CHƯƠNG 3: CÁCH THỨC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM
3.1. Nguyên tắc tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học đọc văn bản văn học cho học sinh lớp 2, 3
Để có thể vận dụng các HĐTN trong DH đọc VBVH cần dựa trên những nguyên tắc cụ thể. Nguyên tắc chính là nền móng vững chắc tạo ra hiệu quả khi tổ chức HĐTN.
Trong luận án người viết đưa ra 5 nguyên tắc tổ chức HĐTN trong DH đọc VBVH cho HS lớp 2, 3.
3.1.1. Đảm bảo yêu cầu cần đạt của mạch đọc văn bản văn học trong Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 và đặc trưng của văn bản văn học
Yêu cầu cần đạt của mạch đọc VBVH trong Chương trình GD phổ thông môn Ngữ văn 2018 là căn cứ pháp lí, là cơ sở để biên soạn tài liệu và tổ chức hoạt động DH, là cái “neo” để thống nhất, làm điểm tựa trong triển khai việc DH và kiểm tra đánh giá.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chương trình mở, nhiều bộ sách giáo khoa được biên soạn và đưa vào sử dụng tại các nhà trường. Thêm nữa, các HĐTN trong DH đọc VBVH cũng rất phong phú, đa dạng,… Trong khi đó, thời lượng tổ chức hoạt động DH có giới hạn nhất định, bối cảnh đó đòi hỏi phải lựa chọn những hoạt động đích đáng, phù hợp. Một trong những căn cứ quan trọng nhất làm cơ sở để lựa chọn chính là yêu cầu cần đạt của chương trình. Nếu không căn cứ vào yêu cầu cần đạt, việc thực hiện DH có thể lệch hướng, lệch mục tiêu. Yêu cầu cần đạt trong chương trình chính là sự cụ thể hoá, là sự “giải nén” của mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực mà chương trình nêu lên. Cụ thể, mục tiêu của chương trình hướng vào bồi đắp 5 phẩm chất (yêu nước, trách nhiệm, trung thực, chăm chỉ, nhân ái) và 10 năng lực, gồm các năng lực chung (tự chủ tự học, giao tiếp hợp tác và giải quyết vấn đề sáng tạo) và năng lực đặc thù (năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học).
Để đảm bảo yêu cầu cần đạt của mạch đọc VBVH cần phải làm chủ chương trình.
Mối quan tâm của GV không chỉ dừng lại ở sách giáo khoa như dạy chương trình 2006 mà cần phải bắt đầu từ tài liệu quan trọng là chương trình, phải hiểu chương trình, hiểu rõ các yêu cầu cần đạt và sử dụng các yêu cầu cần đạt này làm căn cứ để lựa chọn tài liệu dạy học, để tổ chức hoạt động DH, đánh giá kết quả học tập của HS. Với VBVH, việc dạy học đọc mạch nội dung này cần quan tâm bám sát yêu cầu cần đạt về kĩ thuật đọc và đọc hiểu. Cụ thể, với yêu cầu đọc hiểu: “Phân biệt văn bản truyện và thơ (đoạn, bài văn xuôi và đoạn, bài văn vần); nhận biết được nội dung văn bản và thái độ, tình cảm của người viết; bước đầu hiểu được tác dụng của một số yếu tố hình thức của VBVH
(ngôn từ, nhân vật, cốt truyện, vần thơ, so sánh, nhân hoá). Biết liên tưởng, tưởng tượng, diễn đạt có tính văn học trong viết và nói” [10, tr.8]; Trong việc tổ chức HĐTN, cũng cần quan tâm đến mối liên hệ giữa các yêu cầu cần đạt này với các yêu cầu cần đạt được xác định trong chương trình HĐTN của lớp 2, 3 để có thể tích hợp, tổ chức hiệu quả hơn... Hai yêu cầu này có mối quan hệ gắn bó, hỗ trợ cho nhau trong quá trình DH đọc VBVH. Chẳng hạn, chương trình HĐTN ở lớp 2, 3 nêu các yêu cầu như sau: “Nâng cao hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Vận dụng những tri thức vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống; Rèn cho HS kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tự điều chỉnh hành vi phù hợp với yêu cầu sống của xã hội, kĩ năng tổ chức, tham gia các hoạt động tích cực, biết vận dụng kĩ năng tiếng Việt vào giao tiếp; Tạo cho HS hứng thú và ham muốn hoạt động, hình thành cho HS niềm tin vào các giá trị sống mà HS phải vươn tới. Bồi dưỡng cho HS những tình cảm đạo đức trong sáng, yêu thương tôn trọng con người, tôn trọng những chuẩn mực đạo đức và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt, yêu con người, quê hương, đất nước Việt Nam” [9].
