NGHIÊN CỨU TU CHỈNH HOẶC CHUYÊN KHẢO

Một phần của tài liệu nguyên tắc phân loại và danh pháp động vật (Trang 72 - 76)

THU MẪU VÀ ĐỊNH LOẠI

IV. NGHIÊN CỨU TU CHỈNH HOẶC CHUYÊN KHẢO

Tu chỉnh phân loại học được coi là một trong những công việc chủ yếu của phân loại học. Về một số mặt nào đó, công việc này cũng giống với quá trình định loại, nhưng về thực chất thì hơi khác. Tu chỉnh phân loại không chỉ bao gồm định loại một nhóm động vật mà còn là công việc so sánh, chuẩn xác hóa tất cả các kết quả nghiên cứu phân loại đã có trước đó để hoàn thiện và tổng kết việc phân loại một nhóm với khả năng cao nhất.

Trước khi bắt tay vào việc tu chỉnh, cần thiết phải thu thập những vật mẫu và tư liệu cần thiết liên quan đến nhóm nghiên cứu. Sau khi xem qua vật mẫu có trong sưu tập riêng của mình, nhà phân loại học cần phải trao đổi với các Bảo tàng lớn có nhiều mẫu thuộc nhóm nghiên cứu của mình và yêu cầu họ cho mượn các vật mẫu ấy. Trong quá trình giao dịch ấy, có thể biết có nhà phân loại học nào đó cũng có kế hoạch tu chỉnh cùng nhóm thì nên tiến hành trao đổi thỏa thuận với chuyên gia đó để cùng hợp tác nghiên cứu là tốt nhất. Nếu trong các Bảo tàng nào đó có các sưu tập lớn và trong đó có nhiều các mẫu chuẩn, thì tốt nhất là tới các Bảo tàng đó làm việc, hơn là yêu cầu cho mượn vật mẫu tạm thời.

Nếu không có sách chuyên khảo và công trình tu chỉnh mới, thì nên dùng tập danh lục mới nhất về nhóm này cho việc nghiên cứu tu chỉnh khỏi mất nhiều thời giờ vào những việc mà người khác đã làm. Hiện nay công việc này dường như không mấy khó khăn khi sử dụng công cụ tìm tin trên mạng internet để tra cứu các danh lục theo tên tác giả hoặc tên các bậc phân loại và các tài liệu công bố liên quan đến chúng. Danh lục này ghi các chỉ dẫn về tài liệu tham khảo, trong đó có mô tả tất cả các loài đã biết. Một số danh lục tốt còn có các chỉ dẫn thư mục đầy đủ về mỗi giống và loài, danh sách tên động vật và dẫn liệu về phân bố địa lý.

1. Tra cứu thư mục

Một trong những thư mục tra cứu lớn nhất với đầy đủ thông tin về phân loại động vật là “Zoological Record”. Tạp chí này do Hội động vật học London (Zoological Society of London) hợp tác với Bảo tàng Anh xuất bản hàng năm bắt đầu từ 1864. Trong tạp chí này có nêu ra mỗi tên khoa học mới với sự chỉ dẫn nơi công bố nó và địa điểm chuẩn. Tên gọi được sắp xếp từng họ theo thứ tự bảng chữ cái, còn các họ và các nhóm cao hơn được sắp xếp theo trật tự phân

loại. Các số tạp chí đều có bán hoặc được gửi đi theo thư đặt hàng. Có thể đặt mua toàn tập hoặc mua riêng từng tập của 20 số, gồm: 1) General Animals; 2) Protozoa; 3) Porifera; 4) Coelenterata; 5) Echinodermata; 6) Vermes; 7) Brachiopoda; 8) Bryozoa; 9) Mollusca; 10) Crustacea; 11) Trilobita; 12) Arachnida và Myriapoda; 13) Insecta; 14) Protochordata (2); 15) Pisces; 16) Amphibia; 17) Reptilia; 18) Aves; 19) Mammalia; và 20) List of New Genera.

