CHƯƠNG 4: QUAN ĐIỂM ĐỊNH HƯỚNG VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH CẢI THIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TIẾP CẬN ĐẤT SẢN XUẤT Ở VIỆT NAM
4.3. Khuy ến nghị giả i pháp tă ng cường bình đẳng giới trong tiếp cận đất sả n xuấ t
4.3.2. Đổi mới công tác truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về quyền bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất
Như phần thực trạng đã phân tích, có thể nói rào cản lớn nhất để đạt được bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở Việt Nam ở cả 2 khía cạnh khả năng được sử dụng đất sản xuất và việc sử dụng đất để thu lợi là các yếu tố thuộc về phong tục tập quán, văn hóa, nhận thức (thể chế phi chính thức). Những yếu tố này đã ăn sâu bám rễ vào ý thức và do đó chỉ có thể giải quyết được thông qua công tác truyền thông, và do đó đổi mới công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội là giải pháp quan trọng nhất để thực hiện được bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất trong thời gian tới.
Công tác truyền thông góp phần làm chuyển biến nhận thức của xã hội về thực hiện quyền bình đẳng giới trong trong tiếp cận đất sản xuất. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông thời gian qua chưa đạt được yêu cầu nên rất cần có sự thay đổi về cách thức thực hiện. Để tăng cường nhận thức của xã hội về luật pháp và chính sách bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất, yêu cầu đầu tiên đó là các đối tượng phải
được biết về Luật cũng như chính sách hiện hành. Biết sẽ là chưa đủ mà họ cần được biết đúng và đủ, điều quan trọng, sau khi được biết, biết đúng và đủ họ phải có cách ứng xử đúng. Như vậy, đích cuối cùng của nâng cao nhận thức của các bên liên quan về luật pháp và chính sách bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất chính là đảm bảo họ tự nguyện tuân thủ các qui định của Luật cũng như chính sách này. Do đó, đổi mới hoạt động truyền thông về luật pháp và chính sách bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất cần thực hiện theo qui trình ba bước: lập kế hoạch truyền thông; tổ chức thực hiện và theo dõi kế hoạch truyền thông và đánh giá thực hiện kế hoạch truyền thông. Trong đó, khâu lập kế hoạch truyền thông được coi là quan trọng nhất. Việc lập kế hoạch truyền thông về luật pháp và chính sách bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất cần đảm bảo trả lời được các câu hỏi sau đây:
Hoạt động truyền thông nhằm tới nhóm đối tượng nào? Hoạt động truyền thông về nội dung gì? Hoạt động truyền thông được thực hiện bằng cách nào? Thời điểm nào thực hiện hoạt động truyền thông là hợp lý? Ngân sách thực hiện hoạt động truyền thông ở đâu?
Một là, xác định đúng nhóm đối tượng cần truyền thông. Việc xác định nhóm đối tượng có ý nghĩa không chỉ truyền thông đúng đối tượng mà còn là cơ sở để xác định nội dung cần truyền thông cũng như cách thức truyền thông cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Có 5 nhóm đối tượng cần tập trung truyền thông, đó là: người thực thi chính sách, gia đình, cộng đồng dân cư, các cấp ngành đoàn thể và phụ nữ. Trong đó, nhóm đối tượng gia đình được xác định là nhóm đích của hoạt động truyền thông về luật pháp và chính sách bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất vì thực tế cho thấy thể chế phi chính thức đàn là rào cản lớn nhất việc thực thi các chính sách này.
Hai là, xây dựng nội dung truyền thông phù hợp với đối tượng. Kiến thức chung về luật pháp và chính sách liên quan đến bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất (trong Luật bình đẳng giới, Luật đất đai, Luật thừa kế, Luật hôn nhân và gia đình) là nội dung cần được truyền thông đến mọi nhóm đối tượng. Đối với nhóm gia đình và phụ nữ, đặc biệt là nhóm gia đình -có tác động lớn và mang tính dai dẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác ảnh hưởng tới việc bảo đảm quyền của phụ
nữ đối với đất đai - các nội dung đảm bảo quyền bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất qui định trong luật Đất đai (qui định về ghi tên đầy đủ hai vợ chồng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), luật Dân sự (quyền thừa kế đất sản xuất của con gái, con dâu) được ưu tiên trong thiết kế nội dung truyền thông để nhóm này hiểu và hành động đúng pháp luật.
