Chương 3. PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT
3.5. Nhận thức luận duy vật biện chứng
3.5.5 Vận dụng lý luận nhận thức duy vật biện chứng trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam
Vận dụng lý luận nhận thức duy vật biện chứng trong sự nghiệp đổi mới chính là quán triệt vai trò của thực tiễn, của lý luận và nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong các hoạt động phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của nước ta.
Trong lĩnh vực kinh tế, gần bốn thập kỷ đổi mới, từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương VI khoá X, Đảng ta luôn quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, rút ra các bài học kinh nghiệm, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển, góp phần quan trọng đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Mô hình kinh tế trước đổi mới nước ta xây dựng là mô hình kinh tế hiện vật, phủ nhận sản xuất hàng hoá, phủ nhận kinh tế thị trường, cho rằng sự phát triển của kinh tế thị truờng sẽ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Đi cùng với mô hình
110
kinh tế này là cơ chế tập trung quan liêu trong bộ máy nhà nước và trong các tổ chức kinh tế. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đưa ra chủ trương: “Nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”; “xoá bỏ tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và với trình độ phát triển của nền kinh tế”1. Đây là một bước tiến trong tư duy về lý luận kinh tế của Đảng ta. Qua các kỳ đại hội, nhận thức về nền kinh tế của Đảng ta ngày một rõ hơn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là thành tựu tư duy lý luận Đảng ta đạt được qua năm năm đổi mới cũng như toàn bộ quá trình trước đó. Cương lĩnh đưa ra chủ trương “Phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và “xoá bỏ triệt để cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, hình thành cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác”. Nếu trước đây ta cho rằng nền kinh tế mà có những yếu tố của thị trường không sớm thì muộn sẽ dẫn đến sự chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, có một thời kỳ dài ta chạy theo sự phát triển nền kinh tế kế hoạch hoá. Việc thừa nhận nền kinh tế thị trường trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng là một giải pháp để thoát khỏi sự sụp đổ. Nhưng kinh tế thị trường mà chúng ta đang xây dựng khác với nền kinh tế thị trường theo kiểu tư bản chủ nghĩa bởi có sự định hướng của yếu tố “xã hội chủ nghĩa”.
Kinh tế thị trường nước ta giống các nền kinh tế thị trường khác ở chỗ thừa nhận quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, cùng các hiện tượng tiêu cực không thể tránh khỏi, như tệ quan liêu, tham nhũng, khuynh hướng làm giầu bằng bất cứ giá nào, lừa đảo, lối sống thực dụng. Nền kinh tế mà nước ta đang xây dựng có sự định hướng xã hội chủ nghĩa, điểm này làm cho nền kinh tế mang một mầu sắc riêng, một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử kinh tế thị trường. Thể hiện, kinh tế thị trường ở nước ta có mục đích rõ ràng: “Mục đích của nền kinh tế thị trường có sự định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp trên cả ba mặt sở hữu,
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.49.
111
quản lý và phân phối”1. Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là sự kết hợp hài hoà sự phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội và công bằng xã hội, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá và phát triển con người;
không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; an ninh xã hội gắn liền với an ninh môi sinh, đảm bảo phát triển bền vững, mở cửa hội nhập kinh tế quốc dân trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ dựa vào nội lực là chính, khai thác tối đa nguồn lực bên ngoài…. Định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta là những lý luận sắc sảo để chúng ta đấu tranh lại với những tư tưởng phản động cho rằng nền kinh tế của chúng ta là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Bước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự định hướng xã hội chủ nghĩa cho thấy tư duy lý luận kinh tế của Đảng ta phần nào theo kịp sự phát triển của thực tế. Nó đảm bảo cho nước ta đẩy nhanh được quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, tạo nền tảng tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Trên lĩnh vực chính trị, Lenin khẳng định: “Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế….chính trị không thể không chiếm địa vị hàng đầu so với kinh tế”. Do đó, khi đã tiến hành đổi mới trên lĩnh vực kinh tế thì cũng phải tiến hành những đổi mới tương ứng trên lĩnh vực chính trị. Hệ thống chính trị là bộ phận quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng, có quan hệ biện chứng với cơ sở hạ tầng và có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Hệ thống chính trị phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của nền kinh tế sẽ trở thành một tổng hợp động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển ngược lại sẽ trở thành lực lượng kìm hãm sự tiến bộ xã hội.
Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, hệ thống chính trị nước ta bên cạnh những thành tựu cũng bộc lộ những yếu kém nhất là chất lượng của bộ máy lãnh đạo và quản lý ở các cấp. Việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách và tổ chức chỉ đạo còn chậm trễ, có nhiều lúng túng; việc phân định quan hệ và chức năng của các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa rõ ràng….thực tiễn của công cuộc đổi mới đòi hỏi chúng ta phải đổi mới và kiện toàn hệ thống chính trị nhằm làm cho nó ngày càng phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XII), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.459
112
Đổi mới tư duy về hệ thống chính trị thể hiện từ sau Hội nghị Trung ương VI khoá VI, Đảng ta sử dụng khái niệm hệ thống chính trị thay cho hệ thống chuyên chính vô sản trước kia. Hệ thống chính trị nước ta bao gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là một bộ phận của hệ thống chính trị vừa là “hạt nhân” lãnh đạo của hệ thống ấy, hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật; Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng có chức năng thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng đồng thời quản lý đất nước; mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân và cá nhân tiêu biểu của các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, hoạt động theo phương thức hiệp thương dân chủ, có vai trò quan trọng trong việc giám sát xã hội, góp phần xây dựng đảng và xây dựng nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Mục đích hoạt động của hệ thống chính trị nước ta được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991: “Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân1”.
Nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Trong đổi mới tư duy về hệ thống chính trị thì nhận thức mới về Nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt. Từ sau năm 1975 đến nay là thời kỳ cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đứng trước cơ hội, thách thức đổi mới kinh tế, chính trị, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng khẳng định: đổi mới cơ quan quyền lực Nhà nước theo hướng dân chủ hoá. Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII tiếp tục khẳng định xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thực chất đây là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Một xã hội dân chủ, công khai, công bằng, đoàn kết và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, có trách nhiệm trước hành động của mình. Muốn xây dựng được xã hội như vậy cần cải cách bộ máy nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả….Đây cũng là tư tưởng chỉ đạo trong văn kiện
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.236
113
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX và X vẫn tiếp tục đề ra nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là phù hợp với sự phát triển của lịch sử, phù hợp với xu hướng xây dựng một xã hội hiện đại, văn minh và cũng là thể hiện tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh về nhà nước.
Trên lĩnh vực văn hoá – xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát huy ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá”1.
Hội nghị lần thứ IV, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII nhận định về nét tiêu cực trong nền văn hoá ở nước ta: “Lối sống chạy theo đồng tiền và những thị hiếu không lành mạnh, những hủ tục tăng nhanh, nhiều văn hoá phẩm độc hại lan tràn trên thị trường”. Tất cả những hiện tượng trên đang làm vẩn đục môi trường văn hoá - xã hội, gây bất bình trong nhân dân, làm sói mòn nền tảng tinh thần trong xã hội, tạo miếng đất mầu mỡ cho sự xâm phạm những sản phẩm văn hoá độc hại ngoại lai. Trước tình hình trên việc tập trung xây dựng và phát triển nền văn hoá của dân tộc có tầm quan trọng đặc biệt. Sự đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta trên lĩnh vực văn hoá thể hiện ở chỗ đã có sự nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của văn hoá trong đời sống xã hội. Nghị quyết Trung ương V khoá VIII khẳng định: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đời sống xã hội có hai mặt là vật chất và tinh thần. Nếu kinh tế là mặt vật chất thì văn hoá là mặt tinh thần. Tức là văn hoá là cơ sở mà trên đó các nhân tố khác của đời sống xã hội được triển khai, được thực hiện tạo thành sự vận động và phát triển của xã hội. Là “nền tảng tinh thần của xã hội” văn hoá không chỉ nằm trong một số người ở lớp “tinh hoa” mà nằm trong toàn xã hội ở tất cả các lĩnh vực sinh hoạt, hoạt động và quan hệ người.
Nghị quyết Trung ương V chỉ rõ: “Phải làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người”. Văn hoá không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là mục tiêu
1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.431.
114
của sự phát triển xã hội: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hoá vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện”, văn hoá không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của sự phát triển kinh tế.
Như vậy, từ chỗ đặt không đúng vai trò, vị trí của văn hóa trong sự phát triển kinh tế và xã hội đã chuyển sang đánh giá cao vai trò, vị trí của văn hoá, thể hiện sự chăm lo của toàn Đảng và toàn dân về đời sống tinh thần của xã hội, xoá bỏ quan niệm coi văn hoá là công cụ tuyên truyền, hô hào cổ động mà hoạt động văn hoá chính là hoạt động chăm sóc phần hồn của con người, một hoạt động không kém phần quan trọng như việc chăm lo cơm ăn, áo mặc, nhà ở cho từng người dân. Tư duy mới của Đảng ta trên lĩnh vực văn hoá còn thể hiện ở chỗ, Đảng ta gắn văn hoá với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gắn văn hoá với những vấn đề nảy sinh trong xu thế toàn cầu hoá và trong nền kinh tế thị trường. Cái mới còn thể hiện ở việc khẳng định mọi hoạt động xã hội nhằm vào xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng và trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình.
Có thể khẳng định, từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, trên tất cả các lĩnh vực của nước ta đều có sự thay đổi. Thực tế đã làm thức tỉnh chúng ta, yêu cầu chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận, suy nghĩ trên tất cả các lĩnh vực.
Sự đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta trên từng lĩnh vực có mức độ khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung lý luận phần nào đáp ứng đựơc với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định:
“Tư duy lý luận của Đảng có bước phát triển. Hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt nam tiếp tục được bổ sung, phát triển. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được đẩy mạnh, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng”1.
CÂU HỎI ÔN TẬP
Câu 1. Nội dung của các câu ca dao, tục ngữ sau đây phản ánh quy luật nào của phép biện chứng duy vật?
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.169-170.
115
1. Chẳng chua cũng thể là chanh
Chẳng ngọt cũng thể cam sành chín cây 2. Trăng mờ còn tỏ hơn sao
Dẫu rằng núi lở còn cao hơn đồi
3. Trăm đom đóm không bằng bó đuốc Trăm hòm chỉ chẳng đúc lên chuông 4. Văn hay chẳng lọ dài dòng
5. Quá mù ra mưa 6. Mèo già hoá cáo
7. Góp gió thành bão, góp cây nên rừng
Câu 2. Chứng minh cách thức, nguồn gốc, khuynh hướng vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng.
Câu 3. Chỉ ra vận dụng bài học phương pháp luận của quan điểm toàn diện và quan điểm phát triển trong công cuộc đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Câu 4. Phân tích khái niệm, vai trò của thực tiễn.
Câu 5. Phân tích sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam về nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới.