứu xã hội, từ con người hiện thực tức là xuất phát từ đời sống hiện thực của họ. Marx khẳng định: “Hoàn toàn trái với triết học Đức là triết học từ trên trời đi xuống đất, ở đây chúng ta từ dưới đất đi lên trời, tức là chúng ta không xuất phát từ những điều mà con người nói, tưởng tượng, hình dung, chúng ta cũng không xuất phát từ những con người chỉ tồn tại trong lời nói, trong ý nghĩ, trong tưởng tượng, trong biểu tượng của người khác, để từ đó mà đi tới những con người bằng xương, bằng thịt; không, chúng ta xuất phát từ những con người đang hành động hiện thực và chính là cũng xuất phát từ quá trình đời sống hiện thực của họ mà chúng ta mô tả sự phát triển của những phản ánh tư tưởng và tiếng vang tư tưởng của quá trình đời sống ấy”. Marx xuất phát từ con người hiện thực để giải thích toàn bộ đời sống xã hội và lịch sử: “Con người hiện thực là con người bằng xương bằng thịt đang sống và hoạt động trong những điều kiện lịch sử nhất định với những quan hệ xã hội hiện thực của nó và được quy định bởi những điều kiện vật chất khách quan, tồn tại không phụ thuộc và ý chí của nó”. Xuất phát đời sống hiện thực của con người, Marx đã đi đến xác định tiền đề đầu tiên: “Những tiền đề xuất phát của chúng tôi không phải là những tiền đề tùy tiện, không phải là giáo điều; đó là những tiền đề hiện thực mà người ta chỉ có thể bỏ qua trong trí tưởng tượng thôi. Đó là những cá nhân hiện thực, là hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ, những điều kiện mà họ thấy có sẵn cũng như những điều kiện do hoạt động của chính họ tạo ra. Như vậy, những tiền đề ấy là có thể kiểm nghiệm được bằng con đường kinh nghiệm thuần túy”1 và “Tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại thì dĩ nhiên là sự tồn tại của những cá nhân con người sống”2. Từ đó Marx đi đến kết luận: “người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải
1 C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.28.
2 C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.29.
121
có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất”. Đây cũng là điểm phân biệt con người với con vật: “Có thể phân biệt con người với súc vật, bằng ý thức, bằng tôn giáo, nói chung bằng bất cứ cái gì cũng được. Bản thân con người bắt đầu bằng tự phân biệt với súc vật ngay khi con người bắt đầu sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình - đó là một bước tiến do tổ chức cơ thể của con người quy định.
Sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình, như thế con người đã gián tiếp sản xuất ra chính đời sống vật chất của mình”1.
Trong quan niệm của Marx cái quy định hành vi lịch sử đầu tiên và cũng là động lực thúc đẩy con người hoạt động là nhu cầu và lợi ích. Nhu cầu của con người được hình thành một cách khách quan trong đời sống và rất phong phú, đa dạng như nhu cầu ăn, mặc, ở, nhu cầu giao tiếp và sinh hoạt cộng đồng; nhu cầu phát triển về mặt thể chất và tinh thần. Nhu cầu là động lực bên trong thúc đẩy con người hoạt động. Hoạt động của con người thỏa mãn được nhu cầu này lại làm nảy sinh nhu cầu khác. Việc không ngừng nảy sinh nhu cầu mới là động lực thúc đẩy con người hoạt động, là động lực phát triển của xã hội. Để tồn tại và phát triển, con người không chỉ sản xuất ra của cải vật chất, mà còn sản xuất ra của cải tinh thần, sản xuất ra bản thân con người và các quan hệ xã hội. Các lĩnh vực sản xuất đó tồn tại không tách rời nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, sản xuất ra của cải vật chất là cơ sở của đời sống xã hội, tạo nên sự khác biệt căn bản giữa con người với động vật. Marx khẳng định: “Bản thân con người, bắt đầu bằng tự phân biệt với súc vật ngay khi con người bắt đầu sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình”. Chính sản xuất ra của cải vật chất để duy trì sự tồn tại và phát triển của mình, con người đồng thời sáng tạo ra toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của xã hội với tất cả tính phong phú đa dạng của nó. Cho nên, xuất phát từ đời sống hiện thực của con người là phải xuất phát từ sản xuất ra của cải vật chất để đi đến các mặt khác của đời sống xã hội, tìm ra các quy luật vận động phát triển khách quan của xã hội. Từ sản xuất, Marx lại phát hiện ra hai mặt không tách rời nhau: một mặt là quan hệ giữa người với tự nhiên, mặt khác là quan hệ giữa người với người trong sản xuất. Marx khẳng định: “Trong sản xuất, người ta không chỉ quan hệ với giới tự nhiên. Người ta không thể sản xuất được nếu
