Một số khái niệm

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở việt nam (Trang 28 - 32)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TIẾP CẬN ĐẤT SẢN XUẤT

1.1.1. Một số khái niệm

Có thể khẳng định rằng, vấn đề giới đã tồn tại từ lâu trong xã hội, tuy nhiên khi đề cập tới vấn đề giới có rất nhiều quan điểm đồng nhất giới và giới tính. Về mặt tổng quát, giới và giới tính đều để chỉ sự khác biệt giữa nam giới và phụ nữ.

Song, giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam giới và phụ nữ, nói đến giới tính là đề cập tới sự khác biệt về mặt sinh học giữa nam và nữ, là những đặc điểm đồng nhất và mang tính bẩm sinh, trong khi đó giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội (luật bình đẳng giới của Việt Nam, 2006).

Chính vì vậy, Giới là một thuật ngữ xã hội để chỉ vai trò xã hội, hành vi ứng xử xã hội và những kỳ vọng liên quan đến nam và nữ [41]. Giới đề cập tới sự phân công lao động, phân chia nguồn lực và lợi ích giữa nam và nữ trong một bối cảnh xã hội cụ thể. Giới được hình thành do học hỏi từ gia đình, nhà trường, giao tiếp xã hội, nó khác nhau giữa các nước, các địa phương, thay đổi theo thời gian và quá trình phát triển kinh tế xã hội. Nói cách khác, khi đề cập tới mối quan hệ giới là nói đến cách thức phân định xã hội giữa nam giới và phụ nữ, liên quan đến các vấn đề thuộc về thể chế, văn hóa và xã hội chứ không phải là mối quan hệ cá biệt giữa một nam giới hay phụ nữ nào đó. Đây là một sản phẩm của sự suy luận mang đậm tính chất chủ quan của con người từ sự khác biệt mang tính tự nhiên về mặt sinh học sang sự khác biệt về mặt xã hội, văn hóa giữa phụ nữ và nam giới. Do đó, quan niệm về giới có thể khác nhau tùy theo từng nền văn hóa có những phong tục tập quán riêng và có thể thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của xã hội.

Với khái niệm giới được đề cập tới ở trên, có thể nhận thấy quan điểm về giới gắn chặt với một phạm trù, đó là vai trò giới. Vai trò giới: Là tập hợp các hành

vi ứng xử mà xã hội mong đợi ở nam và nữ liên quan đến những đặc điểm giới tính và năng lực mà xã hội coi là thuộc về nam giới hoặc thuộc về phụ nữ (trẻ em trai hoặc trẻ em gái) trong một xã hội hoặc một nền văn hoá cụ thể nào đó [33]. Vai trò giới được quyết định bởi các yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội, phụ nữ và nam giới thường có 3 vai trò giới như sau:

- Vai trò sản xuất là các hoạt động làm ra sản phẩm, hàng hoá hoặc dịch vụ để tiêu dùng và trao đổi thương mại. Đây là những hoạt động tạo ra thu nhập, được trả công. Cả phụ nữ và nam giới đều có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất, tuy nhiên do những định kiến trong xã hội nên mức độ tham gia của họ không như nhau và giá trị công việc họ làm cũng không được nhìn nhận như nhau. Xã hội coi trọng và đánh giá cao vai trò này.

- Vai trò tái sản xuất là các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ...giúp tái sản xuất dân số và sức lao động bao gồm sinh con, các công việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy và chăm sóc trẻ con, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, chăm sóc sức khoẻ gia đình… Những hoạt động này là thiết yếu đối với cuộc sống con người, đảm bảo sự phát triển bền vững của dân số và lực lượng lao động; tiêu tốn nhiều thời gian nhưng không tạo ra thu nhập, vì vậy mà ít khi được coi là “công việc thực sự”, được làm miễn phí, không được các nhà kinh tế đưa vào các con tính. Xã hội không coi trọng và đánh giá cao vai trò này trong khi hầu hết phụ nữ và trẻ gái đóng vai trò và trách nhiệm chính trong các công việc tái sản xuất.

