CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TIẾP CẬN ĐẤT SẢN XUẤT Ở VIỆT NAM
3.2. Thực trạng các yếu tố tác động tới bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở Việt Nam
3.2.4. Đặc điểm hộ gia đình Việt Nam ảnh hưởng tới bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất
3.2.4.1. Đặc điểm nhân khẩu học của chủ hộ - Trình độ học vấn
Dưới góc độ trình độ học vấn của chủ hộ, số liệu cho thấy trình độ học vấn của các chủ hộ là nữ thấp hơn đáng kể và có ý nghĩa thống kê so với nam giới. Số
năm đi học trung bình của chủ hộ là nữ chỉ là 6,76 năm trong khi con số này của các chủ hộ nam giới là 7,88 năm (tính toán của tác giả dựa vào VHLSS 2012). Đặc điểm này còn rõ nét hơn khi xem xét cơ cấu theo trình độ học vấn của các chủ hộ, cụ thể, có tới 35,7% chủ hộ là nữ chưa tốt nghiệp tiểu học, con số này của các chủ hộ là nam giới chỉ chiếm 19,5%, thêm vào đó, tỷ lệ chủ hộ là nữ tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở và đại học đều thấp hơn so với chủ hộ là nam giới (bảng 3.3). Điều này cũng phù hợp với thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục phần trên đã phân tích.
Việc các chủ hộ là nữ có trình độ học vấn thấp hơn so với các chủ hộ là nam giới, có thể là trở ngại đối với việc tiếp cận đất đai của các hộ gia đình đó [32].
Bảng 3.3: Cơ cấu trình độ học vấn của chủ hộ (%)
Trình độ học vấn Chủ hộ là nam giới Chủ hộ là nữ giới
Chưa tốt nghiệp tiểu học 19,43 35,7
Tốt nghiệp tiểu học 26,1 22
Tốt nghiệp trung học cơ sở 32,02 19,3
Tốt nghiệp trung học phổ thông 16,05 15,4
Tốt nghiệp đại học 7,7 1,8
Trình độ thạc sĩ 5,3 5,3
Trình độ tiến sĩ 2,7 3,3
Chung 100 100
Nguồn: Tác giả tính toán từ VHLSS 2012 - Tuổi và tình trạng hôn nhân
Tính trung bình, các chủ hộ nữ giới có tuổi cao hơn các chủ hộ nam giới.
Theo tính toán, tuổi trung bình của các chủ hộ nữ là 54,81 năm trong khi con số này của các chủ hộ nam giới là 48,07 năm. Phần lớn các chủ hộ là nữ đều từ 50 tuổi trở lên (chiếm 60%) trong đó chủ hộ nữ trên 60 tuổi chiếm tới 37,5% trong tổng số các chủ hộ là nữ. Điều này dẫn tới các hộ gia đình có chủ hộ là nữ chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm tuổi từ 60 trở lên (41% tổng số hộ, bảng 3.4). Điều này có thể lý giải một phần do tuổi thọ bình quân của phụ nữ thường cao hơn nam giới. Ngoài ra, hai cuộc kháng chiến cứu nước của Việt nam đã khiến cho tỷ lệ tử vong của nam giới trong độ tuổi đó cao hơn rất nhiều so với nữ giới nên khả năng góa bụa của phụ nữ trong nhóm tuổi này là cao, đẩy nữ giới trong độ tuổi đó lên giữ vai trò chủ gia
đình. Việc các chủ hộ nữ giới tuổi cao so với các chủ hộ nam giới có thể sẽ tác động tích cực tới khả năng tiếp cận đất sản xuất của phụ nữ bởi nhiều tuổi hơn thường sẽ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tốt hơn, nhưng đồng thời nhiều tuổi cũng sẽ khiến những ảnh hưởng của văn hóa và phong tục tập quán thiên lệch giới ăn sâu vào trong nhận thức của các chủ hộ nữ hơn tạo ra những rào cản từ chính phía phụ nữ để nỗ lực tiếp cận đất sản xuất bình đẳng với nam giới.
Khi xem xét tình trạng hôn nhân theo giới tính của chủ hộ, trong số các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ, khoảng 38,5% là hiện có cả vợ và chồng, 46% ở trong tình trạng góa bụa, trong khi con số này tương ứng của các gia đình có chủ hộ nam giới là 95,4% và 2,5% (tác giả tính toán dựa vào VHLSS 2012). Tình trạng hôn nhân của chủ hộ có ít nhiều ảnh hưởng tới việc tiếp cận đất đai của các hộ gia đình, nhất là dưới góc độ xem xét nguồn gốc của đất, bởi những hạn chế của các thể chế chính thức cũng như phi chính thức hiện hành, con dâu, đặc biệt là khi ở trong tình trạng góa bụa, không được phân chia tài sản từ phía gia đình nhà chồng.
