CHƯƠNG 1: NHỮNG LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP RA NƯỚC NGOÀI
1.4 CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG TÁC ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI
1.4.2 Từ phía nước nhận đầu tư
Theo kết quả nghiên cứu thực nghiệm “Các nhân tố tác động đến đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước đang phát triển” của Nguyễn Thị Liên Hoa và Bùi Thị Bích Phương (2014)7, các nhân tố sau đây có tác động đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các quốc gia đang phát triển:
- Nhân tố quy mô thị trường.
7 http://www.uef.edu.vn/wp-content/uploads/2014/03/Nghien-cuu-cac-nhan-to.pdf [truy cập ngày 22/11/2014]
- Nhân tố cơ sở vật chất (cơ sở hạ tầng) - Nhân tố tổng dự trữ
- Nhân tố độ mở thương mại - Nhân tố chi phí lao động
1.4.2.1 Nhân tố quy mô thị trường:
Quy mô thị trường thể hiện qua chỉ số GDP với sự tác động cùng chiều lên dòng vốn FDI tại các quốc gia đang phát triển. Điều này hàm ý rằng những quốc gia có quy mô thị trường lớn (GDP cao hơn) sẽ thu hút được một lượng vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
1.4.2.2 Nhân tố cơ sở vật chất (cơ sở hạ tầng):
Kết cấu hạ tầng có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhất là ảnh hưởng đến tốc độ chu chuyển vốn và vòng đời sản phẩm. Hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm cả mạng lưới giao thông, hệ thống thông tin liên lạc và các cơ sở dịch vụ tài chính ngân hàng. Trình độ cơ sở hạ tầng phản ánh trình độ phát triển của mỗi quốc gia, là đại diện hình ảnh của đất nước và toàn diện về cơ sở hạ tầng luôn được đề ra như một yêu cầu hàng đầu đối với hoạt động thu hút vốn đầu tư.
Các quốc gia có cơ sở hạ tầng được cải thiện và tốt hơn sẽ có lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ sở hạ tầng tốt và phát triển cũng làm tăng năng suất lao động của đầu tư vì vậy sẽ hấp dẫn FDI chảy vào nhiều hơn. Ngược lại, sự nghèo nàn và lạc hậu của hệ thống cơ sở hạ tầng cũng là một trong những trở ngại lớn đối với hoạt động đầu tư.
1.4.2.3 Nhân tố tổng dự trữ:
Tổng dự trữ tác động theo tỷ lệ thuận với dòng vốn FDI, hàm ý rằng nếu quốc gia đó tích lũy càng nhiều thì càng giúp quốc gia đó thu hút được nhiều vốn FDI hơn, bởi khi quốc gia tăng dự trữ sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào khả
năng đảm bảo thanh toán nghĩa vụ nợ nước ngoài của nền kinh tế, khả năng hỗ trợ giá trị của đồng nội tệ, thể hiện khả năng đảm bảo tài chính của quốc gia đó.
Từ đó, tạo ra một môi trường đầu tư ổn định, một trong những yếu tố quan trọng trong việc xem xét quyết định đầu tư ra nước ngoài của các công ty đa quốc gia.
1.4.2.4 Nhân tố độ mở thương mại:
Nhân tố độ mở thương mại có tác động cùng chiều lên dòng vốn FDI tại các quốc gia đang phát triển. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến độ mở kinh tế của quốc gia nước chủ nhà khi quyết định nơi đầu tư tại các quốc gia đang phát triển.
Độ mở thương mại bị tác động bởi các yếu tố như:
- Môi trường pháp luật: Hệ thống pháp luật bao gồm các văn bản luật, các quy định, các văn bản quản lý hoạt động đầu tư…phản ánh được sự hấp dẫn của nước sở tại. Các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến các nội dung như: sự đảm bảo pháp luật đối với các tài sản tư nhân và môi trường cạnh tranh lành mạnh; quy chế pháp luật của sự phân chia lợi nhuận, quyên hưởng lợi nhuận đối với các hình thức vận động cụ thể của vốn nước ngoài tại các nước sở tại.
- Cơ chế, chính sách kinh tế của nước tiếp nhận: liên quan trực tiếp đến khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của một quốc gia. Điển hình như: chính sách tiền tệ, chính sách giá cả, các biện pháp chống lạm phát, chính sách thương mại, chính sách thuế và những ưu đãi… Đây là những chính sách phản ánh khả năng sinh lợi của vốn đầu tư, hay là sự bảo đảm an toàn cho khả năng sinh lợi của đồng vốn. Trong đó, hai công cụ là lãi suất và tỷ giá hối đoái không chỉ có ý nghĩa đối với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp thông qua vai trò ổn định nền kinh tế mà còn tác động trực tiếp đến dòng chảy của vốn. Mức lãi suất cao sẽ bảo đảm cho việc ngăn chặn vốn chảy ra ngoài và huy động vốn trong nước, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc chi phí cao làm giảm lợi nhuận của các nhà đầu tư.
Một trong những chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của quốc gia là cán cân thanh toán. Cán cân thanh toán dùng để theo dõi các khoản thanh toán và khoàn thu từ các nước khác. Chính phủ thường quan tâm khi đất nước họ có sự thâm hụt tài khoản vãng lai hay không, và tài khoản vãng lai ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Thâm hụt tài khoản vãng lai phát sinh khi một quốc gia nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Cách duy nhất để hỗ trợ thâm hụt tài khoản vãng lai về dài hạn là bán tài sản cho doanh nghiệp nước ngoài.
1.4.2.5 Nhân tố chi phí lao động:
Chi phí lao động có tác động cùng chiều lên dòng vốn FDI. Điều này có thể là khi mức lương cao hơn phản ánh trình độ của người lao động ngày càng nâng cao, do đó, tác động tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại những quốc gia đó.