- Vai trò cộng đồng: bao gồm một tổ hợp các sự kiện xã hội và dịch vụ: ví dụ như thăm hỏi động viên gia đình bị nạn trong thảm họa, thiên tai; nấu cơm hoặc bố trí nhà tạm trú cho những gia đình bị mất nhà ở; huy động cộng đồng đóng góp lương thực, thực phẩm cứu trợ người bị nạn… Công việc cộng đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển văn hoá tinh thần của cộng đồng. Có lúc nó đòi hỏi sự tham gia tình nguyện, tiêu tốn thời gian và không nhìn thấy ngay được. Có lúc nó lại được trả công và có thể nhìn thấy được (ví dụ: là thành viên phân phối hàng cứu trợ sau bão).

Vai trò và mối quan hệ về giới phát triển dần trong sự tương tác giữa các ràng buộc về sinh học, công nghệ, kinh tế và các ràng buộc xã hội khác. Cả nam và

nữ đều có khả năng tham gia vào cả ba loại vai trò trên, tuy nhiên, ở nhiều nơi, phụ nữ hầu như đều phải đảm nhiệm vai trò tái sản xuất đồng thời cũng phải tham gia tương đối nhiều vào các hoạt động sản xuất. Gánh nặng công việc gia đình của phụ nữ cản trở họ tham gia một cách tích cực và thường xuyên vào các hoạt động cộng đồng, kết quả là, đàn ông có nhiều thời gian và cơ hội hơn để đảm nhận vai trò cộng đồng và rất ít khi tham gia vào các hoạt động tái sản xuất [30]. Chính những kỳ vọng xã hội về những hành vi và hoạt động được coi là thích hợp đã tạo ra những sự không tương xứng về giới ở các mức độ khác nhau, đòi hỏi cần có sự can thiệp để đảm bảo bình đẳng giới.

1.1.1.2. Bình đẳng giới

Xuất phát từ quan điểm về giới và vai trò về giới nói trên, bình đẳng giới được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau.

Atkinson. B (1975), đại diện cho trường phái kinh tế học phúc lợi, cho rằng, bình đẳng giới là sự thụ hưởng phúc lợi như nhau giữa nam và nữ, trong đó ông nhấn mạnh về vấn đề thu nhập.

Phê phán quan điểm này của trường phái kinh tế học phúc lợi, Amartya Sen (Sen 1985, 1987, 1992, 1995, 1998) cho rằng vấn đề bất bình đẳng giới nên quan tâm tới việc so sánh giữa hai giới về các vấn đề bên trong như chức năng hay năng lực hơn là chỉ quan tâm tới mỗi vấn đề thụ hưởng phúc lợi: “vấn đề bất bình đẳng giới cuối cùng chỉ là sự khác biệt về quyền tự do” [49, tr. 125].

Cách tiếp cận này có thể thấy là phù hợp nhất với quan điểm về phát triển kinh tế đã được sử dụng rộng rãi, theo đó những hạn chế về lựa chọn được phản ánh trong những hạn chế về quyền lợi và do đó nó được phát triển thành định nghĩa về bình đẳng giới được đưa ra trong Công ước về xóa bỏ mọi loại hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ - CEDAW. Cụ thể, bình đẳng giới được định nghĩa là tình trạng (điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc...) mà trong đó phụ nữ và nam giới được hưởng vị trí như nhau, họ có cơ hội bình đẳng để tiếp cận, sử dụng các nguồn lực để mang lại lợi ích cho mình, phát hiện và phát triển tiềm năng của mỗi giới nhằm cống hiến cho sự phát triển của quốc gia và được hưởng lợi từ sự phát triển đó [33].

Đồng nhất với quan điểm được đưa ra trong công ước quốc tế, Luật bình đẳng giới của Việt Nam năm 2006 (chương 1, điều 5), định nghĩa “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó” [18], và đây là quan điểm được sử dụng trong Luận án.

Mục tiêu của bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ, vấn đề đặt ra đó là thế nào là bình đẳng giới một cách thực chất. Trên thực tế có ba cách tiếp cận về vấn đề bình đẳng giới, đó là tiếp cận hình thức (cào bằng), tiếp cận bảo vệ và tiếp cận thực chất [33].

