Giá trị khoa học của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu Giáo trình triết học trong xu thế vận động của thời đại (Trang 132 - 138)

Chương 4. CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ

4.2. Những nội dung cơ bản của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội

4.2.3. Giá trị khoa học của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội

Sự ra đời của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội đã làm nên một cuộc cách mạng trong nhận thức về xã hội với khẳng định: phương thức sản xuất quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội; xã hội là một chỉnh thể trong đó những yếu tố liên hệ với nhau, tác động biện chứng làm cho xã hội vận động và phát triển theo quy luật: quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Sự phát triển của hình thái kinh tế - xã hội là quá trình lịch sử - tự nhiên. Với những cống hiến quan trọng này, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội đã mang lại thế giới quan duy vật khoa học về xã hội và lịch sử; trang bị cho con người phương pháp biện chứng khoa học để nhận thức và cải tạo xã hội.

Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, triết học Mác đã giải thích được quy luật phát triển của xã hội loài người một cách khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể.

Engels đã so sánh phát minh này của Marx giống như phát minh của Đác-uyn trong khoa học tự nhiên “Giống như Darwin đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người”1. Lý luận hình thái kinh tế - xã hội của triết học Mác đã giải quyết một cách khoa học về vấn đề phân loại các chế độ xã hội và phân kỳ lịch sử, thay thế các quan niệm duy tâm, siêu hình trước đây đã thống trị trong khoa học xã hội. Chỉ ra động lực phát triển của lịch sử xã hội không phải do một lực lượng tinh thần hoặc lực lượng siêu nhiên thần bí nào cả, mà do hoạt động thực tiễn của con người, trước hết là thực tiễn sản xuất vật chất dưới tác động của quy luật khách quan.

Trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gô-ta, Engels đã chỉ rõ hai giai đoạn phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Ở giai đoạn đầu: “Cái xã hội mà chúng ta nói ở đây không phải là một xã hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên những cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do đó là một xã hội, về mọi phơng diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần - còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra”2. Ở giai đoạn sau: “Trong một giai đoạn cao hơn của xã hội cộng sản chủ nghĩa, khi mà

1 C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.499.

2 C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.33.

133

sự phụ thuộc có tính chất nô dịch của con người vào sự phân công lao động của họ không còn nữa và cùng với nó, sự đối lập giữa lao động trí óc với lao động chân tay cũng không còn nữa; khi mà lao động trở thành không những là một phương tiện để sinh sống mà bản thân nó còn là một nhu cầu bậc nhất của đời sống; khi mà cùng với sự phát triển toàn diện của các cá nhân, sức sản xuất của họ cũng ngày càng tăng lên và tất cả các nguồn của cải xã hội đều tuôn ra dồi dào, - chỉ khi đó người ta mới có thể vượt hẳn ra khỏi giới hạn chật hẹp của pháp quyền tư sản và xã hội mới có thể ghi trên lá cờ của mình: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu!”1.

Lenin đã phát triển lý luận về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Theo ông, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu, khách quan đối với mọi nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, song đối với những nước có lực lượng sản xuất phát triển cao thì thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội có nhiều thuận lợi hơn, có thể ngắn hơn so với những nước đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Theo Lenin, “Về lý luận, không thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, có một thời kỳ quá độ nhất định. Thời kỳ đó không thể không bao gồm những đặc điểm hoặc đặc trưng của cả hai kết cấu kinh tế xã hội ấy. Thời kỳ quá độ ấy không thể nào lại không phải là một thời kỳ đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản đang giãy chết và chủ nghĩa cộng sản đang phát sinh, hay nói một cách khác, giữa chủ nghĩa tư bản đã bị đánh bại nhưng chưa bị tiêu diệt hẳn, và chủ nghĩa cộng sản đã phát sinh nhưng vẫn còn rất non yếu”2. Đây là thời kỳ mà trong lĩnh vực kinh tế “có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội?”3. Ông cho rằng, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội có bốn đặc điểm sau: “thứ nhất, xét về mọi mặt của đời sống xã hội, đều do nhiều thành phần không thuần nhất tạo nên. Đó là thời kỳ có sự đan xen, thâm nhập lẫn nhau giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội; thứ hai, sự phát triển của cái cũ, của những trật tự cũ đôi khi lấn át những mầm mống của cái mới, những trật tự mới; thứ ba, xét về mọi phương diện, đều có sự phát triển của trình tự phát tiểu tư sản, là thời kỳ chứa đựng mâu thuẫn không thể dung hòa giữa tính kỷ luật nghiêm ngặt của giai cấp vô sản và tính vô chính phủ, vô kỷ luật của các tầng lớp tiểu tư sản. Đây

