Chương IV Hướng dẫn thực hành hiệu quả trong xử lý chất thải y tế
2. Cung ứng dịch vụ quản lý chất thải y tế
2.2. Tổ chức điểm thu gom, đóng gói chất thải y tế
“Điểm phân loại” là một thuật ngữ chung để chỉ bất cứ chỗ cố định nào trong một cơ sở y tế nơi thường diễn ra việc phân loại cấp một các chất thải thuộc các dòng chất thải khác nhau và nơi chất thải được đóng gói để thu gom. Vì trong các cơ sở y tế có những dòng chất thải khác nhau, nên các điểm phân loại là các dụng cụ chứa một hoặc một vài loại chất thải khác nhau. Thông thường, mỗi phòng ở một bệnh viện có tối thiểu là một điểm phân loại. Các điểm phân loại thường được lập ra cho những dòng chất thải điển hình như:
− Chất thải thông thường (không có nguy cơ) (chất thải giống chất thải gia đình hoặc chất thải đô thị);
− Chất thải tái chế được (Giấy/bìa các tông, thủy tinh, chất dẻo);
− Chất thải truyền nhiễm và vật sắc nhọn;
− Dược phẩm (các điểm nhỏ).
Chỉ lập ra các điểm phân loại các dòng chất thải khác (ví dụ như chất thải hóa học, chất thải phóng xạ...) ở những khu vực có thể phát sinh loại chất thải này. Các điểm phân loại thông thường gồm có:
− Các thùng rác hoặc giá gắn túi đựng rác.
− Vật liệu đóng gói chất thải (ví dụ như hộp đựng vật sắc nhọn hoặc túi lót thùng rác bằng chất dẻo).
− Tài liệu thông tin - giáo dục - truyền thông cần thiết để thông báo cho người tạo ra chất thải biết loại chất thải nào sẽ được thu gom tại điểm (ví dụ như áp phích hoặc các nhãn dán trên thùng).
Để có thể phân loại và thu gom chất thải y tế một cách có hệ thống, rất cần tiến hành quy hoạch các điểm phân loại. Để làm việc này, cần chia cơ sở y tế thành các khu vực khác nhau hợp lý (ví dụ như tại các khoa, các tòa nhà, các bệnh phòng...).
Phân tích từng phòng của một khu vực cụ thể để tìm hiểu về:
− Loại chất thải sẽ tạo ra trong phòng;
− Lượng chất thải có thể tạo ra trong ngày;
− Tần suất thu gom chất thải;
− Các trang thiết bị phân loại cần thiết;
− Các địa điểm có thể đặt các thùng chứa, thùng rác, túi.
Tiến hành phân tích tất cả các phòng trong khu vực. Dựa trên việc phân tích này, có thể ước tính chủng loại và số lượng các điểm phân loại cho từng phòng và cho toàn bộ khu vực. Từ đó có thể xác định được tổng số trang thiết bị cần thiết (chủng loại và kích cỡ các thùng rác). Đối với mỗi khu vực, cần xây dựng kế hoạch phân loại, nêu rõ địa điểm chính xác và số lượng các điểm phân loại cần lập ra trong các phòng khác nhau, cũng như danh mục các trang thiết bị cần thiết.
Những điểm cần lưu ý trong giai đoạn lập kế hoạch các điểm phân loại là:
− Nên tiến hành phân loại ở chỗ càng gần càng tốt với nơi tạo ra chất thải.
− Các điểm phân loại phải dễ tiếp cận cho người tạo ra chất thải.
− Nên tách riêng nơi phân loại chất thải không có nguy cơ và nơi phân loại chất thải nguy hại.
− Các điểm phân loại chất thải nguy hại phải cách xa tầm với của người bệnh, người đến thăm và người lạ, và chỉ cho phép nhân viên đã được tập huấn tiếp cận.
− Cần đánh dấu các điểm phân loại chất thải nguy hại một cách rõ ràng, sử dụng các hướng dẫn dễ hiểu.
Thu gom chất thải không có nguy cơ
Thùng đựng vật sắc nhọn
Chất thải Tái chế
Thu gom chất thải hóa học
Chất thải truyền nhiễm
LABORATORIUM
1.14
J-R
1.15
J-R J-1
1.14 1.14 1.14
Thùng đựng vật sắc nhọn
1.15 1.15 1.15
P-4 J-4 J-5
Sơ đồ 1.8: Mẫu quy hoạch điểm phân loại chất thải trong một phòng thí nghiệm
Tại điểm phân loại, chất thải đã phân loại được đóng gói và xếp sắp sẵn sàng cho việc thu gom. Khi lập ra các điểm phân loại, cần cân nhắc loại hình và đặc tính của chất thải cần được thu gom, và thông báo cho các nhân viên biết loại chất thải nào được thu gom ở đâu.
