CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TIẾP CẬN ĐẤT SẢN XUẤT
1.1.3. Các tiêu chí đánh giá bình đẳng giới
Bình đẳng giới là một mục tiêu phát triển quan trọng, do đó đi kèm với quan điểm về bình đẳng giới, các nghiên cứu cũng tập trung đưa ra các tiêu chí đánh giá nhằm lượng hóa được mức độ bất bình đẳng giới và có thể so sánh quốc tế.
Khi xây dựng các tiêu chí đánh giá, các công trình nghiên cứu về giới có khi sử dụng các chỉ số để đo lường tình trạng tuyệt đối của phụ nữ (ví dụ như tỷ lệ đi học của trẻ em gái), nhưng cũng có trường hợp sử dụng tiêu chí để đo lường tình trạng tương đối của họ (khoảng cách tỷ lệ đi học của trẻ em trai và trẻ em gái). Chú trọng đến tình trạng tuyệt đối là rất quan trọng, vì sự cải thiện tuyệt đối là điều kiện cơ bản để đảm bảo quá trình phát triển, tăng cường thêm phúc lợi cho cả nam và nữ.
Nhưng chỉ tập trung vào tình trạng tuyệt đối không thôi là chưa đủ, dù là về quyền hạn hay việc đòi hỏi các yếu tố nguồn lực, bởi tình trạng tương đối mới thể hiện được mối quan hệ tương đối của nữ và nam, đến lượt mình, mối quan hệ tương đối đó lại ảnh hưởng đến khả năng tham gia, đóng góp và hưởng lợi từ quá trình phát triển của họ. Do đó khi đánh giá bình đẳng giới cần các tiêu chí đề cập tới cả hai góc độ phân tích trên.
Tuy nhiên, theo quan điểm của luận án, việc có được một thước đo để lượng hóa được vị thế tương đối của phụ nữ so với nam giới có thể so sánh được ở phạm vi quốc tế là hết sức khó khăn vì cấu trúc của nền kinh tế, vai trò của thị trường, gia đình và văn hóa là khác nhau giữa các quốc gia. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu thường cố gắng sử dụng các thước đo tổng hợp có sự phân biệt giới để đánh giá bình đẳng giới. Báo cáo phát triển con người của UNDP [100] đưa ra hai chỉ số được biết đến nhiều nhất hiện nay là chỉ số phát triển giới (Gender Developmment Index - GDI), được tính toán dựa trên sự khác biệt về giới trong các tiêu chí của chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI); và thước đo quyền lực giới (Gender Empowerment Measure - GEM), đo lường bất bình đẳng giới dưới khía cạnh khai
thác cơ hội về kinh tế và chính trị. Hai chỉ số tổng hợp này cho phép đánh giá được khoảng cách giới về việc hình thành các năng lực cơ bản của con người và cơ hội cho việc sử dụng năng lực đó để tác động đến lợi ích của cá nhân và cộng đồng
(1) Chỉ số phát triển giới (Gender Development Index - GDI).
Nếu HDI đo thành tựu phát triển con người chung, thì GDI có chức năng điều chỉnh các thành tựu trung bình đó để phản ánh sự khác biệt về trình độ phát triển giữa nam và nữ, hay nói cụ thể hơn, GDI phản ánh tổng hợp các khía cạnh năng lực phát triển của con người (trí lực, thể lực và năng lực tài chính) đạt được mức độ như thế nào nếu chú ý đến yếu tố giới, giúp chúng ta trả lời được câu hỏi:
có sự khác biệt không về năng lực phát triển giữa nam và nữ? Như vậy, cũng giống HDI, GDI phản ánh các thành tựu đạt được trên ba lĩnh vực đó là: một cuộc sống lâu dài và khoẻ mạnh được đo bằng tuổi thọ bình quân sau khi sinh; một cuộc sống giàu tri thức, được đo bằng số năm đi học thực tế và số năm đi học kỳ vọng; một cuộc sống vật chất đầy đủ, được đo bằng thu nhập bình quân tính theo PPP. Tuy vậy, khác với HDI, nó phản ánh được mức độ chênh lệch giữa phụ nữ và nam giới thể hiện trong tất cả các khía cạnh đó. Với ý nghĩa đó, GDI chỉ đơn giản là HDI được chiết khấu hay được điều chỉnh thấp xuống theo mức độ phát triển đều về giới tính. Như vậy mức độ phát triển không đều về giới tính được xem xét bằng sự chênh lệch giữa HDI và GDI. Trong mỗi nước, nếu giá trị và thứ hạng của GDI càng gần với HDI thì sự khác biệt theo giới tính càng ít, trường hợp hai chỉ số đều cao tương đương nhau chứng tỏ ở nước này không chỉ có trình độ phát triển con người cao mà còn phản ánh sự phát triển khá đều giữa nam và nữ. Nếu thứ hạng GDI thấp hơn thứ hạng HDI cho thấy sự phân phối không bình đẳng về phát triển con người giữa nam và nữ.
