Khái luận các quan điểm về con người trong lịch sử triết học

Một phần của tài liệu Giáo trình triết học trong xu thế vận động của thời đại (Trang 149 - 155)

Chương 4. CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ

4.4 Triết học về con người

4.4.1 Khái luận các quan điểm về con người trong lịch sử triết học

Con người là một trong những vấn đề trung tâm của triết học. Bàn về con người, các nhà triết học thường đề cập đến các vấn đề chủ yếu: con người là gì?

Bản tính, bản chất con người? Mối quan hệ giữa con người và thế giới? Con người có thể làm gì để giải phóng mình, đạt tới tự do? Đây cũng chính là nội dung cơ bản của nhân sinh quan - nội dung cấu thành thế giới quan triết học.

Trong triết học phương Đông, ở Trung Quốc, quan điểm của Nho gia và Pháp gia tiếp cận từ góc độ hoạt động thực tiễn chính trị, đạo đức của xã hội và đi đến kết luận bản tính người là thiện (Nho gia) và bản tính người là ác (Pháp gia). Trong tư tưởng của Nho gia, Khổng tử phân chia con người trong xã hội thành người “quân tử” và “tiểu nhân”. Người quân tử chỉ giới sĩ trở lên. Đối lập là “tiểu nhân” chỉ từ giới sĩ trở xuống. Người quân tử không chỉ thuần túy địa vị xã hội mà chủ yếu chỉ phẩm chất đạo đức mà người đó đạt được, Khổng tử dạy:

“Người ta gọi một con ngựa nào đó là ngựa ký đâu phải vì sức mà vì đức của nó”.

Trong Luận ngữ viết: “Quân tử đạo giả tam, ngã vô năng yên. Nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ” (nghĩa là: Đạo của người quân tử có ba phần, ta không thể có được đầy đủ. Người nhân thì không lo lắng, người biết thì không nghi hoặc, người dũng cảm thì không sợ hãi). Người quân tử cần đạt được chín điều: “khi nhìn thì để ý nhìn cho minh bạch; khi nghe thì lắng tai nghe cho rõ; sắc mặt phải giữ cho ôn hòa; tướng mạo giữ cho khiêm cung; nói năng giữ bề trung thực; làm việc trọng sự kính cẩn; có điều nghi hoặc phải hỏi han; khi giận thì nghĩ

150

đến sự hoạn nạn có thể xaỷ ra; khi thấy lợi liền nghĩ tới việc nghĩa. Như vậy, người quân tử trước tiên phải tu thân. Học để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là đường đi của người quân tử. Tiểu nhân cũng cần phải học nhưng học là để phục dịch và tuân lệnh kẻ cầm quyền. Một người nào đó thuộc quân tử hay tiểu nhân, ông yêu cầu quan sát hành động của người đó có phù hợp với lời nói của họ hay không. Luận Ngữ dạy: “Quân tử có sức mạnh mà không có đạo nghĩa thì làm loạn. Kẻ tiểu nhân có sức mạnh mà không có đạo nghĩa thì trộm cắp”; “Người quân tử biết chịu đựng cái nghèo, kẻ tiểu nhân nghèo thì lập tức sẽ làm bậy”;

“Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo. Thảo thương chi phong tất yểu”

(đức hạnh của người quân tử như gió, đức hạnh của kẻ tiểu nhân như cỏ. Gió thổi tất làm cho cỏ rạp xuống).

Đối với Khổng tử, nói đến con người là con người đạo đức. Đạo đức là nền tảng của con người, là thuộc tính bản chất để phân biệt con người với nhau. Đạo đức trong con người của Khổng tử thường đề cập đến nhân, nghĩa, chính danh.

Trong đó, nhân là lòng thương yêu người. Khổng tử viết “nhân giả ái nhân” (nhân là lòng thương yêu người); nhân là trung thứ. Trung thứ là lòng ngay thẳng, thật thà và vị tha. Khổng tử viết: “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều gì mà mình không mong muốn thì cũng đừng mong muốn cho người khác) và “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (mình muốn lập thân thì phải giúp người khác lập thân). Nhân còn bao gồm cả trực và kính. Trực là thẳng thắn, không đơm điều xấu xa, không ba hoa lắm điều. Kính nghĩa là kính trọng ông bà, cha mẹ và những người lớn tuổi khác. Khổng tử viết: “xảo ngôn lệnh sắc tiền hỹ nhân” (những người ba hoa lắm điều trau chuốt hình thức thì ít đức nhân). Lễ theo Khổng tử là những lễ nghi, phong tục, tập quán của cộng đồng xã hội như lễ lạt, lễ hội, lễ giáo, triều lễ, quan lễ, tang lễ. Lễ là chuẩn mực đạo đức để phân định phải trái, là cách đối nhân xử thế, là kỷ cương trật tự trên dưới rõ ràng (lễ phép, lễ độ, lễ nghĩa).

