Chương 5. NHỮNG XU HƯỚNG NGHIÊN CỨU CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC ĐƯƠNG ĐẠI
5.1 Xu hướng nghiên cứu triết học thế giới
5.1.1 Xu thế phát triển và vấn đề nghiên cứu của triết học thế giới đương đại
Nhân loại đã và đang trải qua các xu thế phát triển sau:
Xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển
Hòa bình là khát vọng hướng đến của nhân loại. Sự xuất hiện và mở rộng xu thế hòa bình là tính tất yếu của lịch sử. Trong thế kỷ XX, không thể không nhắc đến hai trận chiến lớn có sức tàn phá khốc liệt nhất trong lịch sử loài người. Đó là Đại chiến thế giới lần thứ nhất diễn ra từ năm 1914 - 1918, và chiến tranh thế giới lần thứ 2 diễn ra từ năm 1939 đến năm 1945. Sau đại chiến thế giới lần thứ hai, thế giới hình thành hai thái cực đối đầu Mỹ và Liên Xô. Cuộc chiến tranh lạnh đã chính thức bắt đầu. Mặc dù không chính thức xung đột vũ trang nhưng hai bên thể hiện xung đột thông qua liên minh quân sự, chạy đua vũ trang, tình báo...Mỹ đại diện cho chủ nghĩa tư bản, Liên Xô đại diện cho chủ nghĩa xã hội.
Chiến tranh lạnh là hình thức để đạt được mục đích ai thắng ai. Năm 1991, với sự sụp đổ hoàn toàn của Liên Xô, chiến tranh lạnh theo đó cũng đến hồi kết thúc.
Từ đây, loài người bước vào một thời kỳ mới, hậu chiến tranh lạnh với những xu hướng và phân cực hoàn toàn mới. Thế giới phát triển nhanh chóng với xu hướng
161
đa cực, trong đó Mỹ vươn lên nắm vị trí siêu cường, bên cạnh đó cùng tồn tại nhiều cường quốc: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc... lịch sử chứng minh, các quốc gia có xung đột chính trị - quân sự đều chịu những tổn thất lớn, ngược lại các quốc gia lấy hòa bình, cạnh tranh, hợp tác cùng phát triển thu được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng kinh tế như Đức, Nhật và các nước NIC. Vì vậy, hòa bình thế giới ngày càng được củng cố thêm. Cũng sau thời kỳ chiến tranh lạnh, các cường quốc trên thế giới chủ động tiến hành điều chỉnh chính sách đối ngoại hướng đến xây dựng quan hệ ổn định dài lâu, các quốc gia tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Tinh thần hợp tác cùng phát triển mở ra thời kỳ mới, các quốc gia trên thế giới tích cực thăm nhau, ký kết nhiều hợp đồng trao đổi kinh tế, khoa học kỹ thuật. Dĩ nhiên, trên phạm vi thế giới, nhiều xung đột vẫn tiếp tục nổ ra, các nước lớn vẫn không ngừng can thiệp vào nội bộ của nhiều nước nhưng về cơ bản đây vẫn là thời kỳ mà hòa bình và hợp tác phát triển được ưu tiên hàng đầu. Mọi xung đột về sắc tộc, tôn giáo, kinh tế, chính trị, văn hóa....không cần vịn vào phương tiện chiến tranh cũng có thể giải quyết ổn thỏa. Các dân tộc, các quốc gia phát động chiến tranh đều bị nhân loại lên án và cô lập. Xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển tạo môi trường ổn định cho giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị và mọi mặt của đời sống con người được diễn ra. Đặc biệt trong không khí hòa bình, một loạt xu hướng mới của kinh tế, văn hóa, chính trị cũng không ngừng biến đổi. Trong bối cảnh hiện nay, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển cũng gặp nhiều khó khăn.
Đại hội lần thứ XIII khẳng định: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế”1.
Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
Quá trình toàn cầu hoá đã diễn ra từ trước thế kỷ XV, từ khá sớm trong lịch sử nhân loại. Khi những vùng đất mới, châu lục mới được khám ra thì mậu dịch không còn dừng lại ở biên giới một quốc gia nhất định. Đây là thuộc tính đầu tiên của toàn cầu hóa. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của đảng cộng sản, Marx và Engels
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.105.