Bảng 3.4: Cơ cấu chủ hộ theo nhóm tuổi và tình trạng hôn nhân của chủ hộ (%) Chung
cả nước
Tỷ lệ chủ hộ là nam giới
Tỷ lệ chủ hộ là nữ giới Nhóm tuổi
Từ 15 - 24 100 73,42 26,58
Từ 25 - 34 100 81,3 18,7
Từ 35 - 49 100 80,4 19,6
Từ 50 - 59 100 74,2 25,8
Từ 60 tuổi trở lên 100 59 41
Tình trạng hôn nhân
Chưa có gia đình 100 34,16 65,84
Đang có vợ - chồng 100 87,44 12,56
Góa 100 14,6 85,4
Ly hôn 100 23,67 76,33
Ly thân 100 21 79
Chung 100 73,86 26,14
Nguồn: Tác giả tính toán dựa vào VHLSS 2012
3.2.4.2. Quy mô hộ gia đình theo giới tính của chủ hộ
Quy mô của hộ là một yếu tố ảnh hưởng tới khả năng tham gia hoạt động sản xuất, tạo thu nhập của các hộ gia đình. Ngoài ra, quy mô hộ gia đình là một đặc điểm thể hiện khía cạnh văn hóa xã hội của nền kinh tế (nếu quy mô hộ gia đình lớn (từ 6 người trở lên) biểu thị xã hội bị ảnh hưởng nhiều của xã hội truyền thống, nhiều thế hệ sống chung cùng một gia đình) và cũng ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận đất đai của các hộ.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, qui mô hộ gia đình của Việt Nam đang ngày càng có xu hướng nhỏ đi, năm 2002 qui mô hộ trung bình là 4,44 người/ hộ thì đến năm 2012, qui mô trung bình của 1 hộ giảm xuống còn 3,84 người [22]. Cùng theo xu hướng giảm quy mô hộ gia đình chung của cả nước, song có sự khác biệt đáng kể giữa quy mô hộ gia đình có chủ hộ là nam giới và phụ nữ, theo đó, quy mô của hộ gia đình có chủ hộ là nam giới năm 2012 là 4,1 người (năm 2002 là 4,68 người), trong khi quy mô của hộ gia đình có chủ hộ là nữ giới thấp hơn có ý nghĩa thống kê, chỉ ở mức 3,28 người (năm 2002 là 3,71 người) (tính toán dựa theo VHLSS 2012). Qui mô của các hộ gia đình do nữ giới làm chủ hộ thấp hơn bởi một phần các hộ gia đình có chủ hộ là nữ có tỷ lệ cao ở trong tình trạng góa bụa như phần trên đã đề cập tới. Qui mô hộ nhỏ hơn, tuổi trung bình của chủ hộ nữ cao hơn khiến cho tỷ lệ phụ thuộc trong các hộ gia đình chủ hộ nữ cao hơn so với các hộ gia đình chủ hộ nam giới, theo đó tỷ lệ phụ thuộc ở các hộ gia đình chủ hộ nữ năm 2012 là 16,5%, trong khi con số này ở các hộ gia đình nam giới chủ hộ là khoảng 10% (tác giả tính toán theo VHLSS 2012) , điều này sẽ khiến các hộ gia đình chủ hộ nữ ít nhiều gặp bất lợi trong quá trình phát triển kinh tế hộ. Điều này càng được khẳng định thêm khi nhìn vào sự khác biệt số người trong độ tuổi lao động giữa hộ gia đình do nữ giới làm chủ hộ và hộ gia đình có chủ hộ là nam giới, con số tương ứng là 2 và 2,6 người [22].
Qui mô trung bình hộ gia đình ở khu vực nông thôn lớn hơn so với khu vực thành thị (3,87 người so với với 3,79 người tương ứng theo 2 khu vực) do ở khu vực nông thôn có tỷ lệ sinh cao hơn so với khu vực thành thị. Mặc dù vậy song khi xem xét quy mô hộ gia đình do nữ giới làm chủ hộ giữa khu vực nông thôn và thành thị lại có mối quan hệ ngược lại, điều này cho thấy xác suất của các hộ gia đình chủ hộ
là nữ ở trong tình trạng đơn thân, góa cao hơn ở khu vực thành thị, cũng bởi các định kiến giới nặng nề hơn ở khu vực nông thôn (bảng 3.5).