Như vậy bên cạnh việc đảm bảo yêu cầu cần đạt, HĐTN phải đảm bảo đặc trưng của VBVH. Các HĐTN phải phù hợp với cấu trúc của loại văn bản này: Tầng ngôn từ (ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa), tầng hình tượng, tầng hàm nghĩa. Trước hết người đọc phải hiểu ngôn từ, hiểu nghĩa (tường minh, hàm ẩn) của các từ ngữ. Tầng ngôn từ là bước thứ nhất dẫn người đọc đi vào chiều sâu văn bản; Tầng hình tượng là bức tranh đời sống được dệt nên từ ngôn từ nghệ thuật của VBVH. Hình tượng văn học do tác giả sáng tạo ra, không hoàn toàn giống sự thật của cuộc đời, nhằm gửi gắm ý tình sâu kín của mình với người đọc, với cuộc sống; Tầng hàm nghĩa của VBVH là “ý nghĩa ẩn kín, ý nghĩa tiềm tàng” của văn bản. Đọc VBVH, xuất phát từ tầng ngôn từ, tầng hình tượng, dần dần người đọc nhận ra tầng hàm nghĩa của văn bản. Trong quá trình tiếp nhận VBVH, việc nắm bắt tầng hàm nghĩa còn phụ thuộc vào vốn sống, nhận thức, quan niệm, tư tưởng tình cảm...
của người tiếp nhận [93] và cần chú ý đến tiến trình tiếp nhận các tầng đó ở bạn đọc HS, tránh biến việc đọc thành đọc văn bản thông tin.
3.1.2. Đảm bảo kết hợp chặt chẽ, khoa học, linh hoạt với các hoạt động khác
Tổ chức các HĐTN trong DH đọc VBVH là quá trình gắn kiến thức với thực tiễn cuộc sống, tạo cơ hội để HS được tiếp xúc với môi trường thực tiễn, với các sự vật, hiện tượng xung quanh để phát triển các phẩm chất, năng lực một cách chân thực, đầy đủ, chính xác, sinh động. Trải nghiệm trong đọc VBVH không đơn thuần là cho HS tiếp xúc với môi trường thực tiễn, với các sự vật hiện tượng xung quanh mà còn cho HS nếm trải thông tin, nếm trải thế giới nghệ thuật trong văn bản - là tiếp xúc với bức tranh đời sống - thế giới hình tượng trong VBVH. Thế giới trong VBVH chính là một “mô hình của đời sống” được nhà văn hư cấu từ việc khám phá, phát hiện thực tiễn cuộc đời. Như vậy
trải nghiệm giúp HS nếm trải những “mô hình của đời sống”, cho HS cơ hội để được
“sống” trong những cảnh ngộ, những “cuộc đời” khác nhau. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết: “Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Trải nghiệm văn học như thế làm phong phú thế giới tinh thần của HS, làm đầy
“cái ly cuộc sống” như Ta-go từng phát biểu.
Từ nhận thức trên, có thể thấy, để kiến tạo ý nghĩa cho VBVH cần xuất phát từ ưu điểm và những điểm lưu ý ở HĐTN, đặc biệt là vai trò của HĐTN trong đọc VBVH.
Có thể thấy để kiến tạo ý nghĩa của VBVH, HS cần phải sử dụng nhiều dạng hoạt động khác nhau. Bên cạnh việc trải nghiệm để nếm trải thế giới nghệ thuật trong văn bản, nếm trải những gì gắn bó với quá trình sinh thành ra văn bản (quá trình sáng tạo của nhà văn), nếm trải thực tế đời sống để tạo nên vốn sống phong phú sinh động - làm cơ sở để có thể thâm nhập được vào bức tranh đời sống ở trong VBVH; nếm trải việc vận dụng những điều học được từ VBVH vào cuộc sống của bản thân, vào việc vận dụng ra cuộc đời,... thì HS còn cần đến những hoạt động khác để xây dựng ý nghĩa. Chẳng hạn như hoạt động tìm kiếm và truy xuất thông tin về nội dung và hình thức của văn bản (tìm kiếm thông tin về nhân vật về các chi tiết nghệ thuật, hình ảnh,.... được tác giả thể hiện trong văn bản), hoạt động kết nối thông tin (để tóm tắt cốt truyện, xâu chuỗi mạch cảm xúc,...); hoạt động suy luận, khái quát hoá,... (để phát hiện thông điệp, ý nghĩa của văn bản,...). Những hoạt động này cần được kết hợp linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với HĐTN để quá trình đọc và xây dựng ý nghĩa của VBVH đạt được các yêu cầu đã xác định trong bài học, đồng thời khiến HS cảm thấy hứng thú. Ưu điểm của HĐTN là khiến HS được nhập thân, nhập cuộc, theo bước chân của tác giả, ở “trong đôi giày của nhân vật”, hồi hộp, dõi theo, chờ đợi, vui sướng,... nếm trải những trạng thái cảm xúc phong phú khi đọc văn bản, tưởng tượng ra bức tranh đời sống và thấy mình ở trong đó,... Nhưng những điều này chưa phải là tất cả những gì HS cần đạt được khi đọc VBVH. Bởi vậy, bên cạnh kho kinh nghiệm thu được từ HĐTN, HS còn cần đến những hoạt động khác như đã nêu trên để có thể đáp ứng yêu cầu mà chương trình đã xác định.