(Nội dung và phương pháp tính của chỉ số này được trình bày trong phụ lục 1) (2) Thước đo quyền lực theo giới (Gender Empowerment Measure - GEM) GEM nhằm mục tiêu đo lường kết quả của việc sử dụng năng lực đã được trang bị của nam và nữ để khai thác các cơ hội của cuộc sống. Do đó, GEM đánh giá những tiến bộ trong việc nâng cao vị thế của giới (đặc biệt là giới nữ) về kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật. Kết quả của chỉ số này sẽ cho biết liệu phụ nữ và nam
giới giới có cơ hội tham gia vào đời sống kinh tế và chính trị cũng như tham gia vào quá trình ra quyết định hay không. Cấu thành trong GEM bao gồm ba yếu tố, đó là:
(i) Mức độ tham gia hoạt động chính trị và ra quyết định, được cụ thể bằng tỷ lệ tham gia trong quốc hội của nam hay nữ; (ii) Tham gia hoạt động kinh tế, khoa học công nghệ và ra quyết định, được thể hiện bằng hai tiêu chí là tỷ lệ nam hoặc nữ tham gia các vị trí quản lý, điều hành và tỷ lệ nam hay nữ trong các vị trí quản lý khoa học; (iii) Quyền sử dụng các nguồn lực kinh tế thông qua tiêu chí tỷ lệ thu nhập kỳ vọng của nam hay nữ chiếm trong tổng thu nhập dân cư (phương pháp tính chỉ số GEM được trình bày trong phụ lục 1). Giá trị tính toán của GEM càng lớn chứng tỏ xã hội đã có sự quan tâm cao đến sử dụn năng lực của cả nam và nữ để khai thác các cơ hội của cuộc sống.
Như phần trên đã trình bày, bình đẳng giới được xem xét theo 3 khía cạnh, do đó khi đánh giá bình đẳng giới thông qua các tiêu chí tổng hợp, chúng ta phải quan tâm đồng thời đến cả hai chỉ tiêu GDI và GEM. Trên thực tế có nước GDI khá cao, thể hiện sự quan tâm của xã hội đến việc nâng cao năng lực của cả nam giới và nữ giới, nhưng chỉ số GEM lại không cao, điều đó có nghĩa là mặc dù năng lực của phụ nữ được trang bị khá tốt, nhưng xã hội lại không quan tâm đến khía cạnh sử dụng họ theo năng lực đã được hình thành, đây cũng phản ánh một hạn chế trong phát triển con người.