2.2.2. Đóng gói chất thải y tế
Các dạng chất thải khác nhau cần được đóng gói theo các cách khác nhau tùy theo nguy cơ mà chúng tạo ra. Cũng cần cân nhắc đến đặc tính hóa học của chất thải cần được thu gom vì, ví dụ, một số loại hóa chất nhất định có khả năng phân giải các túi nhựa đựng chất thải và do đó cần được đóng gói trong các thùng chứa bằng kim loại hoặc chai thủy tinh. Khi chọn vật liệu đóng gói, phải nắm bắt được những mối nguy hiểm cụ thể do chất thải tạo ra (ví dụ như thùng/hộp chứa không bị đâm thủng dành cho vật sắc nhọn, thùng bọc chì cho chất thải phóng xạ...).
Nên dùng các túi nhựa đựng chất thải có chất lượng tốt và làm từ vật liệu chắc chắn để đựng chất thải truyền nhiễm nhằm tránh rách và đổ tràn. Nên dùng giá giữ túi có nắp đậy hoặc thùng rác có nắp đậy để đề phòng nhiễm bẩn vào không khí. Cần dán nhãn gói chất thải nguy hại trước khi thu gom để sau này có thể dễ dàng xác định loại chất thải và nơi tạo ra chất thải. Để xác định các mối nguy hại tiềm tàng, nên dùng các biểu tượng nguy hại của Liên hiệp quốc.
2.2.3. Cung cấp tài liệu Thông tin - Giáo dục - Truyền thông cho điểm phân loại chất thải y tế
Để thông báo cho nhân viên biết loại chất thải nào cần đưa vào thùng rác nào, có thể sử dụng các áp phích thông tin. Để dễ xác định các thùng rác, nên tuân thủ hệ thống mã màu sắc đã được khuyến cáo áp dụng. Nếu không có các thùng rác và thùng chứa đúng màu, thì tối thiểu là lớp lót phải có màu như mã màu sắc. Đặc biệt là để xác định các thùng chất thải nguy hại, nên dán các nhãn chỉ thị mức độ nguy hại lên thùng rác. Có thể tìm thấy các mẫu áp phích về các điểm phân loại trong Phụ lục 4.
2.2.4. Dán nhãn những vật liệu đóng gói đã qua sử dụng
Để có thể xác định chất thải sau khi thu gom và lần theo đường đi đến nguồn của chất thải, tối thiểu là cần dán nhãn tất cả các túi hoặc thùng chứa chất thải nguy hại, ghi rõ những thông tin cơ bản về nội dung bên trong và về nơi tạo ra chất thải.
Nhãn nên rõ ràng, dễ đọc, bền màu và nên bao gồm tối thiểu là các thông tin như sau:
− Tên nơi tạo ra chất thải (ví dụ như bệnh phòng, khoa);
− Loại chất thải, ngày sản xuất;
− Nhận xét (ví dụ như đặc biệt nguy hại);
− Lượng chất thải (dung tích/kg) - đích đến của chất thải.
Phân loại, Số của chất thải, Loại chất thải
Công ty xử lý, Số của dụng cụ chứa, Người tạo ra chất thải
C/E- Abfall
Người chịu trách nhiệm
Hình 1.7: Mẫu nhãn cao cấp dành cho túi đựng chất thải lây nhiễm
Khi áp dụng hệ thống dán nhãn cơ bản, có thể cấp cho các bệnh phòng các nhãn giấy in sẵn, để dùng ghim đính vào các túi đựng chất thải.
2.2.5. Vận hành các điểm phân loại
Hai nguyên tắc chính trong việc sử dụng các điểm phân loại là:
− Phân loại đúng đắn là trách nhiệm rõ ràng của mỗi người tạo ra chất thải, dù ở bất cứ vị trí nào (nguyên tắc “bổn phận chăm sóc”).
− Trong trường hợp có nghi ngờ, phải tuân thủ nguyên tắc “phòng ngừa” (phân loại chất thải này vào nhóm được cho là có nguy cơ cao nhất).
Các điểm phân loại cũng cần bảo dưỡng. Ví dụ phải thay thế nhãn trên các thùng rác và phải thường xuyên làm sạch các thùng rác. Do đó nên thường xuyên kiểm tra các điểm phân loại. Cần xây dựng lịch bảo dưỡng cho các điểm phân loại. Để có thêm thông tin, xin xem mục nói về Hệ thống quản lý tài sản vật chất và bảo dưỡng.
Tối thiểu là mỗi năm một lần cán bộ quản lý chất thải nên cùng với khoa xem xét lại quy hoạch điểm phân loại. Nên đưa ra một hệ thống khiếu nại để cho phép những người tạo ra chất thải được yêu cầu, ví dụ, có các điểm phân loại bổ sung hoặc làm vệ sinh thùng rác tốt hơn.
Người phụ trách việc quản lý chất thải nên liên hệ chặt chẽ với người có trách nhiệm cụ thể của bệnh phòng hoặc khoa để bảo đảm rằng những người tạo ra chất thải làm theo quy trình đã đề ra. Chìa khóa để có một hệ thống quản lý chất thải có hiệu quả là liên tục tập huấn về cách phân loại chất thải, và động viên những người tạo ra chất thải thực hiện tốt phân loại.