Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập

Một phần của tài liệu Giáo trình triết học trong xu thế vận động của thời đại (Trang 74 - 79)

Chương 3. PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

3.3. Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật

3.3.2. Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập

Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là hạt nhân của phép biện chứng duy vật. Khẳng định điều này, Lenin viết: “Có thể định nghĩa vắn tắt phép biện chứng là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập. Như thế là nắm được hạt nhân của phép biện chứng, nhưng điều đó đòi hỏi phải có những giải thích và một sự phát triển thêm”1. Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập có vị trí là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật, là nguồn gốc, động lực phát triển của sự vật, hiện tượng.

Quan niệm về mặt đối lập xuất hiện từ sớm trong lịch sử triết học. Trong triết học Trung Quốc, Lão tử cho rằng, “cái gì khuyết ắt được tròn đầy, cái gì cong sẽ được thẳng, cái gì cũ thì mới lại, cái gì ít sẽ được, nhiều thì mất”; “ai cũng biết đẹp tức là có cái xấu; hai mặt dài ngắn tựa vào nhau mới có hình thể, hai mặt cao thấp liên hệ với nhau mới có chênh lệch”; “họa là chỗ tựa của phúc, phúc là chỗ náu của họa”. Trong tư tưởng của thuyết Âm dương, âm và dương thể hiện: sáng - tối, trắng - đen, cao - thấp, trời - đất, thịnh - suy, nam - nữ, thiện – ác, sự thâm nhập và tác động lẫn nhau giữa các mặt này làm cho sự vật vận động và phát triển không ngừng.

Trong triết học của Heraclites cho rằng: “Cùng một cái ở trong chúng ta – sống và chết, thức và ngủ, trẻ và già. Vì rằng, cái này mà biến đối là cái kia, và ngược lại, cái kia mà biến đổi là cái này”; “cái lạnh nóng lên, cái nóng lạnh đi, cái ướt khô đi, cái khô ướt lại”; “bệnh tật làm cho sức khỏe quý hơn, cái ác làm cho cái thiện cao cả hơn, cái đói làm cho cái no dễ chịu hơn, mệt mỏi làm cho nghỉ ngơi dễ chịu hơn”2. Nhà triết học Pitago cho rằng có những cặp đối lập: giới hạn và không giới hạn, chẵn và lẻ, động và tĩnh, thẳng và cong, sáng và tối, tốt và xấu, đơn và đa, phải và trái, tứ giác và đa diện.

Trong triết học của Kant, ở giai đoạn nhận thức lý tính, ông cho rằng, mọi sự vật mà lý tính con người lĩnh hội được đều chỉ là những hiện tượng, những đối tượng bên ngoài con người, còn cái tự thân tồn tại đằng sau mỗi sự vật đó, cái căn nguyên sâu xa, cái thực tồn, cái bản chất đích thực của nó - vật tự thân, thì lý tính con người bất lực, bất khả tri. Vật tự thân chính là cái mà lý tính của con người khao khát lĩnh hội nhằm đạt tới các tri thức tuyệt đối, hoàn mỹ về nó. Khao khát

1 V.I.Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.240.

2 Nguyễn Thế Nghĩa, Thái Thị Thu Hương, Những vấn đề cơ bản và cấp bách của triết học mácxít, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.154.

75

lĩnh hội song lại không thể lĩnh hội được từ đó dẫn lý tính đi tới những câu trả lời trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau (nghịch lý ). Các antinomie xuất hiện. Có tất cả bốn antinomie cơ bản. Kant chia ra thành các chính đề và phản đề. Bao gồm:

Chính đề Phản đề

1. Thế giới có một khởi đầu trong thời gian và cũng bị bao bọc trong các ranh giới, về không gian

Thế giới không có một khởi đầu và không có ranh giới trong không gian, nhưng là vô tận về thời gian lẫn không gian

2. Mọi bản thể đa hợp trong thế giới đều bao gồm những đơn tố và không có gì tồn tại mà bản thân không phải là đơn tố hay là được tổ hợp từ những đơn tố

