CHƯƠNG 1: NHỮNG LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP RA NƯỚC NGOÀI
1.4 CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG TÁC ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI
1.4.1 Từ phía nước đi đầu tư
Theo kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Nguyễn Mạnh Toàn (2010)6, các nhân tố sau đây có tác động đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:
- Nhóm động cơ về kinh tế: nhân tố thị trường, nhân tố lợi nhuận, nhân tố về chi phí.
- Nhóm động cơ về tài nguyên: Mức độ sẵn có và chất lượng của nguồn nhân lực;
mức độ sẵn có và dồi dào của tài nguyên thiên nhiên; Vị trí địa lý tạo thuận lợi hay bất lợi về chi phí.
- Nhóm động cơ về cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông và cơ sở hạ tầng dịch vụ hỗ trợ (hệ thống tài chính, ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin). Ngoài ra còn có cơ sở hạ tầng xã hội bao gồm hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân, hệ thống giáo dục và đào tạo, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác, các giá trị đạo đức, phong tục tập quán, tôn giáo, văn hóa.
- Nhóm động cơ về chính sách gồm: sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, kêt hợp với sự ổn định về chính trị
1.4.1.1 Nhóm động cơ về kinh tế - Nhân tố thị trường
Nhằm duy trì và mở rộng thị phần, các công ty đa quốc gia (MNEs) thường thiết lập các nhà máy sản xuất ở các nước dựa theo chiến lược thay thế nhập khẩu của các nước này. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư với chiến lược “đi tắt đón đầu” cũng sẽ mạnh dạn đầu tư vào những nơi có nhiều kỳ vọng tăng
6 http://www.kh-sdh.udn.vn/zipfiles/so40quyen2/31-nguyenmanhtoan.pdf [truy cập ngày 05/12/2014]
trưởng nhanh trong tương lai và có các cơ hội mở rộng ra các thị trường lân cận.
Khi lựa chọn địa điểm để đầu tư trong một nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhắm đến những vùng tập trung đông dân cư – thị trường tiềm năng của họ.
- Nhân tố lợi nhuận
Lợi nhuận thường được xem là động cơ và mục tiêu cuối cùng của nhà đầu tư. Trong thời đại toàn cầu hóa, việc thiết lập các xí nghiệp ở nước ngoài được xem là phương tiện rất hữu hiệu của các MNEs trong việc tối đa hóa lợi nhuận. Điều này được thực hiện thông qua việc thiết lập các mối liên kết chặt chẽ với khách hàng và thị trường, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, chia rủi ro trong kinh doanh và tránh được các rào cản thương mại. Tuy vậy trong ngắn hạn, không phải lúc nào lợi nhuận cũng được đặt lên hàng đầu để cân nhắc.
Trong giai đoạn suy thoái của nền kinh tế thế giới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đều giảm xuống, do hầu hết các nước chủ nhà đầu tư thay nhau rút vốn về nước vì lý do yếu kém mặt tài chính. Ngược lại, khi có nền kinh tế vững mạnh thì các chủ đầu tư lại chuyển vốn ra nước ngoài để đầu tư thu lợi nhuận.
Với những nước phát triển, khi đi đầu tư sang nước kém phát triển, sẽ chuyển giao công nghệ lỗi thời của nước mình sang nước khác, vì nước nhận đầu tư có trình độ kém phát triển hơn nên sẽ tiếp nhận những công nghệ này. Như vậy, nước đi đầu tư có thể tận dụng để thu lợi nhuận từ thiết bị lỗi thời của mình.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động ở thị trường nước ngoài, các công ty đa quốc gia có thể học từ kỹ năng quản lý cấp cao và công nghệ quy trình, sản phẩm cao cấp. Sau đó, những nguồn lực này sẽ trở lại nước đi đầu tư, góp phân vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước đi đầu tư.
- Nhân tố về chi phí
Phần đông các MNEs đầu tư vào các nước là để khai thác các tiềm năng, lợi thế về chi phí. Trong đó, chi phí về lao động thường được xem là nhân tố
quan trọng nhất khi ra quyết định đầu tư. Nhiều nghiên cứu cho thấy, đối với các nước đang phát triển, lợi thế chi phí lao động thấp là cơ hội để thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong các thập kỷ qua. Khi giá nhân công tăng lên, đầu tư nước ngoài có khuynh hướng giảm rõ rệch. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư trực tiếp ở nước ngoài cho phép các công ty tránh được hoặc giảm thiểu các chi phí vận chuyển và do vậy có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, kiểm soát được trực tiếp các nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu với giá rẻ, nhận được các ưu đãi về đầu tư và thuế, cũng như các chi phí sử dụng đất.
Ngoài chi phí vận chuyển và các khía cạnh chi phí khác, cũng cần nhấn mạnh đến động cơ đầu tư của các công ty xuyên quốc gia nhằm tránh ảnh hưởng của hàng rào quan thuế và phi quan thuế, cũng như giúp giảm thiểu đáng kể chi phí xuất nhập khẩu.
