CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TIẾP CẬN ĐẤT SẢN XUẤT Ở VIỆT NAM
3.1. Thực trạng bình đẳng giới ở Việt Nam
3.1.3. Thực trạng bình đẳng giới dưới góc độ tăng cường “tiếng nói”
Xét về khía cạnh sử dụng năng lực, phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý thể hiện sự tiến bộ xã hội. Thông qua vai trò của giới nữ trong lãnh đạo và quản lý có thể đánh giá mức độ trao quyền cho phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị qua các giai đoạn phát triển.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ nữ đai biểu trong các cơ quan dân cử của Việt Nam đều có xu hướng gia tăng, đồng thời, số đại biểu nữ giữ các trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Quốc hội cũng tăng.
Ở cấp quốc gia, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đều duy trì ở mức trên 24%, đưa nước ta vươn lên dẫn đầu các quốc gia ASEAN có nghị viện về tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội. Trong 3 nhiệm kỳ quốc hội gần đây, Việt Nam luôn có số thành viên là nữ của ủy ban thường vụ quốc hội tăng lên (quốc hội khóa 11: 2 thành viên nữ, quốc hội khóa 12: 3 thành viên, quốc hội khóa 13: 4 thành viên) và bắt đầu từ quốc hội khóa 12 đã có phó chủ tịch quốc hội là nữ, và quốc hội khóa 13 mới đây có 2/5 phó chủ tịch quốc hội là nữ. Nữ đại biểu Quốc
hội khóa 2011 – 2016 hiện có 122 trong tổng số 500 đại biểu, đạt tỷ lệ 24,4%, đây là tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội thấp nhất trong 4 khóa gần đây. Quốc hội khóa 13 có 2 nữ Phó Chủ tịch Quốc hội, tỉ lệ nữ ủy viên Ủy ban Thường vụ tăng song tỉ lệ nữ chủ nhiệm ủy ban lại giảm.
Ở cấp địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp trong các khóa gần đây đều tăng. Hình 3.3 cho thấy, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND khóa 2011 – 2016 đạt 25,17% ở cấp Tỉnh, 24,62% ở cấp Huyện và 21,71% ở cấp xã. Đây là tỷ lệ cao nhất so với 4 khóa gần đây
Hình 3.3: Tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1999 – 2004; 2004 – 2009 và 2011 - 2016 (%)
Nguồn: Báo cáo hành chính, Bộ Nội vụ Phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò tham gia quản lý lãnh đạo, song tỷ lệ tham gia trong các cơ quan quản lý chưa tương xứng với tiềm năng và nhiều vị trí không đạt chỉ tiêu đề ra trong các chiến lược quốc gia liên quan đến phụ nữ.
Ở các tổ chức Đảng, mặc dù ở cấp Trung ương, nhiệm kỳ 2011-2015, có 2 nữ Bí thư TW Đảng và lần đầu tiên có 1 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, tuy nhiên tỷ lệ nữ ủy viên ban chấp hành trung ương lại bị giảm sút so với nhiệm kỳ khóa X (2006 – 2010), chỉ đạt khoảng 8,57%. Ở cấp địa phương, bình quân tỷ lệ nữ tham gia Đảng bộ cấp tỉnh cũng chỉ đạt 11,34% trong đó 10 tỉnh đạt trên 15%; 22 tỉnh đạt
dưới 10% và thấp nhất là tỉnh Long An chỉ đạt 3,77%,; con số này ở cấp quận/huyện là 15,01%, xã/phường là 18,01%. Các con số này cho thấy khoảng cách giữa thực tế và mục tiêu 25% phụ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2011 – 2016 được đề ra trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 càng bị nới rộng hơn.
Hình 3.4 cho thấy, đối với cơ quan quản lý nhà nước, tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo cấp bộ và các cơ quan tương đương cũng giảm đi qua 2 nhiệm kỳ trở lại đây trong đó giảm mạnh nhất là vị trí bộ trưởng của các bộ.
Hình 3.4: Tỷ lệ nữ lãnh đạo trong các Bộ và cơ quan tương đương (%)
Nguồn: Bộ Nội vụ; UNDP (2012) Không những chiếm tỷ lệ thấp, tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt còn thấp hơn, thêm vào đó, hầu hết phụ nữ đều tham gia vị trí lãnh đạo “cấp phó”, đây là vị trí đóng vai trò giúp việc cho “cấp trưởng” (thường là nam giới), không có thực quyền, không có vai trò quyết định, ngay cả ở những cơ quan có đông lao động nữ như lĩnh vực giáo dục. Một trong những nguyên nhân tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ là do tỷ lệ nữ đưa vào quy hoạch cán bộ còn thấp. Vẫn còn tình trạng trọng nam hơn nữ ở một số nơi, dẫn đến việc quy hoạch, đánh giá, đề bạt cán bộ nữ còn khắt khe.
Không những tỷ lệ nữ đưa vào quy hoạch cán bộ thấp, mà khi ở trong diện quy hoạch, phụ nữ thường không được đưa vào cơ cấu cứng hoặc phải gánh nhiều cơ
cấu điều này cũng sẽ khiến khó tìm được nữ ứng cử viên thật sự tiêu biểu để tham gia hoạt động chính trị.
Như vậy, tuy đã có nhiều cải thiện, song vai trò cộng đồng của phụ nữ ở Việt Nam vẫn thấp hơn một cách đáng kể so với nam giới. Khi phụ nữ có ít “tiếng nói”
hơn ở cả cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp sẽ khiến việc ban hành pháp luật, đặc biệt là quá trình thực thi pháp luật liên quan đến các lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực đất đai sẽ ít nhiều bị thiên lệch giới với lợi thế thuộc về nam giới.