Chương 3: VIỆT HÓA – HIỆN ĐẠI HÓA NHẠC ĐIỆU THƠ
3.1. Duy trì và phát triển các điệu thơ dân gian Việt
3.1.2. Duy trì và tạo sinh điệu hát
Điệu hát là khái niệm tạm quy ước cho nhóm các thể thơ mang chủ âm nhịp chẵn, vần lưng với hình thái tiết tấu, giai điệu có gốc từ ca dao dân ca với thế nguyên hợp giữa lời và nhạc trong nghệ thuật diễn xướng.
Trong cả dàn hợp xướng của nhạc điệu truyền thống, các chủ âm của điệu hát thực sự đóng vai trò chi phối tất cả các thể thơ khác nhau và tác động sâu sắc vào quy luật tạo sinh và cải biến của Thơ Mới. Kịch tính nội tâm của con người hiện đại bắt gặp mạch nguồn trữ tình của dân tộc đã từng âm thầm tuôn chảy trong các điệu hát ru để dẫn đến một cuộc kế thừa và cải biến lần thứ hai điệu thơ dân tộc kể từ sau Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm rồi vắt qua Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Dương Khuê…
Và không phải ngẫu nhiên mà điệu hát Việt chiếm gần nửa phần Thơ Mới (450/1045 bài), chưa kể các hạt nhân của nó đã thâm nhập vào hệ thi pháp Hán cổ điển để đi đến khả năng Việt hóa một cách toàn diện nền thi ca Việt.
3.1.2.1. Lục bát truyền thống (150/1045 bài trong Thơ Mới) khi leo đến đỉnh Truyện Kiều, chừng như không còn gì để tạo sinh và cải biến nữa. Truyện Kiều đã đạt đến sự mẫu mực về những cải biến giai điệu lẫn tiết tấu để trở thành quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Vì thế, Thơ Mới chỉ còn kế thừa những gì thiên tài tiền bối của họ đã làm và chỉ cải biến cục bộ trên nền những gìđã có.
Thế Lữ kế thừa lục bát chuẩn mực về giai điệu cả bằng trắc lẫn vần, chỉ tạo nên các điếm nhấn tiết tấu bằng các dấu câu của ngữ điệu biểu cảm tạo áp lực co giãn các bước sóng âm làm thay đổi nhịp đều đặn, đơn điệu của lục bát:
Trời cao, xanh ngắt. – Ô kìa Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo dòng suối bên người tiên nga:
Khi cao, vút tận mây mờ,
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh, Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trên không...
(Thế Lữ- Tiếng sáo Thiên Thai)
Thơ khác với âm nhạc ở tính tự động của diễn xướng âm thanh. Trong cái bội số chung 6 – 8, lục bát dễ đẩy người đọc tự phân đoạn các bước sóng đều đặn theo nhịp đôi nếu không có trở ngại bởi áp lực của sự kết hợp từ ngữ trên trục ngữ đoạn.
Dùng lục bát miêu tả tiếng sáo du dương, Thế Lữ thả tâm hồn cùng với thứ âm thanh huyền hoặc: Trời cao, xanh ngắt/. – điệu thơ vận động từ thấp đến cao, âm trắc- tắc ngắt nhịp đột ngột giữa dòng, phân giải cú pháp của câu lục nhịp chẵn liền mạch thành đứt đoạn với một nốt lặng biểu cảm, chừng như tiếng sáo vút lên dựng đứng và lửng lơ giữa không trung. Phần dư của câu lục: Ô kìa bắc cầu nối dài sang câu bát: Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai,không gian như nới giãn ra thành mênh mang vô tận. Ở đây, ngữ điệu biểu cảm (thể hiện qua các dấu ngắt ngữ) đã tham dự vào cấu trúc nhạc điệu để co giãn trường độ khả biến của nhịp chẵn. Nhịp của bài thơ khi nhặt khi khoan, khi đứt đoạn khi liền mạch bởi động lực bên trong các bước sóng âm thanh. Tiếng sáo Thiên Thai là tiếng sáo của một tâm hồn lãng mạn, mà âm thanh của nó chừng như lướt qua mặt cỏ tươi, tràn ngập qua rừng non, rủ rỉ qua kẽ lá, ngưng đọng sau áng mây, nối dài trong không gian, bay vút trong vô tận…