1.4.1.2 Nhóm động cơ về tài nguyên - Nguồn nhân lực
Khi quyết định đầu tư một cơ sở sản xuất mới ở một nước đang phát triển, các MNEs cũng nhắm đến việc khai thác nguồn nhân lực trẻ và tương đối thừa thãi ở các nước này. Thông thường nguồn lao động phổ thông luôn được đáp ứng đầy đủ và có thể thỏa mãn yêu cầu của các công ty. Tuy vậy, chỉ có thể tìm được các nhà quản lý giỏi, cũng như cán bộ kỹ thuật có trình độ và kinh nghiệm ở các thành phố lớn. Động cơ, thái độ làm việc của người lao động cũng là yếu tố quan trọng trong việc xem xét, lựa chọn địa điểm để đầu tư.
Đối với một số trường hợp, các công ty của nước đi đầu tư vẫn phải sử dụng nguồn nhân lực từ quốc gia của mình, đây là lực lượng nòng cốt để giúp công ty tồn tại và phát triển, vì vậy nhu cầu xuất khẩu lao động cũng tăng cao khi hoạt động ĐTTTRNN được đẩy mạnh. Ngược lại, nếu nguồn nhân lực trong nước không đủ số lượng và chất lượng thì hoạt động ĐTTTRNN cũng hạn chế.
- Tài nguyên thiên nhiên
Sự dồi dào về nguyên vật liệu với giá rẻ cũng là nhân tố tích cực thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp của Malaysia, nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước này có sức hút FDI mạnh mẽ nhất. Các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến nước này là nhắm đến các nguồn tài nguyên dồi dào về dầu mỏ, khí đốt, cao su, gỗ... Đặc biệt tại các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khai thác tài nguyên thiên nhiên là mục tiêu quan trọng của nhiều MNEs trong các thập kỷ qua.
- Vị trí địa lý
Một nghiên cứu về các nhân tố thu hút đầu tư nước ngoài tại các nước đang phát triển trong thời kỳ 1980-2005 đã xác định rằng, lợi thế về vị trí địa lý giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển, dễ dàng mở rộng ra các thị trường xung quanh, khai thác có hiệu quả nguồn nhân lực và thúc đẩy các doanh nghiệp tập trung hóa. Vì vậy, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc lựa chọn thị trường phù hợp (khi mục tiêu thị trường đầu tư là trung gian) để thuận tiện cho việc đáp ứng nhu cầu cho các thị trường khác.
1.4.1.3 Nhóm động cơ về cơ sở hạ tầng - Cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Chất lượng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật và trình độ công nghiệp hóa có ảnh hưởng rất quan trọng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào một nước hoặc một địa phương. Một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh (bao gồm cả hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, mạng lưới cung cấp điện, nước, bưu chính viễn thông và các dịch vụ tiện ích khác), là điều mong muốn đối với mọi nhà đầu tư nước ngoài.
- Cơ sở hạ tầng xã hội
Cơ sở hạ tầng xã hội bao gồm hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân, hệ thống giáo dục và đào tạo, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác.
Ngoài ra, các giá trị đạo đức xã hội, phong tục tập quán, tôn giáo, văn hóa ...
cũng cấu thành trong bức tranh chung về cơ sở hạ tầng xã hội của một nước hoặc một địa phương. Nghiên cứu của UNDP/ World Bank cho thấy xu hướng đầu tư vào khu vực Đông Nam Á có nhiều chuyển biến tích cực là nhờ vào “tính kỷ luật của lực lượng lao động” cũng như “sự ổn định về chính trị và kinh tế” tại nhiều quốc gia trong khu vực này.
1.4.1.4 Nhóm động cơ về cơ chế chính sách
Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có thể có lợi cho cán cân thanh toán của nước đi đầu tư nếu công ty con ở nước ngoài tạo ra nhu cầu xuất khẩu về thiết bị, hàng hóa trung gian, sản phẩm bổ sung…Ngược lại, đầu tư trực tiếp cũng gây ra thiệt hại cho cán cân thanh toán vì phải gánh chịu dòng vốn chảy ra ban đầu để đi đầu tư trực tiếp. Và tác động này thường lớn hơn sự bù đắp lại từ nguồn vốn chảy vào. Nếu đầu tư trực tiếp là biện pháp thay thế cho xuất khẩu trực tiếp thì cán cân thanh toán sẽ bị thâm hụt. Tùy chính sách tiền tệ mà Chính phủ nước đi đầu tư áp dụng, hoạt động ĐTTRNN sẽ được khuyến khích gia tăng hoặc hạn chế.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các nước đang phát triển không chỉ được quyết định bởi các yếu tố về kinh tế, mà còn chịu sự chi phối của các yếu tố chính trị. Sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, kết hợp với các ổn định về chính trị được xem là rất quan trọng. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy mối quan hệ rất chặt chẽ giữa ổn định về chính trị với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Chính sách cởi mở và nhất quán của chính phủ cũng đóng một vai trò rất quan trọng.