Không sự vật đa hợp nào trong thế giới được cấu tạo từ những đơn tố và không tồn tại bất kỳ đơn tố nào trong thế giới

3. Tính nhân quả theo những định luật của tự nhiên không phải là cái duy nhất để từ đó những hiện tượng trong thế giới nhìn chung có thể được dẫn ra [được giải thích]. Tất yếu phải giả định thêm một tính nhân quả từ tự do để giải thích những hiện tượng này

Không có tự do tất cả những gì xảy ra trong thế giới đều chỉ tuân theo những định luật của tự nhiên

4. Có một hữu thể tuyệt đối thuộc về thế giới, hoặc là một bộ phận của nó hoặc làm nguyên nhân cho nó

Không có một hữu thể nào tuyệt đối tất yếu dù ở trong hay ở ngoài thế giới như là nguyên nhân của nó

Với antinomie, Kant làm sáng tỏ thêm tính phức tạp, nghịch lý của quá trình nhận thức chân lý. Khi chứng minh antinomie phản ánh bản chất khách quan của lý trí con người, Kant vượt qua quan điểm của thuyết ngụy biện và ngộ nhận.

Đánh giá về điểm tích cực này trong học thuyết về antinomie của Kant, Hegel viết: việc tìm ra các antinomie cần được xem như một thành tựu vô cùng quan trọng của nhận thức triết học, bởi vì bằng điều đó chủ nghĩa giáo điều xơ cứng của siêu hình học giác tính đã bị loại trừ, và vận động biện chứng của tư duy được chú trọng.

76

Quan niệm của Kant về các antinomie dù có yếu tố biện chứng nhưng còn nhiều hạn chế. Ông chưa thấy được mâu thuẫn biện chứng trong hiện thực khách quan, mà mới chỉ nhận ra mâu thuẫn trong tư tưởng và lý tính của con người. Các antinomie mà ông đưa ra chưa thực sự là những mâu thuẫn biện chứng vì không thể tìm thấy sự thống nhất và chuyển hóa giữa các mặt đối lập của chúng. Trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, cần phải tạo động lực để phát triển thì Kant chỉ dừng lại ở việc phân tích từng mặt đối lập rồi kết luận đúng sai. Một hạn chế nữa là Kant đã hạn chế số lượng các antinomie mà thực tế thì không phải chỉ có như vậy. Những mâu thuẫn biện chứng có tất cả ở các sự vật, ở mọi hình thức, trong tất cả các ý niệm, quan niệm và khái niệm.

Trong tác phẩm Khoa học logic, Hegel đã phân tích phép biện chứng của các mặt đối lập, mâu thuẫn thông qua sự bối đổi, chuyển hóa và phát triển của hệ thống các khái niệm, phạm trù.

Kế thừa những tư tưởng về mâu thuẫn trong lịch sử triết học, triết học Mác đã đưa ra quan niệm về mặt đối lập, mâu thuẫn. Mặt đối lập là những mặt có thuộc tính, khuynh hướng vận động trái ngược nhau, bài trừ, gạt bỏ, chống đối lẫn nhau, nhưng tồn tại gắn bó với nhau trong một thể thống nhất hợp thành một mâu thuẫn. Hai mặt đối lập tạo thành mâu thuẫn biện chứng.

Mâu thuẫn thông thường và mâu thuẫn biện chứng có sự khác nhau. Mâu thuẫn thông thường là mâu thuẫn giữa mệnh đề (phán đoán) đúng với mệnh đề (phán đoán) sai. Mâu thuẫn này không có sự thống nhất mà chỉ có sự đối. Mâu thuẫn biện chứng là mâu thuẫn giữa các mặt cùng tồn tại trong chỉnh thể sự vật (còn gọi là một hệ thống) nhưng tương tác trái ngược nhau và do sự tương tác trái ngược nhau đó mà làm cho sự vật vận động, biến đổi. Chỉnh thể trong mâu thuẫn biện chứng được hiểu là một bộ phận (một vật thể) của thế giới khách quan như hòn đá, nguyên tử, một cây, một con người...hoặc xã hội (gia đình, giai cấp, tổ chức kinh tế) hoặc một quá trình, một trạng thái, một thuộc tính tâm lý (xúc cảm, tư duy, nhận thức, ý chí).

