Chương 3. PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT
3.3. Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật
3.3.3. Quy luật phủ định của phủ định
Các nhà triết học Hy Lạp đã phát hiện và trình bày những tư tưởng rất sơ khai ban đầu về phủ định và phủ định biện chứng. Trong quan niệm của Heraclitus, ông cho rằng, phủ định ra đời trong cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập. Phủ định chính là sự huỷ diệt, sự diệt vong của sự vật, hiện tượng cũ, nhưng là s ự tự huỷ diệt, tự diệt vong. Sự tự huỷ diệt, tự diệt vong đó không khiến cho sự vật, hiện tượng biến mất hoàn toàn mà chỉ là sự kết thúc một chu kỳ vận động và biến đổi để chuyển hoá sang một chu kỳ vận động và biến đổi mới. Học thuyết về “dòng chảy” và “logos” của ông trình bày trực tiếp về quan hệ gắn bó giữa tồn tại và không tồn tại trong mọi sự vật, hiện tượng, kể cả trong con người: "…
chúng ta vừa tồn tại vừa không tồn tại".
Nhà triết học Platon cho rằng, trong một ý niệm luôn tồn tại các tương phản, chẳng hạn như “cái đơn nhất” và “cái nhiều” trong ý niệm tồn tại, “sống” và “chết”
trong ý niệm linh hồn v.v.. Các tương phản đấu tranh lẫn nhau nhưng chúng không huỷ diệt nhau hoàn toàn và chính điều đó khiến cho giữa các giai đoạn trong quá
80
trình chuyển hoá có một mối liên hệ với nhau, khiến cho sự sinh thành của một ý niệm mới bao giờ cũng diễn ra trên cơ sở của một ý niệm đã có.
Trong triết học Hegel, phạm trù phủ định biện chứng được hình thành từ tư tưởng của ông về mối quan hệ biện chứng giữa “sự quy định khẳng định” và
“sự quy định phủ định”. Mối quan hệ biện chứng này được xây dựng trên cơ sở xuất phát điểm của triết học Hegel, là sự thống nhất (và cũng là sự đồng nhất). Sự thống nhất trong triết học Hegel, không phải là một thể thống nhất chết. Với vai trò là “căn cứ”, nó là “một thể thống nhất sống”. “Một thể thống nhất sống” là một thể thống nhất hàm chứa mâu thuẫn biện chứng giữa “sự quy định khẳng định” và “sự quy định phủ định” cùng sự tự chuyển hóa của chúng. Sự tự chuyển hoá này khiến cho "thể thống nhất sống" bị phá vỡ. Khi đó, “sự quy định phủ định” vốn tồn tại "một cách che giấu" trong “sự quy định khẳng định” sẽ chuyển sang sự “tồn tại tự nó”, tức là “sự quy định phủ định” sẽ trở thành một “sự quy định khẳng định” mới trong một thể thống nhất mới của quá trình “tư duy đang phản tư”, sự phủ định của phản đề với chính đề phải là một sự phủ định biện chứng. Chỉ sự phủ định biện chứng mới có khả năng dẫn đến “một thể thống nhất sống”, vì chính đề không bị phản đề tiêu diệt trong sự phủ định đó.
Trong tác phẩm Chống Đuy-rinh, Engels đã khẳng định quan niệm về phủ định của phủ định và phủ định biện chứng. Theo Engels, “phủ định, trong phép biện chứng, không phải chỉ có ý nghĩa giản đơn là nói: không, hoặc giả là tuyên bố rằng một sự vật không tồn tại, hay phá huỷ sự vật ấy theo một cách nào đó”.
Engels chỉ rõ sự khác biệt giữa phủ định trong phép biện chứng và phủ định trong phép siêu hình. Phủ định trong phép biện chứng (phủ định biện chứng) có tính tất yếu và khách quan trong tự nhiên, trong lịch sử và cả trong tư tưởng của nhân loại. Đặc điểm quan trọng của phủ định biện chứng là sự phủ định luôn được xem xét căn cứ vào quá trình phát triển hiện thực của sự vật, hiện tượng. Phủ định biện chứng cho phép chủ thể thấy được sự phát triển trong quá trình phủ định, dù ban đầu, nó chỉ là những mầm mống. Căn cứ vào hiện thực, Engels khẳng định, “mỗi sự vật” cũng như “mỗi loại quan niệm, khái niệm” “đều có phương thức phủ định riêng biệt”. Điều này có nghĩa là, những “phương thức phủ định riêng biệt” đó sẽ không giống nhau về các khâu trung gian, về hình thức và tốc độ của sự phủ định, v.v.. Nói tóm lại, những sự phủ định đó diễn ra theo con đường tự thân, hay là tự
81
phủ định. Đấy chính là một trong những đặc trưng quan trọng nhất của phủ định biện chứng.
