CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TIẾP CẬN ĐẤT SẢN XUẤT Ở VIỆT NAM
3.3. Thực trạng bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở Việt Nam
3.3.1. Bình đẳng giới về khả năng được sử dụng đất để sản xuất
Bình đẳng giới về khả năng được sử dụng đất để sản xuất được phân tích theo 3 khía cạnh đó là khả năng có đất, nguồn gốc sử dụng đất và được đảm bảo quyền sử
dụng đất, trong đó do hạn chế số liệu VHLSS, luận án tập trung phân tích sâu sự khác biệt theo giới tính chủ hộ của các hộ gia đình trong khả năng có đất sản xuất.
3.3.1.1. Bình đẳng giới về khía cạnh khả năng có đất
Đánh giá khả năng có đất sản xuất dưới góc độ tỷ lệ hộ gia đình có đất sản xuất, sự khác biệt giữa chủ hộ nam và chủ hộ nữ có không đáng kể, mặc dù sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 5% (chi tiết kết quả kiểm định trong bảng 1 phụ lục 3). Theo đó, tính trung bình, có khoảng 31% hộ gia đình chủ hộ là nam giới hiện đang sử dụng hay quản lý đất nông nghiệp trong khi con số này của các hộ gia đình do nữ giới làm chủ hộ là 25% (tác giả tính toán dựa vào số liệu VHLSS, 2012). Ngoài ra, nếu so tỷ lệ hộ gia đình có đất sản xuất với tỷ lệ các hộ gia đình do nam giới và nữ giới làm chủ hộ có nguồn thu nhập chính từ hoạt động sản xuất nông nghiệp thì con số này cũng cao hơn tương đối (25% hộ gia đình có chủ hộ là nam giới có nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp, tỷ lệ này của các hộ gia đình nữ giới làm chủ hộ khoảng 12% - tác giả tính toán từ VHLSS 2012).
Đánh giá khả năng tiếp cận đất sản xuất, khu vực cần tập trung quan tâm hơn đó là khu vực nông thôn, bởi lẽ khu vực nông thôn là nơi diễn ra chủ yếu hoạt động sản xuất nông nghiệp, khu vực sản xuất theo Ricardo là gắn liền với đất đai và đất đai là yếu tố nguồn lực quan trọng nhất. Ở khu vực nông thôn, hiện có khoảng 35%
hộ gia đình có đất nông nghiệp, và tính trung bình, tỷ lệ hộ gia đình chủ hộ nữ có đất sản xuất còn cao hơn đôi chút so với các hộ gia đình chủ hộ nam giới (bảng 3.9).
Điều này thể hiện một điểm sáng về bình đẳng giới trong tiếp cận đất đai.
Tuy nhiên, nếu so sánh tương quan với tỷ lệ các hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ và nữ giới làm chủ hộ, có thể khẳng định rằng, trên phạm vi cả nước, tồn tại bất bình đẳng giới trong cơ hội tiếp cận đất sản xuất. Dựa vào bộ số liệu VHLSS 2012, hiện có khoảng 29% tổng số hộ gia đình ở Việt Nam có sử dụng hoặc quản lý đất nông nghiệp và tỷ lệ này có sự nhích nhẹ so với năm 2010 (năm 2010, tỷ lệ này là 27,8%), trong đó, 6,6% là các hộ gia đình chủ hộ nữ có đất, còn lại 22,7% là các hộ gia đình chủ hộ nam. Từ đó cũng cho thấy, trong số những hộ gia đình hiện đang quản lý và sử dụng đất, chỉ có 22,5% có chủ hộ là nữ, còn lại 77,5% thuộc về các chủ hộ là nam giới.
Tỷ lệ hộ gia đình hiện sử dụng hay quản lý đất sản xuất có chủ hộ là nữ thấp hơn tỷ lệ hộ gia đình có chủ hộ nữ trong tổng số hộ gia đình hiện nay (26,14%).
