CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TRONG DẠY HỌC ĐỌC VĂN BẢN VĂN HỌC CHO HỌC SINH LỚP 2, 3
2.1. Cơ sở lí luận
2.1.1. Hoạt động trải nghiệm - quan niệm, ưu điểm và những điều cần lưu ý
a) Quan niệm
Để xác định quan niệm HĐTN, cần bắt đầu từ những hiểu biết về vấn đề hoạt động và trải nghiệm.
Hoạt động là một khái niệm được quan tâm từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Từ phương diện triết học, hoạt động thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa chủ thể và khách thể. Trong mối quan hệ này, chủ thể là con người, khách thể là hiện thực khách quan. Hoạt động là quá trình có sự chuyển hoá lẫn nhau giữa hai cực “chủ thể - khách thể”. Dưới góc độ sinh học, hoạt động là sự tiêu hao năng lượng thần kinh và cơ bắp của con người tác động vào hiện thực khách quan, nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần. Dưới góc độ tâm lí học, xuất phát từ quan niệm cho rằng cuộc sống của con người là chuỗi những hoạt động, giao tiếp kế tiếp nhau, đan xen vào nhau, hoạt động được hiểu là phương thức tồn tại của con người trong thế giới. Con người sống là con người hoạt động, hoạt động để tồn tại. Đối với con người, tồn tại là hoạt động, hoạt động cho xã hội, tập thể, gia đình và bản thân. Như vậy “hoạt động là mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới (khách thể) để tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới, cả về phía con người (chủ thể)” [3, tr.29].
Các thành tố cơ bản của một hoạt động bao gồm: chủ thể hoạt động; đối tượng hoạt động; động cơ, mục đích hoạt động, công cụ hoạt động. Hoạt động của con người luôn luôn xuất phát từ những động cơ nhất định do có sự thôi thúc của nhu cầu, hứng thú, tình cảm, ý thức trách nhiệm... Cả động cơ và mục đích cùng thúc đẩy con người tích cực và kiên trì khắc phục mọi khó khăn để đạt được kết quả mong muốn. Tuy nhiên với cùng một mục đích hoạt động như nhau có thể có những động cơ rất khác nhau (2 người cùng hoạt động nhằm hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, những người này xuất phát từ động cơ tự giác nhận thấy ý nghĩa quan trọng và lợi ích của công việc mà hăng hái thực hiện, còn người kia lại xuất phát từ động cơ sợ hãi bị trừng phạt nếu không thực hiện nghiêm chỉnh). Ngoài các yếu tố mục đích và động cơ nêu trên, hoạt động còn có đặc trưng là phải biết sử dụng các phương tiện nhất định mới thực hiện được như: công
cụ và cách sử dụng công cụ, phương tiện ngôn ngữ và các tri thức chứa đựng trong ngôn ngữ, cách thức làm việc bằng trí óc và chân tay, nghĩa là hoạt động đòi hỏi phải có các kĩ năng, kĩ xảo sử dụng các phương tiện. Hình thức cơ bản hoạt động của con người là lao động nhằm tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần để thỏa mãn các nhu cầu của mỗi người và của toàn xã hội. Trong quá trình phát triển lịch sử hoạt động lao động đã phân hoá dưới hai hình thức là trí óc và chân tay, nhưng luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.
Xã hội càng văn minh, càng phát triển thì thành phần trí tuệ trong hoạt động của con người càng tăng và lấp dần khoảng cách giữa hoạt động trí tuệ và hoạt động cơ bắp trong quá trình tạo ra các giá trị cho xã hội [3].
Trải nghiệm hiểu “theo nghĩa chung nhất là bất kì một trạng thái có màu sắc xúc cảm nào được chủ thể cảm nhận, trải qua, đọng lại thành bộ phận (cùng với tri thức, ý thức…) trong đời sống tâm lí của từng người. Theo nghĩa hẹp hơn, chuyên biệt hơn của tâm lí học, trải nghiệm là những tín hiệu bên trong, nhờ đó nghĩa của các sự kiện đang diễn ra đối với cá nhân được ý thức, chuyển thành ý riêng của cá nhân, góp phần lựa chọn tự giác các động cơ cần thiết, điều chỉnh hành vi của cá nhân” [99]. Trải nghiệm chính là quá trình con người kinh qua một hoạt động, trong môi trường, tình huống cụ thể. Nó bao gồm một phức hợp của những cảm xúc, nhận thức cảm tính, nhận thức lí tính,… mà người trải nghiệm trải qua trong quá trình tương tác với đối tượng. Trải nghiệm có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực, tình huống khác nhau, trải qua về mặt cảm xúc và nhận thức tạo nên ý nghĩa của những trải nghiệm đó.