Thêm nữa, tổ chức các HĐTN, GV phải kết hợp với các hoạt động khác bởi trong một giờ học VBVH cho HS lớp 2, 3 không có hoạt động nào là duy nhất. GV cần linh hoạt, biết phối kết hợp nhiều hoạt động, tạo cơ hội cho HS tham gia vào nhiều hoạt động học tập khác nhau, từ đó, giúp HS linh hoạt, chủ động vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn, vào cuộc sống hàng ngày và thường xuyên rèn luyện thông qua các hoạt động thực tiễn. Chỉ có như vậy thì năng lực mới phát triển tốt bởi HĐTN phù hợp với nội dung này nhưng hoạt động khác có thể bổ trợ cho HS hoàn thiện hơn các kiến thức, kĩ năng tiếng Việt. Quá trình tham gia các hoạt động khác nhau cũng giúp HS giao tiếp với các bạn và những người xung quanh, tích lũy các kinh nghiệm, khái quát thành hiểu biết của
riêng mình. Kết hợp nhiều hoạt động khác nhau giúp HS tiếp thu kiến thức dễ dàng, đồng thời giúp họ thành thạo hơn khi tham gia vào các HĐTN.
3.1.3. Đảm bảo đa dạng các phương pháp, biện pháp, hình thức thực hiện
Mỗi phương pháp, hình thức đều có ưu điểm và giới hạn, nếu độc tôn một phương pháp, biện pháp, hình thức sẽ làm giảm hiệu quả của hoạt động DH nói chung, DH đọc cho HS lớp 2, 3 nói riêng. Một trong những hạn chế của DH đọc VBVH cho HS lớp 2, 3 hiện nay là sự đơn điệu trong việc sử dụng các hình thức và PPDH. Vì vậy HS thiếu hứng thú, chưa chủ động, sáng tạo khi GV tiến hành các hoạt động theo quy trình của bài học. Cho nên, cần đa dạng hoá các phương pháp, biện pháp, hình thức dạy học để khích lệ HS, tạo động lực và những cơ hội khác nhau cho người học được bộc lộ năng lực. Trước hết bởi vì, HĐTN gắn liền với sự nghiệm trải trong thực tiễn, vì thế hình thức DH phải linh hoạt, mở ra ngoài khuôn khổ lớp học...; thứ hai, trong đọc VBVH, HĐTN gắn liền với bức tranh đời sống được kiến tạo trong tác phẩm, những điều này đòi hỏi HS phải sử dụng rất nhiều những hành động khác nhau: hành động tìm kiếm thông tin là chất liệu để xây dựng bức tranh đời sống ấy; hành động tưởng tượng, tổ chức các thông tin để “vẽ” nên bức tranh đã được tác giả thể hiện trong văn bản; hành động ‘đưa bản thân’ nhập cuộc vào thế giới nghệ thuật, “giao tiếp”, bộc lộ ấn tượng, cảm xúc, suy nghĩ, hành động,... đối với những gì được thể hiện trong bức tranh đời sống của văn bản. Tương ứng với sự phong phú của những hành động này, GV sẽ cần phải sử dụng đa dạng hoá các phương pháp, biện pháp, kĩ thuật DH phù hợp.
Để HS có những trải nghiệm tích cực, trong quá trình tổ chức các hoạt động DH, GV cần vận dụng linh hoạt, đa dạng các PPDH như phương pháp thảo luận nhóm, trò chơi học tập, đóng vai, DH dự án... nhằm nâng cao chất lượng học tập. Các HĐTN được khơi gợi từ những trải nghiệm trong thực tiễn giúp HS lĩnh hội kinh nghiệm và hình thành kiến thức mà hình thức học tập khác không thực hiện được như phân biệt mùi vị, cảm thụ âm nhạc, niềm hạnh phúc… những điều này chỉ thực sự có được khi HS được trải nghiệm với chúng, sự đa dạng các hình thức và PPDH trong trải nghiệm sẽ mang lại cho HS vốn kinh nghiệm sống phong phú mà nhà trường không thể cung cấp qua các khái niệm. Sự đa dạng này cũng là cầu nối giữa tri thức môn học với thực tiễn cuộc sống, góp phần tích cực vào việc hình thành năng lực, hoàn thiện các phẩm chất nhân cách ở HS.