1 C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.36.

2 V.I.Lênin, Toàn tập, tập 39, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.309-310.

3 V.I.Lênin, Toàn tập, tập 39, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.362.

134

là một trong những điểm nổi bật của giai đoạn quá độ; thứ tư, là thời kỳ lâu dài, có rất nhiều khó khăn, phức tạp, phải trải qua nhiều lần thử nghiệm để rút ra những kinh nghiệm, hướng đi đúng đắn, tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm có thể phải trả giá cho những sai lầm nghiêm trọng”1.

Lenin phân chia quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa cộng sản thành 3 giai đoạn: giai đoạn “những cơn đau đẻ kéo dài”, tức “thời kỳ quá độ” từ chủ nghĩa tư bản đi lên chủ nghĩa xã hội; giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, hay còn gọi là giai đoạn thấp, tương ứng là xã hội xã hội chủ nghĩa; giai đoạn cao của xã hội cộng sản chủ nghĩa, chính là xã hội cộng sản chủ nghĩa (hay chủ nghĩa cộng sản) đã ở mức độ hoàn bị đúng bản chất của nó. Như vậy,“thời kỳ quá độ” là một giai đoạn độc lập, có vị trí riêng biệt nằm giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, nó chưa phải là chủ nghĩa xã hội và cũng không nằm ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản. Đây là một nhận thức quan trọng trong cả lý luận và thực tiễn, cho phép những người cộng sản xác định được đặc điểm, nội dung và nhiệm vụ, mục đích của thời kỳ quá độ cũng như các giai đoạn tiếp theo sau thời kỳ quá độ.

Tính chất lâu dài, khó khăn và phức tạp của thời kỳ quá độ được Lenin chỉ rõ và theo ông nó được quy định, phụ thuộc bởi xuất phát điểm từ những tiền đề về kinh tế, văn hóa, xã hội khi bước vào thời kỳ quá độ của mỗi quốc gia cụ thể.

Ông viết: “... tất yếu phải có một thời kỳ quá độ lâu dài và phức tạp từ xã hội tư bản chủ nghĩa (xã hội đó càng ít phát triển, thì thời kỳ đó càng dài)... tiến lên xã hội cộng sản chủ nghĩa”2. Như vậy, bản thân những nước quá độ từ chủ nghĩa tư bản đã cần có thời kỳ quá độ khá lâu dài thì đối với những nước có điểm xuất phát thấp hơn chủ nghĩa tư bản (tiền chủ nghĩa tư bản) càng cần phải có một thời kỳ quá độ lâu dài hơn nhiều lần. Điều này hoàn toàn đúng về tính quy luật và tính khách quan. Theo tính quy luật thì chủ nghĩa xã hội ra đời trên cơ sở của sự phát triển đến đỉnh cao của chủ nghĩa tư bản; song về khách quan, chủ nghĩa xã hội cũng có thể ra đời từ xuất phát điểm thấp hơn chủ nghĩa tư bản khi những tiền đề cho sự ra đời xuất hiện và thời cơ chín muồi. Đó chính là những khả năng, những con đường hiện thực ra đời một cách tất yếu của xã hội mới - xã hội xã hội

1 Nguyễn Trọng Chuẩn, Phạm Văn Đức, Hồ Sỹ Quý, Những quan điểm cơ bản của C.Mác - Ph.Ăngghen - V.I.Lênin về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.162-163.

