Thực trạng yếu tố văn hóa, phong tục tập quán (thể chế phi chính thức) tác động tới bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở việt nam (Trang 90 - 94)

CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TIẾP CẬN ĐẤT SẢN XUẤT Ở VIỆT NAM

3.2. Thực trạng các yếu tố tác động tới bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở Việt Nam

3.2.2. Thực trạng yếu tố văn hóa, phong tục tập quán (thể chế phi chính thức) tác động tới bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất

Vị trí địa lý đặc thù tạo cho dân tộc Việt Nam những đợt tiếp xúc, giao lưu, kể cả các cuộc xâm lược từ bên ngoài đã làm nên diện mạo đời sống văn hóa của dân tộc có nhiều biến động trong lịch sử. Văn hóa và triết lý Phật giáo bằng con đường từ Ấn Độ được người Việt Nam tiếp cận từ rất sớm và đã mau chóng đi vào đời sống của tầng lớp bình dân trong không gian văn hóa làng xã một cách hồn nhiên, hòa bình. Tư tưởng nhà Phật rất dễ đi vào lòng người và được cảm nhận, tiếp biến một cách sâu sắc, nội dung thuyết giáo nhà Phật được biểu hiện một cách tự nhiên qua mọi lề thói, nếp sống của các thành viên gia đình (theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp). Chính vì thế, gia đình truyền thống của người Việt đã sớm hình thành Đạo thờ Mẫu và Đạo thờ cúng tổ tiên. Tiếp theo sau là sự ngự trị của văn hóa Hán – Nho, sản phẩm tinh thần có sức mạnh và là trợ thủ đắc lực cho chế độ quân chủ trong nền kinh tế tự cung tự cấp của xã hội nông nghiệp. Nho giáo đã được các giai cấp thống trị sử dụng qua nhiều thế kỷ như một công cụ áp đặt và duy trì các chính sách “thủ cựu” vào đời sống văn hóa – xã hội của Việt nam, chính vì vậy, mặc dù đã thoát khỏi chế độ phong kiến hơn nửa thế kỉ, cộng với việc được tiếp cận với nhiều nền văn hóa tiến bộ, cởi mở hơn, song cho đến nay những tư tưởng của văn hóa

Nho giáo vẫn còn khá ăn sâu bám rễ trong ý thức và từ đó ảnh hưởng tới ứng xử của phần lớn người dân Việt Nam.

Theo tư tưởng Nho giáo, mọi người trong xã hội đều bị trói buộc bởi năm mối quan hệ: vua - tôi, cha - con, vợ - chồng, anh - em, bạn - bè; năm mối quan hệ này phản ánh hiện thực hai mặt của cuộc sống là quan hệ gia đình và quan hệ xã hội. Trong xã hội phong kiến, mối quan hệ gia đình được củng cố bằng chế độ tông pháp (họ tộc) và chế độ gia trưởng, còn các quan hệ xã hội thì được duy trì bởi chế độ chính trị đẳng cấp.

Đi cùng với các mối quan hệ đó là những qui định giao tiếp bắt buộc mà mỗi thành viên trong xã hội phải thực hiện. Quan niệm về một gia đình có trật tự, kỷ cương lại càng trở nên chặt chẽ và khắc nghiệt hơn, trong đó quyền hành của người cha, người chồng là tuyệt đối, vị thế của người phụ nữ, người vợ rất hạn chế. Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bị chèn ép theo những chế ước hết sức ngặt nghèo, một trong các đạo qui định người phụ nữ phải tuân thủ là “Đạo Tam tòng”. Tam tòng là tại gia tòng Phụ; xuất giá Tòng Phu; Phu tử tòng Tử (con gái còn ở trong gia đình phải nghe theo Cha, đi lấy chồng phải phụ thuộc vào nhà Chồng, khi Chồng chết phải ở vậy và phụ thuộc vào người Con Trai). Theo quan niệm đó, nam giới sẽ là người chủ gia đình và có quyền quyết định đối với các tài sản trong gia đình bao gồm cả đất đai. Phụ nữ phải ở trong nhà, chăm sóc gia đình và con cái, phục tùng vô điều kiện người đàn ông trong gia đình của họ, trong khi nam giới (người chồng) chịu trách nhiệm gánh vác kinh tế và các công việc ngoài cộng đồng và xã hội.