Huy Cận không có công làm mới lục bát, nhưng lục bát của ông bài nào cũng hay: cái hay của giai điệu trầm lắng, mênh mang của một tâm hồn ảo não bắt nhịp với cái buồn nỉ non, miên man của những điệu hát ru hời. Lợi dụng đặc điểm chất liệu ngữ âm tiếng Việt, Huy Cận tạo nên sự cộng hưởng của những điệp âm mà sự tích tụ các năng lượng âm vị học trên các dòng thơ có khả năng lan tỏa, vang xa và thấm đượm trong hồn:
Rơi rơi… dìu dịu rơi rơi…
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ…
(Huy Cận –Buồn đêm mưa) Trơ vơ buồn lọt quán chiều,
Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người (Huy Cận –Đẹp xưa) Buồn gieo theo gió veo hồ
Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa Đồn xa quằn quại bóng cờ
Phất phơ buồn tự thuở xưa thổi về
(Huy Cận- Chiều xưa)
Sự cộng hưởng của những nguyên âm hàng hai nửa khép nửa mở với những đối lập ngắn và dài (e,o và iê, uo), âm u và thanh thoát (o, uo và ơ, ê, iê); trong sự đối lập ấy luôn có sự chuyển tiếp bởi những âm phụ cận có tính trung gian (ươ, ưa) tạonên vẻ đẹp mơ màng tinh tế trong lục bát Huy Cận. Đó là thứ chất liệu âm thanh đã được chắt lọc trong hồn của nhà thơ, chúng được hình thức hoá bằng nhịp điệu của âm luật để sinh ra nỗi buồn vu vơ, mơ hồ, mênh mang, xa vắng có thể nối kết với bao nỗi buồnthiên cổ.
Huy Cận không là nhà phá cách. Biến tấu nhịp điệu của lục bát Huy Cận vẫn nằm trong khả năng tuỳ biến theo phương thức luyến láy đã có từ Nguyễn Du:
Sầu thu lên vút,/ song song/
Với cây hiu quạnh,/ với lòng quạnh hiu/…
(Huy Cận –Thu rừng) Gió đưa hơi,/ gió đưa hơi/
Lá thơm/ như thể da người:/ lá thơm…/
Da chiều/ mới tỏ sao hôm/
Màu thanh thiên/ đã vào ôm/ giữa hồn/…
(Huy Cận –Trông lên)
Ngay cả việc tạo sinh ở một số nhà thơ mới bằng cách lấy chủ âm nhịp chẵn chêm âm tiết vào ô nhịp để biến thành hình thức luyến láy của nhịp lẻ làm cho điệu thơ réo rắt hơn cũng hoàn toàn nằm trong từ trường của ca dao dân ca:
Anh nghĩ cái hàn anh mới thực đáng tôn,
Bởi chưng nó là hàn thực chính môn gia truyền.
Còn hơn ai hàn hão hàn huyền, Ra luồn vào cúi mất tiền công danh.
(Tú Mỡ- Ông hàn) Chàng nên khanh tướng công hầu
Vợ hiền yêu quý sắp mất đầu vì nỗi thủy chung (Hoàng Cầm –Kiều Loan)
Những bài thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải phổ theo các điệu hát xẩm, hát ru, với âm hưởng mênh mang nỗi niềm của lục bát truyền thống nhưng nhờ biến nhịp dẫn đến biến hình tiết tấu với câu chữ dài ngắn khác nhau tưởng như lối thơ tự do:
Anh khóa ơi! Em tiễn chân anh ra tận bến tàu Hai tay em bưng lấy cái khăn giầu
Em trao lại cho anh
Tay em cầm giầu giọt lệ chảy quanh Mời anh xơi một miếng
Cho bõ chút tình anh nhớ mong!
(Trần Tuấn Khải –Duyên nợ phù sinh) Em bước chân ra
Con đường xa tít Bên vai kĩu kịt Nặng gánh em trở về
Em ngảnh cổ trông sông rộng trời khuya Vì chưng nước cạn nặng nề em dám kêu ai Em tiếc công bà Nữ Oa đội đává trời Con dã tràng lấp bể biết đời nào xong Bước đêm khuya thân gái ngại ngùng
Nước non gánh nặng đức ông chồng hay hỡi có hay?
