Xu hướng nghiên cứu cơ bản của triết học Việt Nam

Một phần của tài liệu Giáo trình triết học trong xu thế vận động của thời đại (Trang 170 - 174)

Chương 5. NHỮNG XU HƯỚNG NGHIÊN CỨU CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC ĐƯƠNG ĐẠI

5.2 Xu hướng nghiên cứu của triết học Việt Nam

5.2.2 Xu hướng nghiên cứu cơ bản của triết học Việt Nam

Nhìn lại quá trình phát sinh và phát triển của triết học Việt Nam, các nhà nghiên cứu khẳng định: “Tư tưởng triết học Việt Nam dù được hình thành trên cơ sở bản địa, hay là được kế thừa từ bên ngoài vào, tất cả đều trải qua một quá trình vận động và phát triển ở Việt Nam, đều bị thực tiễn Việt Nam chi phối, nên không thể không mang những nét đặc trưng, khác biệt”1. Chính những nét đặc trưng và khác biệt trong triết học Việt Nam đã phản ánh trực tiếp yêu cầu xây dựng và phát triển của đất nước và những vấn đề nghiên cứu của triết học đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Các xu hướng nghiên cứu cơ bản của triết học Việt Nam tập trung:

Thứ nhất, nghiên cứu những thành tựu mới nhất của triết học thế giới có ảnh hưởng đến Việt Nam.

Với tư cách là một môn khoa học, triết học thường xuyên phát triển, bổ sung các quan điểm, tư tưởng, trào lưu. Triết học Việt Nam mặc dù ra đời trên mảnh đất Việt Nam nhưng ngay từ khi xuất hiện, nó đã trở thành một bộ phận của triết học thế giới, liên hệ mật thiết với sự phát triển của triết học thế giới. Mỗi bước phát triển của triết học thế giới đều được các nhà tư tưởng triết học Việt Nam nghiên cứu, kế thừa và vận dụng sáng tạo. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, trong “trăm hoa đua nở” của triết học thế giới, có những tư tưởng ảnh hưởng sâu đậm ở Việt Nam nhưng lại có những tư tưởng ảnh hưởng ít, thậm chí là còn mới lạ. Từ đó đặt ra yêu cầu đối với những người làm công tác nghiên cứu triết học Việt Nam cần phải biết chọn lọc những tư tưởng gần gũi với văn hóa, phong tục, điều kiện của Việt Nam để tiếp thu, lan tỏa trong xã hội. Thí dụ, trong bối cảnh hiện nay, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, triết học là cơ sở lý luận khoa học trong giải quyết vấn đề toàn cầu. Đây cũng là hướng nghiên cứu rất mới của triết học thế giới đã nhanh chóng được rất nhiều nhà nghiên cứu triết học Việt Nam quan tâm và tiếp cận.

1Nguyễn Tài Thư, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.19.

171

Ngoài ra, nếu trước đây, nghiên cứu triết học tư sản phương Tây còn nhiều hạn chế, các hướng nghiên cứu chỉ để lên án, phê phán, thì ngày nay, triết học Việt Nam cần phải đổi mới phương pháp nghiên cứu và giảng dạy, trong đó chú trọng hơn đến nghiên cứu thành tựu của triết học phương Tây, đặc biệt là triết học ngoài mácxít. Tiếp cận trào lưu, khuynh hướng triết học phương Tây, không chỉ nhìn thấy điểm mạnh, tích cực, những giá trị đích thực mà còn thấy cả mặt hạn chế của triết học phương Tây.

Thứ hai, nghiên cứu những vấn đề về chính trị - xã hội, con người của đất nước trong các giai đoạn của lịch sử, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, chế độ phong kiến tồn tại với quyền lực tập trung trong tay vua và triều đình phong kiến, tầng lớp quan lại, cuộc sống của nhân dân khổ cực, bị áp bức, bóc lột …v.v.Sự phát triển của tư tưởng triết học Việt Nam chủ yếu phản ánh ý thức cộng đồng quốc gia, tinh thần độc lập, tự chủ và khẳng định sự tồn tại độc lập ngang hàng của các vương triều với vương triều phương bắc; khẳng định vai trò quyết định của lực lượng nhân dân và tinh thần đoàn kết trong chiến tranh giữ nước. Hòa bình lập lại, tư tưởng chủ đạo trong các quan điểm của các nhà triết học Việt Nam tiếp tục phản tư về những suy tư, trăn trở của con người trước những vấn đề của cuộc sống, về vị trí và vai trò của con người trong xã hội, về các vấn đề chính trị - xã hội của đất nước…Đây là những vấn đề gắn bó chặt chẽ với triết học ngay từ khi mới xuất hiện đến nay.

