CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TIẾP CẬN ĐẤT SẢN XUẤT Ở VIỆT NAM
3.2. Thực trạng các yếu tố tác động tới bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở Việt Nam
3.2.1. Thực trạng các chính sách, pháp luật (thể chế chính thức) bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở Việt Nam
3.2.1.1. Chính sách bảo đảm các hộ gia đình tiếp cận đất sản xuất ở Việt Nam Đại hội Đảng VI, tháng 12 năm 1986 đã đánh dấu bước ngoặc phát triển trong đời sống kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Sự đổi mới trong tư duy kinh tế góp phần chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tạo nên diện mạo mới của đất nước, con người Việt Nam hôm nay. Khởi đầu cho công cuộc chuyển đổi ở Việt Nam là các chính sách, pháp luật đất đai trong nông nghiệp nông thôn được đánh dấu từ Chỉ thị 100, năm 1981 của Ban Bí thư hay còn gọi là “Khoán 100” với mục đích là khoán sản phẩm đến người lao động đã tạo ra sự chuyển biến tốt trong sản xuất nông nghiệp. Sau kết quả khả quan của “Khoán 100”, ngày 05-04-1988, Nghị quyết 10/NQ- TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp được ban hành (hay còn gọi “Khoán 10”) với các nội dung:
(i) Chấn chỉnh tổ chức hợp tác xã theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động; (ii) Đổi mới khoán, phân công lao động và phân phối thu nhập trong hợp tác xã, tập đoàn sản xuất: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và hộ xã viên, đến người lao động và đến tổ, đội sản xuất tùy theo điều kiện của ngành nghề cụ thể ở từng nơi, gắn kế hoạch sản xuất với kế hoạch phân phối từ đầu; (iii) Chính sách đối với kinh tế cá thể, tư nhân: Ở các vùng còn nhiều đất đai, mặt nước chưa khai thác, tùy tình hình cụ thể mà Nhà nước có thể cho thuê hoặc giao quyền sử
dụng một số ruộng đất, đất rừng, mặt nước cho hộ kinh tế cá thể, tư nhân để họ tổ chức sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật. Trong thời gian thuê đất, họ được giao quyền thừa kế sử dụng cho con cái, và trong trường hợp chuyển sang làm nghề khác được chính quyền cho phép chuyển nhượng quyền tiếp tục sử dụng cho chủ khác. Các hộ tư nhân và công ty tư nhân được thuê mướn lao động theo yêu cầu phát triển sản xuất và theo Luật Lao động...(iv) Chính sách đối với các đơn vị kinh tế quốc doanh: Điều chỉnh quy mô các nông, lâm trường phù hợp với cơ sở vật chất - kỹ thuật và trình độ quản lý. Diện tích đất, rừng dôi ra sau khi điều chỉnh quy mô, phải trả lại cho chính quyền địa phương để giao cho hợp tác xã, gia đình, cá thể hoặc tư nhân kinh doanh. Đất chưa dùng đến của cơ sở quốc doanh quản lý (sau khi đã điều chỉnh) cũng phải cho nông dân mượn để sản xuất. Cấm cưỡng đoạt ruộng đất đã khai phá của nông dân để lập các nông trường quốc doanh. Trong trường hợp đặc biệt cần bảo đảm cho nông trường có diện tích kinh doanh liền khoảnh, phải bồi thường thỏa đáng cho nông dân đang canh tác trên ruộng đất trong khoảnh, bảo đảm cho họ có ruộng đất mới để sản xuất hoặc có điều kiện để sinh sống bình thường.
Như vậy, lần đầu tiên kinh tế hộ gia đình được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ và đã bắt đầu có những quyền sử dụng đất cơ bản.
Văn bản đầu tiên do Nhà nước ban hành về đất đai và ruộng đất thể hiện tinh thần đổi mới của Đại hội VI là Luật Đất đai năm 1987, nhưng phải đến sau khi ban hành luật Đất đai năm 1993 mới được coi là giai đoạn đẩy mạnh thực hiện các chính sách đất đai. Luật Đất đai năm 1993 khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và nguyên tắc giao đất sử dụng ổn định lâu dài cho tổ chức, hộ gia đình cá nhân. Đồng thời giao quyền sử dụng đất và kèm theo các quyền khác như: quyền chuyển đổi, quyền thừa kế, quyền thế chấp, quyền cho thuê, quyền chuyển nhượng nhằm tăng cường tính tự chủ và lợi ích kinh tế được đảm bảo về mặt pháp lý cho những người sử dụng đất.
