Chương 3: VIỆT HÓA – HIỆN ĐẠI HÓA NHẠC ĐIỆU THƠ
3.2. Việt hóa các điệu thơ hàn lâm Hán cổ điển
3.2.2. Biến tấu nhịp điệu Hán bằng tác động của nhịp điệu Việt
Tiết tấu, cái tưởng chừng bất định trên đôi chân vững chãi của điệu ngâm Hán, cũng có những biến đổi bởi sự xâm nhập của nhịp điệu Việt. Đây là sản phẩm tất yếu trên hành trình dung hợp giữa hai hình thái cấu trúc Việt – Hán mà đến Thơ Mới mới phát huy một cách dân chủ. Chủ âm nhịp chẵn của ngũ ngôn, thất ngôn Việt cùng với sự can thiệp của ngữ điệu có thể tác động lên chủ âm nhịp lẻ của ngũ ngôn, thất ngôn Đường luật để tạo nên các tiết tấu thuận nghịch đa dạng. Nguyễn Khuyến và Tú Xương thỉnh thoảng từng phá cách theo hướng này:
Trải bao trăng gió/ xuân già giặn/
Trời dẫu già,/ nhưng núi vẫn non./
(Nguyễn Khuyến –Chơi núi Non Nước) Trồng ngô/ lại trồng đậu,/
Cấy chiêm/ lại cấy mùa./
Ăn không hết/ thì bán/
Bán đã có/ Tây mua!/
(Tú Xương –Ngẫu Hứng) Và Tản Đà:
Còn thơ còn rượu/ còn xuân mãi/
Còn mãi xuân,/ còn rượu với thơ/
(Tản Đà–Ngày xuân thơ rượu)
Biến nhịp với sự xung đột giữa hai hình thái tiết tấu như thế trở thành phổ biến trong Thơ Mới. Bài ngũ ngôn của Trần Huyền Trân có sự phối hợp tài hoa cả hai hình thái nhịp lẻ trước - chẵn sau và chẵn trước – lẻ sau mà không bị cảm giác bất trắc của hiện tượng nhịp lệch: “Mang tiếng/ đầm Liên Hoa/ Là ao bèo/ nước cống/
Mang tiếng/ làng Văn Chương/ Là xóm nghèo/ lao động/”…(Mẹ nuôi con).
Nhịp lẻ của ngũ ngôn Hán thuộc hình thái (2) bất định, trong trường hợp này đã luân phiên chuyển hóa thành hình thái (1) khả biến bởi tác động của các nhịp chẵn Việt (xemChương 2, mục 2.2.1.2). Vì thế hiện tượng nhịp lệch của bài thơ này thể hiện rất tinh tế, lệch mà không lệch bởi tiết tấu gần như vận động luân phiên liền mạch theo chủ âm nhịp chẵn của điệu hát ru dân gian.
Các bài thơ ngũ ngôn của Thơ Mới, dù ít dù nhiều đều có những biến tấu như thế. Cái tiết điệu thuần Hán đã không còn thuần Hán nữa:
Em xé toang/ hơi gió/
Em bóp nát/ tơ trăng/
Em túm/ muôn trời lại/
Em cắn/ vỡ hương ngàn/
(Hàn Mặc Tử-Hương điên) Hôm nay/ đi chùa Hương/
Hoa cỏ/ mờ hơi sương/
Cùng thầy me/ em dậy/
Em vấn đầu/ soi gương/...
(Nguyễn Nhược Pháp –Chùa Hương) Ngũ ngôn vì thế khi đi vào Thơ Mới đã mang âm hưởng ngọt ngào, say đắm khác với sự thâm trầm kín đáo của ngũ ngôn Đường luật, kể cả cổ phong Hán.
Những bài ngũ ngôn của Lưu Trọng Lư được xem là giàu nhạc tính, thực ra cái nhạc tính ấy gắn liền với giai điệu tiết tấu của điệu hát Việt và ngữ điệu cảm xúc của nhà thơ, nó ngân nga bay bổng bởi tính khả biến của nhịp chẵn, chống chọi áp lực tự động hóa của ngũ ngôn điệu ngâm Hán với sự điều hoà chẵn trước- lẻ sau:
Đôi mắt em/ lặng buồn/
Nhìn thôi/ và chẳng nói/
Tìnhđôi ta/ vời vợi/
Có nói/ cũng khôn cùng/
Yêu hết/ một mùa đông/
Không một lần/ đã nói/
Nhìn nhau/ buồn vời vợi/
Có nói/ cũng khôn cùng/…/
(Lưu Trọng Lư –Một mùa Đông)
Sự xen kẽ lẻ trước – chẵn sau và chẵn trước – lẻ sau đã làm chođiệu thơ biến hóa linh hoạt, miên man và khúc chiết, mông lung và lắng sâu,êmả và thánh thót.