Kiểm soát các yếu tố tác động khác tới việc tiếp cận đất đai của các hộ gia đình, mô hình hồi quy Probit cho thấy, tính trên phạm vi cả nước, khi các yếu tố khác không đổi, xác suất có đất của các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới chỉ cao hơn các hộ gia đình chủ hộ nữ giới là 0,037 (3,7%). Mức độ chênh lệch về khả năng có đất sản xuất giữa các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới và nữ giới cũng giảm đi khi xem xét riêng ở khu vực nông thôn, cụ thể mức chênh lệch xác suất có đất sản xuất giữa hộ gia đình chủ hộ nam và chủ hộ nữ chỉ còn là 0,023 (2,3%). Kết quả ước lượng mô hình Probit cho thấy mối quan hệ khá thú vị giữa trình độ học vấn của các chủ hộ và xác suất có đất của các hộ gia đình, đó là trình độ học vấn chủ hộ tăng lên thì xác suất có đất của các hộ gia đình lại giảm xuống, điều này tương đối phù hợp với tác động của giáo dục tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bởi khi trình độ học vấn tăng thì người dân có xu hướng chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, khi đó nhu cầu sử dụng đất sản xuất sẽ giảm xuống. Thêm vào đó, kết quả ước lượng cũng cho thấy việc hộ gia đình có các hoạt động kinh tế và nguồn thu nhập phi nông nghiệp cũng có mối quan hệ ngược chiều với việc có đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình (kết quả ước lượng được trình bày trong bảng 1 và 2 phụ lục 4). Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình có tác động ngược chiều có ý nghĩa thống kê (mặc dù rất nhỏ) tới khả năng có đất của các hộ gia đình, điều này có thể được lý giải bởi 2 lý do, thứ nhất khi thu nhập tăng lên các hộ gia đình có khuynh hướng chuyển đổi hoạt động sinh kế ít phụ thuộc vào đất đai, thứ hai cũng có thể do thị trường đất sản xuất của Việt Nam hiện nay hoạt động chưa đủ mạnh để làm phát sinh nhu cầu trao đổi đất trên thị trường (mua bán đất) của các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp.
Kết quả ước lượng phân rã Oaxaca – Blinder (bảng 3.8) cũng cho thấy có sự chênh lệch trong khả năng có được đất sản xuất giữa các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới và nữ giới trên phạm vi cả nước, theo đó tỷ lệ hộ gia đình chủ hộ nữ có đất sản xuất thấp hơn 5,1 điểm phần trăm so với các hộ gia đình chủ hộ nam giới (chi tiết kết quả ước lượng phân rã trong bảng 3, phụ lục 4).
Bảng 3.8: Phân rã Oaxaca – Blinder về khoảng cách trong khả năng có đất sản xuất của các hộ gia đình
Hav_dat Coef. P>z
Differential
Prediction_1 (giá trị ước lượng trung
bình của hộ gia đình chủ hộ nữ) 0,248 [0,009] 0
Prediction_2 (giá trị ước lượng trung
bình của hộ gia đình chủ hộ nam) 0,299 [0,006] 0
Difference - 0,051 [0,011] 0
Endowments (E) - 0,025 [0,015] 0,102
Coefficients (C) -0,003 [0,019] 0,857
Interaction (EC) - 0,023 [0,021] 0,275
Nguồn: Tính toán của tác giả dựa vào VHLSS 2012 Kết quả cũng chỉ ra khoảng cách giới trong khả năng có đất sản xuất của các hộ gia đình chủ yếu do các yếu tố quan sát được (E + EC chiếm 93,3% trong tổng sự khác biệt). Điều này là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của Việt Nam bởi với đặc trưng của nền văn minh lúa nước, các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán hay các chính sách và pháp luật liên quan đến đất nông nghiệp ở nước ta đều không có sự phân biệt giới và đảm bảo tất cả các hộ gia đình nông dân đều có đất sản xuất.
