CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TIẾP CẬN ĐẤT SẢN XUẤT
1.1.2. Các khía cạnh của bình đẳng giới
Xuất phát từ cách tiếp cận thực chất trong vấn đề bình đẳng giới, Ngân hàng thế giới (WB) trong nghiên cứu chính sách “Đưa vấn đề giới và phát triển” [41] đã xem xét “bình đẳng giới theo nghĩa là bình đẳng về luật pháp, về cơ hội- bao gồm
sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn nhân lực, vốn và các nguồn lực sản xuất khác, bình đẳng trong thù lao cho công việc, và trong “tiếng nói”. Trong Báo cáo phát triển con người châu Á Thái Bình Dương, hay trong báo cáo phát triển con người năm 2010 (UNDP, 2010) cũng xem xét bình đẳng giới trong quyền pháp lý, tiếng nói trên chính trường, và quyền năng kinh tế [101][102]. Các khía cạnh của bình đẳng giới trong các nghiên cứu này được cho là những biểu hiện then chốt của sự loại trừ và phân biệt đối xử theo giới và có sự tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau trong mối quan hệ tương đối giữa nam và nữ [41]. Ví dụ, sự bất bình đẳng giới trong giáo dục, tiếp cận các tư liệu sản xuất khác như tài chính hay đất đai, việc làm và thu nhập sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ quyền lực giữa nam và nữ, và vì thế ảnh hưởng tới khả năng tương đối của họ trong việc tác động đến các quyết định trong gia đình. Chính những bất bình đẳng này sẽ biến thành những phân biệt trong khả năng tận dụng những cơ hội kinh tế và cơ hội khác của nam và nữ. Bất bình đẳng trong việc đại diện về mặt chính trị, bất kể ở cấp địa phương hay cấp quốc gia đều ảnh hưởng tới khả năng ảnh hưởng của nam và nữ trong các cuộc thảo luận để từ đó xây dựng các chính sách phát triển.
Phân tích bình đẳng giới theo các khía cạnh được nêu ra ở trên chủ yếu tập trung vào: (i) sự không tương xứng về quyền trong những quy định pháp lý, luật tục và thực tiễn của các cộng đồng và gia đình, cụ thể như quyền kết hôn, ly hôn, quyết định quy mô gia đình, thừa kế và quản lý tài sản, phân bổ lao động của mỗi cá nhân trong gia đình, tham gia các hoạt động tạo thu nhập ở bên ngoài và được đi lại tự do; (ii) vấn đề tiếp cận không bình đẳng đến các nguồn lực bao gồm sự tiếp cận giáo dục, y tế, các tư liệu sản xuất (đất đai, thông tin, công nghệ và nguồn tài chính), việc làm và thu nhập; (iii) Hạn chế khả năng phụ nữ tham gia vào các tiến trình chính trị với tư cách là những đại diện tích cực, cũng như có tác động đến các quyết định trong cộng đồng và ở cấp quốc gia, cụ thể đó là khả năng tham gia bàn luận chính trị, tham gia chính trị và đại diện trong các cấp chính quyền, và tham gia trong các bộ máy điều hành của chính phủ.
Kể từ năm 2001, trên phạm vi toàn thế giới đã có những tiến bộ vượt bậc về bình đẳng giới, đặc biệt, trong khía cạnh bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ và
nam giới theo luật pháp trong những lĩnh vực như sở hữu tài sản, thừa kế, hôn nhân, khi đã có tổng cộng 136 nước trên thế giới hiện có quy định công khai bảo vệ quyền bình đẳng giữa mọi công dân và chống phân biệt đối xử nam nữ trong hiến pháp [109]. Do đó, trong nghiên cứu gần đây nhất của Ngân hàng thế giới, Báo cáo phát triển thế giới 2012, bình đẳng giới được tập trung xem xét theo 3 khía cạnh phúc lợi chính, đây là các khía cạnh được xác định bởi cả nam giới và phụ nữ từ Ba Lan đến Apganistan và Nam Phi cũng như bởi các nhà nghiên cứu [109], đó là: (i) sự tích tụ năng lực của con người (nguồn vốn con người và nguồn lực sản xuất); (ii) sử dụng năng lực đó để nắm bắt các cơ hội kinh tế và tạo thu nhập (việc tham gia và nhận thu nhập từ nền kinh tế); và (iii) tính đại diện: việc sử dụng các năng lực tích lũy được để tác động đến lợi ích của cá nhân và cộng đồng (tiếng nói và ảnh hưởng của phụ nữ trong các lĩnh vực đời sống ở cấp độ cá nhân và cộng đồng).
Theo các khía cạnh đó, trong các nghiên cứu phân tích đánh giá về bình đẳng giới thường tập trung vào các nội dung cụ thể sau:
(i) Sự tích tụ năng lực của con người: Đánh giá kết quả của giáo dục và y tế theo tất cả các tiêu chí đối với cả nam và nữ; cơ hội tiếp cận các yếu tố nguồn lực sản xuất như đất đai, tín dụng và các đầu vào cho sản xuất của nam giới và phụ nữ
(ii) Nắm bắt cơ hội kinh tế: đánh giá khả năng tham gia vào thị trường lao động và sự khác biệt trong tiền lương nhận được trong công việc giữa nam giới và phụ nữ
(iii) Tính đại diện: Được xem xét dưới các góc độ cụ thể đó là sự khác biệt về quyền ra quyết định của phụ nữ và nam giới thể hiện trong việc tham chính; khả năng thích ứng và tham gia của phụ nữ trong các hoạt động công cộng; tình trạng bạo lực trong gia đình; và cuối cùng là khả năng đàm phán thương lượng trong các quyết định của hộ gia đình.
Từ những đánh giá nêu trên, luận án nhấn mạnh: (i) cơ hội hay khả năng tiếp cận với các yếu tố nguồn lực sản xuất nói chung và yếu tố đất sản xuất nói riêng của phụ nữ và nam giới là một nội dung trong trong phân tích và đánh giá bình đẳng
giới; (ii) thêm vào đó, đạt được bình đẳng giới trong việc tiếp cận nguồn lực sản xuất, đặc biệt là đất đai, cùng với giáo dục và y tế là nền tảng năng lực để có thể thực hiện các khía cạnh còn lại của bình đẳng giới nói chung.