Lễ là chừng mực trong mọi quan hệ giữa người với người, là sự hòa thuận. Lễ là những luật lệ của nhà vua, là những quy tắc của làng xã. Lễ là lòng thành kính, thành kính khi cúng tổ tiên. Chính bản thân Khổng tử rất mẫu mực trong việc thực hiện nhân và lễ. Đối với ông, miếng thịt cắt không vuông không ăn, chiếu trải không ngay ngắn không ngồi. Sách Luận ngữ dạy: “phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (không phải lễ thì không nhìn, không phải lễ thì không nghe, không phải lễ thì không nói, không phải lễ thì không làm).

151

Ngoài nhân và lễ, Khổng tử còn đề cập đến chính danh, danh (tên gọi, chức vụ, địa vị, thứ bậc, v.v...). Danh và phận của một người trước hết do những mối quan hệ xã hội qui định. Theo Khổng tử, trong xã hội mỗi người đều có danh phận, địa vị, bổn phận của mình. Đó là trật tự xã hội đã phân định trên dưới rõ ràng theo những ngôi thứ. Trên cùng là Thiên tử, thứ đến là chư hầu, tiếp theo là khanh đại phu cuối cùng là thứ dân. Trong đời sống xã hội cũng vậy, có sự quy định về danh phận như thầy - trò, cha - con, vợ - chồng, anh - em.

Kế thừa tư tưởng về con người của Khổng tử, Mạnh tử khẳng định, bản chất con người là thiện. Khi bàn về tính người, Khổng tử đề cao chữ Nhân thì Mạnh tử lại đề cao chữ Tâm. Theo Mạnh tử, Tâm là cốt lõi là căn nguyên bản chất của con người. Ông viết: “Nhân, nghĩa, lễ, trí căn ư tâm” (nhân, nghĩa, lễ, trí gốc ở tâm) bởi theo ông mọi suy nghĩ và hành động của con người đều từ tâm. Trau đồi phẩm chất đạo đức của mỗi người chủ yếu là để bảo tồn cái tâm của mình. Người nào giữ được tâm thì người đó còn có lương tâm. Có lương tâm mới biết điều nhân nghĩa, biết phân định phải trái thị phi thiện ác. Nếu đánh mất lương tâm thì con người nhỏ nhen, ty tiện, hèn kém. Theo Mạnh tử, con người khi sinh ra vốn đã có tính thiện, giống như câu thành ngữ “nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn”. Tính thiện có ở con người lúc sinh ra là quy luật tất yếu phổ quát giống như quy luật “thủy lưu hạ” (nước luôn chảy xuống thấp): “Nhân tính chi thiện dã, do thủy chi tựu hạ dã. Nhân vô hữu bất thiện, thủy vô hữu bất hạ” (tính lành của người ta cũng ví như nước chảy xuống thấp vậy. Người ta không ai không có tính lành, không nước nào là không chảy xuống thấp vậy).

Khái niệm thiện của Mạnh tử bao gồm các đức tính: nhân, lễ, nghĩa, trí, hiếu, trung, kính. Những đức tính đó là nền tảng của đạo làm người.

Trong khi phản đối thuyết tính thiện của Mạnh tử, Tuân tử đưa ra quan điểm duy ác - tính con người vốn ác. “Nay tính của người ta, sinh ra mà có sự ham lợi rồi vậy. Do đó sinh ra tranh cướp mà mất thái độ. Sinh ra đã ghét và ác mà mất điều trung tín, cho nên lễ nghĩa văn lý mất mà dâm loạn sinh. Đã như thế thì theo tính của người ta, thuận tình của người ta, ắt nảy ra sinh cướp, hợp với sự xâm phạm vào phận của nhau và rối loạn mất lý đương nhiên, mà trở về chỗ bạo nghịch”. Sở dĩ con người tính ác là vì: thân xác ai cũng muốn có cảm giác dịu dàng, miệng ai cũng thích ăn miếng ngon, mắt ai cũng thích nhìn vật đẹp, tai ai cũng muốn nghe những điều hay, mũi ai cũng muôn ngửi hương thơm. Những

152

vật dục đó quy định đức tính con người, thúc giục nó phải thỏa mãn, làm cho con người trở nên ác. Muốn ngăn điều ác, xã hội phải có lễ - nghĩa, khuôn phép, hình phạt.

