Mô hình phát triển công nghiệp chế biến cà phê

Một phần của tài liệu Phát triển công nghiệp chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh đắk lắk (Trang 42 - 45)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN CÀ PHÊ

1.3. Nội dung phát triển công nghiệp chế biến cà phê

1.3.1. Mô hình phát triển công nghiệp chế biến cà phê

Trong các nghiên cứu về phát triển, nội dung bàn về phát triển theo chiều rộng và chiều sâu được nhiều tác giả phân tích bàn luận. Nội dung này được xem là nội hàm, cơ sở để phân tích đánh giá sự phát triển cho các ngành các lĩnh vực kinh tế xã hội trong thực tiễn hiện nay.

Phát triển theo chiều rộng là mô hình cổ điển chủ yếu phát triển dựa vào tăng lao động, vốn, mở rộng sản xuất trong khi đó những yếu tố khác như công nghệ và cải tiến kỹ thuật không được chú ý. Khái niệm này đầu tiên được Thomas Malthus đưa ra trong nông nghiệp [96]. Trong điều kiện một nước kinh tế chậm phát triển, tiềm năng kinh tế chưa được khai thác và sử dụng hết, nhiều người lao động chưa có việc làm thì phát triển theo chiều rộng là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên yếu điểm của phát triển theo chiều rộng là công nghệ, yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế lại được giữ nguyên và ít chú trọng [96].

Đầu tư phát triển theo chiều rộng nhằm mở rộng quy mô sản xuất nhưng không làm tăng năng suất lao động. Đầu tư theo chiều rộng chính là đầu tư mới.

Ngày nay phát triển chiều rộng dựa trên cơ sở cải tạo và mở rộng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, xây dựng mới các cơ sở vật chất với những kỹ thuật công nghệ hiện có. Phát triển theo chiều rộng đòi hỏi có lượng vốn lớn để thực hiện mở rộng quy mô sản xuất và vốn này sẽ nằm khê đọng trong suốt quá trình đầu tư. Việc tiềm

kiếm nguồn vốn hiện nay là một thách thức không nhỏ khi phải tốn nhiều thời gian và chi phí [134].

Mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu được phát triển bởi Solow [196] và Swan [203]. Mô hình phát triển này gồm những công thức về mối quan hệ giữa lao động, vốn và đầu tư. Trong đó có vai trò của công nghệ thông tin là cực kỳ quan trọng. Mô hình này mặc định là các nước sử dụng tài nguyên phải hiệu quả và giảm giá thành trên sản phẩm đầu ra. Khi tăng vốn đầu tư đến một mức nào đó thì giá trị đầu ra đạt ngưỡng tối đa, tuy nhiên mô hình này giúp các nước vượt qua ngưỡng phát triển hiện tại bằng việc đổi mới công nghệ, nhờ đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ kĩ thuật, cải tiến tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Phát triển theo chiều sâu là phát triển chủ yếu nhờ đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ kĩ thuật, cải tiến tổ chức sản xuất và phân công lại lao động, sử dụng hợp lí và có hiệu quả các nguồn nhân tài, vật lực hiện có.

Trong điều kiện hiện nay, những nhân tố phát triển theo chiều rộng đang cạn dần, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật trên thế giới ngày càng phát triển với những tiến bộ mới về điện tử và tin học, công nghệ mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học đã thúc đẩy các nước coi trọng chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Kết quả phát triển theo chiều sâu được biểu hiện ở các chỉ tiêu: tăng hiệu quả kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, giảm hàm lượng vật tư và tăng hàm lượng chất xám, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu suất của đồng vốn và tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, mô hình phát triển theo chiều rộng và chiều sâu nhiều khi không có ranh giới mà thường trong các chương trình phát triển kết hợp cả theo chiều rộng và chiều sâu.

Trong định hướng phát triển kinh tế của nước ta tại Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững” [19]. Đồng thời, Hội nghị

Trung ương 3 khóa XI của Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát của 5 năm 2011 - 2015 là: “Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh” [20].

Phát triển CNCBCP có nội dung rộng và tuỳ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, từng địa phương để phát triển cho phù hợp. Do đó, xác định mô hình để làm rõ nội dung phát triển CNCBCP với các lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch phát triển của toàn ngành là rất cần thiết.

Trong ngành CNCBCP do điều kiện khách quan có tính chất đặc thù của ngành, nên phát triển CNCBCP theo chiều rộng vẫn có vai trò quan trọng. Theo ý kiến từ kết quả khảo sát các nhà nghiên cứu, các chuyên gia (Phụ lục 7) việc duy trì mô hình phát triển theo chiều rộng hiện tại quá lâu đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của cả ngành cà phê và tính bền vững trong tương lai. Để khắc phục sự lạc hậu, theo kịp trình độ phát triển chung của các nước sản xuất cà phê trên thế giới, thì phát triển CNCBCP theo chiều sâu được coi trọng và kết hợp chặt chẽ với phát triển theo chiều rộng trong phạm vi cần thiết và điều kiện có cho phép.

Trên cơ sở lý thuyết về phát triển, nội dung phát triển công nghiệp chế biến, đặc điểm của CNCBCP và ý kiến tham vấn từ các chuyên gia. Nội dung phát triển CNCBCP được xác định là sự kết hợp phát triển theo chiều rộng và chiều sâu. Mô hình phát triển theo chiều rộng và chiều sâu trong thực tiễn có mối liên kết với nhau không những thể hiện về mặt số lượng (quy mô) mà còn là chất lượng của sự phát triển. Sự kết hợp đó tập trung giải quyết được những vấn đề cơ bản sau trong phát triển CNCBCP: i) Tăng trưởng quy mô, ii) Chuyển dịch cơ cấu, iii) Nâng cao hiệu quả kinh tế, iv) Nâng cao hiệu quả xã hội, v) Bảo vệ môi trường (Sơ đồ 1.3).

Sơ đồ 1.3: Nội dung phát triển công nghiệp chế biến cà phê Nguồn: Mô tả của tác giả

Một phần của tài liệu Phát triển công nghiệp chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh đắk lắk (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(265 trang)