Mặc dù được sử dụng phổ biến trong đánh giá bình đẳng giới, song hai chỉ tiêu đánh giá ở trên cũng có những yếu tố hạn chế nhất định, ví dụ như các chỉ số được tính toán dựa vào các mức độ đạt được thành tựu một cách tuyệt đối (A.Geske Dijkstra và Lucia Hanmer, 2000; Dana Schuler, 2006 hay không bao hàm hết các khía cạnh nhỏ bên trong của bình đẳng giới (Gaelle Ferrant, 2009) và do đó có rất nhiều nghiên cứu mới đây được tiến hành nhằm đưa ra chỉ số thay thế cho 2 chỉ số này. Khắc phục những nhược điểm của hai chỉ số GDI và GEM, các nghiên cứu này đều cố gắng đưa ra chỉ số tổng hợp bao hàm nhiều khía cạnh của bình đẳng giới hay thay đổi công thức và phương pháp tính toán các chỉ tiêu. Trong số đó có, các chỉ số như chỉ số vị thế tương đối của phụ nữ (Relative Status of Women - RSW) của A.Geske Dijkstra và Lucia Hanmer (2000), chỉ số chuẩn hóa về bình đẳng giới
(Standardized Index of Gender Equality - SIGE) của A.Geske Dijkstra (2002) được cho là điều chỉnh phương pháp tính toán của chỉ số GDI của UNDP nhằm hướng tới cách tính toán hoàn thiện hơn, trong khi các chỉ số bình đẳng giới (Gender Equality Index - GEI) của Social Watch (2005), chỉ số khoảng cách giới (Gender Gap Index - GGI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (2005), Chỉ số thể chế xã hội và giới (Social Institutions and Gender Index – SIGI) của OECD (2009), chỉ số bất bình đẳng giới mới (Gender Inequality Index - GII) của UNDP (2010) vừa điều chỉnh phương pháp tính toán vừa đánh giá bất bình đẳng giới dựa vào các khía cạnh mới như sức khỏe sinh sản, chính trị, tham gia thị trường lao động, hay dựa vào các khía cạnh của các thể chế xã hội được coi là căn nguyên của bất bình đẳng giới. Trong số đó, hai chỉ số GII của UNDP (2010) và SIGI của OECD (2009) được coi là phản ánh tương đối đầy đủ các khía cạnh của bình đẳng giới theo cách tiếp cận thực chất và quan điểm của CEDAW.
(3) Chỉ số bất bình đẳng giới (Gender Inequality Index - GII)
Đây là chỉ số mới được đưa vào trong báo cáo phát triển con người 2010 của UNDP. Chỉ số này phản ánh sự bất lợi của phụ nữ trên ba khía cạnh: sức khỏe sinh sản, quyền lực và thị trường lao động. GII phản ánh khá tổng hợp các khía cạnh bất bình đẳng giới trong các quốc gia, là cơ sở xác định các chính sách để điều chỉnh các yếu tố liên quan đến sự thiếu hụt của phụ nữ về những khía cạnh của phát triển con người.
Theo ý nghĩa trên, cấu thành trong GII bao gồm ba yếu tố: (i) yếu tố phản ánh sức khỏe sinh sản, bao gồm tỷ lệ chết mẹ (MMS) được tính là số bà mẹ tử vong trên 100.000 trẻ em sinh ra còn sống và tỷ lệ vị thành niên mang thai (AFR) được tính bằng số phụ nữ mang thai ở lứa tuổi từ 15 đến 19 trêm 1.000 phụ nữ cùng độ tuổi; (ii) Yếu tố quyền lực, bao gồm: tỷ lệ đại biểu quốc hội và tỷ lệ đến trường bậc trung học; (iii) Yếu tố thị trường lao động, được tính theo tỷ lệ tham gia thị trường lao động. Giá trị GII nằm trong khoảng từ 0 đến 1. Qua kết quả tính toán, nếu GII ở gần 0 thì nam và nữ xem như bình đẳng, nhưng khi tới 1, phụ nữ bị đối xử tồi tệ và bất bình đẳng là lớn nhất
Chỉ số GII có ý nghĩa quan trọng phản ánh tổng hợp hơn hai chỉ số GDI và CEM khi đánh gia bất bình đẳng giới trên các phương diện về phát triển con người.
Dựa vào giá trị và thứ hạng của HDI và GII, có thể đánh giá được việc các quốc gia quan tâm đến vấn đề giới như thế nào để từ đó có các chính sách thiết thực hơn nhằm cải thiện tình trạng giới. Mặc dù vậy việc xếp tiêu chí đánh giá giáo dục vào trong cùng khía cạnh liên quan đến quyền lực còn chưa thực sự phù hợp với nội dung các khía cạnh đánh giá bình đẳng giới được Ngân hàng thế giới đưa ra trong báo cáo phát triển thế giới [109].