Kết quả phân rã chi tiết các yếu tố (bảng 4 phụ lục 4) cho thấy các yếu tố liên quan đến hoạt động sản xuất phi nông nghiệp (làm công ăn lương và hoạt động tự sản xuất phi nông nghiệp), tuổi của chủ hộ, có thu nhập từ hoạt động chăn nuôi và lâm nghiệp có mối quan hệ tích cực tới việc đạt được bình đẳng giới trong việc có đất sản xuất (dấu của các hệ số gắn với các yếu tố này mang dấu (+) trong cột tổng cộng). Điều này cho thấy việc đa dạng hóa các hoạt động sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình ngoài hoạt động trồng trọt, đặc biệt là chuyển dịch sang các hoạt động phi nông nghiệp là những nhân tố góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong tiếp cận đất đai. Kết quả phân rã chi tiết cũng cho thấy thu nhập bình quân đầu người dường như có xu hướng làm gia tăng bất bình đẳng giới trong khả năng có đất sản xuất và chủ yếu liên quan tới các yếu tố không quan sát được. Mặc dù ảnh
hưởng này không có ý nghĩa thống kê, song điều này có thể ngụ ý rằng các hộ gia đình có chủ hộ nữ do những rào cản tự thân, chưa có nhu cầu tiếp cận đất qua thị trường, điều này sẽ được minh chứng rõ hơn trong nội dung phân tích liên quan đến nguồn gốc có đất của hộ gia đình trong phần sau. Bên cạnh đó, mặc dù kết quả định lượng các yếu tố không quan sát được (C) ảnh hưởng đến khả năng có đất sản xuất không có ý nghĩa thống kê, song giá trị của hệ số chặn có giá trị tương đối lớn (-0,322) trong khi tổng ảnh hưởng của các yếu tố không quan sát được chỉ có -0,003, điều này ngụ ý rằng không phải những phân biệt giới trong các lĩnh vực gắn với đặc điểm của hộ gia đình, mà chính là những định kiến giới ăn sâu trong nhận thức của mỗi người cả nam giới và nữ giới là rào cản đối với việc tiếp cận đất của các hộ gia đình chủ hộ nữ, từ đó gây ra bất bình đẳng giới trong khả năng có đất sản xuất.
Đất đai là nguồn lực sản xuất quan trọng của sản xuất nông nghiệp, do đó, việc xem xét việc hộ gia đình có đất hay không và sự khác biệt giữa chủ hộ nam và nữ có ý nghĩa hơn khi phân tích theo vùng đặc biệt ở các vùng có hoạt động sản xuất nông nghiệp giữ vai trò tương đối quan trọng trong việc tạo nguồn thu nhập cho các hộ gia đình. Nhìn vào cơ cấu thu nhập bình quân đầu người một tháng theo 6 vùng kinh tế xã hội của Việt nam năm 2012, có thể thấy hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thu nhập cho các hộ gia đình ở vùng Tây Nguyên (tỷ trọng thu nhập từ nông nghiệp chiếm tới 46,2%), vùng trung du và miền núi phía bắc (32,2%), và Đồng bằng sông Cửu long (30%)[22]; ở các vùng kinh tế khác, do có lợi thế về vị trí địa lý, và quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh nên vai trò của khu vực nông nghiệp đang dần được thay thế bởi các khu vực kinh tế khác, cụ thể xếp theo mức độ giảm dần vai trò của khu vực nông nghiệp lần lượt là, Bắc trung bộ và duyên hải miền trung (21,3%), đồng bằng sông Hồng (11,4%) và cuối cùng là Đông Nam Bộ (11,4%).
