Chương 3. PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT
3.1. Các nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật
3.1.1. Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến
Ngay từ sớm, các nhà triết học thời kỳ cổ đại đã phát hiện ra mối liên hệ của sự vật, hiện tượng trong thế giới. Lão tử cho rằng, “cái gì khuyết ắt được tròn đầy, cái gì cong sẽ được thẳng, cái gì cũ thì mới lại, cái gì ít sẽ được, nhiều thì mất”2. Trong thuyết Ngũ hành, các yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ tạo nên quan hệ tương sinh (cái nọ sinh ra cái kia) và tương khắc (cái nọ chế ngự, phá hủy cái kia). Trong thuyết Âm dương, tồn tại sự liên hệ, xâm nhập của các mặt sáng và tối, trắng và đen, cao và thấp, trời và đất, thịnh và suy, nam và nữ...Sự xâm nhập, liên hệ này làm cho sự vật, hiện tượng trong thế giới không ngừng biến đổi.
Theo Heraclitus, “Cùng một cái ở trong chúng ta – sống và chết, thức và ngủ, trẻ và già. Vì rằng cái này mà biến đổi là cái kia, và ngược lại, cái kia mà biến đổi là cái này”, “Cái lạnh nóng lên, cái nóng lạnh đi, cái ướt khô đi, cái khô
1 Zhang Lei Sheng, Bàn về sự kết hợp giữa chủ nghĩa duy vật lịch sử và lý luận giá trị thặng dư- Lấy tư bản của Mác và quá trình sáng tác nó làm ví dụ, Tài liệu phục vụ nghiên cứu (lưu hành nội bộ), Viện thông tin khoa học xã hội, 2016, số TN 2016 - 12,13.
2 Nguyễn Thế Nghĩa, Những nguyên lý triết học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 215.
53
ướt lại”1. Trong quan niệm của Hegel, ông đề cập đến mối liên hệ, tác động và chuyển hóa của ý niệm. Đây là cơ sở của mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng trong thế giới hiện thực.
Phép biện chứng duy vật khẳng định, liên hệ dùng để chỉ sự quy định, sự tác động và chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các mặt, các yếu tố của mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới. Mối liên hệ phổ biến dùng để chỉ tính phổ biến của các mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng của thế giới, đồng thời cũng dùng để chỉ các mối liên hệ tồn tại ở nhiều sự vật, hiện tượng của thế giới. Cơ sở khoa học của mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng là tính thống nhất vật chất của thế giới. Các sự vật trong thế giới dù có đa dạng, phong phú như thế nào thì cũng được cấu thành từ vật chất, có đặc tính chung là tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý thức và ý muốn của con người. Liên hệ chỉ quan hệ giữa hai đối tượng mà sự thay đổi của một trong số chúng nhất định làm đối tượng kia thay đổi. Mối liên hệ dùng để chỉ các ràng buộc tương hỗ, quy định, tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các yếu tố, bộ phận trong một đối tượng hoặc giữa các đối tượng với nhau.
Trong tự nhiên, xã hội, tư duy đều xuất hiện và tồn tại mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng. Trong tự nhiên, xuất hiện các mối liên hệ giữa cơ thể sống với môi trường. Trong xã hội, xuất hiện mối liên hệ giữa sản xuất và tiêu dùng, mối liên hệ giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị văn hóa - xã hội. Trong tư duy xuất hiện mối liên hệ giữa tư duy trình độ thấp và trình độ cao, tư duy đơn giản và phức tạp, tư duy chưa hoàn thiện và hoàn thiện.
Phép biện chứng duy vật khẳng định rằng trong tự nhiên, xã hội và tư duy, không có sự vật, hiện tượng nào tồn tại một cách riêng lẻ, cô lập tuyệt đối, mà trái lại chúng tồn tại trong những hệ thống, cấu trúc trong đó có sự liên hệ, ràng buộc, phụ thuộc, tác động, chuyển hóa lẫn nhau. Mối liên hệ phổ biến có các tính chất sau:
Tính khách quan: các sự vật, hiện tượng tồn tại một cách khách quan, thống nhất ở tính vật chất. Do đó, mối liên hệ của chúng cũng tồn tại một cách khách quan. Đó là cái vốn có của các sự vật, hiện tượng, nó không phụ thuộc vào ý
1Nguyễn Thế Nghĩa, Những nguyên lý triết học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.214.
