Quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại

Một phần của tài liệu Giáo trình triết học trong xu thế vận động của thời đại (Trang 71 - 74)

Chương 3. PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

3.3. Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật

3.3.1. Quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại

Quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật.

Quy luật này nói lên cách thức (phương thức) vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong thế giới.

1C.Mác, Ph.Ăngghen,Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.510.

2 C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.510-511.

3 C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.511.

72

Chất là khái niệm chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, hiện tượng, là sự thống nhất hữu cơ những thuộc tính, tính chất, đặc trưng để quy định sự vật là nó, khác với sự vật khác.

Chất tồn tại khách quan trong sự vật và gắn liền với sự vật. Mỗi một chất có kiểu kết cấu nhất định, nhờ đó ta phân biệt được các sự vật. Sự vật không phải là có một chất mà có nhiều chất vì sự vật có nhiều thuộc tính, mỗi thuộc tính có thể gọi là một chất xác định. Chất biểu hiện trạng thái tương đối ổn định khi sự vật còn là nó chưa chuyển thành cái khác.

Lượng là khái niệm chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật về các phương diện số lượng các yếu tố cấu thành, quy mô của sự tồn tại, tốc độ, nhịp điệu của quá trình vận động, phát triển của sự vật.

Lượng tồn tại khách quan và gắn liền với sự vật. Có những chỉ số về lượng ta có thể đo được bằng những con số chính xác song cũng có những chỉ số về lượng thì phải bằng phương pháp trừu tượng hóa, khái quát hóa mới đo được.

Ranh giới giữa chất và lượng là tương đối. Trong quan hệ này nó là chất, trong quan hệ khác nó là lượng và ngược lại.

Chất và lượng có mối quan hệ biện chứng với nhau, thể hiện:

Chất và lượng là hai mặt cùng tồn tại trong một sự vật, hiện tượng. Chất là mặt mang tính ổn định, ít vận động, ít biến đổi hoặc vận động, biến đổi chậm hơn so với sự biến đổi của lượng. Ngược lại, lượng là mặt có xu hướng thường xuyên vận động, biến đổi và nhịp độ biến đổi của nó nhanh hơn so với biến đổi của chất.

Sự vận động và biến đổi của sự vật, hiện tượng bao giờ cũng bắt đầu từ sự thay đổi về lượng. Lượng thay đổi nhưng trong một giới hạn nhất định chưa dẫn đến sự thay đổi về chất thì gọi là độ.

Độ là giới hạn giữa chất và lượng khi sự vật còn là nó và chưa chuyển thành cái khác. Khi lượng thay đổi vượt qua giới hạn độ đến thời điểm mà ở đó sự vật có sự thay đổi về chất thì gọi là điểm nút.

Điểm nút là nơi mà ở đó diễn ra sự thay đổi về chất của sự vật do những thay đổi về lượng trước đó gây ra. Khi lượng thay đổi vượt qua giới hạn độ tới điểm nút thì tạo ra một bước chuyển mới về chất. Chất cũ mất đi, chất mới ra đời cũng có ý nghĩa sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời. Bước chuyển ấy người ta gọi là bước nhảy. Bước nhảy là sự chuyển hóa về chất của sự vật do những thay đổi về lượng của sự vật trước đó gây ra.

73

Xét về quy mô của bước nhảy thì có bước nhảy toàn bộ và bước nhảy cục bộ. Bước nhảy toàn bộ là bước nhảy làm thay đổi hầu hết các bộ phận, yếu tố, quá trình trong bản thân sự vật, hiện tượng. Bước nhảy cục bộ là bước nhảy làm thay đổi từng bộ phận, từng yếu tố, từng quá trình trong bản thân sự vật. Xét về tính chất của bước nhảy thì có bước nhảy đột biến và bước nhảy dần dần. Bước nhảy đột biến là bước nhảy diễn ra với tốc độ nhanh, và thời gian nhanh làm thay đổi căn bản chất của sự vật, hiện tượng. Bước nhảy dần dần là bước nhảy diễn ra trong thời gian dài với tốc độ chậm.

Như vậy, từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất (lượng đổi dẫn đến chất đổi). Thường thì thay đổi về lượng đó là sự tăng lên hay giảm đi về mức độ, quy mô, số lượng của sự vật. Trong giới hạn của độ, thay đổi về lượng thường diễn ra một cách êm đềm, khó nhận biết. Tích lũy về lượng đến một giai đoạn nhất định sự vật thực hiện bước nhảy vọt cho ra đời sự vật mới thay thế sự vật cũ. Ngược lại, từ những thay đổi về chất dẫn đến những thay đổi về lượng (chất đổi dẫn đến lượng đổi). Sau khi chất mới ra đời thì chất mới đó lại quy định tích lũy về lượng ở cả quy mô và tính chất của nó. Tích lũy về lượng lại tiếp tục diễn ra tới một giới hạn khác thì thực hiện bước nhảy vọt và quá trình cứ như thế diễn ra liên tục quy định sự vận động, phát triển của sự vật.

Ý nghĩa phương pháp luận

Khi xem xét sự vật, hiện tượng trong nhận thức và hoạt động thực tiễn thì chúng ta không nên tuyệt đối hóa mặt lượng hay chất mà cần thấy rõ mối quan hệ biện chứng giữa chúng. Tuy nhiên, để xem xét sự vật, hiện tượng chúng ta không được bỏ qua, xem nhẹ mặt chất của sự vật, hiện tượng.

Từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất cho nên trong nhận thức và hoạt động muốn xây dựng và tạo nên sự vật mới, muốn xóa bỏ sự vật cũ ta chỉ có cách tác động vào lượng. Chú ý tới sự biến đổi về lượng, thường thì những biến đổi đó nhỏ, êm đềm và khó nhận biết

Tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội, đốt cháy giai đoạn trong sự phát triển, tức là chưa có sự biến đổi về lượng đã thực hiện bước nhảy tạo ra sự biến đổi về chất hoặc khi đã tích lũy đủ về lượng mà lại không dám thực hiện bước nhảy.

Trong những điều kiện thích hợp phải biết tổ chức bước nhảy nhất là trong lĩnh vực xã hội. Phải vận dụng mối quan hệ biện chứng giữa chất và lượng một cách linh động, sáng tạo và không máy móc.

74

Một phần của tài liệu Giáo trình triết học trong xu thế vận động của thời đại (Trang 71 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)