CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TIẾP CẬN ĐẤT SẢN XUẤT Ở VIỆT NAM
3.1. Thực trạng bình đẳng giới ở Việt Nam
3.1.1. Thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, y tế
Bình đẳng giới trong giáo dục có sự cải thiện đáng kể trong thời gian qua ở cả khía cạnh người lớn biết chữ và đi học
Theo Tổng cục Thống kê [21], tỷ lệ biết chữ của dân số nữ từ 15 tuổi trở lên ở nước ta đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua và tăng nhanh hơn so với tỷ lệ biết chữ của nam giới. Năm 1999, tỷ lệ nữ biết chữ là 86,9% (con số này của nam giới là 94%), đến năm 2009, tỷ lệ nữ biết chữ tăng lên 91,4% (tỷ lệ nam giới biết chữ đạt 95,8%) và đến năm 2013 đạt 93,1% (con số của nam là 96,6%). Bên cạnh đó, hình 3.1 thể hiện hai đường đồ thị về tỷ lệ biết chữ của nam và nữ gần nhau ở nhóm tuổi
trẻ và càng cách xa nhau ở những nhóm tuổi từ 50 trở lên, cũng cho thấy trong quá khứ phụ nữ bị thiệt thòi hơn nam giới trong học vấn, nhưng sự bất bình đẳng đã được thu hẹp đáng kể trong những năm gần đây.
Dưới góc độ tỷ lệ nhập học các cấp, tỷ lệ nhập học chung của nữ đã có xu hướng chuyển từ thấp hơn so với nam giới ở cấp tiểu học sang cao hơn ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, cụ thể, theo khảo sát mức sống dân cư 2012 của Tổng cục thống kê, tỷ lệ đi học chung năm 2012 ở cấp tiểu học của nữ là 102,4% và của nam là 104,1%, cấp trung học cơ sở, tỷ lệ đi học chung của nữ cao hơn nam tương ứng là 92,8% và 91,2%; ở cấp trung học phổ thông tỷ lệ này tương ứng là 70,2% và 62% [29]
Hình 3.1: Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên đặc trưng theo tuổi và giới tính, 1/4/2013
Nguồn: [21]
Mặc dù vậy, tỷ lệ nữ biết chữ vẫn thấp hơn so với nam giới, và thấp hơn tỷ lệ biết chữ chung của toàn dân số từ 15 tuổi trở lên, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Năm 2013, tỷ lệ biết chữ của nhóm dân số từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam đạt 94,8%, con số này của nữ và nam giới lần lượt là 93,1% và 96,6%, trong đó ở khu vực nông thôn, tỷ lệ nữ và nam giới biết chữ lần lượt là 91,3% và 94,8%.
Bên cạnh đó, khi so sánh giữa tỷ trọng dân số nam và nữ chưa bao giờ đến trường vẫn cho thấy có sự khác biệt giữa nam và nữ, và càng lứa tuổi cao, khoảng cách càng mở rộng (hình 3.2)
Hình 3.2: Tỷ trọng dân số từ 10 tuổi trở lên chưa bao giờ đến trường đặc trưng theo tuổi và giới tính, 1/4/2013
Nguồn: [21]
3.1.1.2. Bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe
Thành tựu chính trong lĩnh vực này là tình trạng sức khỏe của nữ giới được cải thiện trong những năm trở lại đây. Theo kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2013, tuổi thọ trung bình tính từ khi sinh của nữ là 75,8 tuổi và nam là 70,5 tuổi. Tuổi thọ trung bình của nữ cao hơn nam liên quan đến khả năng sinh học của người nữ, nhưng điều này cũng phản ánh những điều kiện xã hội thuận lợi cho phép khả năng sinh học này trở thành thực tế. Khác biệt ở mức 5,3 tuổi giữa nam và nữ ở nước ta là mức trung bình so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Bên cạnh đó, tỷ lệ chết mẹ liên quan đến thai sản giảm mạnh, tỷ lệ phụ nữ được cán bộ y tế chăm sóc đạt mức cao, năm 2011, tỷ số tử vong mẹ là 67/100.000 trẻ đẻ sống, thì đến năm 2013, con số này chỉ còn 49/100.000 trẻ đẻ sống, một tỷ lệ tương đối thấp so với các nước đang phát triển trong khu vực châu Á [4].
Tuy nhiên, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng lên cho thấy lựa chọn giới tính diễn ra ngày càng phổ biến. Việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi
sinh phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc. SRB của Việt Nam năm 2013 vẫn duy trì ở mức khá cao: 113,8 bé trai/ 100 bé gái. Trên phạm vi cả nước, chỉ có 11,5% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ muốn sinh con gái trong khi có tới 31,2% muốn sinh con trai, cao gần gấp ba lần số phữ nữ muốn sinh con gái
Những thành tựu và hạn chế trong khía cạnh giáo dục và chăm sóc sức khỏe kể ra ở trên cho thấy năng lực tự thân của phụ nữ nhất là dưới góc độ tri thức vẫn thấp hơn so với nam giới, đặc biệt ở các nhóm tuổi từ 30 tuổi trở lên, nhóm tuổi tập trung các chủ hộ gia đình hiện nay. Điều này sẽ hạn chế phần nào năng lực quản lý và sử dụng đất đai của các chủ hộ là nữ, và từ đó sẽ hạn chế khả năng tiếp cận đất đai của các hộ gia đình có chủ hộ nữ.