(Trần Tuấn Khải –Gánh nước đêm)
Biến nhịp lục bát trong Thơ Mới nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi từ trường của lục bát truyền thống; chỉ mới ở chỗ, Thơ Mới thích sự so lệch hơn sự cân đối, nhiều
điệp luyến láy hơn, lấy áp lực của ngữ điệu (qua các dấu ngắt ngữ) chống khả năng tự động hoá của vần điệu, nhịp điệu: Bóng, tôi, tôi, bóng trùng trình / Bên đường làn sóng rung rinh ánh vàng/…; Vượt đồi, lẩn khóm tre già/ Nàng, tôi đuổi mãi…
canh tà, tà canh/ (Thao Thao–Đuổi bóng). Kìa em!– Đừng hỏi nữa em/ Chim lồng đã vụt, theo lên gió ngàn/ Rung lòng: lá động chiều tan/ Nhặt đi, em “cánh thơ vàng” đang rơi/ (Trần Huyền Trân – Những cánh thơ vàng)… Nguyễn Bính là người điêu luyện hơn cả trong biến nhịp lục bát, không chỉ làm sống lại điệu hồn ngàn năm của thi ca Việt mà còn hiện đại hóa cái nhịp điệu tưởng chừng đã thành đơn điệu, cổ điển:
Dừng chân/ trước cửa nhà nàng/
Thấy hoa vàng/ với bướm vàng/ hôn nhau/
(Nguyễn Bính –Dòng dư lệ) Lợn không nuôi/ đặc ao bèo/
Giầu không dây/ chẳng buồn leo/ vào giàn/
Giếng thơi/ mưa ngập nước tràn/
Ba gian/ đầy cả ba gian/ nắng chiều…/
(Nguyễn Bính –Qua nhà)
Lỡ bước sang ngang là kiệt tác của lục bát hiện đại với những biến nhịp bất ngờ đầy biểu cảm. Cái nhịp chuẩn đều đặn trong cơ chế tự động của lục bát chỉ được nhà thơ sử dụng trong những dòng thơ có tính tự sự. Nó trôi theo sự kiện để nối kết các mạch cảm xúc khác nhau. Nhưng mỗi khi có sự đột biến bởi sự tham dự của ngữ điệu, mạch thơ bị ngắt bất thường. Nó đau đớn và chua chát:
Chuyến này/ chị bước sang ngang/
Là tan vỡ/ giấc mộng vàng/ từ nay/
Rượu hồng/ em uống cho say/
Vui cùng chị/ một vài giây/ cuối cùng/
(Rồi đây/ sóng gió ngang sông,/
Đầy thuyền hận,/ chị lo/ không tới bờ)/
Nó cay đắng và nghẹn ngào:
Đêm nay/ là trắng ba đêm/
Chị thương chị/ kiếp con chim/ lìađàn/
Nó bịn rịn và tủi hận:
Chị tôi/ nước mắt đầm đìa/
Chào hai họ/ để đi về/ nhà ai/
Mẹ trông theo/ mẹ thở dài/
Giây pháo đỏ/ bỗng rung trời/ nổ ran/
Khi cái dòng chảy đầy kịch tính ấy trở lại nhịp điệu bình thường vẫn chứa đựng sự lâm li tuyệt vọng:
Năm xưa/ đêm ấy/ giường này/
Nghiến răng…/ nhắm mắt…/ cau mày…/ cực chưa!/
Thế là/ tàn một giấc mơ/
Thế là/ cả một bài thơ/ não nùng/
Nhịp đôi trong hai dòng lục bát đầu như một định chuẩn của điệu thơ nhưng vẫn có sự đột biến bởi tính khả biến của nhịp chẵn và sự tác động của ngữ điệu: mỗi nhịp như cắt dòng thơ ra từng mảnh bởi các khoảng lặng (biểu thị bằng các dấu chấm lửng sau mỗi ô nhịp), đứt đoạn và quyết liệt, giằng xé và dữ dội. Dòng chảy âm thanh như đẩy lên đến đỉnh điểm của nỗi đau thân phận. Đến cặp lục bát tiếp theo, vẫn nhịp chẵn nhưng điệp song song trong thế so le 2/4 và 2/4/2, nhịp thơ giãn và dồn, buông xuôi và tuyệt vọng, bàng hoàng và day dứt...
Lục bát có âm hưởng hài hòa du dương mà những cải biến về giai điệu để tạo nên các nghịch âm chừng như khó có thể xảy ra. Tính khả biến trong sáng tạo chỉ có thể khai thác ở các vị trínhất tam ngũ bất luận. Tuy nhiên, cái gọi là nhị tứ lục phân minh ởlục bát định hình không chặt chẽ, cho nên nhà thơ khi cần có thể phá luật.