3.1.4. Đảm bảo linh hoạt, phù hợp với tiến trình đọc và điều kiện sư phạm
Một trong những điểm nổi bật của Chương trình GD phổ thông 2018 là xây dựng theo hướng mở: Chương trình quy định các mạch kiến thức, kĩ năng cơ bản cốt lõi cho mỗi bài học còn việc lựa chọn nội dung dạy thế nào nhằm giúp HS thực hiện tốt các yêu cầu cần đạt về phẩm chất - năng lực giao quyền chủ động cho GV miễn sao đáp ứng được yêu cầu cần đạt. Tuỳ từng nội dung bài học, tuỳ điều kiện DH mà sử dụng các hình
thức HĐTN như trong lớp hay ngoài trời, theo nhóm hay cá nhân, có phối hợp với các nguồn lực khác như phụ huynh, các tổ chức XH... Độ mở này cho phép GV thực hiện linh hoạt phù hợp với đối tượng HS và điều kiện sư phạm. Vì vậy HĐTN được thiết kế và tiến hành trong nội dung nào, hoạt động nào, thời gian, thời điểm tiến hành ra sao cần được GV xác định rõ và đề xuất phương án thực hiện.
Bên cạnh đó GV cần căn cứ vào tiến trình đọc bao gồm 3 giai đoạn: trước khi đọc, trong khi đọc và sau khi đọc để xây dựng các HĐTN phù hợp, linh hoạt. Trước khi đọc là giai đoạn HS chuẩn bị đọc toàn bộ văn bản, có thể bao gồm đọc nhan đề và đọc lướt một số điểm mạnh của văn bản. Ở bước này HS cần được tạo điều kiện huy động kiến thức nền, kinh nghiệm sẵn có được kích hoạt và khơi gợi đúng lúc, đúng thời điểm vào quá trình tiến hành các HĐTN thuận lợi góp phần nâng cao hiệu quả của DH đọc văn bản… Trong khi đọc là giai đoạn đọc từ đầu đến cuối văn bản, tập trung vào việc tiếp xúc với văn bản. Ở bước này HS vừa có thể “bước vào” vừa có thể “bước ra” để nhìn lại quá trình trải nghiệm của mình và thu về kiến thức, kĩ năng bài học. Bước vào là hoàn toàn nhập thân, kiểu như mình đọc truyện hay xem phim thì khóc thút thít hoặc như anh Hoàng trong truyện của Nam Cao, đọc đến chi tiết hay thì vỗ đùi đánh đét rồi khen: Tiên sư anh Tào Tháo. Còn bước ra là đọc một cách lí tính, chỗ này hay thế là bởi vì tác giả sử dụng chi tiết này, hình ảnh nọ,... Tiến hành các HĐTN trong khi đọc cần được phối hợp chặt chẽ, tạo cơ hội cho HS tích cực hoạt động, hình thành kiến thức, kĩ năng hướng tới phát triển năng lực một cách tốt nhất;... Sau khi đọc là giai đoạn người đọc đã đọc xong toàn bộ văn bản, họ tiến hành thu hoạch những hiểu biết tổng thể ban đầu, đồng thời tìm hiểu sâu vào những khía cạnh nội dung và hình thức của văn bản.
Sau khi đọc cũng là giai đoạn, người đọc vận dụng kết quả đọc hiểu vào hoạt động học tập hoặc vào đời sống thực tiễn.
HĐTN cần được xây dựng và tổ chức phù hợp với tiến trình nêu trên để đảm bảo thực hiện hiệu quả. Ở bước trước khi đọc, HĐTN cần tập trung vào giúp HS huy động vốn sống, trải nghiệm đã có để sẵn sàng cho việc đọc hiểu. Ở giai đoạn trong và sau khi đọc, HĐTN cần phù hợp với từng mục đích đọc. Để hiểu văn bản, HĐTN cần giúp HS ‘bước vào’ thế giới nghệ thuật bằng con đường hình dung, tưởng tượng, nhập thân, nhâp cuộc. HS cũng cần được trải nghiệm việc kết nối văn bản với trải nghiệm, vốn sống cá nhân để “giao tiếp” với văn bản như một “sinh thể” nghệ thuật - HS thấy mình gặp gỡ, chia sẻ, đồng điệu với nhân vật hoặc nhận ra điểm khác biệt giữa mình với thế giới nghệ thuật trong văn bản,...
Để vận dụng kết quả đọc vào học tập hay vào thực tiễn cuộc sống, cần tạo ra những bối cảnh giàu tính chất xác thực để người học được dấn thân, vận dụng những điều đã khám phá được vào một bối cảnh mới, tránh chỉ “nói suông”, phát biểu bài học một cách chung chung, thiếu nghiệm trải,...