Chương 4. CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
4.2. Những nội dung cơ bản của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội
4.2.2 Biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng
Cơ sở hạ tầng là toàn bộ những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội mà trên đó hình thành nên kiến trúc thượng tầng. Marx khẳng định:
“Toàn bộ quan hệ sản xuất ấy...hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lí, chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó”2.
1 C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.15.
2 C.Mác, Ph.Ăng ghen, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr15.
129
Cơ sở hạ tầng bao gồm nhiều kiểu quan hệ sản xuất: quan hệ sản xuất thống trị, quan hệ sản xuất tàn dư và quan hệ sản xuất mầm mống. Trong đó quan hệ sản xuất thống trị giữ vai trò quyết định. Khi nói đến cơ sở hạ tầng của một xã hội thực chất là nói đến cơ sở kinh tế của xã hội đó và do vậy mà cũng có thể gọi tắt là cơ sở hạ tầng của xã hội là cơ sở kinh tế của xã hội. Với cách hiểu như vậy, cơ sở hạ tầng của xã hội Việt Nam là toàn bộ quan hệ sản xuất hợp thành kết cấu kinh tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kiến trúc thượng tầng dùng để chỉ toàn bộ hệ thống kết cấu các hình thái ý thức xã hội: chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo... cùng với các thiết chế chính trị - xã hội tương ứng: đảng phái, nhà nước, giáo hội, và các tổ chức xã hội khác, v.v.. được hình thành trên một cơ sở hạ tầng kinh tế nhất định.
Trong các yếu tố của kiến trúc thượng tầng thì nhà nước có tác động mạnh mẽ nhất đến các yếu tố khác và có vai trò đặc biệt quan trọng. Tính chất đặc biệt của nhà nước thể hiện, nhà nước có thể nhân danh lợi ích của toàn thể quốc gia và có được sức mạnh bạo lực để thực thi quyền lực đối với các hoạt động kinh tế của xã hội trong điều kiện nảy sinh những mâu thuẫn lợi ích kinh tế không thể điều hòa được nhưng lại cần phải đảm bảo tính ổn định của những quan hệ sản xuất và hoạt động kinh tế của xã hội. Nhà nước còn tạo cơ sở pháp luật để bảo hộ quyền sở hữu tư liệu sản xuất của các chủ thể trong hoạt động kinh tế, tạo môi trường pháp lý, hành lang pháp luật cho các hoạt động kinh tế của xã hội, mở đường cho hoạt động kinh tế đối ngoại. Các nhân tố khác thuộc kiến trúc thượng tầng thường chỉ có thể phát huy vai trò mạnh mẽ tới cơ sở hạ tầng kinh tế của xã hội khi thông qua nhà nước.
Cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng có mối quan hệ biện chứng với nhau.
Trong đó, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng. Kiến trúc thượng tầng tác động trở lại đối với cơ sở hạ tầng đã sinh ra nó.
Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng thể hiện, trong xã hội, cơ sở hạ tầng như thế nào thì sinh ra kiến trúc thượng tầng tương ứng. Không có kiến trúc thượng tầng nào ra đời từ hư vô, nó phải được xây dựng trên nền tảng một cơ sở kinh tế nhất định. Với cơ sở kinh tế là nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, toàn bộ tư liệu sản xuất nằm trong tay địa chủ thì tương ứng với nó là kiến trúc thượng
130
tầng với nhà nước, đảng phái, giáo hội phong kiến. Với cơ sở kinh tế là nền sản xuất công nghiệp, toàn bộ tư liệu sản xuất nằm trong tay tư bản thì tương ứng với nó là kiến trúc thượng tầng với nhà nước, đảng phái và giáo hội tư bản chủ nghĩa.
Bản chất của cơ sở kinh tế quyết định tính chất của kiến trúc thượng tầng. Sự ra đời và phát triển của chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật ...đều dựa vào cơ sở kinh tế. Khẳng định điều này, trong thư gửi ông Borghi, Engels viết: “Sự phát triển của chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật v.v. đều dựa trên cơ sở sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả chúng cũng có ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến cơ sở kinh tế. Vấn đề hoàn toàn không phải là chỉ có hoàn cảnh kinh tế mới là nguyên nhân, chỉ có nó là tích cực, còn tất cả những cái còn lại đều chỉ là hậu quả thụ động. Không, ở đây tác động qua lại trên cơ sở tất yếu kinh tế, xét cho cùng bao giờ cũng mở đường đi cho mình”1. Sự phát triển thảm hại của kinh tế nước Đức giai đoạn 1648 - 1830 đã đưa đến sự bất lực của người tiểu thị dân Đức. Vì vậy, muốn giải thích quá trình ra đời, phát triển thậm chí diệt vong của hệ tư tưởng (kiến trúc thượng tầng) chúng ta phải xuất phát từ cơ sở kinh tế để giải thích. Các yếu tố khác có tác động mạnh mẽ đến đâu thì yếu tố kinh tế vẫn là yếu tố quyết định.
