Nâng cao năng lực tự thân của phụ nữ

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở việt nam (Trang 151 - 154)

CHƯƠNG 4: QUAN ĐIỂM ĐỊNH HƯỚNG VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH CẢI THIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TIẾP CẬN ĐẤT SẢN XUẤT Ở VIỆT NAM

4.3. Khuy ến nghị giả i pháp tă ng cường bình đẳng giới trong tiếp cận đất sả n xuấ t

4.3.3. Nâng cao năng lực tự thân của phụ nữ

Vấn đề lớn nhất hiện nay trong thực hiện bình đẳng giới trong tiếp cận đất đai chính là phụ nữ không đủ năng lực để thực hiện được quyền đó. Do đó nâng cao năng lực tự thân của phụ nữ sẽ giúp họ hưởng lợi nhiều nhất từ Quyền đã được trao và từ đó chủ động trong việc tham gia vào các hoạt động để tăng cường khả năng tiếp cận đất.

Nâng cao năng lực tự thân của phụ nữ có thể được thực hiện thông qua các giải pháp sau đây.

Thứ nhất, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật và các dịch vụ pháp lý liên quan đến đất đai cũng như quyền bình đẳng giới cho phụ nữ. Để làm được điều này trước tiên cần cải thiện chất lượng dịch vụ pháp lý ở cấp cơ sở theo hướng

“thân thiện” hơn với phụ nữ. Dịch vụ pháp lý ở cấp cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc gia tăng khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với đất đai, đặc biệt ở các trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình và dòng họ cũng như

cộng đồng thôn bản. Do đó, để phụ nữ có thể tìm đến các dịch vụ pháp lý, ngoài việc cần có các trung tâm dịch vụ pháp lý tại mỗi xã, các trung tâm này cần giảm thiểu thủ tục giấy tờ, trợ giúp về mặt kinh phí, thái độ nhân viên tư vấn cởi mở, cán bộ tư vấn pháp lý cấp cơ sở nên có phụ nữ, am hiểu tiếng địa phương để dễ cảm thông.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục, đặc biệt ở các cấp học cao. Phân tích ở phần trên cho thấy, số năm đi học không có ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận đất đai của của các hộ gia đình do nữ giới làm chủ, nhưng lại có ảnh hưởng rất tích cực đến khả năng mở rộng diện tích đất nắm giữ của của các hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ, điều này cho thấy trình độ học vấn có ảnh hưởng tới khả năng nắm giữ đất đai nói chung, nhưng với các hộ gia đình có chủ hộ nữ, những rào cản vô hình về định kiến giới đã lấn át tác động của giáo dục tới khả năng tiếp cận đất đai, và do đó nó cũng không có tác động đến khả năng thu hẹp khoảng cách giới trong khía cạnh này. Tuy nhiên, khi các rào cản đó được dỡ bỏ bởi các chính sách can thiệp từ bên ngoài, thì trình độ học vấn cao hơn sẽ giúp các phụ nữ làm chủ sử dụng đất có năng lực quản lý và sử dụng đất đai tốt hơn.

Thứ ba, khuyến khích phụ nữ tham gia đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu việc làm. Giải pháp này nhằm làm tăng khả năng đa dạng sinh kế cho phụ nữ, giảm bớt tính dễ bị tổn thương của phụ nữ khi hoạt động sản xuất phụ thuộc vào đất đai.

Ngoài ra, khi có các hoạt động tạo thu nhập ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong việc ra quyết định trong gia đình và theo kết quả mô hình ước lượng trong chương 3 đã chỉ ra, điều này cũng góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong nắm giữ đất đai.

Thứ tư, hỗ trợ tài chính cho các nữ làm chủ hộ gia đình. Phần nội dung chương trước đã cho thấy các hộ gia đình do nữ giới làm chủ hộ có hiệu quả sinh lợi từ đất đai kém hơn so với các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới bởi các hộ gia đình do nữ giới làm chủ hộ ít đầu tư vào đất hơn. Các hộ gia đình do nữ giới làm chủ hộ ít đầu tư cho sản xuất hơn các hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ một phần do các chủ hộ nữ gặp rào cản trong tiếp cận vốn chính thức do không có tài sản thế chấp.

Ngoài việc thúc đẩy việc thực hiện các chính sách liên quan đến cấp, đổi giấy chứng

nhận quyền sử dụng đất, nhà nước nên có những gói hỗ trợ tài chính riêng cho các hộ gia đình do nữ giới làm chủ hộ có phương án sản xuất tốt dưới sự bảo lãnh của hội phụ nữ. Bên cạnh nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính, hỗ trợ tài chính vi mô cho phụ nữ sản xuất nông nghiệp cũng là một biện pháp hiệu quả.

Vốn từ các quỹ tài chính vi mô có thể giúp các hộ gia đình có thể tham gia vào thị trường thuê đất để tăng quy mô đất sản xuất, đồng thời cũng giúp các hộ gia đình có thể đầu tư sản xuất phù hợp với quy mô đất nhỏ của các hộ gia đình có chủ hộ nữ.

Thứ năm, hỗ trợ phụ nữ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Quan tâm tới yếu tố giới, cụ thể là phải tăng cường sự tham gia của phụ nữ, đặc biệt là các phụ nữ có quyền quản lý, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, trong các hoạt động khuyến nông, phổ biến khoa học kỹ thuật. Với định kiến giới cho rằng nam giới mới có khả năng nhanh nhạy trong áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, do đó phần lớn các lớp tập huấn phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, đối tượng tham dự chủ yếu là nam giới. Thêm vào đó, cũng do định kiến giới trong định hướng nghề nghiệp và phân công công việc, ở hầu hết các địa phương, cán bộ khuyến nông xã là nam giới, điều này một lần nữa lại tạo ra sự thiên lệch giới trong các hoạt động khuyến nông, tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật. Do đó, cơ quan quản lý cần đưa yêu cầu phải đưa yếu tố giới trong mục tiêu cũng như đối tượng của các lớp tập huấn phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật tại địa phương. Bên cạnh đó, hội phụ nữ cần phối hợp với các ban ngành khác để mở các lớp tập huấn kỹ thuật riêng cho phụ nữ tham gia sản xuất nông nghiệp.

Thứ sáu, có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các chủ hộ nữ quản lý đất tham gia cánh đồng mẫu lớn. Cánh đồng mẫu lớn là hình thức tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tập hợp những nông dân nhỏ lẻ, tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới và giải quyết đầu ra ổn định và có lợi nhuận cho nông dân. Vì vậy, đây là hướng tổ chức sản xuất rất phù hợp với hộ gia đình có chủ hộ nữ vốn có khuynh hướng tích cực trong áp dụng khoa học kỹ thuật nhưng hiện tại đang không có lợi thế nhờ quy mô do có diện tích đất sản xuất nhỏ hơn một cách đáng kể so với các hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ. Tuy nhiên

chính sách này được áp dụng một cách trung tính giới, do đó khiến các chủ hộ nữ quản lý đất ít nhiều gặp bất lợi, bởi các doanh nghiệp khi liên kết với các hộ nông dân sẽ có xu hướng muốn hợp tác với các hộ nông dân có diện tích lớn để giảm số lượng người tham gia trong quá trình sản xuất theo mô hình. Chính vì vậy, để thu hẹp khoảng cách trong hiệu quả sử dụng đất giữa các hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ và các hộ gia đình do nữ giới làm chủ hộ, rất cần các cơ chế mang tính ưu tiên cho các phụ nữ quản lý đất có thể tham gia vào mô hình tổ chức sản xuất mới này.

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở việt nam (Trang 151 - 154)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(220 trang)