Dưới góc độ xem xét tỷ lệ hộ gia đình có đất sản xuất tập trung ở các vùng có hoạt động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, dữ liệu từ bộ số liệu VHLSS 2012 cho thấy, khoảng cách trong khả năng tiếp cận đất đai giữa hộ gia đình có chủ hộ nam và
nữ có sự khác biệt theo các vùng và có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, vẫn theo xu thế chung của cả nước, phần lớn ở các vùng kinh tế, tỷ lệ hộ gia đình chủ hộ là nữ có cơ hội có đất sản xuất nhỏ hơn so với các hộ gia đình có chủ hộ là nam (xem bảng 3.9), trong đó các vùng phía nam có khoảng cách giới (giữa chủ hộ nam giới và chủ hộ nữ giới) lớn hơn so với các vùng phía bắc. Điều này một lần nữa được khẳng định khi nhìn vào kết quả phân rã Oaxaca chi tiết, theo đó, các vùng phía bắc và duyên hải miền trung có mối quan hệ tích cực hơn so với các vùng phía nam đối với bình đẳng giới trong khả năng có đất (dấu của cột tổng cộng trong bảng 4 phụ lục 4 của các vùng phía bắc và duyên hải miền trung mang dấu dương trong khi các vùng phía nam mang dấu âm)
Bảng 3.9: Tỷ lệ hộ gia đình hiện đang sử dụng/ quản lý đất sản xuất theo giới tính của chủ hộ phân theo vùng kinh tế (%)
Chủ hộ là nam giới
Chủ hộ là nữ giới
Chênh lệch (nam – nữ) Vùng kinh tế
Đồng bằng sông Hồng 39,6 36,4 3,2 (*)
Trung du và miền núi phía bắc 12 18,7 -6,7 (***)
Bắc trung bộ và duyên hải miền trung 27,8 25,2 2,6
Tây Nguyên 36,5 31 5,5 (***)
Đông Nam Bộ 27,4 16 11,4(***)
Đồng bằng sông cửu Long 39,7 29,2 10,5 (***) Thành thị - nông thôn
Thành thị 18 8,9 9,1 (***)
Nông thôn 35 36,2 - 1,2 (**)
Tổng 30,5 25,0 4,5 (***)
Nguồn: Tính toán của tác giả dựa vào VHLSS 2012
Chênh lệch có ý nghĩa thống kê: *: mức ý nghĩa 10%; **: mức ý nghĩa 5%; ***: mức ý nghĩa 1%
Tuy nhiên, riêng vùng miền núi và trung du phía bắc, kết quả tính toán cho thấy có xu hướng “ngược” trong khả năng có đất sản xuất giữa hộ gia đình chủ hộ nam giới và nữ giới, theo đó tỷ lệ hộ gia đình do nữ giới làm chủ hộ hiện có quản lý và sử dụng đất đai lại lớn hơn so với các hộ có chủ hộ nam giới (tỷ lệ hộ gia đình
chủ hộ nữ và nam có đất lần lượt là 18,7% và 12%) và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (xem chi tiết bảng 3 phụ lục 3). Số liệu VHLSS 2012 cũng cho thấy một thực trạng tương tự khi xét sự khác biệt trong cơ hội tiếp cận đất của các hộ gia đình đồng bào DTTS có chủ hộ là nam giới và nữ giới (tỷ lệ hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số do nam giới làm chủ hộ hiện có quản lý và sử dụng đất sản xuất nông nghiệp là 16%, trong khi con số này của các chủ hộ nữ giới là 24%), điều này rất dễ lý giải bởi miền núi và trung du phía bắc là khu vực có tỷ lệ lớn đồng bào DTTS sinh sống. Khu vực miền núi phía bắc với chủ yếu là các dân tộc theo chế độ “phụ hệ”, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn nặng nề dẫn tới tỷ lệ các hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ ở mức cao nhất cả nước (tỷ lệ hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ chiếm tới 82% trong khi mức bình quân cả nước con số này là 74% - tính toán dựa vào VHLSS 2012), thêm vào đó ở khu vực này chủ yếu sống phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, do đó thực trạng này cho thấy tình trạng thiếu đất sản xuất của các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình đồng bào DTTS đang còn diễn ra khá nghiêm trọng (tỷ lệ hộ gia đình có đất sản xuất ở khu vực này chỉ chiếm 13,2%), đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng nghèo ở khu vực này cao nhất so với cả nước, điều này là một thực tế cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Tình trạng hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ có xác suất có đất sản xuất nông nghiệp ở vùng trung du và miền núi phía bắc nói riêng và các hộ gia đình chủ hộ nam giới đồng bào DTTS trong cả nước nói chung thấp hơn so với các chủ hộ nữ, có thể được lý giải một phần do tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu, nhiều hộ DTTS tại các tỉnh miền núi vẫn sản xuất theo phương thức phát nương làm rẫy, du canh; ít quan tâm thâm canh, bảo vệ đất sản xuất, trong đó các hộ gia đình chủ hộ nam giới có nhiều sức sản xuất hơn cũng thường di chuyển nhiều hơn.
