CÁC ĐƠN VỊ PHÂN LOẠI CAO
II. CÁC THỨ HẠNG PHÂN LOẠI CAO
Thứ hạng phân loại cao là phân hạng mà trong đó người ta đưa vào đó tất cả các taxon có bậc giống nhau trong thang bậc phân loại. Thứ hạng được lựa chọn cho taxon này chỉ rõ bậc của nó trong thang bậc phân loại. Các thực thể động thực vật học là cơ sở của các taxon, còn các khái niệm là cơ sở của các thứ hạng phân loại. Về mặt này không có ranh giới giữa các thứ hạng loài và các thứ hạng
cao từ giống đến các thứ hạng cao hơn. Tuy nhiên, về nhiều mặt giữa quan niệm loài và các thứ hạng cao hơn có những sai khác rất quan trọng.
Đối với thứ hạng loài được xác định một cách rõ ràng bằng các cơ chế cách ly trong thiên nhiên, trong khi đó không thể xác định được một cách khách quan các thứ hạng trên loài. Thứ hạng loài chỉ tính chuyên hóa, tính riêng lẻ và tính khác biệt, trong lúc đó thứ hạng cao hơn mang chức năng tập hợp và sắp xếp thứ tự bằng cách chú ý đến sự không có sai khác giữa các loài, mà là sự tương tự giữa các nhóm loài. Các bậc thứ hạng cao là những khái niệm có tính chất tập hợp. Dù rằng đối với các thứ hang cao mà chúng chỉ ra, không có định nghĩa rõ ràng, chúng cũng có cơ sở khách quan, vì rằng taxon nào đó được đưa vào thứ hạng cao (nếu nó được phân biệt một cách đúng đắn) cũng là đơn vị “tự nhiên”, nghĩa là gồm các hậu thế của một tổ tiên chung.
Taxon cao thường được phân biệt với các taxon khác của cùng bậc bởi sự ngắt quãng thể hiện rõ ràng.
1. Giống (Genus)
Định nghĩa. Giống là thứ hạng thấp nhất trong các thứ hạng cao và là thứ hạng thấp nhất trong tất cả các thứ hạng, được định nghĩa như sau: Giống là thứ hạng phân loại gồm một loài hoặc một nhóm loài đơn phát sinh tách biệt với các taxon khác cùng cấp bậc bởi sự ngắt quãng rõ ràng. Theo các kinh nghiệm thực hành thì độ lớn của ngắt quãng có tỷ lệ ngược với độ lớn của taxon. Nói cách khác, càng nhiều loài được xếp vào một nhóm loài nào đó, thì ngắt quãng cần thiết để tách nhóm này thành một đơn vị riêng biệt, càng nhỏ, nhóm loài càng ít thì ngắt quãng cần thiết để tách nó lại càng lớn. Việc tách các nhóm loài có độ lớn tốt nhất thành giống là công việc đòi hỏi phải có kinh nghiệm, có kết luận minh bạch và suy nghĩ chín chắn.
Dấu hiệu giống. Không có các dấu hiệu phân loại dùng làm bằng chứng riêng biệt của giống. Tuy nhiên, các loài được đưa vào giống này hoặc giống khác thường có nhiều dấu hiệu chung, điều đó làm dễ dàng việc tách chúng. Một số giống là những nhóm tự nhiên rõ ràng, dù vậy vẫn không thể chẩn loại chúng theo một dấu hiệu duy nhất, vì rằng mỗi dấu hiệu dùng làm dấu hiệu chẩn loại đối với đa số loài lại thay đổi hoặc thiếu ít ra ở một loài nào đó của giống.
Ý nghĩa của giống. Khi chúng ta đặt cấp bậc giống cho một nhóm loài, thì cũng thừa nhận đằng sau nó hàng loạt đặc tính đặc trưng cho tất cả các bậc cao.
Taxon giống là đơn vị phát sinh chủng loại, nghĩa là các loài đưa vào đây bắt nguồn từ tổ tiên chung. Ngoài ra, giống cũng là đơn vị sinh thái gồm các loài thích nghi với cách sống nhất định.