Chủ nghĩa duy vật biện chứng thừa nhận mâu thuẫn tồn tại khách quan, phổ biến trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Trong tự nhiên có mâu thuẫn giữa điện tích dương và điện tích âm, sức hút và sức đẩy, đồng hóa và dị hóa, di truyền và biến dị, giống đực và giống cái, sống và chết v.v. Trong xã hội và tư duy có mâu thuẫn giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột, thiện và ác, tiến bộ và lạc hậu, hòa

77

bình và chiến tranh, duy vật và duy tâm, biện chứng và siêu hình, vô thần và hữu thần v.v.

Hai mặt đối lập của một mâu thuẫn vừa thống nhất, vừa đấu tranh với nhau.

Thống nhất của các mặt đối lập là sự ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau, làm tiền đề tồn tại cho nhau, quy định lẫn nhau, chuyển hóa lẫn nhau của chúng. Thống nhất của các mặt đối lập còn được hiểu là sự đồng nhất giữa chúng. Trong những điều kiện nhất định, các mặt đối lập xâm nhập vào nhau, phù hợp với nhau, cân bằng tương đối và chuyển hóa lẫn nhau. Lenin khẳng định: “phép biện chứng là học thuyết vạch ra rằng những mặt đối lập làm thế nào mà có thể và thường là (trở thành) đồng nhất, - trong những điều kiện nào chúng là đồng nhất, bằng cách chuyển hóa lẫn nhau- tại sao lý trí con người không nên xem những mặt đối lập ấy là chết, cứng đờ mà là sinh động, có điều kiện năng động, chuyển hóa lẫn nhau”1. Không có sự thống nhất của các mặt đối lập thì chúng ta không thể biết sự vật là gì và có tồn tại thuật sự hay không. Thống nhất thực hiện chức năng duy trì sự cân bằng tạm thời và duy trì sự ổn định tương đối của sự vật: “Sự thống nhất ….của các mặt đối lập là có điều kiện, tạm thời, thoáng qua, tương đối”2. Thống nhất của các mật đối lập có quá trình biện chứng thể hiện “xâm nhập vào nhau”, “quy định lẫn nhau”, “ phù hợp với từng phần”, “cân bằng tương đối”.

Ngay cả thống nhất giữa các mật đối lập cũng bao gồm trong mình sự khác biệt và xung đột.

Đấu tranh của các mặt đối lập là sự bài trừ, gạt bỏ, phủ định, chống đối lẫn nhau của chúng. Thống nhất của các mặt đối lập là tương đối. Đấu tranh của các mặt đối lập là tuyệt đối. Trong tự nhiên, đấu tranh của các mặt đối lập diễn ra một cách “tự nhiên” dưới hình thức tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Còn trong xã hội, đấu tranh giữa các mặt đối lập diễn ra thông qua hoạt động của con người. Đấu tranh giữa các mặt đối lập thúc đẩy sự vận động, chuyển hóa lẫn nhau làm cho sự vật, vận động và phát triển không ngừng. Lenin khẳng định: “Sự đấu tranh của các mặt đối lập bài trù lẫn nhau là tuyệt đối, cũng như sự phát triển, sự vận động là tuyệt đối”3.

Mâu thuẫn có quá trình phát triển từ thấp đến cao. Lúc mới xuất hiện, mâu thuẫn thể hiện ở “sự khác biệt”. Do có sự tác động của các mặt đối lập mà mâu

1 V.I.Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.116.

2 V.I.Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.379 -380.

3 V.I.Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.380.

78

thuẫn phát triển thành “đối lập” và từ “đối lập” tiến đến “xung đột” “xung đột gay gắt”. Khi hai mặt đối lập của mâu thuẫn xung đột với nhau và khi điều kiện đã chín muồi thì chúng sẽ chuyển hóa lẫn nhau, mâu thuẫn được giải quyết.