Trong xã hội có giai cấp, giai cấp nào thống trị về kinh tế thì cũng thống trị về chính trị và tinh thần, nắm quyền kiểm soát nhà nước. Mâu thuẫn trong lĩnh vực kinh tế quyết định mâu thuẫn trong lĩnh vực chính trị. Khi cơ sở hạ tầng thay đổi thì tất yếu sẽ kéo theo những biến đổi nhất định của các nhân tố thuộc kiến trúc thượng tầng. Sự thay thế quan hệ sản xuất cũ lỗi thời bằng quan hệ sản xuất mới tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi căn bản trong đời sống chính trị và tinh thần của xã hội. Marx khẳng định: “Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng”2. Cở sở kinh tế trong xã hội không cố định, nó luôn vận động do các yếu tố bên trong cấu thành luôn vận động. Khi cơ sở kinh tế thay đổi, thì kiến trúc thượng tầng cũ không còn phù hợp nữa, mâu thuẫn giữa cơ sở kinh tế và kiến trúc thượng tầng làm xuất hiện nhu cầu phải có một kiến trúc thượng tầng mới tiến bộ hơn, phù hợp hơn với cơ sở kinh tế.
1 C.Mác, Ph.Ăngghen, Tuyển tập, tập 6, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.788.
2C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.15.
131
Cuối cùng thì kiến trúc thượng tầng mới với nhà nước, đảng phải, giáo hội mới thay thế cho kiến trúc thượng tầng cũ.
Kiến trúc thượng tầng có tính độc lập tương đối nên sau khi hình thành thì tác động trở lại cơ sở hạ tầng (cơ sở kinh tế) đã sinh ra nó. Tuy nhiên, sự tác động của kiến trúc thượng tầng bao gồm sự tác động tổng thể của các nhân tố bên trong kiến trúc thượng tầng, trong đó nhà nước với các công cụ: cảnh sát, tòa án, quân đội ...có tác động mạnh mẽ nhất đến cơ sở kinh tế. Sự tác động đó diễn ra theo hai xu hướng: tích cực hoặc tiêu cực. Kiến trúc thượng tầng tiến bộ, phù hợp với cơ sở kinh tế và phản ánh đúng cơ sở kinh tế thì sẽ tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, ngược lại nếu kiến trúc thượng tầng bảo thủ, phản ánh sai lệch cơ sở kinh tế thì sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế. Kiến trúc thượng tầng cũ tỏ ra lạc hậu không còn phù hợp với cơ sở kinh tế luôn biến đổi sẽ bị kiến trúc thượng tầng mới thay thế. Tuy nhiên, tác động của kiến trúc thượng tầng tuân theo quy luật của tư tưởng, vì vậy không thể diễn ra trong một thời gian ngắn. Có khi cơ sở kinh tế đã thay đổi, kiến trúc thượng tầng mới đã hình thành nhưng những mầm mống của kiến trúc thượng tầng cũ vẫn còn rơi rớt lại và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế.
Trong kiến trúc thượng tầng, chính trị, nhà nước có vai trò quan trọng nhất, vì nó ở gần cơ sở kinh tế nhất, có tác động trực tiếp đến cơ sở kinh tế. Các bộ phận khác như triết học, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo… đều có vai trò quan trọng tác động cơ sở kinh tế, nhưng vì chúng ở xa cơ sở kinh tế hơn, nên chỉ có tác động gián tiếp thông qua vai trò của chính trị và nhà nước.
Khi xét quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới sự phù hợp hay không phù hợp của kiến trúc thượng tầng với cơ sở hạ tầng. Làm thế nào để nhận biết được sự phù hợp hay không phù hợp? Con người cần nhìn vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Nếu phát triển và tăng trưởng kinh tế tốt, chứng tỏ kiến trúc thượng tầng phù hợp với cơ sở hạ tầng và ngược lại. Khi nghiên cứu mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, chúng ta phải hết sức lưu ý đến khẳng định của Marx “suy đến cùng”, yếu tố kinh tế giữ vai trò quyết định tiến trình phát triển của lịch sử chứ yếu tố kinh tế không phải là yếu tố duy nhất giữ vai trò quyết định tiến trình phát triển của lịch sử. Các yếu tố trong kiến trúc thượng tầng như chính
132
trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật.... đều có ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của lịch sử.