Sự khác biệt trong quy mô hộ gia đình cũng có sự khác biệt theo các vùng địa lý, trong đó vùng Tây Nguyên có quy mô hộ cao nhất do có tỷ suất sinh cao, phong tục tập quán sống gia đình nhiều thế hệ, và cũng bởi điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn, nhất là trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Do điều kiện sống còn thấp nên khu vực miền núi phía bắc cũng có quy mô hộ gia đình lớn (đứng thứ hai trong cả nước). Qui mô hộ thấp nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng. Điều này cũng dễ dàng giải thích bởi hai khu vực có quy mô hộ lớn là nơi tập trung phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số, cộng đồng có quy mô hộ gia đình cao hơn rất nhiều so với nhóm dân tộc Kinh/Hoa (qui mô hộ của nhóm dân tộc thiểu số là 4,42 người so với 3,76 người của nhóm Kinh/ Hoa – tính toán của tác giả dựa vào VHLSS 2012). Các hộ gia đình có chủ hộ là nữ giới cũng có cùng đặc điểm với cả nước, nhưng với các hộ gia đình do nam giới làm chủ, vùng có quy mô hộ nhỏ nhất được hoán đổi giữa khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông nam bộ (bảng 3.5).
Bảng 3.5: Qui mô hộ trung bình theo giới tính của chủ hộ chia theo thành thị nông thôn, vùng và dân tộc, năm 2012 (người)
Chủ hộ là nam giới Chủ hộ là nữ giới Chung
Trung bình cả nước 4,05 3,26 3,84
Theo thành thị nông thôn
Thành thị 3,95 3,51 3,79
Nông thôn 4,08 3.09 3,87
Theo vùng kinh tế xã hội
Đồng bằng sông Hồng 3,85 3,02 3,64
Miền núi phía bắc 4,27 3,21 4,08
Bắc trung bộ và duyên hải miền trung 4,13 3,08 3,89
Tây Nguyên 4,22 3,62 4,09
Đông Nam Bộ 3,79 3,42 3,65
Đồng bằng sông Cửu Long 4,19 3,48 3,99
Theo dân tộc
Kinh/Hoa 3,96 3,24 3,76
Dân tộc thiểu số 4,59 3,51 4,42
Nguồn: Tác giả tính toán từ VHLSS 2012
Qui mô hộ gia đình ngoài việc ảnh hưởng tới khả năng phát triển kinh tế hộ, còn là một yếu tố có thể giải thích được cho khả năng tiếp cận đất sản xuất của hộ gia đình bởi khi tiến hành giao đất lần đầu cho các hộ sản xuất nông nghiệp vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, để đảm bảo công bằng, giảm xung đột, Nhà nước đã giao đất cho các hộ theo chế độ bình quân (quy định diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người lớn trong hộ và giao diện tích đất theo số lượng người lớn trong hộ) [42].
3.2.4.3. Đặc điểm hoạt động kinh tế, thu nhập và cơ cấu thu nhập của hộ gia đình theo giới tính của chủ hộ
Xét theo đặc điểm của các hộ gia đình theo các nhóm thu nhập, số liệu năm 2012 cho thấy tình trạng thu nhập của các hộ gia đình có chủ hộ là nữ ít nhiều tốt hơn so với các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới. Theo đó, có tới 25,4% hộ gia đình có chủ hộ là nữ nằm trong nhóm thu nhập cao nhất, trong khi con số này ở các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới chỉ là khoảng 20%. Một cách tương ứng, chỉ có 15,3% hộ gia đình có chủ hộ là nữ ở trong nhóm thu nhập thấp nhất, con số này của các hộ gia đình có chủ hộ nam giới là 17,4% (bảng 3.6). Điều này được lý giải một phần bởi các hộ gia đình có chủ hộ là nữ giới có hoạt động sản xuất phi nông nghiệp là chủ yếu (chỉ có khoảng 12% hộ gia đình chủ hộ nữ có hoạt động sản xuất nông nghiệp – tính toán từ VHLSS 2012). Điều kiện kinh tế của hộ, một phần phản ánh đặc trưng và kết quả hoạt động kinh tế của hộ, nhưng ngoài ra cũng phản ánh khả năng hộ gia đình có thể tham gia vào các giao dịch đất đai nhằm gia tăng khả năng tiếp cận đất của hộ.
Bảng 3.6. Đặc điểm hộ gia đình ở các nhóm thu nhập năm 2012 theo giới tính của chủ hộ (%)
Nhóm thu nhập Chủ hộ là nam giới Chủ hộ là nữ giới
Nhóm 1 (thu nhập thấp nhất) 17,4 15,3
Nhóm 2 19,4 18,6
Nhóm 3 20,1 18,3
Nhóm 4 21 22,5
Nhóm 5 (thu nhập cao nhất) 22,1 25,4
Chung 100 100
Nguồn: Tính toán của tác giả từ VHLSS 2012
Theo VHLSS 2012, hiện có vẫn có khoảng hơn 5 triệu hộ gia đình Việt Nam có nguồn thu chính từ hoạt động tự sản xuất nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 22,16% trong tổng số hộ, tỷ lệ này cũng đang có xu hướng giảm đi khi so sánh với con số này năm 2010 là 23,2%, cùng với nó cũng là sự gia tăng tỷ lệ các hộ có nguồn thu chính từ hoạt động làm công ăn lương. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng của khu vực sản xuất nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng của khu vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ (năm 2012, tỷ trọng khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong GDP của Việt Nam lần lượt là 19,67% - 38,63% - 41,7% - [23]. Vẫn đi theo xu hướng chung của cả nước, song đặc điểm hoạt động kinh tế có sự khác biệt đáng kể giữa các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới và nữ giới, theo đó chỉ có khoảng 12% hộ gia đình có chủ hộ là nữ giới hoạt động tự sản xuất nông nghiệp, trong khi có khoảng 26%
hộ gia đình có chủ hộ là nam giới hoạt động sản xuất trong khu vực này, dẫn tới trong số các hộ sản xuất nông nghiệp thì có tới khoảng 86% là các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới (bảng 3.7), điều này một phần là do phần lớn các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới sống ở khu vực nông thôn, khu vực sản xuất nông nghiệp chính của nền kinh tế (74% hộ gia đình có chủ hộ là nam giới sống ở khu vực nông thôn, con số này là 59% đối với các hộ gia đình có chủ hộ là nữ giới).
Bảng 3.7: Đặc điểm hoạt động kinh tế của các hộ gia đình theo giới tính của chủ hộ (%)
Chung cả nước
Chủ hộ là nam giới
Chủ hộ là nữ giới Hoạt động tự sản xuất nông nghiệp 22,2 (100) 25,75 (85,8) 12,04 (14,2) Làm công ăn lương 48,9 (100) 47,76 (72,1) 52,12 (27,9) Hoạt động SXKD phi nông nghiệp 17,2 (100) 17,48 (74,9) 16,55 (25,1)
Khác 11,7 (100) 9,01 (56,9) 19,29 (43,1)
Tổng 100 100 100
Nguồn: Tác giả tính toán theo VHLSS 2012
Do qui mô trung bình của các hộ gia đình có chủ hộ là nữ nhỏ hơn tương đối so với các hộ có chủ hộ là nam giới, ngoài ra còn do cơ cấu hoạt động kinh tế của các hộ gia đình có chủ hộ là nam và nữ khác nhau tương đối, với việc các gia đình có chủ hộ là nữ giới ít phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp hơn do đó thu nhập bình quân đầu người của các hộ gia đình có chủ hộ là nữ giới cao hơn một chút so với các hộ do nam giới làm chủ hộ (2247,1 nghìn đồng/ người/ tháng đối với chủ hộ nữ so với 1929,9 nghìn đồng/người/tháng của hộ gia đình có chủ hộ là nam giới – [22]
Mặc dù tính trung bình cả nước, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp đóng vai trò ít quan trọng trong tổng thu nhập của các hộ gia đình có chủ hộ là nữ giới hơn so với các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới, tuy nhiên, xét riêng đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ các gia đình có nguồn thu nhập chính dựa vào nguồn thu từ hoạt động trồng trọt của các hộ gia đình do nữ giới làm chủ chiếm tới khoảng 80%, cao hơn tương đối so với các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới (tỷ lệ này ở các hộ do nam giới làm chủ hộ là 74,6% - tính toán của tác giả dựa vào VHLSS 2012).
Việc nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình vẫn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động trồng trọt, đặc biệt là các hộ gia đình có chủ hộ là nữ, cho thấy các hộ gia đình chủ hộ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương hơn trong các chính sách liên quan đến tiếp cận đất sản xuất ở Việt Nam
Từ phân tích các yếu tố tác động tới bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở Việt Nam cho thấy, các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ ở Việt Nam có xu hướng bị yếu thế hơn các chủ hộ là nam giới trong việc tiếp cận đất sản xuất. Phần nội dung tiếp sau đây tác giả sẽ phân tích xem liệu có hiện tượng bất bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở Việt nam hiện nay hay không và nếu có thì mức độ bất bình đẳng đang diễn ra như thế nào.