Chương 4. CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
4.3 Tồn tại xã hội và ý thức xã hội
4.3.3 Mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội
Tồn tại xã hội và ý thức xã hội là hai mặt (vật chất và tinh thần) của chỉnh thể xã hội, có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, ý thức xã hội có tính độc lập tương đối, tác động trở lại tồn tại xã hội đã sinh ra nó.
Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội thể hiện:
145
Marx và Engels đã chứng minh rằng, đời sống tinh thần của xã hội hình thành và phát triển trên cơ sở của đời sống vật chất, rằng không thể tìm nguồn gốc của tư tưởng, tâm lý xã hội trong bản thân nó, nghĩa là không thể tìm trong đầu óc con người mà phải tìm trong hiện thực vật chất. Sự biến đổi của một thời đại nào đó cũng sẽ không thể giải thích được nếu chỉ căn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Marx viết: “... không thể nhận định về một thời đại đảo lộn như thế căn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Trái lại, phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất xã hội và những quan hệ sản xuất xã hội”1.
Tồn tại xã hội là cơ sở, nền tảng trên đó hình thành và phát triển ý thức xã hội. Tồn tại xã hội như thế nào thì ý thức xã hội phản ánh như thế ấy. Nếu tồn tại xã hội thay đổi thì ý thức xã hội sớm muộn cũng thay đổi theo.
Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội thể hiện: thứ nhất, ý thức xã hội thường lạc hậu hơn so với tồn tại xã hội. Tồn tại xã hội cũ mất đi nhưng ý thức xã hội cũ vẫn còn tồn tại một thời gian, thậm chí khá lâu. Tính độc lập tương đối này biểu hiện rõ nét trong lĩnh vực tâm lý xã hội: truyền thống, tập quán, thói quen là một trong những sức mạnh ghê ghớm nhất. Ý thức xã hội lạc hậu hơn so với tồn tại xã hội là do những nguyên nhân sau: tồn tại xã hội có sự biến đổi, vận động nhanh hơn so với ý thức xã hội; ý thức xã hội có xu hướng vận động chậm, không theo kịp tồn tại xã hội nên lạc hậu hơn tồn tại xã hội. Do sức mạnh của thói quen, truyền thống, tập quán cũng như do tính lạc hậu bảo thủ của một số hình thái ý thức xã hội. Ý thức xã hội mang tính giai cấp, các giai cấp thống trị thường có xu hướng bảo vệ ý thức xã hội cũ, kìm hãm sự phát triển của tồn tại xã hội. Ý thức xã hội trong giai đoạn lịch sử trước nó không mất ngay khi tồn tại xã hội đã thay đổi mà nó vẫn còn rơi rớt, sót lại trong xã hội hiện đại.
Thứ hai, ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội. Tư tưởng khoa học, lý luận cách mạng tiên tiến, có khả năng vượt trước tồn tại xã hội, dự báo được sự phát triển trong tương lai. Trong những điều kiện nhất định, tư tưởng của con người, đặc biệt những tư tưởng khoa học tiên tiến có thể vượt trước sự phát triển của tồn tại xã hội, dự báo được tương lai và có tác dụng tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người, hướng hoạt động của con người vào việc giải quyết những nhiệm vụ mới do sự phát triển chín muồi của đời sống vật chất của xã hội
1 C.Mác, Ph.Ănghen, Toàn tập, tập13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.15.
146
đặt ra. Chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời từ những năm 40 của thế kỷ XIX, dự báo nhiều nội dung khoa học, cách mạng trong giải phóng giai cấp vô sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội… trong suốt thế kỷ XIX, XX và XXI.
Thứ ba, ý thức xã hội có tính kế thừa trong quá trình phát triển. Ý thức xã hội trong mỗi thời đại vừa là phản ánh tồn tại xã hội trong thời đại đó, vừa có kế thừa những tư tưởng tiền bối của quá khứ. Thí dụ, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của dân tộc, mang đầy đủ những đặc điểm của chủ nghĩa yêu nước truyền thống và không ngừng được bổ sung những đặc điểm của chủ nghĩa yêu nước trong thời đại ngày nay.
Thứ tư, sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội. Mỗi hình thái ý thức xã hội chịu sự tác động và đồng thời có tác động đến các hình thái ý thức xã hội khác. Lịch sử cho thấy ở mỗi thời kỳ tùy theo những hoàn cảnh lịch sử cụ thể có những hình thái ý thức xã hội nổi lên hàng đầu và tác động mạnh mẽ đến các hình thái ý thức xã hội khác. Trong thời kỳ Trung cổ, do ảnh hưởng của Ki - tô giáo mà ý thức xã hội tôn giáo nổi lên và giữ vai trò quan trọng, chi phối đời sống xã hội.
Thứ năm, ý thức xã hội tác động trở lại tồn tại xã hội làm thay đổi tồn tại xã hội. Khi ý thức xã hội phản ánh đúng đắn, phù hợp tồn tại xã hội thì thúc đẩy tồn tại xã hội phát triển. Khi ý thức xã hội lỗi thời, lạc hậu, phản động thì kìm hãm sự phát triển của tồn tại xã hội. Tự ý thức xã hội không làm thay đổi tồn tại xã hội mà ý thức xã hội chỉ có thể thay đổi tồn tại xã hội thông qua hoạt động tư tưởng của con người. Vai trò của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội phụ thuộc vào mức độ phù hợp của tư tưởng với hiện thực; vai trò của giai cấp mang ngọn cờ tư tưởng đó; mức độ thâm nhập của tư tưởng đó trong quần chúng; năng lực tổ chức, lãnh đạo của giai cấp thống trị trong việc biến tư tưởng thành hiện thực.
Nghiên cứu mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội có ý nghĩa phương pháp luận như sau:
Tồn tại xã hội và ý thức xã hội là hai phương diện thống nhất biện chứng của đời sống xã hội. Xây dựng xã hội mới phải được tiến hành đồng thời trên cả hai mặt tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Thay đổi tồn tại xã hội là điều kiện cơ bản nhất để thay đổi ý thức xã hội; mặt khác, cũng cần thấy rằng không chỉ những biến đổi trong tồn tại xã hội mới tất yếu dẫn đến những thay đổi to lớn trong đời
147
sống tinh thần của xã hội mà ngược lại, những tác động của đời sống tinh thần với những điều kiện xác định cũng có thể tạo ra những biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc trong tồn tại xã hội. Trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn con người hiểu được ý thức xã hội thì phải xuất phát từ tồn tại xã hội. Phát huy tính năng động và tích cực của ý thức xã hội phải thông qua hoạt động thực tiễn. Đảng ta xác định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động. Chúng ta phải nhận thức đầy đủ, thường xuyên trau dồi lý luận Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo vào hoạt động thực tiễn.