Lấy dòng bát đóng vai trò chủ đạo về chuẩn mực bằng trắc, các nhà Thơ Mới thể nghiệm kiểu dòng lục bất quy tắc:
Cách mấy mươi con sông sâu
Và trăm ngàn vạn nhịp cầu chênh vênh
(Nguyễn Bính –Lỡ bước sang ngang) Ớ Địch ơi! Lệ có nguồn
Hãy chia bớt nửa nỗi buồn sang tôi
(Hàn Mặc Tử-Này đây lời ngọc song song) Hồn bay! hồn bay! hồn bay!
Ngửa nghiêng tắm mát vàng lay nhạc hường...
(Bích Khê–Mơ tiên)
Như vậy, luật cao thấp của ngữ âm Việt phát huy tác dụng. Lục bát vẫn có cái chênh vênh của giai điệu bởi độ căng hoặc chùng của những âm bất trị (Jakobson) để chuyển tải những rung động bất thường. Tất nhiên, sáng tạo như thế không nhiều để làm mới hẳn một điệu thơ đã thành thói quen tự động trong thơ ca dân tộc.
Tạo sinh – cải biến nhưng lục bát không tự hủy bởi sự tồn tại bền vững các nhân tố chủ âm của thể điệu. Trên con đường hiện đại hóa, chiếc áo lục bát vẫn duyên dáng như chính cái duyên dáng trong điệu hồn dân tộc, nó nối liền cảm xúc sống động của cái tôi trong buổi giao thời với tiếng hát buồn vui của cộng đồng xưa cũ và thanh lọc những hỗn tạp của cuộc sống hiện đại. Với sức sống mạnh mẽ tự nhiên của thứ âm luật quy phạm mà vẫn tự do, lục bátungdung đi vào Thơ Mới với những nỗi niềm rung động tinh vi. Khi khẽ khàng như gió thoảng: Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều/ Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn (Xuân Diệu –Chiều); lúc dịu vợi mông lung: Trời không nắng cũng không mưa/ Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung (Hồ Dzếnh – Mầu thu năm ngoái); khi hắt hiu xa vắng: Thu nào quá đỗi cô liêu/ Bờ hun hút lạnh nắng hiu hiu buồn (Nguyễn Đình Thư –Sang ngang); lúc đĩnh đạc thung dung: Cổng làng rộng mở. Ồn ào/ Nông phu lững đững đi vào nắng mai (Bàng Bá Lân – Cổng làng); khi chập chờn hư thực: Hiu hiu trời tắt nắng chiều,/
Chõ xôi trong bếp phì phèo lên hơi (Đoàn Văn Cừ - Chơi xuân)… Thơ Mới khoác chiếc áo lục bát để tìm về cội nguồn những điệu hò mang mang sông nước, tiếp tục cái nỗi niềm thống thiết của cha anh đầu thế kỉ: Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò (Tú Xương- Sông Lấp).
3.1.2.2. Song thất lục bát, như chương trước đã nói, là một tạo sinh chuẩn của điệu hát nhưng mang trong mình nó thêm thứ quy phạm của sự tề chỉnh đăng đối giữa các cặp đôi. Tính tự do, vì thế, bị giới hạn lại. Nó được nâng lên thành tuyệt tác của những khúc ngâm cổ điển cuối thế kỉ XIX, rồi được tái sử dụng ở những diễn ca đầu thế kỉ XX, và chỉ còn rơi rớt lại ở một số ít (19/1045 bài) trong cả phong trào Thơ Mới. Rất dễ nhận thấy, trong 19 bài song thất lục bát ấy, tính hàn lâm cổ điển như đăng đối tề chỉnh không còn nữa mà quy hồi trạng thái song thất lục bát haylục bátsong thấttự nhiên hơncủa dân gian:
Gió mây đuổi giấc mơ màng
Tỉnh ra thấy ánh trăng vàng bên chăn
Trước cửa sổ, đầy sân những bóng Cành lá đen lay động vật vờ…
(Thế Lữ- Thức giấc) Hồn tôi đấy: căn trường nho nhỏ,
Nước vôi xanh, bờ cỏ tươi non Lâu rồi, còn thoảngmùi thơm,
Chân đi nghe động tới hồn ngây thơ…
(Hồ Dzếnh –Trưa vắng)
Trong điều kiện ấy, lối thơ thất ngôn Việt với chủ âm nhịp chẵn và vần lưng có thể được thể nghiệm cho sự tồn tại độc lập như đã từng xuất hiện trong ca dao:
Khi thu sang dưới bầu mây phủ, Khom lưng mềm, liễu rủ bên sông, Ta thôi để thuyền bông tha thướt, Vẩn vơ bơi trên nước Nhị Hà…
(Phạm Huy Thông –Huyền Trân công chúa) Hoài Thanh cho rằng song thất lục bát “cơ hồ chết”[136, tr.40] có lẽ bởi tính quy phạm của nó. Những thể nghiệm khác trên nền điệu hát Việt có thể hạn chế hoặc thành công tuỳ thuộc vào khả năng tạo sinh và cải biến tự do của chúng.
