Lý luận và vai trò của lý luận

Một phần của tài liệu Giáo trình triết học trong xu thế vận động của thời đại (Trang 104 - 108)

Chương 3. PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

3.5. Nhận thức luận duy vật biện chứng

3.5.3 Lý luận và vai trò của lý luận

Triết học Mác khẳng định: lý luận là hệ thống những tri thức phản ánh mối liên hệ bản chất, những tính quy định của thế giới khách quan. Lý luận không có nguồn gốc siêu tự nhiên hay siêu nghiệm như một số nhà triết học duy tâm khẳng định. Lý luận hình thành trên cơ sở khái quát những kinh nghiệm thực tiễn của con người. Không có kinh nghiệm thì sẽ không có sự khám phá bản chất những quy luật tất yếu, nội tại của sự vật, hiện tượng. Tri thức kinh nghiệm bao gồm tri thức kinh nghiệm thông thường và tri thức kinh nghiệm khoa học. Tri thức kinh nghiệm thông thường thu trong cuộc sống hằng ngày, hoặc được rút ra từ lao động sản xuất, từ đấu tranh xã hội. Tri thức kinh nghiệm thông thường giúp con người giải quyết nhanh một số vấn đề cụ thể trong quá trình tác động trực tiếp với đối tượng. Còn tri thức kinh nghiệm khoa học đòi hỏi chủ thể phải tích luỹ một lượng tri thức nhất định trong hoạt động sản xuất cũng như hoạt động khoa học mới có thể hình thành được loại tri thức này. Tri thức kinh nghiệm được tích luỹ lại, đòi hỏi phải có sự hệ thống hoá và phải tìm ra một liên hệ bên trong tất yếu của nó.

Thực hiện điều đó tri thức kinh nghiệm đã chuyển lên giai đoạn lý luận. Như vậy, lý luận là kết quả của quá trình phát triển cao của nhận thức, là trình độ cao của nhận thức. Lý luận là sản phẩm của quá trình nhận thức bản chất của lý luận là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Song không phải mọi tri thức đều trở thành lý luận, chỉ có những tri thức được kiểm nghiệm qua thực tế mới được gọi là lý luận.

1 V.I.Lênin, Toàn tập, tập 18,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.167.

105

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lý luận là sự tổng kết những tinh hoa của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên, xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”1. Kinh nghiệm của mỗi cá nhân nói riêng và của dân tộc nói chung về bất cứ một lĩnh vực nào đều xuất phát từ thực tiễn, từ cuộc sống lao động. Chỉ có quá trình gắn bó với các hoạt động thực tiễn thì con người mới có thể quan sát các hiện tượng nảy sinh trong tự nhiên và xã hội… Từ đó mới có thể tổng kết thành kinh nghiệm. Định nghĩa lý luận là sự tổng kết kinh nghiệm của loài người, là một cách nói khác để khẳng định lý luận bắt nguồn từ thực tiễn.

Chủ tịch Hồ Chủ tịch giải thích: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng, rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”2.

Lý luận có hai chức năng chính là chức năng phản ánh thế giới khách quan và chức năng phục vụ hoạt động thực tiễn. Lý luận là sản phẩm của nhận thức, nó phản ánh thế giới khách quan dưới hình thức những khái niệm, phạm trù, quy luật. Khi đã được hình thành, lý luận có tác dụng giúp cho con người hiểu biết về bản chất và quy luật của các hiện tượng tự nhiên, xã hội và con người. Cả hai loại tri thức, tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận đều phản ánh hiện thực khách quan ở những phạm vi, trình độ và lĩnh vực khác nhau. Lý luận phản ánh hiện thực khách quan một cách sâu sắc và có hệ thống hơn. Chức năng thứ hai của lý luận, chức năng phục vụ cho hoạt động thực tiễn thể hiện ở chỗ nó đề ra phương pháp luận và phương pháp cụ thể cho con người tiến hành hoạt động thực tiễn.

Lý luận còn vạch ra con đường, cách thức, dự báo khả năng phát triển của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội. Nhờ đó mà hoạt động thực tiễn của con người đạt kết quả ngày càng cao hơn.

Lý luận có các cấp độ khác nhau tuỳ thuộc vào phạm vi phản ánh và vai trò phương pháp luận. Có thể phân chia các cấp độ của lý luận thành lý luận chuyên ngành và lý luận triết học. Trong đó, lý luận chuyên ngành là lý luận khái quát những quy luật hình thành và phát triển của một lĩnh vực trong hiện thực do một ngành khoa học nghiên cứu. Nó là cơ sở cũng như phương pháp luận cho hoạt động của ngành đó. Thí dụ các lý thuyết khoa học tự nhiên, các lý thuyết kinh tế, lý luận văn học, lý luận nghệ thuật, v.v. Lý luận triết học là hệ thống những quan

1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.497.

2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.233.

106

niệm chung nhất về thế giới và con người, là thế giới quan và phương pháp luận chung nhất cho hoạt động của con người.