HĐTN như vậy trước hết là hoạt động có đặc điểm nổi bật, đặc trưng là chủ thể hoạt động sử dụng phương thức kinh qua, “nhúng mình”, gắn kết chặt chẽ với đối tượng của hoạt động, sử dụng toàn bộ các giác quan vật chất, các cảm nhận tinh thần kết hợp với các hành động tư duy trong quá trình nhận thức về đối tượng.
Trong lĩnh vực GD, HĐTN được một số nhà khoa học quan niệm: “HĐTN là HĐGD thông qua sự trải nghiệm và sáng tạo của cá nhân trong việc kết nối kinh nghiệm học được trong nhà trường với thực tiễn đời sống mà nhờ đó các kinh nghiệm được tích lũy thêm dần chuyển hoá thành năng lực” [92]. “HĐTN là HĐGD thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động DH trong nhà trường. HĐTN là một bộ phận của quá trình GD, được tổ chức ngoài lớp học các môn văn hoá trên lớp và có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ các hoạt động DH. HĐTN là hoạt động mang tính xã hội thực tiễn đến với môi trường GD trong nhà trường để HS tự trải nghiệm, qua đó hình thành và thể hiện được phẩm chất, năng lực, nhận ra được năng khiếu, sở thích, đam mê, bộc lộ và điều chỉnh được cá tính, giá trị, nhận ra chính mình cũng như khuynh hướng phát triển của
bản thân bổ trợ và cùng với các hoạt động trong chương trình thực hiện tốt nhất yêu cầu cần đạt GD. Hoạt động này nhấn mạnh sự trải nghiệm, thúc đẩy năng lực sáng tạo ở HS”
[29]. Hai quan niệm trên đây về HĐTN có phạm vi được xác định ngoài môn học.
Nhưng trải nghiệm trong GD không chỉ là HĐ GD được tiến hành song song với hoạt động DH trong nhà trường mà còn có phạm vi rộng rãi hơn, gắn với cả các hoạt động DH trong môn học. Tác giả Ngô Thị Hiền Tuyên cho rằng: “HĐTN trong nhà trường cần được hiểu là hoạt động có động cơ, có đối tượng để chiếm lĩnh, được tổ chức bằng các việc làm cụ thể của HS, được thực hiện trong thực tế, dưới sự định hướng, hướng dẫn của nhà GD. Đối tượng để trải nghiệm nằm trong thực tiễn, qua trải nghiệm thực tiễn, HS có được kiến thức, kĩ năng, tình cảm và ý chí nhất định. Sự sáng tạo sẽ có được khi phải giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn phải vận dụng kiến thức, kĩ năng đã có để giải quyết vấn đề, ứng dụng trong tình huống mới, không theo chuẩn đã có, hoặc nhận biết được vấn đề trong các tình huống tương tự, độc lập nhận ra chức năng mới của đối tượng, tìm kiếm và phân tích được các yếu tố của đối tượng trong các mối tương quan của nó, hay độc lập tìm kiếm ra giải pháp thay thế và kết hợp được các phương pháp đã biết để đưa ra hướng giải quyết mới cho một vấn đề” [114]. Tác giả Trần Văn Tính cũng khẳng định: “HĐTN là hoạt động GD, trong đó, từng cá nhân HS được trực tiếp hoạt động thực tiễn trong môi trường nhà trường cũng như môi trường gia đình và xã hội dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà GD, qua đó phát triển tình cảm, đạo đức, nhân cách, các năng lực…, từ đó tích lũy kinh nghiệm riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình” [97]. Chương trình GD phổ thông 2018 xác định:
HĐTN “là hoạt động GD do nhà GD định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho HS tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học khác nhau để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai” [9].
Như vậy, tuy phạm vi rộng, hẹp và cách diễn đạt có khác nhau, song về cơ bản các nhà nghiên cứu đều xác định: trong GD, HĐTN là HĐGD, đối tượng của HĐ trải nghiệm nằm trong thực tiễn, qua trải nghiệm, HS phát triển phẩm chất và năng lực.
Kế thừa các nghiên cứu trên đây, chúng tôi quan niệm về HĐTN như sau: HĐTN là hoạt động DH mà trong đó chủ thể HS chiếm lĩnh đối tượng học tập bằng phương thức thâm nhập, nhúng mình, kinh qua, nếm trải,… từ đó chuyển hoá thành kiến thức, hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người học.
b) Đặc điểm của hoạt động trải nghiệm - HĐTN là hoạt động GD.