Ngày 10-12-2003, chính phủ ban hành Luật Đất đai năm 2003 với mục tiêu tiếp tục sửa đổi cho phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đó, với việc thừa nhận quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản đã mở đường cho sự phát triển của thị trường đất đai ở Việt Nam.
Ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp vào Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội và đã được thông qua vào ngày 29-11-2013, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/7/2014. Luật Đất đai năm 2013 đã thể chế hóa đúng và đầy đủ các quan điểm đổi mới của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đa số các tầng lớp nhân dân. Đối với đất nông nghiệp, những điểm mới quan trọng nhất trong Luật Đất đai năm 2013 là: (i) Nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm, đất lâm nghiệp); cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ đất đai với diện tích lớn hơn nhưng không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp; (ii) Khuyến khích tích tụ đất đai thông qua cơ chế góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, nhận quyền thuê đất để thuận lợi cho ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa và phát triển sản xuất hàng hóa.
Như vậy có thể thấy sau mỗi lần chỉnh sửa theo hướng đổi mới, chính sách đất đai ngày càng tạo điều kiện hơn cho hộ gia đình nông dân có đất sản xuất và yên tâm đầu tư cho sản xuất để nâng cao năng suất nông nghiệp, đặc biệt với các điểm mới trong luật đất đai 2013, một số rào cản đối với sự phát triển của thị trường đất sản xuất nông nghiệp, cũng như khả năng tích tụ tập trung ruộng đất đã được nới lỏng hơn, tạo điều kiện cho các chính sách thúc đẩy tiếp cận đất đai nói chung và bình đẳng giới trong tiếp cận đất đai nói riêng
3.2.1.2. Chính sách, pháp luật đảm bảo thực hiện bình đẳng giới
Ngay từ năm 1945 sau khi Việt Nam giành được độc lập, chủ trương bình đẳng nam nữ đã được đưa vào hệ thống luật pháp và các chủ trương và chính sách của Nhà nước Việt Nam. Điều này được thể hiện trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của Việt Nam: “Mọi công dân Việt nam, không phân biệt giới tính, dù là nam hay nữ đều có quyền bình đẳng như nhau trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội”. Quyền bình đẳng giới còn được thể hiện trong các Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật hôn nhân và gia đình đặc biệt nhất
là Luật Bình đẳng giới ra đời năm 2006. Chính sách thúc đẩy bình đẳng giới của chính phủ Việt nam còn thể hiện trong việc quan tâm đến tỉ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí ra quyết định từ cấp nhà nước đến địa phương.
Chính phủ Việt Nam liên tục thúc đẩy công bằng giới thông qua việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ Việt nam. Đó là:
Nghị quyết số 04-NQ/T W ra ngày 12/7/1993 của Bộ Chính Trị về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”; Chỉ thị số 37-CT/T W ng ày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2000, Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2010” và công bố Nghị định số 19/2003/ N Đ-CT ngày 7/3/2003 của Chính phủ qui định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hội phụ nữ tham gia quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em, v.v. và gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020”. Đặc biệt, cam kết về thúc đẩy Bình đẳng giới của chính phủ Việt Nam còn thể hiện trong Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam
Với việc thể chế hóa quan điểm đảm bảo bình đẳng giới của Việt Nam thông qua các điều khoản và quy định pháp luật kể trên, có thể nói đây chính là một yếu tố quan trọng góp phần đem lại những thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong lĩnh vực bình đẳng giới của Việt Nam thời gian qua.
3.2.1.3. Chính sách pháp luật đảm bảo thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực đất đai
Nhìn vào các một số quy định hiện hành, Nhà nước ta không có sự phân biệt về giới, nam/nữ bình đẳng trước pháp luật về đất đai. Điều 105, 106 và 108 Luật Đất đai năm 2003 quy định, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng đất có các quyền chung của người sử dụng đất. Luật này cũng quy định tại Điều 48 khoản 3: “Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng”. Các quy định này vẫn tiếp tục
được thể hiện trong luật đất đai mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 (luật Đất đai 2013).