2. Họ (Family)
Cũng như ở trường hợp giống và các thứ hạng cao khác, khó có thể đưa ra
được một định nghĩa khách quan cho thứ hạng họ. Chỉ có thể hiểu rằng cái thường gọi là “loại động vật” (kind of animal) thường được coi là họ: ví dụ như bọ rùa (Coccinellidae), xén tóc (Cerambycidae), gõ kiến (Picidae), nhạn (Hirundindae), v.v. Mức độ cách biệt của nhóm giống cần thiết để xem xét nhóm đó như họ, khác với các nhóm động vật khác bởi hàng loạt đặc trưng. Vì vậy, cũng như định nghĩa về giống, có thể định nghĩa của thứ hạng họ: là thứ hạng phân loại gồm một giống hoặc một nhóm đơn phát sinh và tách biệt với các họ khác bởi sự ngắt quãng rõ ràng. Cũng như trong trường hợp giống, độ lớn của quãng ngắt tỷ lệ ngược với độ lớn của họ.
Cũng như giống nhưng ở mức độ lớn, họ thường được phân biệt ở mức độ thích nghi nào đó đảm bảo sự tương quan của nó đối với sinh cảnh hoặc vùng thích nghi nhất định (ví dụ gõ kiến họ Picidae, bọ ăn lá họ Chrysomelidae vv.).
Trong đa số trường hợp, các họ rõ ràng có tuổi cao hơn các giống và thường phân bố khắp trái đất.
Ở mỗi địa phương nào đó các họ khác nhau thường cách biệt nhau. Những ngắt quãng thể hiện rõ rệt giữa các họ có tính chất quy luật hơn là ngoại lệ và sự định loại đến họ trong các nghiên cứu khu hệ địa phương hầu như không gặp khó khăn gì. Tuy nhiên, vấn đề sẽ phức tạp khi nghiên cứu khu hệ động vật thế giới. Thường thì ở mỗi lục địa các họ tách ra thành các nhóm riêng biệt khác nhau, thêm vào đó đôi khi cũng tìm thấy các họ dạng nằm xen vào các ngắt quãng giữa các họ.
Linnaeus không phân biệt họ như một thứ hạng, nhưng thực ra đa số các giống của Linnaeus sau đó đã được đưa vào bậc họ. Như vậy, quan niệm giống của Linnaeus là tương đương với quan niệm họ của chúng ta sau này và sự sai khác giữa giống và họ chỉ là thuần túy về số lượng. Ở vào thời điểm năm 1758 mới chỉ biết được 312 giống động vật, nên đối với Linnaeus thứ hạng trung gian giữa giống và bộ là không cần thiết. Song số lượng động vật mới phát hiện tăng lên nhanh chóng đến nỗi các nhà tự nhiên học đầu thế kỷ XIX bắt đầu dùng phổ biến khái niệm họ để chỉ thứ hạng trung gian giữa giống và bộ.
Số lượng họ tiếp tục tăng lên nhờ sự phát hiện các dạng động vật mới. Đến cuối thế kỷ XIX người ta đã phân biệt được khoảng 1700 họ động vật (Pirrier, 1893-1932, Traite de Zoologie). Xu hướng này còn được giữ đến ngày nay, điều đó có thể phán đoán được vì rằng Brues, Melander và Carpenter đã phân biệt được 911 họ chỉ riêng ở côn trùng.
3. Bộ (Order), Lớp (Class) và Ngành (Phylum)
Trong khu hệ động vật hiện đại, các taxon ở thang bậc cao hơn họ, nói chung thể hiện sự sai khác rất rõ về mọi mặt và đặc biệt chúng có rất ít sự liên hệ với nhau qua các dạng trung gian như họ hoặc giống. Các taxon thuộc thứ hạng bậc cao là những nhánh chủ yếu của cây phát sinh chủng loại. Các kiểu cấu trúc
chủ yếu đặc trưng cho chúng được hình thành ở các giai đoạn tiến hóa trước đây và nay chỉ có thể phỏng đoán về các ý nghĩa thích nghi đặc biệt của chúng. Cũng như trong các trường hợp của giống và họ, đã có xu hướng tăng số lượng ở các đơn vị khác nhau ở bậc cao hơn họ. Hiện tại có khoảng 25 ngành, 80 lớp và 350 bộ động vật hiện còn sống.