HĐGD là những hoạt động có mục tiêu GD được tổ chức và thực hiện trong môi trường GD để đảm bảo phát triển các kiến thức, kĩ năng của HS. HĐGD bao gồm nhiều hoạt động: học tập, thảo luận nhóm, thực hành, thí nghiệm, dự án, trò chơi… Mục tiêu của HĐGD giúp HS tiếp thu kiến thức phát triển kĩ năng, rèn luyện tư duy, khám phá và tạo ra môi trường học tập tích cực. HĐGD không chỉ diễn ra trong lớp học mà có thể tổ chức được nhiều bối cảnh khác nhau như các hoạt động ngoài lớp học, trại hè, cuộc thi, sự kiện văn hoá, tình nguyện xã hội… Mỗi HĐGD đều có một mục tiêu cụ thể được xây dựng và tổ chức một cách có hệ thống để đạt được kết quả GD mong muốn. HĐGD giúp HS phát triển kĩ năng như tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề giao tiếp, hợp tác, góp phần xây dựng nhân cách giúp HS hoà nhập với xã hội. Mỗi HĐGD có vai trò đặc biệt, tạo cơ hội để HS thực hành vận dụng kiến thức vào thực tế khám phá phát triển bản thân, rèn luyện các kĩ năng quan trọng, tạo nền tảng cho sự thành công trong cuộc sống và học tập.
Trong Chương trình GD phổ thông 2018, HĐTN là HĐGD bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Theo Thông tư 3535 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nội dung HĐTN cấp tiểu học trong Chương trình GD phổ thông 2018: HĐTN được thực hiện thông qua bốn loại hình hoạt động: sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, HĐGD theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ (câu lạc bộ là loại hình tự chọn). HĐTN được tổ chức theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường gồm 105 tiết/năm học, trong đó: 35 tiết sinh hoạt dưới cờ (nhóm lớn, quy mô trường); 35 tiết sinh hoạt lớp (nhóm lớn, quy mô lớp học); 35 tiết HĐTN theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ (quy mô lớp học, nhóm lớp học). HĐTN được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học.
Nội dung HĐTN tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình, phù hợp với lứa tuổi. Ngoài các nội dung HĐTN được quy định trong chương trình, các trường có thể tổ chức một số HĐGD ngoài nhà trường, hoạt động câu lạc bộ (tự chọn) thực hiện ngoài giờ lên lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các HĐTN được tổ chức ngoài lớp học, ngoài trường học khuyến khích cha mẹ HS tham gia tổ chức và quản lí cùng GV chủ nhiệm lớp và nhà trường. HĐTN góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất, năng lực chung và các năng lực đặc thù cho HS. Ngoài các HĐTN bắt buộc này, HĐTN còn được thực hiện trong các môn học như một con đường để HS chiếm lĩnh nội dung học tập, hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực.
- Trong HĐTN, "trải nghiệm" là phương thức đặc thù, quyết định tính chất, kiểu loại của hoạt động, giúp phân biệt HĐTN với các hoạt động phi trải nghiệm.
+ Con đường trải nghiệm trước hết là con đường tri nhận trực tiếp đối tượng bằng các giác quan để tri giác các phương diện tồn tại cụ thể, cảm tính của đối tượng trong một bối cảnh cụ thể, xác thực. Con đường trải nghiệm về đối tượng là con đường bắt đầu chủ yếu bằng việc sử dụng nhận thức cảm tính, ở đó chủ thể nhận thức thâm nhập, "nhúng", kinh qua, nghiệm trải để trực tiếp tri nhận phương diện tồn tại cụ thể, cảm tính của đối tượng nhận thức. Vì thế, con đường trải nghiệm cùng đối tượng nhận thức gắn bó chặt chẽ với những phản ứng, cảm xúc trực tiếp, cụ thể, sống động, tạo thành một mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, tạo ra sự "bước vào", thâm nhập, "ta ở trong ngươi và ngươi ở trong ta". Đó là lí do vì sao các nhà nghiên cứu đều khẳng định một trong số các biểu hiện nổi bật của HĐTN là chủ thể nhận thức kinh qua quá trình tiếp xúc trực tiếp, cảm tính với đối tượng bằng toàn bộ con người cá nhân (the whole person).
+ Con đường trải nghiệm cũng là con đường gắn bó chặt chẽ, trực tiếp với bối cảnh. Trong khi tri thức khái niệm hàn lâm tước bỏ các yếu tố cụ thể, chỉ thu nạp những yếu tố bản chất nhất, căn cốt nhất, những dấu hiệu nổi bật, gắn với bối cảnh điển hình, thì tri thức kinh nghiệm thu được qua con đường trải nghiệm rất phong phú, sinh động, cụ thể, gồm cả yếu tố bản chất và không bản chất, những yếu tố chỉ nảy sinh gắn với từng bối cảnh cụ thể,…
+ Kết quả của sự trải nghiệm trực tiếp với đối tượng đem đến một "kho", một "bể chứa" những kinh nghiệm cụ thể về đối tượng, là một trong những cơ sở để đi đến sự phản ánh, khái quát hoá, hình thành tri thức về đối tượng, đồng thời kiểm chứng tiếp tục phát triển, mở rộng, đào sâu,… trong những chu kì trải nghiệm mới.