Tư tưởng văn hóa Nho giáo đó đã hình thành nên hai hệ tư tưởng có ảnh hưởng tiêu cực tới bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong tiếp cận đất đai nói riêng đó là: (i) tư tưởng gia trưởng, “trọng nam, khinh nữ”; và (ii) Tư tưởng phụ thuộc vào nam giới và xem nhẹ vị thế của mình trong nữ giới. Ngoài ra, vì tự có tư tưởng định kiến giới là phụ nữ chỉ lo việc trong nhà còn nam giới lo việc ngoài xã hội, nên bản thân phụ nữ còn có tâm lý ngại va chạm và có các giao dịch ngoài xã hội.

Tư tưởng gia trưởng thể hiện rõ nét trong cơ cấu hộ gia đình của Việt Nam, theo đó phần lớn hộ gia đình Việt Nam có chủ hộ là nam giới (tỷ lệ hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ chiếm 73,86%, tỷ lệ hộ gia đình do nữ giới làm chủ là 26,14% - tính toán của tác giả dựa vào VHLSS 2012). Tỷ lệ phụ nữ làm chủ hộ cao hơn ở các vùng có sự

phát triển và giao lưu kinh tế, đồng thời có trình độ dân trí cao như vùng thành thị, đồng bằng hay khu vực có tập trung người Kinh và người Hoa (hình 3.5). Mặc dù vậy, trên thực tế, hộ gia đình có chủ hộ là nữ ở Việt Nam hiện nay phần lớn là các hộ thiếu vắng sự tồn tại của người đàn ông trong gia đình. Điều này được minh chứng thông qua xem xét cơ cấu theo tình trạng hôn nhân của chủ hộ được tính toán trên số liệu VHLSS 2012, cụ thể, tỷ lệ hộ gia đình chủ hộ nữ có đầy đủ cả vợ và chồng chiếm 38,5%, trong khi đó tỷ lệ trong tình trạng góa và ly hôn chiếm hơn 51% (tỷ lệ góa chiếm 45,7%), đặc biệt, trong các hộ gia đình có tình trạng hôn nhân góa bụa thì hơn 85% chủ hộ là nữ giới, trong khi đó, đối với nhóm hộ gia đình có đủ vợ và chồng thì chủ yếu chủ hộ là nam giới (chiếm hơn 87%).

Hình 3.5. Tỷ lệ hộ gia đình chủ hộ nữ phân theo vùng kinh tế

Nguồn: Tác giả tính toán dựa vào VHLSS 2012 Việc đứng tên làm chủ hộ trong gia đình sẽ tác động rất lớn đến vai trò, vị thế cũng như các cơ hội tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực sản xuất cũng như các dịch vụ xã hội như đất đai, tín dụng, tiết kiệm, giáo dục, y tế…Tỷ lệ hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ cao hơn so với nữ giới làm chủ hộ sẽ là một nguyên nhân tạo ra khoảng cách trong tiếp cận đất của hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ và nữ giới làm chủ hộ cho dù cơ hội tiếp cận đất của các hộ gia đình là như nhau.

Với tư tưởng gia trưởng, “trọng nam, khinh nữ”, hầu như phụ nữ không có quyền sở hữu chung đối với các tài sản trong gia đình, trừ những trường hợp tài sản

thông qua mua, bán mà theo quy định của pháp luật phải có hợp đồng mua bán.