2 V.I.Lênin Toàn tập, tập 44, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.197.

135

chủ nghĩa. Theo Lenin, sự cần thiết khách quan phải có thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là do đặc điểm ra đời, phát triển của phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa và cách mạng vô sản quy định. Quan điểm của Lenin còn nhấn mạnh, nếu như cách mạng tư sản thắng lợi đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ quá độ từ xã hội phong kiến lên chủ nghĩa tư bản, thì cách mạng vô sản thắng lợi mới chỉ là sự khởi đầu cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, triệt để, toàn diện, từ xã hội cũ sang xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Nó diễn ra từ khi cách mạng vô sản thắng lợi, giai cấp vô sản giành được chính quyền, bắt tay vào việc xây dựng xã hội mới và kết thúc khi xây dựng thành công các cơ sở của xã hội xã hội chủ nghĩa về vật chất - kỹ thuật, kinh tế, văn hoá, tư tưởng. Nói cách khác, kết thúc thời kỳ quá độ khi đã xây dựng xong cả về lực lượng sản xuất lẫn quan hệ sản xuất, cả cơ sở kinh tế lẫn kiến trúc thượng tầng xã hội xã hội chủ nghĩa.

Trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, Marx cho rằng trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, vì vẫn còn tính chất chính trị nên nó vẫn còn sự tồn tại của nhà nước, vẫn còn chịu ảnh hưởng của chế độ tư hữu, “còn bị chế độ tư hữu cầm tù và truyền nhiễm”. Luận điểm đó sau này được Marx phát triển cụ thể hơn trong một số tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Pháp, Phê phán cương lĩnh Go-tha… Trong các tác phẩm này, Marx cho rằng thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản là thời kỳ quá độ chính trị, “là lời tuyên bố cách mạng không ngừng” và nhà nước của thời kỳ ấy chỉ có thể là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản. Như vậy, chừng nào còn cơ sở kinh tế của sự tồn tại giai cấp và đấu tranh giai cấp, chừng nào bản thân giai cấp vô sản vẫn còn là giai cấp thì chừng ấy giai cấp vô sản vẫn còn phải thi hành các biện pháp bạo lực, vẫn còn phải thống trị bằng chính quyền.

Lenin nêu thành bốn đặc điểm chung như sau về thời kỳ quá độ: thứ nhất, thời kỳ quá độ là thời kỳ, xét trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đều do nhiều thành phần không thuần nhất cấu tạo nên. Đó là thời kỳ có sự đan xen, thâm nhập vào nhau giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Đúng như Lenin đã viết:

“Ngày nay, chúng ta không thể không đặt vấn đề chủ nghĩa tư bản nhà nước và chủ nghĩa xã hội, vấn đề chúng ta cần có thái độ như thế nào trong thời kỳ quá độ; trong thời kỳ này… một mẩu nhỏ chủ nghĩa tư bản và một mẩu nhỏ chủ nghĩa

136

xã hội tồn tại cạnh nhau”1. Thứ hai, đó là thời kỳ, sự phát triển của cái cũ, của những trật tự cũ đôi khi lấn át những mầm mống của cái mới, những trật tự mới.

Lenin cho rằng, những mảnh vụn của những trật tự cũ đôi khi chất đống lại một cách nhanh chóng, trong khi đó những mầm mống của cái mới có khi lại phát triển chậm chạp và không phải bao giờ cũng thấy rõ ngay được”2. Thứ ba, đó là thời kỳ xét về mọi phương diện, đều có sự phát triển của tính tự phát tiểu tư sản, là thời kỳ chứa đựng mâu thuẫn không thể dung hòa được giữa tính kỷ luật nghiêm ngặt của giai cấp vô sản và tính vô chính phủ, vô kỷ luật của các tầng lớp tiểu tư sản. Lenin cho rằng, tính tự phát tiểu tư sản là kẻ thù giấu mặt hết sức nguy hiểm và còn nguy hiểm hơn bọn phản cách mạng công khai. Mâu thuẫn giữa tính tự phát tiểu tư sản và tính kỷ luật nghiêm ngặt của giai cấp vô sản là một trong những đặc điểm nổi bật của “giai đoạn đặc biệt” - giai đoạn quá độ3. Thứ tư, đó là thời kỳ lâu dài, có rất nhiều khó khăn, phức tạp, phải trải qua nhiều lần thử nghiệm để rút ra những kinh nghiệm, những hướng đi đúng đắn và trong quá trình thử nghiệm ấy, nói như Marx, có thể phải trả giá cho những sai lầm trầm trọng. Lenin đã nhận thức được điều đó khi ông viết: “Còn chúng ta thì biết rằng việc chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn.