Về phương thức phủ định, Engels khẳng định: “Không những tôi phải phủ định, mà còn phải xoá bỏ sự phủ định ấy một lần nữa. Cho nên phải thiết lập sự phủ định thứ nhất như thế nào cho sự phủ định thứ hai vẫn sẽ còn hay có thể có được”. Phương thức phủ định gồm có hai bước: phủ định và phủ định của phủ định đó. Bước phủ định thứ hai (phủ định của phủ định) diễn ra trên cơ sở kết quả của bước phủ định thứ nhất, căn cứ vào kết quả của bước phủ định thứ nhất. Nếu như bước phủ định thứ nhất diễn ra khiến cho sự vật, hiện tượng bị diệt vong, bị xoá bỏ hoàn toàn thì bước phủ định thứ hai sẽ không thể diễn ra. Để cho bước phủ định thứ hai có thể diễn ra, sự vật, hiện tượng có thể tiếp tục quá trình vận động của nó thì bước phủ định thứ nhất không thể là sự phủ định sạch trơn mà phải là sự phủ định biện chứng, tức là sự phủ định có bảo tồn. Điều đó cũng có nghĩa là, giữa kết quả của bước phủ định thứ nhất với kết quả của bước phủ định thứ hai có một mối quan hệ khăng khít. Mối quan hệ này được hình thành do bước phủ định thứ nhất đã để lại một kết quả nhất định và khiến cho bước phủ định thứ hai có thể diễn ra trên cơ sở kế thừa kết quả đó. Chính đặc tính kế thừa sẽ khiến cho một sự phủ định có thể trở thành một sự phủ định biện chứng. Tuy nhiên, không phải sự kế thừa nào cũng dẫn đến sự phát triển, sự tiến lên, tiến bộ. Đặc biệt là trong lĩnh vực xã hội. Khi sự kế thừa chỉ là bảo lưu, giữ lại những tư tưởng đã lạc hậu, phản động thì nó trở thành sự bảo thủ và do vậy, là trở ngại ngăn cản sự phát triển không dẫn đến sự diệt vong mà dẫn đến sự phát triển của các sự vật, hiện tượng.
Tuy nhiên, không phải quá trình vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng và tư tưởng nào cũng giống nhau (về cả nội dung lẫn hình thức), do đó không phải sự vật, hiện tượng và tư tưởng nào cũng nhất thiết phải trải qua hai bước phủ định mà mỗi loại có phương thức phủ định riêng biệt của nó.
Tư tưởng của Engels về phủ định của phủ định, phủ định biện chứng và những tính quy luật của chúng, một mặt là sự kế thừa yếu tố hợp lý trong triết học của Hegel, mặt khác, căn bản và quan trọng hơn, được rút ra từ chính quá trình phát triển hiện thực của sự vật, hiện tượng và tư tưởng.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định, trong quá trình vận động của sự vật, hiện tượng, phủ định biện chứng diễn ra - sự vật đó không còn nữa mà bị thay
82
thế bởi sự vật mới, trong đó bảo tồn lại những nhân tố tích cực. Song sự vật mới này sẽ lại bị phủ định bởi sự vật mới khác. Sự vật mới khác ấy dường như là sự vật đã tồn tại, song không phải là sự trùng lặp hoàn toàn, mà nó được bổ sung những nhân tố mới và chỉ bảo tồn những nhân tố tích cực thích hợp với sự phát triển tiếp tục của nó. Sau khi sự phủ định của phủ định (hai lần phủ định) được thực hiện, sự vật mới hoàn thành một chu kỳ phát triển.