Thêm vào đó, cũng chính tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ cộng với tư tưởng phụ thuộc vào giới, ngại tham gia hoạt động ngoài xã hội, nên rất nhiều phụ nữ sau khi li hôn hoặc góa bụa không có đất sản xuất. Điều này xảy ra bởi với quan điểm truyền thống “của chồng công vợ”, phụ nữ hầu như không đứng tên trên các tài sản chung sau hôn nhân trong đó có đất sản xuất, do đó khi li hôn thường phải ra đi với hai bàn tay trắng, còn nếu lâm vào cảnh góa bụa thì cả bố mẹ đẻ, lẫn bố mẹ chồng đều không cho họ quyền được sử dụng đất đai của họ [71].

Văn hóa Nho giáo không những ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của phần lớn người dân Việt nam, nó ảnh hưởng tới cả phong tục tập quán của người Việt.

Phong tục tập quán có ảnh hưởng nhất tới bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất là phong tục thừa kế. Tập tục truyền thống với những quy định về vai trò của người đàn ông trong việc thờ cúng cha mẹ tổ tiên, thường không thừa nhận quyền thừa kế tài sản của con gái và hiện tại, tập tục này vẫn còn tác động đến tâm lý, thói quen và cách suy nghĩ, hành xử của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và trong cộng đồng dân tộc theo chế độ phụ hệ. Hiện nay, nhiều gia đình ở nông thôn và cộng đồng dân tộc phụ hệ thường không quan tâm đến hàng thừa kế là con gái, tài sản, đất đai của gia tộc chỉ chia cho con trai, đặc biệt dành phần ưu tiên cho con trai trưởng để lo phần hương hoả. Con gái khi đi lấy chồng không được bố mẹ đẻ cho sử dụng đất nông nghiệp cũ và cũng không được gia đình nhà chồng cho đất mới. Mặc dù biết điều đó là bất công, không phù hợp với pháp luật, nhưng rất ít phụ nữ dám đứng lên đòi hỏi quyền bình đẳng của mình. Vì thế, các tài sản lớn trong gia đình như đất đai, nhà cửa, xe máy, đất nông nghiệp đều đứng tên người chồng và người chồng là chủ hộ. Phong tục tập quán này cũng hạn chế khả năng tiếp cận đất sản xuất của phụ nữ và tác động tiêu cực tới bình đẳng giới trong lĩnh vực này.

Ngược với tư tưởng của văn hóa Nho giáo, chế độ mẫu hệ lại có ảnh hưởng tương đối tích cực tới khả năng tiếp cận đất sản xuất của phụ nữ trong các cộng đồng dân tộc theo chế độ này. Theo luật tục, phụ nữ J’rai và Ede cưới chồng về nhà và người chồng phải tuân thủ những quy định ở nhà vợ. Trong trường hợp người chồng muốn li dị thì phải bồi thường cho nhà vợ. Nhưng nếu người vợ muốn li dị thì người

chồng phải chuyển đi chỗ khác sống và không được phân chia tài sản gì hết. Đối với người Mnông, văn hóa mẫu hệ truyền thống cho phép những người phụ nữ bản địa tiếp cận tốt hơn với tài nguyên thiên nhiên như đất và rừng. Họ có thể khẳng định chủ quyền của mình đối với đất và có khả năng khai hoang rừng để làm nương rẫy vì theo luật tục, tất cả đất và rừng đều thuộc về họ. Trong gia đình Mạ và M’nông truyền thống, người mẹ vẫn là chủ gia đình và con gái nhỏ nhất của gia đình sẽ được chia nhiều tài sản nhất vì sẽ phải chăm sóc bố mẹ sau này [39]. Tuy nhiên, trước sự thâm nhập nhanh chóng của kinh tế thị trường và sự thay đổi cách thức quản lý đất đai của nhà nước, những sắp đặt truyền thống bảo vệ quyền lợi người phụ nữ hiện đang bị lung lay, và có xu hướng đưa các cộng đồng theo chế độ mẫu hệ nhưng phụ quyền.

Như vậy, có thể nói, về cơ bản, các yếu tố thể chế phi chính thức ở Việt Nam do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo hiện nay đang có tác động tiêu cực tới bình đẳng giới ở Việt Nam nói chung và bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất nói riêng.

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở việt nam (Trang 90 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(220 trang)