54
muốn chủ quan của con người hay thần linh, thượng đế. Chỉ có mối liên hệ với nhau mà sự vật mới tồn tại, vận động và phát triển.
Tính phổ biến: mối liên hệ tồn tại trong mọi sự vật, hiện tượng; tồn tại trong cả tự nhiên, xã hội và tư duy. Các mặt, các yếu tố, các bộ phận cấu thành sự vật, hiện tượng liên hệ, gắn bó mật thiết với nhau.
Tính đa dạng và phong phú: Các sự vật, hiện tượng trong thế giới phong phú, đa dạng vì vậy hình thức liên hệ giữa chúng cũng rất phong phú, đa dạng.
Người ta phân biệt các mối liên hệ: mối liên hệ bên trong và mối liên hệ bên ngoài; mối liên hệ trực tiếp và mối liên hệ gián tiếp; mối liên hệ cơ bản và mối liên hệ không cơ bản; mối liên hệ chủ yếu và mối liên hệ thứ yếu; mối liên hệ cụ thể, mối liên hệ chung, mối liên hệ phổ biến.
Mối liên hệ bên trong là mối liên hệ giữa các mặt, các thuộc tính, các yếu tố cấu thành nên sự vật. Nó quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật. Có thể kể đến các mối liên hệ bên trong như: mối liên hệ giữa các lĩnh vực, giữa các ngành kinh tế…Mối liên hệ bên ngoài là mối liên hệ và tác động lẫn nhau giữa sự vật này với sự vật khác. Các mối liên hệ bên ngoài có thể kể đến như toàn cầu hóa, ảnh hưởng của cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư đã và đang tác động đến nước ta.
Mối liên hệ cơ bản là mối liên hệ giữa các mặt, các thuộc tính cấu tạo nên sự vật, quyết định trực tiếp quá trình hình thành và phát triển của sự vật. Thí dụ, trong nền sản xuất của nước ta, mối liên hệ cơ bản là mối liên hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, quyết định trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế. Mối liên hệ không cơ bản là mối liên hệ giữa các mặt, các yếu tố không ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của sự vật. Có thể kể đến các mối liên hệ không cơ bản, đó là mối liên hệ giữa người sản xuất và tự nhiên.
Mối liên hệ trực tiếp là sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau mà không phải thông qua khâu trung gian nào. Thí dụ, mối liên hệ trực tiếp giữa con người với tự nhiên. Mối liên hệ gián tiếp là sự tác động lẫn nhau thông qua những khâu trung gian nhất định.
Mối liên hệ chủ yếu là sự tác động giữa các mặt, các yếu tố, thuộc tính chủ yếu nổi lên hàng đầu trong một giai đoạn nhất định của sự vật. Mối liên hệ này quyết định sự phát triển của sự vật trong giai đoạn ấy. Mối liên hệ thứ yếu là sự tác động giữa các mặt, các yếu tố không chủ yếu trong giai đoạn nhất định của sự
55
vật. Nó chỉ tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển của sự vật trong giai đoạn nhất định. Việc phân chia thành các mối liên hệ như trên chỉ mang tính chất tương đối.
Các mối liên hệ đó có thể chuyển hóa cho nhau tùy theo phạm vi ảnh hưởng, vận động và phát triển của bản thân sự vật, hiện tượng.
Nghiên cứu nguyên lý về mối liên hệ phổ biến rút ra bài học phương pháp luận là quan điểm toàn diện.