Điều 108 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ”.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã ghi nhận: “(i) Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất. (ii) Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, phải ghi tên cả vợ và chồng”.
Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định “tất cả những giấy tờ, đăng ký tài sản gia đình bao gồm cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở phải được ghi cả tên vợ và chồng”. Tại Điều 5 của Nghị định số 70/2001/NĐ-CP còn quy định: Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ, chồng đã đăng ký quyền sở hữu mà chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản đó để ghi tên cả vợ và chồng. Nếu vợ, chồng không yêu cầu cấp lại giấy đăng ký tài sản thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
Trong trường hợp vợ chồng ly hôn hoặc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật đã đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng mà có ghi tên vợ và chồng, có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: vợ chồng có quyền để lại thừa kế tài sản cho nhau (điều 31), nhưng con dâu trong gia đình lại không thuộc hàng thừa kế. Di sản của cha mẹ chồng muốn cho con dâu một phần thì phải viết đích danh tên con dâu trong di chúc. Đây chính là mặt hạn chế trong thực tiễn đời sống cũng như pháp luật dân sự của chúng ta.
Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Khi chết, không phân biệt nam hay nữ, đều có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất. Pháp luật cũng không phân biệt nam hay nữ là người nhận thừa kế quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, thừa kế bằng pháp luật chỉ được áp dụng trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản (điều 678, luật dân sự 2005). Như vậy pháp luật về thừa kế tài sản nói chung và đất sản xuất nói riêng vẫn dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền để lại tài sản của công dân đưa ra trong di chúc. Nhưng Điều 669 của Bộ luật Dân sự năm 2005 lại quy định một số đối tượng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, đó là con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này”.
3.2.1.4. Đánh giá tác động của yếu tố thể chế chính thức tới bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất ở Việt Nam
- Nhìn vào hệ thống các quy định pháp luật và chính sách hiện hành của Việt Nam liên quan đến đất sản xuất, có thể nói rằng, về cơ bản khung pháp lý của Việt Nam được quy định khá đầy đủ và bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong tiếp cận đất sản xuất. Tuy nhiên, một số phát hiện mang tính nghiên cứu của luận án về những bất cập của hệ thống thể chế chính thức tác động không tích cực đến bình đẳng giới trong tiếp cận đất sản xuất thể hiện như sau:
- Còn một số điều khoản luật chưa đảm bảo quyền thừa kế của phụ nữ đối với tài sản nói chung và đất đai nói riêng, cụ thể luật Hôn nhân gia đình và luật Dân sự đều quy định vợ chồng được để thừa kế cho nhau nhưng trong các hàng thừa kế theo pháp luật thì con dâu trong gia đình không nằm trong hàng thừa kế (điều 676 luật Dân sự 2005).
- Điều khoản luật vẫn còn kẽ hở để thực hành theo phong tục tập quán, yếu tố có xu hướng loại trừ phụ nữ trong tiếp cận đất đai. Cụ thể, luật đất đai năm 2003 (khoản 3, điều 48) đã quy định việc đứng tên chung cả vợ và chồng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu là tài sản chung của cả vợ và chồng, song lại không quy định về việc bắt buộc phải đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên một người sang ghi cả hai vợ chồng, ngay cả luật đất đai mới nhất (luật đất đai 2013) quy định này cũng lỏng lẻo. Cùng với nó, điều 675,676 luật Dân sự quy định thực hiện theo di chúc của bố mẹ là vấn đề ưu tiên trong thừa kế tài sản nói chung và đất đai nói riêng, và thứ tự thừa kế chỉ được áp dụng khi người quá cố không để lại di chúc
- Các văn bản hướng dẫn thực hiện luật còn ban hành chậm, thậm chí có điều khoản luật nhưng chưa có văn bản hướng dẫn, ví dụ đến nay chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn thực hiện việc đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 1 tên thành 2 tên.