CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Tổng quan về tỉnh Đắk Lắk
2.1.1. Điều kiện tự nhiên
a. Vị trí địa lý và khí hậu
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, trong khoảng tọa độ địa lý từ 107o28'57"- 108o59'37" độ kinh đông và từ 12o9'45" - 13o25'06" độ vĩ bắc. Độ cao trung bình 400 - 800 mét so với mặt nước biển. Phía đông của Đắk Lắk giáp Phú Yên và Khánh Hoà, phía bắc giáp với tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp Lâm Đồng và Đắk Nông, phía tây giáp Campuchia với đường biên giới dài 193 km có cửa khẩu Đăk Ruê nối hai tỉnh Đắk Lắk và Moldunkiri, thuận lợi cho phát triển kinh tế, xúc tiến thương mại và hội nhập [76]. Có quốc lộ 14C chạy dọc theo biên giới hai nước rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vùng biên kết hợp với bảo vệ an ninh quốc phòng. Có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng nối liền các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, duyên hải Miền Trung và cả nước. Đây là điều kiện cho Đắk Lắk mở rộng giao lưu, liên kết, hợp tác kinh tế với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và các trung tâm kinh tế của cả nước cũng như các nước trong khu vực.
Khí hậu tỉnh Đắk Lắk vừa mang tính chất khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng. Tuy nhiên, do độ cao và địa hình chi phối, nên khí hậu giữa các tiểu vùng có khác nhau. Về sinh thái nông nghiệp, Đắk Lắk được chia thành 6 tiểu vùng có điều kiện rất phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày (Phụ lục 12).
Nhiệt độ trung bình của tỉnh trong năm là 24oC, số giờ nắng gần 2.350 giờ, lượng mưa bình quân trong năm hơn 1,958mm, độ ẩm không khí 82,2%. Có thể nhận thấy điều kiện khí hậu, thời tiết của Đắk Lắk có thuận lợi song cũng có khó khăn cho các ngành sản xuất [76]. Mùa mưa có đủ độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng cho các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển, mùa khô không có giá rét, nắng nhiều, thuận lợi cho quá trình thu hoạch, phơi xấy và chế biến nông sản, trong đó có cà phê. Khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt thuận lợi cho quá trình nảy chồi, ra hoa đồng
loạt của cây trồng như cây cà phê. Khó khăn là thời tiết chia hai mùa, mùa mưa lượng mưa chiếm 60% tập trung vào từ tháng 6 đến tháng 9 với cường độ lớn gây xói mòn, rửa trôi và ngập úng cục bộ tại một số vùng thuộc Krông Ana, Lăk và Krông Păk. Mùa khô kéo dài, khắc nghiệt, tốc độ gió lớn càng làm gia tăng khả năng bốc thoát hơi nước, gây khô hạn cho hầu hết các loại cây trồng.
Trên cơ sở phân vùng khí hậu, kết hợp với yêu cầu sinh thái của cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (Phụ lục 13) cho thấy kết quả phân cấp thích nghi cho việc trồng cà phê: Rất thích nghi chiếm 40,74%, thích nghi 36,43%, ít thích nghi 12,85%
và không thích nghi 9,03% [79]. Vùng rất thích nghi để phát triển cà phê như: Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Krông Buk, Ea Hleo, Cư M’Gar, Krông Păk, Krông Ana, Cư Kuin. đã hình thành nên những vùng nguyên liệu lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến cà phê. Tuy nhiên những vùng không hoặc ít thích nghi chiếm khoảng 21,24% diện tích cà phê toàn tỉnh chính vì vậy những năm tới cần phải chuyển đổi giống sang các loại giống cây trồng cho phù hợp.
b. Kết cấu địa hình và đất đai
Địa hình của tỉnh Đắk Lắk tương đối phức tạp, có núi cao và có khu vực thấp trũng. Địa hình thấp dần theo hướng Đông Nam-Tây Bắc, phức tạp và đa dạng cùng với sự khác biệt về khí hậu đã hình thành nhiều vùng sinh thái khác nhau, là điều kiện để đa dạng hóa nông nghiệp song cũng đặt ra nhiều vấn đề trong khai thác, bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi.