(4) Chỉ số thể chế xã hội và giới (Social Institutions and Gender Index - SIGI) Chỉ số thể chế xã hội và giới (SIGI) là chỉ số được thiết kế nhằm đánh giá các khía cạnh là nội hàm của sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Chỉ số này được OECD đưa ra lần đầu tiên vào năm 2009 và được tính toán dựa trên số liệu của hơn 100 quốc gia trên thế giới. Khác với các chỉ tiêu đánh giá bất bình đẳng giới khác chủ yếu dựa vào kết quả như giáo dục hay việc làm, SIGI được tính toán dựa trên các khía cạnh được coi là căn nguyên của các kết quả đó, điều này sẽ giúp các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách có được những đánh giá nhằm giải quyết tận gốc vấn đề bất bình đẳng giới. SIGI tổng hợp đánh giá các thể chế xã hội có sự phân biệt đối xử, cụ thể đó là kết hôn sớm, phân biệt đối xử trong thực thi quyền thừa kế tài sản, bạo lực gia đình, chênh lệch giới tính khi sinh, những hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất cụ thể là đất đai và tín dụng và tiếp cận với địa vị xã hội. Theo đó, để tính toán, giá trị SIGI là chỉ số tổng hợp của 5 chỉ số bộ phận bao gồm chỉ số phân biệt đối xử trong các luật lệ gia đình, chỉ số liên quan đến hạn chế trong bảo toàn thân thể, chỉ số về sự ưa thích con trai, chỉ số hạn chế quyền tự do dân chủ trong cộng đồng và chỉ số hạn chế về tiếp cận các nguồn lực với 14 tiêu chí đánh giá đại diện cho các khía cạnh của thể chế xã hội có tồn tại bất bình đẳng, cụ thể:
+ Chỉ số phân biệt đối xử trong luật lệ liên quan đến gia đình bao gồm các tiêu chí: quy định tuổi kết hôn, tỷ lệ kết hôn sớm, quyền hạn liên quan vai trò làm bố mẹ, thừa kế.
+ Chỉ số hạn chế sự bảo toàn thân thể bao gồm các tiêu chí đánh giá: Tỷ lệ phụ nữ bị xâm hại tình dục (FGM), bạo lực với phụ nữ, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không được tiếp cận các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
+ Chỉ số ưa thích con trai gồm các tiêu chí: chênh lệch giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính của thai nhi.
+ Chỉ số hạn chế tiếp cận các nguồn lực. Chỉ số này được đánh giá dựa theo các tiêu chí: tiếp cận đất đai (đánh giá khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với đất nông nghiệp), tiếp cận tín dụng (đánh giá khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng của ngân hàng), tiếp cận các tài sản cố định khác ngoài đất.
+ Chỉ số hạn chế tự do dân chủ bao gồm các tiêu chí đánh giá: tiếp cận với không gian công cộng, có tiếng nói chính trị.
Việc tính toán chỉ số SIGI được thực hiện theo các bước mô tả cụ thể trong phụ lục 1
Chỉ số thể chế xã hội và giới (SIGI) có ưu điểm là phản ánh được nhiều khía cạnh sâu xa của bất bình đẳng giới, đồng thời từng chỉ số bộ phận đều có thể so sánh giữa các quốc gia với nhau. Tuy nhiên nhược điểm của chỉ số này là phương pháp tính toán lượng hóa khá phức tạp đòi hỏi phải có sự tham gia của các chuyên gia về giới.
Như vậy, tính đến nay, có nhiều chỉ số được sử dụng để đánh giá bất bình đẳng giới, điều này cho thấy rằng mặc dù cách tiếp cận về bình đẳng giới hiện nay đã tương đối thống nhất về mặt quan điểm, nhưng việc đánh giá được vấn đề này bằng một chỉ số lượng hóa vẫn còn gặp nhiều tranh luận vì bình đẳng giới là một vấn đề bao hàm trong nó nhiều khía cạnh đa chiều.