Nhưng chúng ta sẵn sàng chịu hàng nghìn khó khăn, thực hiện hàng nghìn lần thử và khi chúng ta đã thực hiện được một nghìn lần thử rồi, thì chúng ta sẽ thực hiện cái lần thử thứ một nghìn lẻ một”4.

Lenin còn nhận thấy những nước có nền kinh tế lạc hậu, chẳng hạn như nước Nga có nền kinh tế tiểu nông, khi quá độ lên chủ nghĩa xã hội càng gặp nhiều khó khăn, phức tạp, càng phải trải qua nhiều bước quá độ, nhiều bước thử nghiệm. Ông nhắc lại nhiều lần quan điểm này vào những năm 1918 - 1921.

Chẳng hạn, tháng 10 năm 1921, Lenin đã nói: “Kể từ năm 1917, khi nhiệm vụ nắm chính quyền được đề ra và được những người Boonsêvich nói rõ cho toàn thể nhân dân biết, thì các tác phẩm lý luận của ta đã nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng: Tất yếu phải có một thời kỳ quá độ lâu dài và phức tạp từ xã hội tư bản chủ nghĩa (xã hội đó càng ít phát triển, thì thời kỳ đó càng dài)… tiến lên xã hội cộng

1 V.I.Lênin Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.329.

2 V.I.Lênin Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.252.

3 V.I.Lênin Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.285-286.

4 V.I.Lênin Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.505.

137

sản chủ nghĩa”1. Những tư tưởng của triết học Mác về học thuyết hình thái kinh tế - xã hội trở thành cơ sở lý luận khoa học và cách mạng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Lý luận hình thái kinh tế - xã hội đã chỉ ra, xã hội là một cấu trúc phức tạp, được tạo thành từ nhiều yếu tố, bộ phận khác nhau, các yếu tố bộ phận đó tác động lẫn nhau và vận động, phát triển theo quy luật khách quan. Vì vậy, để nhận thức xã hội cần phải phân ích một cách sâu sắc những yếu tố của đời sống xã hội từ lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất đến cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Không được xem nhẹ hoặc tuyệt đối hóa một yếu tố nào.

Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội là cơ sở khoa học cho việc xác định con đường phát triển của Việt Nam, đó là quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đây chính là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với tính quy luật của sự phát triển các hình thái kinh tế - xã hội. Học thuyết còn là cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học trong quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội là cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học và cách mạng trong đấu tranh bác bỏ những quan điểm thù địch, sai trái, phiến diện về xã hội. Phê phán những quan điểm tuyệt đối hóa yếu tố kinh tế - kỹ thuật, xóa nhòa bản chất của các chế độ xã hội nhằm chứng minh cho sự tồn tại vĩnh viễn của chế độ tư bản.

Ngày nay, có nhiều cách tiếp cận và giải thích về sự vận động và phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội. Cách tiếp cận nền văn minh của A.Toffler là một thí dụ. Mỗi cách tiếp cận có một ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của triết học Mác - Lênin vẫn còn nguyên giá trị, là quan niệm khoa học và cách mạng để phân tích tính lịch sử và nhận thức các vấn đề xã hội, là cơ sở lý luận cho chủ nghĩa xã hội khoa học.

Nghiên cứu hình thái kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng nâng cao nhận thức về bản chất khoa học và cách mạng của triết học Mác - Lênin, quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng về xây dựng chủ nghĩa xã hội, củng cố niềm tin, lý tưởng cách mạng, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội.

1 V.I.Lênin Toàn tập, tập 44, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006 tr.197.

Một phần của tài liệu Giáo trình triết học trong xu thế vận động của thời đại (Trang 132 - 138)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)