CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI CỦA VIỆT NAM SANG VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA
2.6 ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI CỦA VIỆT NAM SANG CAMPUCHIA
2.6.1 Phân tích các điểm mạnh của Việt Nam trong hoạt động thúc đẩy vốn đầu tư
2.6.1.1 Từ phía doanh nghiệp
- Các doanh nghiệp đã vận dụng lợi thế so sánh từ các sản phẩm có thế mạnh của mình như chế biến thực phẩm, hàng dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, nhựa, khai thác gỗ, nông sản, thủy hải sản, gốm sứ, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng…Từ đó, đầu tư phát triển dựa trên những ưu thế này, hạn chế tối đa sự yếu kém về vốn, công nghệ, kinh nghiệm khi đối đầu với các doanh nghiệp ở các nước khác.
- Doanh nghiệp biết chọn lựa địa điểm đầu tư hợp lý, phân khúc thị trường và tập trung vào thị trường mục tiêu như Lào, Campuchia và thực hiện những dự án mang tính mạo hiểm nhưng đạt hiệu quả cao vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản.
- Các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam phát huy tốt hơn nữa truyền thống đoàn kết, giữ gìn hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong đầu tư kinh doanh ở Campuchia; chấp hành nghiêm túc pháp luật của nước sở tại; ngoài mục tiêu hiệu quả kinh tế cần quan tâm giúp đỡ các đối tác và địa phương Campuchia cùng phát triển, mỗi dự án đầu tư thành công sẽ là sự đóng góp thiết thực cho mối quan hệ hữu nghị bền chặt lâu dài giữa đất nước, hai dân tộc.
2.6.1.2 Từ phía chính phủ
- Đến nay, Việt Nam đã ký khoảng 90 hiệp định thương mại song phương và 47 hiệp định bảo hộ đầu tư. Đây là một kết quả đáng mừng từ sự nỗ lực của chính phủ, cho phép doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn tới thị trường nước ngoài. Các hiệp định, nghị định thư, các thỏa thuận, định chế pháp lý trong nước đã giúp doanh nghiệp đa dạng hóa và mở rộng đối tác, thị trường nguyên liệu,
công nghệ, nguyên vật liệu và khách hàng…Qua đó, tạo cơ hội cho nguồn vốn ĐTTTRNN quay trở lại Việt Nam từ khoản lợi nhuận đạt được ở nước sở tại.
- Các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp hai nước đã hợp tác chặt chẽ, tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, phát triển thương mại, du lịch giữa hai nước.
- Trong bối cảnh doanh nghiệp hai nước đang gặp khó khăn, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam như miễn, gia hạn nộp một số loại thuế, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Từ đó, đẩy mạnh hoạt động ĐTTTRNN của doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia, đồng thời tạo mối quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng nói chung và doanh nghiệp nước này nói riêng khi hỗ trợ các nhà đầu tư Campuchia ở Việt Nam.
- Tích cực triển khai các công tác nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hai nước, như thành lập Ủy ban Hỗn hợp về đầu tư, quảng bá hướng dẫn doanh nghiệp hai nước tiếp cận, tìm hiểu, vận dụng nội dung Hiệp định này cũng như các hiệp định đa phương khác mà Việt Nam và Campuchia tham gia để bảo vệ cho hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư.
- Hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam về hoạt động ĐTTTRNN đang từng bước được cải thiện, tạo cơ sở cho hoạt động và quản lý hoạt động ĐTTTRNN. Nghị định 78/2006/NĐ-CP được chính phủ ban hành để thay thế Nghị định 22/1999/NĐ-CP trước đây là một bước tiến trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý của Việt Nam nói chung và lĩnh vực ĐTTTRNN nói riêng. Nghị định 78/2006/NĐ-CP được ban hành với nhiều điểm mới như bổ sung các quy định về lĩnh vực khuyến khích, cấm, hạn chế đầu tư ra nước ngoài; ưu đãi đầu tư;
thời hạn tiến hành triển khai thực hiện dự án; quản lý nhà nước về ĐTTTRNN trong đó quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Thời gian cấp phép đầu tư được rút ngắn, cụ thể là chỉ còn 15 ngày so với 30 ngày như trước đây. Vốn đầu tư của những dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ
tướng cũng lớn hơn rất nhiều. Cụ thể dự án thuộc các lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, tài chính, tín dụng, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có sử dụng vốn nhà nước từ 150 tỷ đồng Việt Nam trở lên hoăc vốn của các thành phần kinh tế từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên; các dự án thuộc các lĩnh vực khác có sử dụng vốn nhà nước từ 300 tỷ đồng trở lên hoặc vốn của các thành phần kinh tế từ 600 tỷ đồng Việt Nam trở lên sẽ được Thủ tướng chấp thuận.
- Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ĐTTTRNN gián tiếp qua việc nới rộng đầu tư của ngành ngân hàng, bảo hiểm cũng góp phần quan trọng trong sự phát triển của hoạt động ĐTTTRNN. Vì các ngành này có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp đầu tư, cụ thể là hỗ trợ trong việc huy động vốn, chuyển tiền ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận về nước và tư vấn tài chính.
- Thông tư số 97/2002/TT-BTC quy định về chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, cụ thể trên các loại máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu…xuất khẩu ra nước ngoài để tạo tài sản cố dịnh cho dự án đầu tư của các doanh nghiệp sẽ được miễn thuế xuất khẩu và thuế suất VAT 0%. Các khoản thu của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài, nếu đã chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài thì khi tính thuế tại Việt Nam, doanh nghiệp đó sẽ được trừ phần đã nộp ở nước ngoài. Bên cạnh đó, thuế thu nhập của các đơn vị này, nếu đã được miễn, giảm theo luật pháp của nước sở tại, cũng sẽ được trừ khi xác định thuế lại tại Việt Nam.
- Các cơ quan chức năng của hai nước thời gian qua đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc triển khai các thoả thuận hợp tác đã có, nghiên cứu đề xuất các chương trình hợp tác mới, đặc biệt là việc ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa hai nước, trong đó có bổ sung những nội dung cụ thể về tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hai nước như tạo môi trường cần thiết cho các hình thức đầu tư, đơn giản hoá thủ tục đăng ký
và chấp thuận đầu tư, tăng cường quảng bá thông tin đầu tư, luật pháp, chính sách, cung cấp các dịch vụ tư vấn cho nhà đầu tư. 72