1 C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.29.
122
không kết hợp với nhau theo một cách nào đó để hoạt động chung và để trao đổi hoạt động với nhau. Muốn sản xuất được, người ta phải có những mối liên hệ và quan hệ nhất định với nhau, và quan hệ của họ với giới tự nhiên, tức là việc sản xuất, chỉ diễn ra trong khuôn khổ những mối liên hệ và quan hệ xã hội đó”. Quan hệ giữa người với tự nhiên trong sản xuất chính là lực lượng sản xuất, còn quan hệ giữa người với người trong sản xuất chính là quan hệ sản xuất. Hai mặt đó thống nhất với nhau tạo thành phương thức sản xuất. Sự tác động qua lại một cách biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tạo thành quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Từ nghiên cứu các quan hệ hình thành trong quá trình sản xuất ra của cải vật chất, Marx đi đến nghiên cứu các mặt khác của đời sống xã hội như chính trị, pháp quyền, các hình thái ý thức xã hội...Trong các mối quan hệ xã hội hết sức phức tạp và tác động qua lại một cách biện chứng, Marx đã phát hiện ra: cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng; tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội; phương thức sản xuất quyết định các mặt của đời sống xã hội. Từ đó cho thấy xã hội là một hệ thống, trong đó các mặt có mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau, làm cho xã hội vận động, phát triển theo các quy luật khách quan. Trong khi chỉ ra sự vận động, phát triển của xã hội diễn ra theo các quy luật khách quan, triết học Mác đồng thời thừa nhận vai trò to lớn của nhân tố chủ quan. Lịch sử phát triển xã hội phải thông qua hoạt động có mục đích của con người. Sự hoạt động của con người là sự thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan. Con người không thể tạo ra hoặc xóa bỏ được quy luật khách quan, nhưng có khả năng nhận thức và vận dụng trong hoạt động thực tiễn. Khi con người chưa nhận thức được quy luật thì hoạt động của con người tự phát, mù quáng và bị quy luật chi phối. Song, khi con người nhận thức được các quy luật và những điều kiện hoạt động của chúng thì hoạt động của con người trở nên tự giác và đạt mục đích. Nhân tố chủ quan không làm thay đổi được xu hướng vận động, phát triển của xã hội nhưng có thể đẩy nhanh hoặc chậm sự phát triển xã hội; làm cho sự phát triển của xã hội mang hình thức này hay hình thức khác. Như vậy, xuất phát từ sản xuất, Marx đã phân tích một cách khoa học mối quan hệ lẫn nhau giữa các mặt trong đời sống xã hội và phát hiện ra các quy luật vận động, phát triển của xã hội. Từ đó, Marx đã đi đến khái quát khoa học về học thuyết hình thái kinh tế - xã hội.
123
Trong tác phẩm Lời tựa góp phần Phê phán Khoa kinh tế chính trị, Marx khẳng định: “Về đại thể, có thể coi các phương thức sản xuất châu á, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế - xã hội”1. “Lý luận truyền thống cho rằng đây là căn cứ của “thuyết năm hình thái”. Thực ra, cách lý giải này là dựa vào cách hiểu sai lầm của “thuyết năm hình thái” của Stalin về đoạn trình bày kinh điển này của Marx. Đoạn trình bày này hoàn toàn không phải là khái quát về quy luật phát triển của toàn bộ lịch sử loài người theo chiều dọc mà “thuyết năm hình thái” lý giải, mà là khái quát về quy luật tiến hóa của một giai đoạn cụ thể của lịch sử loài người - hình thái xã hội kinh tế”2.
Về cụm từ hình thái kinh tế - xã hội, theo nguyên văn trong bản tiếng Đức,
“từ “hình thái kinh tế xã hội” là “Okonomischen Gesellchaftsformation”, theo ý nghĩa của từ nguyên văn, nên trực dịch là “hình thái xã hội kinh tế””3. Trong các tài liệu trung văn của Trung Quốc, được dịch là “hình thái kinh tế xã hội”, sau này từ năm 1995 có sửa lại là “hình thái xã hội kinh tế”. Ở Việt Nam, lưu hành cách dịch “hình thái kinh tế - xã hội”. “Sự khu biệt giữa 2 khái niệm “hình thái xã hội kinh tế” và “hình thái kinh tế xã hội” như có học giả đã lập luận: “Hình thái kinh tế xã hội” là một thứ hình thái ngang hàng với hình thái chính trị, hình thái văn hóa trên mặt cắt ngang của lịch sử trong cùng một thời gian của xã hội loài người, nó tồn tại trong bất kỳ xã hội nào; còn “hình thái xã hội kinh tế” thì là một giai đoạn tồn tại trong sự phát triển theo chiều dọc của lịch sử loài người (bên trong nó cũng có hình thái kinh tế, hình thái chính trị và hình thái văn hóa), nó ngang hàng với “hình thái xã hội phi kinh tế” trên chuỗi thời gian”4.