162
cũng đã sớm đề cập đến “tính chất thế giới” “toàn thế giới” của sản xuất, tiêu dùng hàng hóa, “Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới. Mặc cho bọn phản động đau buồn, nó đã làm cho công nghiệp mất cơ sở dân tộc. Những ngành công nghiệp dân tộc cũ đã bị tiêu diệt và đang ngày càng bị tiêu diệt. Những ngành công nghiệp dân tộc bị thay thế bởi những ngành công nghiệp mới, tức là những ngành công nghiệp mà việc du nhập chúng trở thành một vấn đề sống còn đối với tất cả các dân tộc văn minh, những ngành công nghiệp không dùng những nguyên liệu bản xứ mà dùng những nguyên liệu đưa từ những miền xa xôi nhất trên trái đất đến và sản phẩm làm ra không những được tiêu thụ ngay trong xứ mà còn được tiêu thụ ở tất cả các nơi trên trái đất nữa. Thay cho những nhu cầu cũ được thỏa mãn bằng những sản phẩm trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thỏa mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về. Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới”1. Tuy chưa chính thức đưa ra khái niệm toàn cầu hóa song đây là cơ sở lý luận quan trọng, những tiên đoán dựa trên phân tích khoa học sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất. Khái niệm toàn cầu hóa hiện nay chúng ta sử dụng về cơ bản vẫn giữ nguyên những “thuộc tính” ban đầu được Marx, Engels đề cập đến.
Khái niệm toàn cầu hóa lần đầu tiên chính thức xuất hiện trong tác phẩm Nguyên tắc chính trị thế giới (Principle of the World politics) của George Modelski vào năm 1972 khi ông nói tới vấn đề châu Âu lôi kéo các nước khác vào một hệ thống thương mại toàn cầu. Đến năm 1980, thuật ngữ này mới được sử dụng một cách thông dụng. Trả lời cho câu hỏi toàn cầu hóa là gì?, có hai nhóm quan niệm: một là, tập trung vào sự tăng lên của các mối quan hệ lẫn nhau hoặc sự phụ thuộc lẫn nhau của các dòng nhân tố xuyên quốc gia. Nghĩa là, những
1C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 601- 602.
163
người theo quan điểm này cho rằng toàn cầu hóa là sự gia tăng mối quan hệ lẫn nhau giữa các quốc gia. Có thể kể đến định nghĩa của Susan V.Berresford, Chủ tịch quỹ Ford: “thuật ngữ (toàn cầu hóa) phản ánh một mức độ ảnh hưởng lẫn nhau toàn diện hơn so với trong quá khứ, cho thấy một số khác biệt với thuật ngữ
“quốc tế”. Nó ngụ ý tầm quan trọng ngày càng giảm của các đường biên giới quốc gia và sự tăng cường những đặc tính lan tỏa ra ngoài biên giới bắt nguồn từ một nước hoặc một khu vực nhất định”1. Hai là, nhấn mạnh sự rút ngắn về thời gian và không gian. Tiêu biểu là quan điểm của Anthony Giddens khi cho rằng “toàn cầu hóa có thể được định nghĩa là sự tăng cường các mối quan hệ xã hội trên toàn thế giới liên kết những địa điểm xa xôi theo một cách mà những sự kiện xảy ra ở nơi này được định hình bởi những sự kiện đang xảy ra ở nơi khác cách đó nhiều dặm và ngược lại”2.
Toàn cầu hóa diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị đến quân sự, văn hóa... Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của quá trình phát triển kinh tế thị trường hiện đại, là kết quả tất yếu của sự phát triển và xã hội hóa cao độ của lực lượng sản xuất. Các nền kinh tế phi thị trường không thể có xu hướng ấy. Cho nên mặt chủ yếu của toàn cầu hóa hiện nay là toàn cầu hóa kinh tế. Từ đó, nhiều quan niệm cho rằng không nên nói toàn cầu hóa chung chung mà nên “ngầm hiểu” nói tới toàn cầu hóa về kinh tế. Tuy nhiên, có thể thấy, dù là toàn cầu hóa về lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, định nghĩa toàn cầu hóa (nói chung) thuộc loại này hay loại khác thì dường như mọi quan điểm đều có sự gặp gỡ ở chỗ là rõ ràng toàn cầu hóa có sự hiện diện của “mối quan hệ giữa các quốc gia” và của “tính quá trình”. Theo đó, có thể hiểu một cách chung nhất rằng toàn cầu hóa là khái niệm để chỉ một quá trình mà ở đó có sự gia tăng của các mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc, trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, đặc biệt kinh tế.