Quan điểm toàn diện yêu cầu, khi xem xét các sự vật, hiện tượng, đòi hỏi chúng ta xem xét, nhận thức sự vật, hiện tượng trong tất cả các mối liên hệ của chúng, và trong cả sự tác động giữa sự vật đó với sự vật khác. Chỉ có trên cơ sở đó chúng ta mới nắm bắt được tất cả các bản chất của sự vật, hiện tượng. Đồng thời quan điểm toàn diện đòi hỏi chúng ta phải biết phân biệt từng mối liên hệ, phải biết chú ý tới mối liên hệ bên trong, mối liên hệ bản chất, chủ yếu của sự vật, hiện tượng. Từ chỗ xem xét nhiều mặt, nhiều mối liên hệ của sự vật, con người mới khái quát được bản chất, quy luật chi phối sự tồn tại và phát triển của sự vật. Nhấn mạnh bài học này, Lenin khẳng định: “Muốn thực sự hiểu sự vật, phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ và “quan hệ gián tếp” của sự vật đó”1 “làm được như vậy, “sẽ đề phòng cho chúng ta khỏi phải sai lầm và sự cứng nhắc”2.
Khi chúng ta xem xét một con người, cần phải xem xét tất cả mối quan hệ, liên hệ mà người đó tham gia. Như quan hệ gia đình, quan hệ trong công việc, quan hệ trong tình yêu, quan hệ với làng xóm…Và trong những mối liên hệ, quan hệ đó, chúng ta cần phải chỉ ra liên hệ, quan hệ nào là cơ bản, chi phối, quyết định kết quả đánh giá con người.
Quan điểm toàn diện đối lập với quan điểm điểm chiết trung, phiến diện.
Quan điểm chiết trung là trộn lẫn các quan điểm một cách vô nguyên tắc khi xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng. Mắc phải quan điểm chiết trung, con người sẽ không biết được cơ sở nào để đánh giá sự vật, hiện tượng. Con người sẽ đối diện với một mớ hỗn độn. Do đó, không thể rút ra được cái cơ bản, bản chất và quy luật của sự vật, hiện tượng. Quan điểm phiến diện chỉ xem xét một mặt, một khía cạnh của sự vật, hiện tượng, bỏ quên, hoặc bỏ qua nhiều mối liên hệ khác của sự
1V.I.Lênin, Toàn tập, tập 42, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.364.
2 V.I.Lênin, Toàn tập, tập 42, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.364.
56
vật. Điều đó làm cho kết quả xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng không chính xác, không phản ánh đúng bản chất, quy luật phát triển của sự vật, hiện tượng.
Bên cạnh quan điểm toàn diện, cần phải có quan điểm lịch sử - cụ thể khi xem xét sự vật, hiện tượng. Quan điểm này yêu cầu phải đặt sự vật, hiện tượng trong quá trình phát sinh, trưởng thành và diệt vong cụ thể, bao gồm mọi sự thay đổi và vận động diễn ra trong điều kiện và hoàn cảnh, không gian và thời gian khác nhau. Khi đánh giá những giá trị khoa học, công lao của chủ nghĩa Mác, chúng ta cần phải đặt chủ nghĩa Mác trong bối cảnh những năm 40 của thế kỷ XIX, đặt trong bối cảnh giai cấp vô sản đang đấu tranh tự phát, chưa xác định được kẻ thù, phương hướng. Giữa lúc chủ nghĩa tư bản đã phát triển tới đỉnh cao, sự ra đời của chủ nghĩa Mác đã chỉ ra những mâu thuẫn không thể giải quyết được trong xã hội tư bản, đồng thời chủ nghĩa Mác cũng vạch ra cơ sở khoa học phát triển lịch sử - tự nhiên của các hình thái kinh tế - xã hội. Đặt chủ nghĩa Mác ngoài bối cảnh những năm 40 của thế kỷ XIX, chúng ta không đánh giá được hết và toàn diện những cống hiến của chủ nghĩa Mác một cách khách quan, ngược lại, sẽ nhận được nhiều ý kiến trái chiều về cống hiến của chủ nghĩa Mác từ quan điểm phê phán, xuyên tạc chủ nghĩa Mác của thế lực thù địch hoặc của các quan điểm phi mácxít.
Khi đánh giá về mô hình nền kinh tế tập trung, bao cấp, cũng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh nước ta thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, miền Bắc phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ, vừa phải đánh giặc Mỹ, vừa phải lo cho tiền tuyến, vừa phải xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh đó, mô hình nền kinh tế tập trung, bao cấp đã có đóng góp tích cực và to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, việc duy trì quá lâu mô hình kinh tế này sau khi chiến tranh kết thúc và hoàn cảnh lịch sử thay đổi đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy cho xã hội.