Các nhà tư tưởng của Đạo gia lại tiếp cận giải quyết vấn đề bản tính người từ góc độ khác và đi tới kết luận bản tính tự nhiên của con người thông qua tư tưởng về “vô vi”. Người Trung hoa cổ đại cho rằng “vô vi” là phương pháp sống tự nhiên, mộc mạc, thuần phác, không bị cưỡng chế, gò ép. Theo Lão tử thì “vô vi” cũng xuất phát từ nghĩa trên nhưng cốt lõi thực sự của nó là nghệ thuật sống của con người trong sự hòa nhập với tự nhiên. Không có nghĩa là không có sự hoạt động gì, không làm gì cả mà là hoạt động một cách tự nhiên, không làm trái với quy luật tự nhiên, không can thiệp vào guồng máy tự nhiên, không hoạt động tính giả tạo, gò ép, không thái quá và bất cập. “...đạo đức là cái luật tự nhiên, không cần tranh mà thắng, không cần nói mà ứng nghiệm, không cần mời mà các vật dẫn theo về, lờ mờ mà hay mưu tính”.

Trong triết học Ấn Độ, tiêu biểu là Đạo phật lại tiếp cận con người từ góc độ khác. Bản tính vô ngã, vô thường, nhân duyên và tính hướng thiện của con người trên con đường truy tìm sự giác ngộ là một trong những độc đáo của triết học Phật giáo về bản chất của con người. Vô ngã (không có bản ngã – tức bản thể cá nhân, bản tính riêng của sự vật). Phật giáo cho rằng vạn vật quanh ta cũng như bản thân ta là ảo (maya). Thế giới hữu tình (có cảm giác, linh hồn) được sinh thành do sự nhóm họp của danh (yếu tố tinh thần) và sắc (yếu tố vật chất). Nhưng danh và sắc chỉ nhóm họp trong chốc lát rồi lại tan. Sự vật chuyển sang dạng tồn tại khác. Khi sự vật mất đi thì bản chất cũng mất theo. Phạm trù vô thường (không ổn định, luôn biến chuyển). Phật cho rằng thế giới là một dòng biến chuyển không ngừng. Muôn vật, muôn loài trong thế giới vụt mất, vụt còn. Sự sinh tồn của vạn vật theo chu kỳ: sinh (sinh ra) - trụ (tồn tại) - dị (biến đổi) - diệt (mất đi) hoặc thành - trụ - hoại - không. Con người cũng không phải là thực thể tối cao, nó cũng phải chịu theo luật sinh - lão - bệnh - tử. Phạm trù nhân duyên, theo tư tưởng của Phật Giáo, vạn vật trong thế giới không phải do thần linh, thượng đế sáng tạo ra mà do nguyên nhân tự thân. Nhân quả là vòng tuần hoàn liên tục. Nhân tạo thành quả, rồi quả lại manh nha nhân. Nhưng nhân muốn thành quả thì phải thông qua sự nối kết của duyên. Duyên là điều kiện, là mối liên hệ trợ giúp cho nhân ở trạng thái khả năng biến thành hiện thực. Tư tưởng về luật nhân quả của Phật giáo được

153

phản ánh một cách cụ thể trong “luân hồi” “nghiệp báo” và “thập nhị nhân duyên”. Mục đích cuối cùng của Phật giáo là tìm ra con đường giải thoát đưa chúng sinh ra khỏi vòng luân hồi bất tận. Để đi tới giải thoát, Phật nêu lên "tứ diệu đế" tức là bốn chân lý tuyệt diệu, thiêng liêng mà mọi người phải nhận thức được. Khổ đế, cuộc đời là bể khổ, bao gồm 8 thứ khổ, gọi là "bát khổ": sinh; lão;

bệnh; tử; thụ biệt ly (yêu thương nhau phải xa nhau); oán tăng hội (ghét nhau phải ở gần nhau); sở cầu bất đắc (muốn mà không được); thủ ngũ uẩn (khổ vì có sự tồn tại của thân xác). Nhân đế, mọi cái khổ đều có nguyên nhân. Đó là 12 nhân duyên, còn gọi là "thập nhị nhân duyên“. Vô minh là không sáng suốt, không nhận thức được thế giới, sự vật và hiện tượng đều là ảo giả mà cứ cho đó là thực.

Duyên hành là hoạt động của ý thức, sự giao động của tâm, của khuynh hướng.

Duyên thức là tâm thức từ chỗ trong sáng cân bằng trở nên ô nhiễm, mất cân bằng. Duyên danh - sắc là sự hội tụ của các yếu tố vật chất và tinh thần. Duyên lục nhập là quá trình tiếp xúc với lục trần (lục căn: cơ quan cảm giác; lục trần:

sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (là những hình ảnh, màu sắc, hương vị được lưu lại từ 5 trần ở trên.) Duyên xúc là sự tiếp xúc giữa lục căn, lục trần. Duyên thụ là cảm giác do tiếp xúc mà nảy sinh ra yêu ghét buồn vui. Duyên ái là yêu thích, ở đây chỉ sự nảy sinh dục vọng. Duyên thủ muốn giữ lấy, chiếm lấy. Duyên hữu là xác định chủ thể chiếm hữu (cái ta) thì phải tồn tại (hữu) tức là đã có hành động tạo nghiệp. Duyên sinh: đã có tạo nghiệp, tức là có nghiệp nhân ắt có nghiệp quả, tức là phải sinh ra ta. Duyên lão - tử: có sinh tất có già và chết đi. Trong mười hai nguyên nhân kể trên thì có hai nguyên nhân cơ bản, quyết định những nguyên nhân khác đó là ái dục và vô minh, căn nguyên là do tham (tham lam) – sân (nóng giận) – si (ngu dốt). Muốn thoát khỏi bể khổ và luân hồi thì phải diệt trừ ái dục, loại bỏ vô minh mà hạt nhân của chúng là tham, sân, si. Diệt đế là khẳng định cái khổ có thể tiêu diệt được, có thể chấm dứt được luân hồi. Đó là diệt trừ ái dục, loại bỏ vô minh. Đạo đế, tu để thành Phật quả, nhập được Niết bàn, là quả cao nhất của người tu Phật và cũng là mục đích duy nhất của Phật học. Con đường giải thoát, diệt khổ của Phật giáo bao gồm tám con đường (bát đạo chính): chính kiến (hiểu biết đúng đắn nhất); chính tư duy: suy nghĩ đúng đắn; chính ngữ (giữ lời nói chân chính); chính nghiệp (nghiệp có tà nghiệp và chính nghiệp. Tà nghiệp, phải giữ giới. Chính nghiệp gồm thân nghiệp - khẩu nghiệp - ý nghiệp.

Chính mệnh: phải tiết chế dục vọng và giữ giới (giữ các điều răn). Chính tịnh

154

tiến: phải hăng hái, tích cực trong việc tìm kiếm và truyền bá Phật giáo. Chính niệm: phải thường xuyên nhớ Phật, niệm Phật. Chính định: phải tĩnh lặng, tập trung tư tưởng mà suy nghĩ về tứ diệu đế, về vô ngã, vô thường và nỗi khổ.

Như vậy, con người trong triết học phương Đông chủ yếu hiện lên dưới góc độ con người đạo đức, con người chính trị. Một số phẩm chất khác của con người như khoa học, lý tính ít được đề cập đến.

Khác với triết học phương Đông, trong triết học phương Tây, các nhà triết học trên lập trường triết học duy vật đã lựa chọn góc độ khoa học tự nhiên để lý giải về bản chất con người và các vấn đề khác có liên quan về con người. Từ thời cổ đại, các nhà triết học duy vật đã từng đưa ra quan niệm về bản chất vật chất tự nhiên của con người, coi con người cũng như vạn vật trong giới tự nhiên không có gì thần bí, đều được cấu tạo nên từ vật chất. Tiêu biểu là quan niệm của Democritos, cho rằng bản tính vật chất nguyên tử cấu tạo nên thể xác và linh hồn của con người. Platon chủ trương duy trì các hạng người trong xã hội, tức là duy trì sự bất bình đẳng giữa mọi người. Ông chia thành ba hạng người: thứ nhất là các nhà triết học, nhà thông thái giữ vị trí lãnh đạo xã hội; thứ hai là quân nhân có trách nhiệm bảo vệ “nhà nước lý tưởng”; thứ ba là dân lao động tự do, thợ thủ công có nhiệm vụ sản xuất ra của cải vật chất để đảm bảo cuộc sống cho nhà nước.

Trong học thuyết về linh hồn của Aristotle, ông cho rằng, linh hồn không thể có trong cơ thể chết, nó chỉ có trong cơ thể sống, hoặc ở cái có tiềm năng của sự sống. Không thể có linh hồn nếu không có vật chất. Linh hồn không chỉ có ở người, mà có ở động, thực vật. Linh hồn thực vật là linh hồn có trong hoạt động dinh dưỡng và hoạt động sinh sản. Linh hồn có cảm giác là loại linh hồn động vật. Linh hồn lý tính – linh hồn cao nhất, đó là linh hồn người. Trong quan niệm của Hobbes cho rằng, con người là thể thống nhất giữa tính tự nhiên và tính xã hội. Tính tự nhiên làm cho mọi người giống nhau về thể xác và tinh thần “Giới tự nhiên tạo ra mọi người đều như nhau cả về thể xác và tinh thần”1. Khi con người ở trong trạng thái tự nhiên ( chưa có nhà nước) thì tính ích kỷ và hung ác chiếm địa vị thống trị. “Con người là một động vật độc ác và ranh ma hơn cả chó, sói, gấu và rắn”2.

1 Nguyễn Thế Nghĩa, Những nguyên lý triết học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.551.

2 Nguyễn Thế Nghĩa, Những nguyên lý triết học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.551.

Một phần của tài liệu Giáo trình triết học trong xu thế vận động của thời đại (Trang 149 - 155)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)