Dưới ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa, các dân tộc, các quốc gia có vị trí địa lý, thói quen, phong tục và hệ tư tưởng khác xa nhau trên thế giới bắt đầu hình thành nên những mối liên hệ mật thiết. Toàn cầu hóa đã buộc các quốc gia theo
1 Bùi lệ Quyên, Toàn cầu hóa – Một số vấn đề lý luận, nhận thức dưới góc nhìn của Chủ nghĩa xã hội khoa học http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30231&cn_id=557483
2Bùi lệ Quyên, Toàn cầu hóa – Một số vấn đề lý luận, nhận thức dưới góc nhìn của Chủ nghĩa xã hội khoa học http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30231&cn_id=557483
164
chế độ phong kiến vốn quen với “bế quan tỏa cảng” phải mở cửa đón nhận mọi biến đổi, mọi tác động của thế giới bên ngoài.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của các quốc gia, dân tộc. Sự ảnh hưởng này có hai mặt, tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực thể hiện, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như một yêu cầu, động lực và sân chơi trong đó các quốc gia lần lượt tham gia các tổ chức quốc tế. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế lớn: UNDP, UNFPA, FAO, UNIDO, ILO, WHO, UNESCO, WB, IMF, ADB, APEC, CCC, ESCAP, AsDB, G-20, IBRD, ICAO, INTERPOL, ITUC, OPEC, WTO…đặc biệt là đã chủ động và tích cực để gia nhập tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Toàn cầu hóa làm và hội nhập quốc tế làm cho các nền kinh tế trên thế giới gắn bó và liên kết chặt chẽ với nhau. Giờ đây, những hiện tượng kinh tế xảy ra ở một quốc gia nào đó có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Điển hình là cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới diễn ra vào những năm 70 của thế kỷ XX và cuộc khủng hoảng gần đây.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mang lại cho Việt Nam cơ hội trao đổi, sử dụng vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới.
Tuy nhiên bên cạnh đó, toàn cầu hóa như con dao hai lưỡi, đã đem đến cho các nước những thách thức mới. Nước nào không đón đầu công nghệ, cải tiến kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm quản lý ...dễ dàng bị đánh bật khỏi cuộc chơi trở thành
“bãi thải” của thế giới. Mảng tối trong bức tranh toàn cầu hóa còn thể hiện ở sự phân hóa giầu - nghèo, đào sâu hố ngăn cách giữa các nước phát triển với các nước lạc hậu chậm phát triển, làm trầm trọng thêm những bất công và bình đẳng xã hội, đẩy tới những xung đột ở chính trị và hệ tư tưởng. Ngoài ra, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII còn khẳng định thách thức của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế:
“Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn”1.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.105.
165
Xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Hiện nay, loài người đã và đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước đó, loài người đã chứng kiến những ảnh hưởng mạnh mẽ, toàn diện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ ba. Nếu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất cải thiện đời sống của con người với những phát minh về động cơ đốt trong; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai với những phát minh về động cơ điện và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba chủ yếu là máy tính và tự động hóa thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật có ảnh hưởng rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, tạo ra những đột phá trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII khẳng định: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”1.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những công nghệ mới đã được nghiên cứu, ứng dụng như: công nghệ trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, dữ liệu lớn/phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, in 3D, cảm biến, vật liệu mới... đã mở ra cơ hội phát triển của lực lượng sản xuất, phân phối, tiêu dùng, cách thức tổ chức làm việc của con người. Với cuộc cách mạng số, chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Nền công nghiệp số hóa giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian xử lí, mang lại lợi ích to lớn cho nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nắm bắt nhanh chóng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là đòi hỏi tất yếu của các nước, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là không hề nhỏ đối với nhiều quốc gia, nhiều đối tượng và trên nhiều lĩnh vực. Các thành tựu khoa học - công nghệ trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm cho tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông giá rẻ ngày càng mất lợi thế. Sự chênh lệch về trình độ phát triển, khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia trên thế giới có xu hướng mở rộng thêm. Nguy cơ thất nghiệp đối với những lao động phổ thông, không được đào tạo ngày càng lớn. Nguy cơ nhiều ngành nghề sẽ mất đi trong tương lai, thay vào đó là những ngành nghề mới sử dụng ít nguồn nhân lực. Ngoài ra, ứng
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.106.
166
dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng làm xuất hiện nhiều hình thức sử dụng công nghệ cao để trốn, lậu thuế, lừa đảo, sản xuất hàng giả, v.v, những hình thức trước kia chưa từng có. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tạo ra những vũ khí, phương tiện chiến tranh mới hiện đại hơn, chính xác hơn, sức công phá mạnh hơn, sức hủy diệt lớn hơn, nguy hiểm hơn…gây ra những hậu quả to lớn không thể lường hết.
Đứng trước cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phải khẳng định rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo cơ hội phát triển cho mọi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, khi biết tận dụng được những thành tựu khoa học - công nghệ mới, có thể “đi tắt, đón đầu”; đồng thời cũng có thể làm cho các nước đang và kém phát triển sẽ tụt hậu ngày càng xa hơn nếu không tận dụng được cơ hội này. Sự cạnh tranh giữa các nước trên thế giới gay gắt, quyết liệt hơn; tương quan sức mạnh giữa các nước, các khu vực sẽ có những thay đổi, đảo lộn.