Engels đã đưa ra một thí dụ để hiểu về quá trình phủ định này: “Hãy lấy ví dụ hạt đại mạch. Có hàng nghìn triệu hạt đại mạch giống nhau được xay ra, nấu chín và đem làm bia, rồi tiêu dùng đi. Nhưng nếu một hạt đại mạch như thế gặp những điều kiện bình thường đối với nó, nếu nó rơi vào một miếng đất thích hợp, thì nhờ ảnh hưởng của sức nóng và độ ẩm, đối với nó sẽ diễn ra một sự biến hóa riêng, nó nảy mầm: hạt đại mạch biến đi, không còn là hạt đại mạch nữa, nó bị phủ định, bị thay thế bởi cái cây do nó đẻ ra, đấy là sự phủ định hạt đại mạch.
Nhưng cuộc sống bình thường của cây này sẽ như thế nào? Nó lớn lên, ra hoa, thụ phấn và cuối cùng sinh ra những hạt đại mạch mới, và khi hạt đại mạch đó chín thì thân cây chết đi, bản thân nó bị phủ định. Kết quả của sự phủ định này là chúng ta lại có hạt đại mạch như ban đầu, nhưng không phải chỉ là một hạt mà nhiều gấp mười, hai mươi, ba mươi lần”.
Thông qua những lần phủ định biện chứng, sự vật sẽ ngày càng phát triển.
Kết quả của sự phủ định của phủ định là điểm kết thúc của một chu kỳ phát triển và cũng là điểm khởi đầu của chu kỳ phát triển tiếp theo. Trong hiện thực, một chu kỳ phát triển của sự vật cụ thể có thể bao gồm số lượng các lần phủ định nhiều hơn hai. Có sự vật trải qua hai lần phủ định, có sự vật phải trải qua ba, bốn, năm lần phủ định mới hoàn thành một chu kỳ phát triển. Nói cách khác, sự vật phải trải qua từ hai lần phủ định trở lên mới hoàn thành một chu kỳ phát triển.
Điều đó phụ thuộc vào từng sự vật cụ thể. Chẳng hạn, vòng đời của con tằm:
trứng - tằm - nhộng - ngài - trứng. Ở đây vòng đời của tằm trải qua bốn lần phủ định.
Quy luật phủ định của phủ định khái quát xu hướng tất yếu tiến lên của sự vật - xu hướng phát triển. Song sự phát triển đó không phải diễn ra theo đường thẳng, mà theo đường “xoáy ốc”. Đường “xoáy ốc” là sự biểu thị rõ ràng, đầy đủ các đặc trưng của quá trình phát triển biện chứng của sự vật: tính kế thừa, tính lặp lại, tính tiến lên. Mỗi vòng của đường “xoáy ốc” dường như thể hiện sự lặp lại
83
nhưng cao hơn, thể hiện trình độ cao hơn của sự phát triển. Tính vô tận của sự phát triển từ thấp đến cao được thể hiện ở sự nối tiếp nhau từ dưới lên của các vòng trong đường “xoáy ốc”.
Quy luật phủ định của phủ định giúp chúng ta nhận thức đúng đắn về xu hướng phát triển của sự vật. Quá trình phát triển của bất kỳ sự vật nào cũng không bao giờ đi theo một đường thẳng, mà diễn ra quanh co, phức tạp, trong đó bao gồm nhiều chu kỳ khác nhau. Chu kỳ sau bao giờ cũng tiến bộ hơn chu kỳ trước.
Ở mỗi chu kỳ phát triển sự vật có những đặc điểm riêng biệt. Do đó, chúng ta phải hiểu những đặc điểm đó để có cách tác động phù hợp với yêu cầu phát triển.
Theo quy luật phủ định của phủ định, mọi sự vật luôn luôn xuất hiện cái mới thay thế cái cũ, cái tiến bộ thay thế cái lạc hậu; cái mới ra đời từ cái cũ trên cơ sở kế thừa tất cả những nhân tố tích cực của cái cũ, do đó, trong hoạt động của mình, con người phải biết kế thừa tinh hoa của cái cũ, tránh thái độ phủ định sạch trơn.
Trong giới tự nhiên cái mới xuất hiện một cách tự phát, còn trong xã hội cái mới ra đời gắn liền với hoạt động có ý thức của con người. Chính vì thế, trong hoạt động của mình con người phải biết phát hiện cái mới và ủng hộ nó. Khi mới ra đời cái mới luôn còn yếu ớt, ít ỏi, vì vậy, phải tạo điều kiện cho nó chiến thắng cái cũ, phát huy ưu thế của nó.