Chương 4. CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
4.2. Những nội dung cơ bản của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội
4.2.4. Vận dụng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Kế thừa những quan điểm của triết học Mác - Lênin về học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, đặc biệt là về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xuất phát từ đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Thời kỳ quá độ “là thời kỳ dân chủ mới”, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Ở Việt Nam là hình thái quá độ gián tiếp với: “Đặc điểm to nhất là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”1. Đặc điểm này chi phối tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm từng bước xóa bỏ triệt để các tàn tích của chế độ thực dân, phong kiến, đồng thời từng bước gây dựng các mầm mống cho chủ nghĩa xã hội phát triển, đó là một tất yếu.
Ở nước ta, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài chứ “không thể một sớm một chiều”. Bởi vì, “chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ hàng ngàn năm... biến nước ta từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp”2. Tuy nhiên, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì không phải “cứ ngồi mà chờ” là sẽ có được chủ nghĩa xã hội. Nếu mọi người cố gắng, phấn khởi thi đua xây dựng, thì thời kỳ quá độ có thể rút ngắn hơn.
Về nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Phải tạo ra những điều kiện cần và đủ về cơ sở vật chất; đồng thời, Đảng phải lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, “nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội,... tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”3.
Người đã chỉ rõ nội dung nhiệm vụ cụ thể trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội rất toàn diện. Trên lĩnh vực kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất là vấn đề
1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 411.
2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 329.
3Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 13.
139
mấu chốt, tăng năng suất lao động trên cơ sở công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, cùng với thiết lập quan hệ sản xuất, cơ chế quản lý kinh tế, cơ cấu thành phần kinh tế, ngành, vùng, lãnh thổ trong thời kỳ quá độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng quan hệ phân phối và quản lý kinh tế. Theo Người, quản lý kinh tế phải dựa trên cơ sở hạch toán, đem lại hiệu quả cao, sử dụng tốt các đòn bẩy để phát triển sản xuất.
Trên lĩnh vực chính trị, nội dung quan trọng nhất là phải giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng; quan tâm củng cố mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, mấu chốt của văn hóa là xây dựng con người có đạo đức cách mạng, con người mới xã hội chủ nghĩa với đức - tài gắn bó hữu cơ với nhau, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, trung thành với sự nghiệp cách mạng xây dựng nền văn hóa mới, lối sống mới. Về xã hội, thực hiện sự phân phối theo lao động, thi hành chính sách xã hội vì dân. Mấu chốt của vấn đề xã hội là đảm bảo công bằng xã hội hướng vào phát triển con người, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, vừa là mục tiêu, vừa là động của sự phát triển xã hội.
Về bước đi, biện pháp trong thời kỳ q uá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định bước đi, cách làm phù hợp, Người khẳng định: Chúng ta cũng phải có phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội của riêng mình, gắn với thực tiễn và lịch sử của Việt Nam. Bước đi trong xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là “phải làm dần dần”, ai nói dễ là chủ quan và sẽ thất bại, phải thực hiện
“đi bước nào vững chắc bước ấy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra những biện pháp hết sức quan trọng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là: cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, kết hợp cải tạo với xây dựng, lấy xây dựng làm chính; kết hợp thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ, đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng; xây dựng phải có kế hoạch, biện pháp và quyết tâm. Đặc biệt, Người xác định biện pháp cơ bản, lâu dài quyết định nhất trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phát huy sức mạnh toàn dân, đem của dân, tài dân, sức dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để làm lợi cho dân.
140
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc luôn đi đôi, gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chỉ có xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta mới thực sự giải phóng được dân tộc, xã hội và con người Việt Nam. Đặc điểm lớn nhất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”.
Từ phương pháp tiếp cận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, và trên cơ sở kế thừa và phát triển học thuyết Mác - Lênin, đồng thời bám sát thực tiễn Việt Nam và tình hình thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm sáng tạo trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Từ lập trường, quan điểm, phương pháp luận của triết học Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết cách vận dụng để tìm ra con đường, chủ trương, chính sách phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam, không rập theo khuôn mẫu, không sao chép lý luận có sẵn trong kinh điển. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức đúng đắn luận điểm có tính phương pháp luận hết sức sâu sắc của Lenin về mối quan hệ biện chứng giữa “tính phổ biến”
và “tính đặc thù” của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”. Để từ đó có sự lựa chọn con đường và cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn đạt rất dễ hiểu: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh”, “mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do”. Người cho rằng, “phấn đấu để cải tạo, để thực hiện chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp vĩ đại nhất trong lịch sử loài người”, “xây dựng chủ nghĩa xã hội là thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc”1. Người còn nêu ra tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội phù hợp với từng đối tượng xã hội, như “việc làm cho mọi người”, “ốm đau có thuốc chữa”, “già yếu thì được nghỉ”,
1Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.447.
141
“ai cũng được học hành”, “những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ”,... Người khẳng định: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta”. Do vậy, “không thể làm mau được mà phải làm dần dần”1. Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam, từ những thập niên đầu thế kỷ XX cho đến nay, đã chứng tỏ sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đó là hoàn toàn đúng đắn.
Xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”2. Đảng ta đã từng bước xây dựng, cụ thể hóa mô hình chủ nghĩa xã hội trong thực tiễn. Trong đổi mới, nước ta lựa chọn con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tạo ra sự biến đổi về chất của xã hội trên tất cả các lĩnh vực là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ. Trong các lĩnh vực của đời sống xã hội diễn ra sự đan xen và đấu tranh giữa cái mới và cái cũ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những chính sách, chủ trương ngày càng phù hợp tạo nền tảng cho một chế độ xã hội mới.
Quá độ lên chủ nghĩa xã hội để xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã
1Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.226
2C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.457
142
hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”1. Theo quan điểm của Đảng ta, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa phù hợp với xu hướng phát triển chung của nhân loại, vừa phù hợp với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta; phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế. Nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ, lao động thủ công là phổ biến. Chính vì vậy, chúng ta phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta là nhằm xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Đó là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Gắn liền với phát triển kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nước ta phải không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao vai trò của các tổ chức quần chúng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời với phát triển kinh tế, xây dựng chính trị, phải phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thực hiện công bằng xã hội nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hiện nay, chủ nghĩa xã hội của nước ta xây dựng gồm tám đặc trưng cơ bản.
Việc đưa ra các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa quan trọng, giúp cho con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta được định hướng và có mục tiêu rõ ràng, niềm tin của nhân dân vào chế độ sẽ ngày càng tốt hơn.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb Chính trị Quốc gia, 2013, tr.459.
143