Sự gia tăng dân số và số hộ gia đình do sự chia tách hộ sau khi con cái lập gia đình, đây cũng là một đặc trưng văn hóa của người Việt nam và đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một nguyên nhân trực tiếp của tình trạng không có đất sản xuất của các hộ gia đình. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng các dự án hạ tầng, thủy lợi, thủy điện, xây dựng khu
công nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng các công trình quốc phòng an ninh cũng gây ảnh hưởng giảm nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của đồng bào DTTS đặc biệt là khu vực miền núi phía bắc [34]
Diện tích tự nhiên vùng miền núi trung du phía bắc tuy lớn nhưng chủ yếu là đất có độ dốc lớn, địa hình phức tạp, nhiều núi đá, thiên tai, lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xảy ra, dẫn tới mất hoặc thu hẹp diện tích canh tác, đồng thời cũng hạn chế khả năng khai hoang mở rộng đất sản xuất, thêm vào đó, chủ yếu đất sản xuất nông nghiệp của khu vực này là đất lâm nghiệp (chiếm 60,3% tổng diện tích đất tự nhiên [31]), tuy nhiên đất lâm nghiệp hiện nay vẫn chủ yếu thuộc về các nông lâm trường quốc doanh, mặc dù chính phủ đã có chính sách sắp xếp, thu hồi đất của các nông lâm trường quốc doanh giao cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (Nghị định số 170, Nghị định số 200 của Chính phủ về rà soát, sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh; Quyết định 146 và Quyết định 57 của Chính phủ về thực hiện thu hồi đất sản xuất của các nông, lâm trường để giao lại cho địa phương, giao cho các hộ thiếu đất sản xuất), tuy nhiên tiến độ thu hồi đất còn chậm, chủ yếu giao trên giấy tờ [34], điều này cũng phần nào hạn chế khả năng có đất sản xuất của các hộ gia đình đặc biệt là các hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ.
Một nguyên nhân khác cũng phải kể tới ở đây đó là, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vùng miền núi trung du phía bắc là nơi tập trung các hộ nghèo, không có các nguồn thu nhập khác do đó để để bù đắp cho các khoản chi tiêu trong gia đình nhất là khi có những biến cố đặc biệt, các hộ gia đình phải sang nhượng, cầm cố, thế chấp đất sản xuất (thậm chí cả đất ở, nhà ở); khi không có khả năng chuộc lại, trở thành không có đất sản xuất.
3.3.1.2. Bình đẳng giới về nguồn gốc đất sản xuất
Đất đai là một nguồn tài nguyên khan hiếm, các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm đã chỉ ra rằng, có 3 nguồn chính để các hộ gia đình có thể tiếp cận được với đất sản xuất nông nghiệp đó là thông qua sự phân bổ đất của Nhà nước (giao đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất của chính quyền xã), thông qua các quan hệ trong gia đình (thừa kế) và thông qua thị trường (mua bán, thuê hay cho thuê).