Ba là, cách thức truyền thông phù hợp với nội dung và đối tượng cần truyền thông. Có rất nhiều kênh truyền thông nên tùy theo đối tượng và nội dung truyền thông lựa chọn kênh truyền thông cho phù hợp. Việc sử dụng kênh truyền thông đại chúng như (bài báo, tivi, bản tin) có ưu điểm tiếp cận được số đông đối tượng truyền thông nhưng mức độ ảnh hưởng nhỏ đến thái độ và suy nghĩ của đối tượng truyền thông. Do đó, nó chỉ phù hợp để phổ biến và củng cố kiến thức chung về luật pháp và chính sách bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất cho mọi nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, các buổi truyền thông về nội dung này có thể lồng ghép vào trong các buổi họp thôn/ xóm, các buổi họp của Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, đặc biệt trong các buổi họp cần phải có sự hiện diện của phụ nữ.
Đối với các kênh truyền thông đối thoại như hội họp, đào tạo hay hội thảo…tiếp cận số lượng nhỏ đối tượng truyền thông nhưng có ảnh hưởng lớn đến thái độ và suy nghĩ của đối tượng truyền thông. Do đó, kênh truyền thông này rất phù hợp với nhóm đối tượng là người thực thi chính sách, các tổ chức đoàn thể.
Ngoài ra, đối với nhóm gia đình và phụ nữ ở các địa phương thuộc vùng miền núi, nông thôn thì cần tăng cường sử dụng hình thức truyền thông bằng loa đài.
Đây được coi là phương tiện truyền thông hợp lý nhất với đặc điểm về nhận thức của các gia đình và phụ nữ, cũng như điều kiện kinh tế xã hội của vùng này.
Bốn là, thời điểm thực hiện hoạt động truyền thông phù hợp với nội dung và đối tượng cần truyền thông. Hiệu quả của hoạt động truyền thông sẽ không có được nếu như tiến hành hoạt động truyền thông không phù hợp về thời gian cho nhóm đối tượng cần truyền thông về luật pháp và chính sách bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất.
Đối với cộng đồng dân cư, việc truyền thống cần được thực hiện thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt đối với vùng
nông thôn, cùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… là những nơi kinh tế khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, tư tưởng phong kiến còn nặng nề
Các nội dung truyền thông có tính chất phổ biến kiến thức chung về luật pháp và chính sách bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất phổ biến đến tất cả các nhóm đối tượng và được thực hiện thông qua kênh truyền thông đại chúng cần được thực hiện thành chiến dịch trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tháng. Các nội dung điều chỉnh về cơ chế chính sách cần được tổ chức truyền thông ngay khi sau khi có điều chỉnh.
Năm là, đảm bảo ngân sách thực hiện hoạt động truyền thông. Không chỉ là thay đổi về cách thức truyền thông mà đòi hỏi phải đảm bảo ngân sách để thực hiện hoạt động đó. Ngân sách để thực hiện truyền thông chủ yếu từ nguồn ngân sách của nhà nước. Bởi việc hiệu quả trong việc sử dụng ngân sách luôn được đặt lên hàng đầu. Bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất là một khía cạnh của bình đẳng giới. Chính vì vậy, ở mỗi địa phương lưu ý đến lồng ghép các hoạt động truyền thông liên quan đến bình đẳng giới. Đặc biệt, ưu tiên ngân sách cho các hoạt động truyền thông về luật pháp và chính sách bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở cấp cơ sở vì đây là cấp hành động, là cấp gần dân nhất.