Khi mâu thuẫn được giải quyết, mâu thuẫn cũ mất đi, mâu thuẫn mới hình thành, và quá trình tác động chuyển hóa giữa hai mặt đối lập lại tiếp diễn, làm cho sự vật, hiện tượng luôn vận động và phát triển. Do vậy, sự liên hệ, tác động và chuyển hóa giữa các mặt đối lập là nguồn gốc, động lực của sự vận động và phát triển trong thế giới.

Mâu thuẫn được phân thành các loại sau: mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài, mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản, mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn không chủ yếu, mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng.

Mâu thuẫn bên trong là mâu thuẫn giữa các mặt bên trong sự vật tác động với nhau tạo thành. Mâu thuẫn bên ngoài là mâu thuẫn giữa sự vật này với sự vật khác tác động với nhau tạo thành. Thí dụ, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ giá trị văn hóa Việt Nam là mâu thuẫn bên trong; mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ giá trị văn hóa của thế giới là mâu thuẫn bên ngoài. Sự phân chia mâu thuẫn bên trong và bên ngoài chỉ có ý nghĩa tương đối. Trong quan hệ này nó là mâu thuẫn bên trong, trong quan hệ khác nó là mâu thuẫn bên ngoài.

Trong hai loại mâu thuẫn này, mâu thuẫn bên trong giữ vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật, mâu thuẫn bên ngoài có ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của sự vật.

Mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa hai mặt đối lập cơ bản bên trong sự vật liên hệ với nhau tạo thành. Mâu thuẫn cơ bản quy định bản chất của sự vật và quyết định quá trình phát triển của sự vật. Mâu thuẫn không cơ bản là mâu thuẫn giữa các mặt đối lập không cơ bản trong sự vật liên hệ với nhau tạo thành. Nó tác động và chỉ ảnh hưởng đến phương diện nào đó của quá trình phát triển của sự vật.

Mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn nổi lên hàng đầu trong một giai đoạn phát triển nhất định của sự vật mà việc giải quyết mâu thuẫn đó góp phần từng bước giải quyết mâu thuẫn cơ bản. Mâu thuẫn không chủ yếu là mâu thuẫn xuất hiện trong giai đoạn phát triển nhất định của sự vật cùng với mâu thuẫn chủ yếu tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển của mâu thuẫn chủ yếu.

79

Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn giữa giai cấp, tập đoàn người có lợi ích cơ bản đối lập nhau không thể điều hòa được. Mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn giữa những giai cấp, lực lượng người có lợi ích cơ bản thống nhất với nhau.

Việc giải quyết mâu thuẫn đối kháng được thông qua cuộc cách mạng xã hội với phương pháp đấu tranh. Việc giải quyết mâu thuẫn không đối kháng chủ yếu được thông qua bằng phương pháp hòa bình.

Ý nghĩa phương pháp luận

Mâu thuẫn là hiện tượng tất yếu khách quan, con người cần chấp nhận mâu thuẫn khách quan để tìm cách giải quyết mâu thuẫn, thúc đẩy sự vật phát triển tiến lên.

Để nhận thức bản chất của sự vật, hiện tượng, cần phải phân tích mâu thuẫn của nó, phân đôi cái thống nhất và nhận thức các mặt đối lập. Muốn giải quyết mâu thuẫn phải tìm đúng trạng thái chín muồi của mâu thuẫn. Không được vội vàng khi không đủ điều kiện, không giải quyết tự phát. Phải biết phân loại mâu thuẫn. Mâu thuẫn bao giờ cũng được giải quyết bằng hình thức đấu tranh nhưng tùy từng mâu thuẫn cụ thể mà chúng ta đưa ra những biện pháp phù hợp (phải có cả con đường hòa bình).

Một phần của tài liệu Giáo trình triết học trong xu thế vận động của thời đại (Trang 74 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)