Thứ ba, nghiên cứu các vấn đề của công cuộc đổi mới.

Như đã khẳng định ở trên, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều vấn đề thực tiễn và lý luận cho các nhà triết học, các nhà tư tưởng nghiên cứu. Triết học của bất cứ nước nào nếu thiếu quan tâm đến các vấn đề của hiện thực thì sẽ là thái độ đáng phê phán. Giáo sư Feng Ping, Trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa Mác đương đại ở nước ngoài, Đại học Phúc Đán cho rằng: “Coi các lý luận triết học của quá khứ là một đống khái niệm tuy gắn bó với nhau nhưng không hề có sức sống; chúng ta sẽ cắt đứt huyết mạch của những lý luận này vì không nhìn thấy vấn đề mà chúng cần giải quyết và động lực nguyên thủy sản sinh ra chung1”. Cũng giống như triết học Trung Quốc, “nếu lấy “các vấn đề của

1 Nguyễn Như Diệm (dịch giả), Những vấn đề mũi nhọn trong nghiên cứu triết học đương đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr.14.

172

Trung Quốc làm đối tượng nghiên cứu”, triết học Trung Quốc có thể sẽ trở thành

“tinh hoa tinh thần của thời đại” và trở thành “linh hồn sống của văn hóa” Trung Hoa”1. Phát huy vai trò của triết học trong công cuộc đổi mới, nếu chỉ dừng lại ở việc thuyết minh, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng thì về cơ bản, triết học vẫn chưa thâm nhập được vào được thực tiễn. Do đó, để thực hiện tốt được vai trò thế giới quan, phương pháp luận và là cơ sở khoa học giải quyết những vẫn đề của thực tiễn, triết học Việt Nam cần mạnh dạn đề xuất những kiến nghị có giá trị, góp phần hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Cụ thể, triết học Việt Nam tập trung luận chứng cho “vai trò quyết định của lực lượng sản xuất trong mối tương quan với quan hệ sản xuất, chứ không phải ngược lại là quan hệ sản xuất phải đi trước mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển;

về vai trò của kinh tế nhiều thành phần và nhiều loại hình sở hữu, của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò của nguồn nhân lực và của các động lực nói chung trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội, nhất là vai trò động lực của lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế; về sự cần thiết phải kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển; khẳng định văn hoá là động lực và cơ sở tinh thần của sự phát triển xã hội, v.v.. Những luận điểm đó đã được đưa vào trong các văn kiện của Đảng và đã được thực tế cuộc sống xác nhận là đúng đắn2”. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề mà trước đây là những vấn đề nhạy cảm, né tránh thì giờ đây cũng đã được Đảng đưa vào các văn kiện, như các vấn đề: dân chủ…Sáng tỏ được những vấn đề lý luận này, con đường đổi mới của Việt Nam sẽ diễn ra đúng định hướng, có hiệu quả và đạt nhiều thành tựu trong thực tiễn.

1 Nguyễn Như Diệm (dịch giả), Những vấn đề mũi nhọn trong nghiên cứu triết học đương đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr.15.

2 Một số suy nghĩ về nghiên cứu triết học ở Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hiện nay, http://philosophy.vass.gov.vn/triet-hoc-vietnam/Mot-so-suy-nghi-ve-nghien-cuu-triet-hoc-o-Viet-Nam-trong-ky- nguyen-toan-cau-hien-nay-86.0.html, ngày truy cập 25/10/2022.

173

CÂU HỎI ÔN TẬP

Câu 1. Trình bày những xu thế phát triển của thế giới hiện nay.

Câu 2. Phân tích những xu hướng nghiên cứu của triết học thế giới.

Câu 3. Trình bày hoàn cảnh và những vấn đề đặt ra trong công cuộc đổi mới ở nước ta.

Câu 4. Phân tích thành tựu trong công cuộc đổi mới ở nước ta.

Câu 5. Phân tích xu hướng nghiên cứu cơ bản của triết học Việt Nam.

174

Một phần của tài liệu Giáo trình triết học trong xu thế vận động của thời đại (Trang 170 - 174)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)