Biến nhịp theo cách tạo nên hiện tượng đảo phách làm cho tiết tấu trở nên sinh động từng là phong cách của âm nhạc Việt, các nhà âm nhạc học cổ truyền gọi là
“chấm giật” [113, tr.427] được phát huy ở Thơ Mới:
Hỡi khách sang đây/ với bạn tình/
Vui đi!/ người được/ mấy xuân xanh?/
Ưu tư chi/ để sầu mây nước,/
Kìa cánh hoa/đùa rỡn trước cành/
(Thế Lữ- Tiếng gọi bên sông) Tiếng ca ngắt /– cành lá rung rinh/
Một nường con gái/ trông xinh xinh/
Ống quần vọ xắn/ lên trên gối/
Da thịt, trời ơi!/ trắng rợn mình/
(Hàn Mặc Tử- Nụ cười) Tết:/ bánh chưng xanh/ xếp chật nồi,/
Con Vàng sợ pháo/ chạy cong đuôi./
Cô nào đi lễ/ khăn vuông mới,/
Chiếc yếm đào/ trông đến đẹp tươi./
(Đoàn Văn Cừ- Làng)
Hiện tượng đảo phách, nghịch phách xuất hiện nhiều trong điệu thơ thất ngôn cũ kĩ ấy chứng tỏ Thơ Mới không hoàn toàn rơi vào cơ chế tự động bởi hấp lực của thi luật Đường tưởng chừng đãăn mòn trong máu thịt của thi nhân Việt.
Cách giãn– dồn nhịp bất thường làm cho thất ngôn Nguyễn Bính mang cái xao động của sông nước trời Nam hơn là điệu ngâm cổ kính mượn từ phương Bắc:
Nhưng rồi người khách tình, xuânấy Đi biệt không về với… bến sông,
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi, Mấy lần cô lái mỏi mòn trông.
(Nguyễn Bính -Cô lái đò)
Chính ngữ điệu biểu cảm cắt thất ngôn Vũ Hoàng Chương thành từng mảnh âm thanh để tung ra bầu trời lãng du bất tận của tâm hồn:
Cuộc đi: khói, rượu, thơ, tình, mộng Ăm ắp đầy then, chẳng mượn đời.
(Vũ Hoàng Chương –Ghé bến trần gian) Phạm Huy Thông luôn có ý thức biến nhịp tự do để điệu thơ không bị trôi tuột theo thói quen tự động của thi luật Hán, sự ngắc ngứ trong mỗi âm đoạn buộc người đọc phải chăm chú vào âm vang của từng từ ngữ:
Ai chẳng vì em thổn thức lòng Khắp trong bầu vũ trụ mơ mòng?
Vì, ngàn thu, em son, em trẻ Với ngàn thu em đẹp tựa hồng
(Phạm Huy Thông –Chiều hôm qua…) Nhịp khi đãđược chuẩn hóa thành sóng âm với chu kìđều đặn, cái ưu thế của sự nhịp nhàng âm thanh lại là cái nhược điểm của sự trôi tuột về ngữ nghĩa. Người đọc quên mất sức nặng của chữ. Sự ngắc ngứ trong các câu thơ trên được tạo ra do áp lực cú pháp, cần xem đó là ngắt nhịp giả- nhịp lâm thời cho sóng âm thanh vận động có trật tự trong thời gian, nhưng đó lại là những dấu hiệu nhận biết cho sự tổ chức không gian: mọi sự đối xứng bị phá vỡ, các sóng âm vận động bất thường như kiểu tiết tấu “chấm giật” thường gặp trong dân ca cổ truyền Việt Nam [113, tr.427].
Sự thay đổi hình tiết tấu câu thơ thất ngôn của Phạm Huy Thông có kéo theo sự thay đổi hình giai điệu để mang một âm hưởng lạ tai khác hẳn âm hưởng điều hoà của điệu ngâm luật Đường lẫn thất ngôn trong song thất lục bát:
Ở chân trời trăng đã lặn rồi Tiếng gà văng vẳng eo óc gáy
(Phạm Huy Thông- Dăm bài ca) - Lòng ta buồn, lạnh, vì chưng thiếu,
Tia hào quang sáng cặp mắt trong
- Đằng đẵng, trăm năm dù chậm chảy, Ta không gặp kẻ ta đợi chờ!
(Phạm Huy Thông- Mộtphút ái ân)
Vẫn nằm trong cái âm hưởng chung của Thơ Mới, nhưng thơ Phạm Huy Thông đi trên đôi chân của một thứ tiết tấu tinh nghịch, giai điệu sáng trong, giống như các quãng trưởng xen vào trong điệu thứ của âm nhạc hiện đại phương Tây.
Sử dụng lại ngũ ngôn, nhất là thất ngôn Hán quá nhiều đến mức ta có cảm giác Thơ Mới chưa thoát khỏi hấp lực của thi ca hàn lâm Hán, nhưng thực chất đi vào chiều sâu cấu trúc thể điệu, chúng ta mới thật ngạc nhiên về sự phong phú đa dạng của trào lưu thơ này. Trong khi cơchế điều chỉnh sóng âm của thi luật Đường thực hiện nghiêm ngặt trên cả 5 nhân tố: vần, nhịp, niêm, đối, bằng trắc đã mất tác dụng thì sự tùy biến của các nhân tố Việt như điệp (tương đương hình thái vần lưng), nhịp chẵn và sự phối âm cao thấp cùng sự tham dự của ngữ điệu đã có xu hướng chiếm thế ưu trội để trở thành chủ âm. Khác với lục bát và điệu hát Việt nói chung, điệu ngâm hàn lâm Hán mà tiêu biểu là Đường thi được tạo sinh đa dạng nhưng lại tự huỷ bởi sức mạnh tác động của âm luật tự nhiên Việt.