- Tiếp cận hình thức (cào bằng): là cách tiếp cận trong đó phụ nữ và nam giới được coi là các chủ thể ngang bằng về mặt tư cách pháp lý, và vì vậy, cần được đối xử giống nhau, không có sự ưu tiên cho bất cứ bên nào. Cụ thể, các quyền, nghĩa vụ và cơ hội được áp dụng một cách thống nhất cho cả hai nhóm theo cùng một tiêu chuẩn như nhau với niềm tin rằng phụ nữ hoàn toàn có thể tiếp cận với các quyền và cơ hội đó như nam giới.

Hạn chế của cách tiếp cận này là không tính đến sự khác biệt về giới tính và giới giữa hai nhóm, mà cụ thể là sự yếu thế về mặt thể chất và gánh nặng vai trò tái sản xuất của phụ nữ… bởi sự khác biệt đó, phụ nữ có những nhu cầu đặc biệt và chính đáng cần phải được đáp ứng, cũng như có những khó khăn riêng trong việc hưởng thụ các quyền và tiếp cận với các cơ hội. Chính vì vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn đồng nhất cho cả hai nhóm, về bản chất, vẫn là sự phân biệt đối xử với phụ nữ.

- Tiếp cận bảo vệ: Trong cách tiếp cận này, sự khác biệt về mặt giới và giới tính giữa nam và nữ được thừa nhận và xem xét, theo đó phụ nữ được coi là các chủ thể yếu hơn đàn ông, cần phải được ưu tiên đặc biệt. Tuy nhiên, việc ưu tiên lại được thể hiện bằng cách “miễn” cho phụ nữ làm một số ngành nghề, công việc nhất định, với lập luận là để bảo vệ họ.

Hạn chế của cách tiếp cận này là đã không thấy rằng chính sự “ưu tiên”

không phù hợp đó đã loại trừ phụ nữ khỏi nhiều cơ hội và hạn chế hay tước bỏ một

số quyền của phụ nữ. Do đó, có thể nói rằng, cách tiếp cận này đã khôi phục những khuôn mẫu giới mang tính bất lợi cho phụ nữ.

- Tiếp cận thực chất: Theo cách tiếp cận này, sự khác biệt về mặt giới và giới tính giữa nam giới và phụ nữ được thừa nhận và xem xét để từ đó đưa ra các biện pháp nhằm bảo đảm sự bình đẳng nam nữ trong cả pháp luật và trên thực tế, trong đó trọng tâm là làm thay đổi những bối cảnh và điều kiện xã hội có tính chất bất lợi cho giới yếu thế hơn.

Như vậy, bình đẳng giới không có nghĩa và không đòi hỏi sự bằng nhau về số lượng nam và nữ trong tất cả các hoạt động, đồng thời nó cũng không có nghĩa trong mọi trường hợp đối xử giống nhau giữa phụ nữ và nam giới [103]. Mục tiêu cụ thể của cách tiếp cận này là tạo ra một môi trường mà trong đó phụ nữ được bình đẳng với nam giới trên cả ba phương diện: (i) Cơ hội tiếp cận các hoạt động kinh tế xã hội, tức là nam, nữ bình đẳng trong việc được trang bị các năng lực phát triển con người (trí lực, thể lực,tài chính); (ii) Cơ hội sử dụng, tức là không có sự phân biệt nam hay nữ trong việc sử dụng họ vào trong các hoạt động kinh tế - xã hội; (iii) Hưởng thụ các kết quả hay lợi ích xã hội, tức là không có sự phân biệt nam hay nữ trong quá trình phân chia các kết quả lao động. Thể hiện cao nhất của bình đẳng giới là qua việc đánh giá ngang nhau tiếng nói của nam giới và nữ giới trong những quyết định của gia đình và xã hội.

Với định nghĩa và cách tiếp cận thực chất về bình đẳng giới được nêu ra ở trên, tác giả luận án cho rằng: bất bình đẳng giới tồn tại khi có sự khác biệt trong so sánh tương quan về vai trò, vị trí và tiếng nói của nam và nữ giới. Giá trị gắn cho vai trò của giới nam hoặc giới nữ được xã hội thừa nhận chính là cơ sở quyết định khả năng tiếp cận tài sản và nguồn lực của gia đình và xã hội, cũng như tiếng nói khác nhau của nam và nữ

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở việt nam (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(220 trang)