Theo kết quả điều tra đất của Viện QH&TKNN năm 1980, phúc tra 1997- 2000, điều tra bổ sung, chỉnh lý, xây dựng bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Phân viện QH&TKNN miền Trung năm 2010 [6], áp dụng hệ thống phân loại đất năm 1984, toàn tỉnh có 8 nhóm đất phân ra 23 đơn vị đất đai (Phụ lục 14).
Đất đai thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk tương đối thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng (dễ khai thác, đầu tư cải tạo thấp, độ an toàn sinh thái cao). Nhóm đất đỏ vàng có diện tích chiếm hơn 70% diện tích đất của tỉnh, địa hình tương đối bằng và là loại đất rất phù hợp cho phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu. Ngoài ra còn có nhiều loại đất khác như đất phù sa, đất
xám, đất đen, đất mùn vàng đỏ trên núi, đất thung lũng dốc thích nghi với cây công nghiệp ngắn ngày, cây lương thực, rau màu, cây ăn quả và một số cây lâu năm khác.
c. Nguồn tài nguyên nước
Đắk Lắk có nhiều có nhiều sông suối, có ba hệ thống sông chính là Sê rê pôk, sông Ba và Ea H’leo, nhìn chung hệ thống sông suối của tỉnh Đắk Lắk khá phong phú phân bố khắp địa bàn, mật độ sông suối bình quân 0,8 km/km2. Những vùng có lượng mưa lớn, mật độ sông suối dày, ngược lại vùng có lượng mưa nhỏ mật độ sông suối thưa như vùng Ea Súp, Ea Hleo mật độ 0,2 km/km2 [15].
Lượng mưa bình quân toàn vùng 1.600 - 2.000 mm, tổng lượng nước đến lãnh thổ Đắk Lắk 20,5 tỷ m3 nước [15], chuyển vào dòng chảy sông suối trên địa bàn. Nhưng do lượng mưa phân bố không đều theo thời gian, theo vùng lãnh thổ và địa hình chia cắt phức tạp, mùa mưa thường gây ngập úng cục bộ tại một số vùng ven sông thuộc các huyện Krông Ana, Lăk và Krông Păk, mùa khô thiếu nước nghiêm trọng.
Ngoài hệ thống sông chảy qua Đắk Lắk do đặc điểm địa hình, sự ưu đãi của thiên nhiên trên địa bàn tỉnh đã hình thành các hồ tự nhiên như hồ Lăk và các công trình thủy lợi, thủy điện. Đây có thể coi là các “kho” chứa nước trên cao nguyên Đắk Lắk phục vụ cho các nhu cầu dân sinh, cấp nước cho sản xuất nông, công nghiệp, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, du lịch, bảo vệ môi trường. Qua khai thác, sử dụng nguồn nước và hiện tượng hạn hán trong một số năm qua càng chứng tỏ việc bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ liên quan mật thiết với công tác thủy lợi, do đó việc xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý, khoa học là yêu cầu hết sức cấp bách, nhằm mang lại hiệu quả cao, bền vững và phòng tránh thiên tai.
Tóm lại, với lợi thế là vùng đất đở ba zan màu mỡ, Đắk Lắk có những ưu thế đặc trưng về điều kiện tự nhiên như độ cao địa hình, nền nhiệt độ thích hợp, ẩm độ, lượng mưa là những yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng của cây cà phê.
Cao Nguyên Buôn Ma Thuột không những là nơi cây sinh trưởng tốt, mà còn tạo nên hạt cà phê chất lượng cao, hương vị khác biệt so với vùng đất khác. Chính sự khác biệt đó, cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành tâm điểm, là thủ phủ cà phê của
toàn vùng Tây Nguyên, đây là cơ sở cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho ngành công nghiệp chế biến cà phê của Đắk Lắk.