Phương pháp dùng Zoological Record thông thường nhất là bắt đầu từ tập cuối cùng và lật ngược lên cho đến năm xuất bản danh lục hoặc công trình tu chỉnh cũ nhất. Có thể tìm được giống hoặc nhóm khác được chuyên gia quan tâm trong mục lục xuất bản dành riêng cho lớp động vật tương ứng. Nếu các loài chỉ dẫn không được rõ ràng do sự đơn giản quá của nó hoặc nếu cần phải biết chính xác tên của công trình, thì có thể tìm thấy bằng cách tra cứu thư mục sắp xếp theo tác giả ở phần đầu của tập đó. Đối với các mục đich riêng còn có bảng chỉ dẫn đầy đủ theo từng lĩnh vực.

Tạp chí Zoological Record luôn luôn ra chậm lại 1 hoặc 2 năm, vì thế trong trường hợp cần tìm tài liệu cập nhật hơn có thể tra cứu trong các thư mục khác như Biological Abstracts (xuất bản từ 1926 đến nay) là một nguồn tài liệu quan trọng công bố về các công trình phân loại mới nhất. Phần về phân loại động vật có các bản tóm tắt các công bố phân loại học, vì vậy là nguồn thông tin có giá trị về các công trình mà hiện nay không kiếm được ở nơi nào khác.

Tuy nhiên, vì trong Biological Absstracts phần phân loại học thường không được đầy đủ, nên tài liệu này không thể thay thế Zoological Record được. Một số tạp chí khác có thể tra cứu là Berichte uber die gesamte Biologie, Abt. A., Berrichte uber die wissenschaflliche biologie (xuất bản từ 1926 đến nay) và Bulletin signaletique, Biologie et Physiologie, Animales (1962). Ngoài ra các các bản tổng quan về tài liệu phân loại học của Gunther (1956-1962) là những tài liệu vô giá. Còn có vô số các thư mục liên quan tới động vật học nói chung, động vật có xương sống (Wood, 1931) hoặc các nhóm riêng biệt như chim, cá, côn trùng, tuyến trùng, v.v. Chắc chắn mỗi chuyên gia phân loại học đều biết những tài liệu nào có thể tra cứu thuộc lĩnh vực của mình.

2. Các loài hữu danh và các loài động vật

Không phải mọi tên gọi có trong tài liệu “loài hữu danh” đều là tên gọi thực sự của các loài động vật. Trong nhiều trường hợp các biến dạng cá thể khác nhau đã được mô tả sai thành các loài riêng biệt. Vì vây, việc tách một cách đúng đắn các loài động vật thực sự trong một nhóm động vật được tu chỉnh về phân loại học là giai đoạn cơ bản quan trọng nhất của việc nghiên cứu phân loại học. Trong công việc này cần phải xem đến các mô tả đầu tiên (mô tả gốc) (hoặc mô tả lại có sửa chữa, bổ sung). Nghiên cứu các vật mẫu chính thức đặc biệt nghiên cứu cẩn thận các mẫu chuẩn là yêu cầu của bất kỳ công trình tu

chỉnh hay chuyên khảo nào.

3. Mô tả đầu tiên (mô tả gốc)

Dù rằng các tài liệu bổ sung thường rất có lợi nhưng luôn luôn cần phải dùng các mô tả gốc hoặc các mô tả chính thức sau này. Trong trường hợp có mâu thuẫn có thể cho rằng loài đó ở trong tài liệu sau đã được định loại không đúng.

Các mô tả gốc có thể tìm được nhờ các danh lục các sách chuyên khảo, tạp chí

Zoological Record” hoặc các nguồn thư mục khác đã được kể ra trên kia.

Các mô tả là cơ sở của phân loại học, vì rằng chỉ có lời đã in ra mới có giá trị vĩnh viễn. Các vật mẫu chuẩn có thể bị mất và những người cùng thời chỉ có thể liên hệ với tác giả của các mô tả gốc để có được chỉ dẫn về “loài” do người đó định loại và đặt tên.

Mô tả gốc cần được đọc một vài lần trước hết để có ấn tượng chung hoặc khái niệm chung nhất về vật mẫu thực mà tác giả của nó đã mô tả; sau là để tách ra và so sánh các dấu hiệu riêng lẻ mà tác giả của mô tả gốc hoặc các tác giả tiếp theo cho là quan trọng, với các dấu hiệu của các vật mẫu được nghiên cứu. Cuối cùng nên kiểm tra lại tất cả các nhận xét, so sánh của tác giả mô tả gốc. Trong nhiều trường hợp, các dấu hiệu so sánh tỏ ra có ích nhất trong khi định loại.

Các mô tả gốc thường là cấp nhận xét cuối cùng khi định loại chung. Tuy nhiên nhiều mô tả gốc cũng có thể là hoàn toàn không thích đáng, đặc biệt những mô tả công bố trước năm 1800. Giá trị của mô tả tùy thuộc trực tiếp vào tính chất đúng đắn về ý kiến nhận xét của tác giả, khả năng lựa chọn các dấu hiệu quan trọng của tác giả và khả năng mô tả chúng bằng lời cũng như tùy thuộc với khối lượng và đặc điểm của vật mẫu có trong tay tác giả lúc mô tả.

Các bản minh họa thường có giá trị không kém phần quan trọng nếu không phải là nhiều hơn so với mô tả gốc, đặc biệt là khi có khó khăn về ngôn ngữ.

Nhiều công trình về các nhóm động vật quan trọng như chim hoặc bướm còn có thêm các bức minh họa màu. Những công trình ấy thường giúp nhiều cho việc định loại nhanh chóng các vật mẫu. Tuy nhiên các minh họa màu không phải luôn luôn được in tốt và nếu quá tin cậy vào chúng thì cũng có thể mắc sai lầm. Đôi khi cũng gặp các khó khăn do các dấu hiệu thể hiện trong hình vẽ minh họa kèm theo và lời mô tả mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, những mâu thuẫn loại này thường gặp trong các công trình của những tác giả trước đây.

4. So mẫu

So mẫu được coi là thủ tục cần thiết để khẳng định tính xác thực của công việc đinh loại. Thậm chí, trong một số trường hợp không thể tiến hành định loại một cách chuẩn xác nếu chỉ dùng tài liệu sách vở. Tình trạng này thường gặp ở các nhóm không được mô tả và minh họa chi tiết, đầy đủ. Ngay cả trong những điều kiện lý tưởng thì việc định loại cũng dễ dàng hơn rất nhiều nếu tiến

hành so mẫu. Khi so sánh vật mẫu đang được định loại với “vật mẫu đã được định loại chính thức” bởi chuyên gia thì tốt nhất là so sánh với mẫu chuẩn chính vì các mẫu chuẩn phụ không phải bao giờ cũng đủ tin cậy trong khi định loại và cũng vì những lô vật mẫu chuẩn đồng hạng đôi khi lại gồm một vài loài.

Nhìn chung, việc so sánh các vẫt mẫu là công việc khá phức tạp về kỹ thuật, đòi hỏi một sự chuẩn bị tốt về vật mẫu cần so và kiến thức tôt về nhóm cần nghiên cứu. Việc định loại sơ bộ bằng cách so sánh trực tiếp với các sưu tập đã được định loại chính thức mà không có sự nghiên cứu trước các tài liệu tham khảo và các dấu hiệu chủ yếu của nhóm thường không mang lại kết quả mong muốn. Tuy nhiên, cũng cần tránh việc tin tưởng một cách tuyệt đối vào sự so sánh với các vật mẫu cho rằng đã được định loại chính thức. Có không ít trường hợp, thậm chí các sưu tập “có uy tín” chứa đựng các vật mẫu đựợc định loại một cách không đúng hoặc không đầy đủ. Trong các trường hợp như thế việc so sánh vội vàng không qua các giai đoạn định loại khác có thể dẫn đến các kết luận sai lầm.

5. So sánh với vật mẫu chuẩn

Vật mẫu chuẩn có ý nghĩa quan trọng nhất trong mọi vật mẫu và do chúng có giá trị rất lớn nên không thể đem sử dụng để định loại thông dụng được. Tuy nhiên, trong trường hợp tiến hành nghiên cứu chuyên khảo một nhóm, các mẫu chuẩn cũng cần được nghiên cứu lại. Các dấu hiệu chủ yếu có thể được kiểm tra lại cùng với kiểm tra các vật mẫu khác trong bộ sưu tập.

Khi nghiên cứu các phân loài không nhất thiết phải có các vật mẫu chuẩn để so sánh (nếu không có nghi ngờ về sư chính xác trong việc định loại loài).

Tuy nhiên, nên kiểm tra lô vật mẫu ở địa điểm chuẩn (lopotypus) để có được thông tin về các dấu hiệu và tính biến dị phân loài.

Chương 6

Một phần của tài liệu nguyên tắc phân loại và danh pháp động vật (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(288 trang)