Lý luận có tính độc lập tương đối, tác động trở lại thực tiễn. Lý luận chỉ đạo, hướng dẫn thực tiễn; lý luận thúc đẩy hoạt động thực tiễn. Sự tác động này theo hai hướng, lý luận đúng đắn sẽ chỉ đạo thực tiễn làm cho hoạt động thực tiễn được tiến hành thuận lợi hơn và đạt kết quả mong muốn; ngược lại nếu đó là lý luận sai lầm thì sẽ kìm hãm sự phát triển của thực tiễn.

Lý luận đóng vai trò chỉ đạo thực tiễn vì lý luận có khả năng định hướng mục tiêu, xác định lực lượng, phương pháp, biện pháp thực hiện. Lý luận giúp chúng ta hiểu đúng bản chất, những mối liên hệ bên trong tất yếu của sự vật, hiện tượng, từ đó định hướng con người trong các hoạt động cụ thể. Do đó nếu không có lý luận thì con người sẽ lúng túng “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp, vừa hay vấp váp”. Trong khi nhấn mạnh vai trò quan trọng của lý luận, Hồ Chí Minh cũng không quên nhắc nhở: “Lý luận không phải là cái gì cứng nhắc, nó đầy tính sáng tạo, lý luận luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới được rút ra từ thực tiễn sinh động1”.

Lý luận dự báo được khả năng phát triển cũng như các mối quan hệ của thực tiễn, dự báo những rủi ro có thể xảy ra, những hạn chế, những thất bại có thể có trong quá trình hoạt động. Như vậy, lý luận không chỉ giúp con người hoạt động hiệu quả mà còn là cơ sở để khắc phục những hạn chế và tăng năng lực hoạt động của con người. Chính vì vậy thực tiễn phải được chỉ đạo bởi lý luận khoa học nếu không thì sẽ trở thành thực tiễn mù quáng.

Thực tiễn là cơ sở cho lý luận nảy sinh và phát triển, tuy nhiên, thực tiễn lại luôn luôn vận động và phát triển. Do đó lý luận cũng luôn luôn phải được bổ sung, có như vậy thì lý luận mới làm rõ được vai trò kim chỉ nam, nếu không sẽ trở thành lý luận tụt hậu. Áp dụng lý luận tụt hậu vào thực tiễn sẽ là lực cản kìm hãm sự phát triển của xã hội. Khẳng định mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”2.

1Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.496.

2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.496.

107

Chủ nghĩa Mác - Lênin là một ví dụ tiêu biểu về lý luận tiên phong, lý luận khoa học và cách mạng. Chủ nghĩa Mác vạch ra sự liên hệ bản chất, quy luật khách quan của các sự vật, hiện tượng trong thế giới; dự kiến những khuynh hướng cơ bản của sự phát triển của xã hội trong tương lai. Lý luận về giải phóng giai cấp vô sản trên toàn thế giới của chủ nghĩa Mác đã trở thành vũ cẩm nang không thể thiếu được của giai cấp vô sản trên thế giới trong sự nghiệp giải phóng mình và giải phóng nhân loại: “triết học tìm thấy ở giai cấp vô sản một vũ khí vật chất, giai cấp vô sản tìm thấy ở triết học vũ khí tinh thần”.

Trong xã hội có giai cấp, lý luận tiến bộ, khoa học còn thể hiện được vai trò to lớn của mình khi nó thâm nhập vào trong quần chúng. Nó sẽ biến hoạt động thực tiễn của quần chúng thành lực lượng vật chất to lớn cải tạo tự nhiên và xã hội: khi lý luận thâm nhập vào quần chúng sẽ cho họ những hiểu biết về quy luật phát triển của đời sống xã hội và của thực tiễn. Từ sự hiểu biết đó, họ sẽ tự giác thực hiện những nhiệm vụ của mình. Lý luận cách mạng một khi được thâm nhập vào quần chúng sẽ có khả năng tập hợp họ lại với nhau để đấu tranh xoá bỏ quan hệ cũ xác lập quan hệ mới và như vậy sẽ làm biến đổi tự nhiên và xã hội. Khẳng định điều đó, Marx viết: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí; lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”1.

Về vai trò của lý luận trong cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại lời của Lenin trong Đường cách mệnh: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng. … Chỉ có Đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”2. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam nổ ra rất nhiều phong trào cách mạng đi theo con đường khác nhau như: phong trào Cần Vương, phong trào đấu tranh do Hoàng Hoa Thám khởi xướng, phong trào của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… Tuy nhiên tất cả những phong trào đó đều thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn phù hợp với thực tiễn cách mạng nước ta cũng như xu thế làm cách mạng vô sản trên thế giới. Sự thất bại của các phong trào đó chứng tỏ cách mạng Việt Nam đang thiếu một lý luận đúng đắn dẫn đường. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí

1 C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.580.

2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.30-33.

108

Minh đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau hôn ba mươi năm bôn ba vất vả ở nước ngoài, thông qua quá trình thâm nhập thực tế, tìm hiểu phong trào cách mạng của các nước, Người tìm được lý luận cách mạng đúng đắn đó là chủ nghĩa Mác – Lênin. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”1. Người cũng chỉ rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”2. Nhờ có lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào cách mạng Việt Nam bước sang một thời kỳ mới từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác, có mục đích và phương hướng rõ rệt, giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, giải phóng đất nước.

Một phần của tài liệu Giáo trình triết học trong xu thế vận động của thời đại (Trang 104 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)