+ Cũng như các HĐGD khác, HĐTN có yêu cầu là hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho HS. Do tính chất trải nghiệm, kinh qua nên HĐTN đòi hỏi chủ thể phải hành động trong những bối cảnh cụ thể, xác thực, phải huy động cả tình cảm, cảm xúc,… Điều này tạo ra ưu thế nổi bật nhất định của HĐTN so với các hoạt động khác trong việc phát triển phẩm chất, năng lực cho HS.
+ HĐTN chỉ là một dạng trong số các dạng hoạt động mà chủ thể sử dụng để chiếm lĩnh, nhận thức về đối tượng. Bên cạnh việc kinh qua, nếm trải, tiếp nhận đối tượng nghiêng về phương diện cảm tính để tạo ra chất liệu phong phú, sinh động, giàu trực quan cho quá trình nhận thức, để từ đó phản ánh, khái quát hoá thành tri thức và kiểm chứng chân lí (trải nghiệm), con người cũng rất cần các hoạt động nghiêng về lí
tính, hàn lâm để tiếp nhận và sản sinh tri thức từ những tri thức mà nhân loại đã khám phá ra và từ những suy luận khoa học,… Như vậy bên cạnh việc "nếm trải thông tin" về đối tượng bằng con đường trải nghiệm, kinh qua cụ thể, cảm tính, đầy cảm xúc chủ quan và thời sự, "âm về khoảng cách" với đối tượng; cũng cần đến con đường tìm kiếm, truy xuất, suy luận, khái quát hoá thông tin một cách khách quan, giữ "khoảng cách" với đối tượng nhận thức.
- Để xem xét một hoạt động nào đó là trải nghiệm hay phi trải nghiệm cần nhìn trong mối quan hệ chủ thể - đối tượng và phương thức chiếm lĩnh đối tượng của chủ thể.
Các hình thức hoạt động cụ thể như trò chơi, câu lạc bộ, trả lời câu hỏi,… chỉ là cách thức để hiển thị phương thức chiếm lĩnh đối tượng của chủ thể, tự nó không giúp xác định hoạt động là trải nghiệm hay không. Chỉ khi nào xác định bản chất của sự chiếm lĩnh đối tượng của chủ thể là bắt đầu bằng con đường kinh qua, nếm trải đối tượng thì khi đó thực sự có căn cứ để định danh một hoạt động là HĐTN. Về cơ bản, trải nghiệm là phương thức tiếp xúc cụ thể, trực tiếp, cảm tính với đối tượng nhận thức của chủ thể nhận thức. Tuy nhiên, trong thực tế đời sống và GD, không phải đối tượng nhận thức nào con người cũng có thể trải nghiệm trực tiếp bằng các giác quan và sự tiếp xúc cụ thể, cảm tính trong bối cảnh cụ thể, xác thực được. Ví dụ, có những phản ứng hoá học không thể thực hiện trải nghiệm trong môi trường phòng thí nghiệm nhà trường,… Trong hoàn cảnh đó, người ta có thể trải nghiệm gián tiếp nhờ sự hỗ trợ của khoa học kĩ thuật (qua hình ảnh, phim ảnh, mô hình, sa bàn,…).
Trong một cách hiểu rộng nhất thì mọi hoạt động đều là trải nghiệm nhìn từ góc độ này hay góc độ khác. Bởi vì hoạt động chính là hệ thống việc làm mà "làm" thì chính là trải nghiệm hiểu theo nghĩa rộng. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, chúng tôi làm rõ nội hàm của phương thức trải nghiệm để xác định đúng đặc trưng, bản chất của HĐTN theo nghĩa hẹp - nghiêng về hoạt động học tập trải nghiệm trong DH.
2.1.1.2. Ưu điểm và những điều cần lưu ý của hoạt động trải nghiệm
Ưu điểm: HĐTN giúp người học học từ thực tiễn phong phú, sinh động, đảm bảo phương châm học đi đôi với hành. Lí thuyết thì màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi. Trong cuộc sống, con người cần chinh phục “màu xám” của lí thuyết bằng trí tuệ, nhưng cũng cần cảm nhận đời sống, học từ thế giới quanh ta bằng toàn bộ những giác quan vật chất, tinh thần sẵn có, kết hợp với các hành động tư duy để chuyển hoá thành kiến thức. Thực tiễn đời sống vô cùng sinh động, đa dạng, rộng mở và luôn là một môi trường học tập tiềm năng, chứa đựng những nội dung học tập phong phú, sâu sắc. Bằng con đường trải nghiệm, người học có thể sử dụng những kinh nghiệm mình thu nhận