3.1.2.3. Lục ngôn thời Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm nép mình trong thất ngôn điệu ngâm luật Đường như một sáng tạo có tính đột phát, bây giờ được thể nghiệm như một thể thơ độc lập. Bài thơ Bốn mùa của Huyền Kiêu:
Xuân hồng, có chàng đến hỏi:
- Em thơ, chị đẹp em đâu?
- Chị tôi hoa thắm cài đầu Đi đuổi bướm vàng ngoài nội.
Hè đỏ, có chàng đến hỏi:
- Em thơ, chị đẹp em đâu?
- Chị tôi khăn thắm quàng đầu Đi giặt tơ vàng bên suối…
……
Do cái bội số 6 với cách phân nhịp toàn chẵn (2/2/2; 2/4; 4/2) hoặc toàn lẻ (3/3), nên khi tồn tại độc lập, lục ngôn rất dễ rơi vào sự cân bằng tĩnh đến mức mất
hết động lực của sóng âm. Trong thơ dân gian, dòng lục phải đi với dòng bát cùng với vần lưng để tạo thế so lệch co giãn và thúc đẩy sóng âm. Trong thơ bác học, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải đặt dòng lục tựa vào dòng thất ngôn Hán, lấy nhịp mạnh tiếp nối và thúc đẩy nhịp yếu để phá vỡ sự cân bằng tĩnh. Mặc dù Huyền Kiêu đã xử lí cái nhịp so le ngắn - dài (2/4), kể cả dùng ngữ điệu biểu cảm, nhưng sóng âm vẫn trì trệ, chúng không phát huy được sự tùy biến của nhịp chẵn để âm điệu ngân vang như lục bát hay các thể thơ mang chủ âm nhịp chẵn khác.
Và vì thế, lục ngôn trong Thơ Mới vẫn phải một lần nữa nép mình trong các thể thơ khác để tồn tại. Hoặc lục ngôn trở lại hợp thể với tứ ngôn như trong ca dao:
Gió lộng bốn phương Giang hồ rượu ngấm Xa vời bể thẳm Một kiếp mênh mông
Ba mươi sáu bến bềnh bồng!
Thuyền ơi! Neo chưa buồn cắm Mang mang nỗi buồn ngàn dặm
(Lưu Trọng Lư –Gió)
Khi lụcngôn nằm trong hợp thể với thơ tám chữ, âm hưởng có khả năng tương hòa như chính sự tạo sinh của điệu thơ nhịp chẵn:
Tôi là một kẻ điên cuồng Yêu những ái tình ngây dại Tôi cứ bắt lòng tôiđau đớn mãi Đau vô duyên, đau không để làm gì
(Xuân Diệu –Thở than)
Lục ngôn xuất hiện trong Thơ Mới chỉ làm cho điệu hát thêm phần linh hoạt, trong cái ngân nga của điệu hát có thêm phần nhộn nhịp của một điệu múa lâm thời, nếu hình dung các câu lục ngôn bị ngắt theo nhịp của động tác như đồng dao.
Trong cái không khí ban đầu của nền tân nhạc Việt với Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Hoàng Quý, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao… có một Thế Lữ dạo nên khúc dạo đầu cho nền Thơ Mới với âm hưởng sang trọng của một thứ giai điệu tiết tấu mới mẻ, nhưng lại dựa trên nền chủ âm nhịp chẵn của tứ ngôn, lục ngôn, bát ngôn Việt: