CHƯƠNG 3: CÁCH THỨC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM
3.3. Nội dung hoạt động trải nghiệm trong dạy học đọc văn bản văn học cho học sinh lớp 2, 3
3.3.1. Hoạt động trải nghiệm thực tiễn, huy động vốn sống có liên quan đến văn bản văn học
Thế giới thực tiễn của mỗi con người vô cùng phong phú, sinh động. Bất cứ ai hàng ngày, hàng giờ đều đang nghiệm trải, kinh qua cuộc sống thực tiễn trong các lĩnh vực, các mối quan hệ, các tình huống khác nhau và “lắng đọng” lại từ sự kinh qua đó
những kinh nghiệm, vốn sống của cá nhân mình. Những vốn sống này có thể trở thành
“tài sản”, thành tri thức kinh nghiệm, tri thức đời sống thấm đẫm cảm xúc và sự sâu sắc, được con người sử dụng như một nguồn thông tin để tiếp tục chiếm lĩnh, khám phá thực tại.
Với HS lớp 2, 3, mô hình HĐTN trong tiến trình dạy học đọc được trình bày trên đây cho thấy: để đến với VBVH không chỉ bằng lí trí, bằng nhận thức logic mà còn bằng toàn bộ con người tinh thần, HS cần được huy động vốn sống, vốn trải nghiệm vào việc tạo tâm thế sẵn sàng tiếp nhận trước khi bắt đầu hoạt động đọc và tiếp tục sử dụng những điều này vào quá trình khám phá văn bản cùng các bước tiếp theo. Nếu vốn sống được tích luỹ phong phú, đầy đặn, sâu sắc và được huy động hợp lí thì những công việc được thực hiện trong hoạt động đọc văn bản sẽ thuận lợi và hiệu quả. Ngược lại, nếu vốn sống nghèo nàn, HS sẽ khó có thể bước vào thế giới nghệ thuật của VBVH. Hoặc vốn sống phong phú nhưng không được huy động đúng cách, đúng lúc thì cũng lãng phí, vô nghĩa.
Chẳng hạn, để đọc các văn bản viết về những người “bạn trong nhà” “gắn bó với con người” như “Đàn gà mới nở” (Tiếng Việt 2, tập hai, tr.3-4, sách CD), “Con trâu đen lông mượt” (Tiếng Việt 2, tập hai, tr.11, sách CD), “Con chó nhà hàng xóm” (Tiếng Việt 2, tập hai, tr.14, sách CD), HS cần có những trải nghiệm và vốn sống thực tiễn về các con vật nuôi trong gia đình, những đặc điểm bên ngoài, thói quen và tập tính,… của chúng, sự gắn bó của con người nói chung và của chính bản thân các em với những con vật đó nói riêng - không chỉ là những con vật được nhắc đến ở các văn bản vừa nêu. Vốn sống này sẽ được huy động để HS chia sẻ trước khi đọc, sẵn sàng cho việc đọc một văn bản mới có nội dung liên quan. Vốn sống này cũng được sử dụng như một nguồn để hình dung tưởng tượng bức tranh đời sống dựa trên sự miêu tả của nhà văn, nhà thơ,…
Tất cả những vốn sống đó đều có được trước hết từ những trải nghiệm của HS trong thực tiễn.
Việc trải nghiệm thực tiễn của HS khi đọc VBVH rất phong phú, gắn với các chủ đề bài học của các bộ sách giáo khoa: trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên nông thôn, miền núi, hải đảo,…; trải nghiệm về thế giới thực vật, động vật phong phú, có những điều ở quanh ta và có những điều đến từ các vùng miền khác trên dặm dài Tổ quốc hoặc rộng mở hơn thế; trải nghiệm về các phong tục, tập quán của mỗi vùng miền; trải nghiệm thế giới cuộc sống của trẻ thơ với những trò chơi, sự gắn bó cùng gia đình, những kí ức đẹp, những yêu thương, con đường đến lớp, mái trường yêu dấu, thầy cô ân cần, trang sách rộng mở,…
Việc trải nghiệm thực tiễn của người đọc nói chung, bạn đọc lớp 2, 3 nói riêng có một số điều đáng lưu ý. Thứ nhất, đây không phải là nội dung trải nghiệm diễn ra
trực tiếp khi đọc VBVH, nhưng là một trong số các điều kiện quan trọng để HS thực hiện được hoạt động kinh qua, nếm trải văn bản. Thứ hai, HĐTN này là một quá trình tích luỹ lâu dài, chủ yếu là trong cuộc sống của HS ở bên ngoài phạm vi nhà trường là chính. Thứ ba, HĐTN này có thể được thực hiện qua nhiều “kênh” khác nhau: trực tiếp tiếp xúc với thực tiễn (tai nghe, mắt thấy, tay chạm, sống thực trong tình huống,…) hoặc qua hình ảnh, tranh vẽ, mô hình,…
Từ đó, GV cần xác định được điều gì đã có trong vốn sống, vốn trải nghiệm của HS để huy động trong quá trình đọc VBVH và những trải nghiệm thực tiễn nào cần được bổ sung, làm đầy để việc tiếp nhận trở nên hiệu quả hơn. GV cũng xác định được cách thức “làm đầy” những trải nghiệm này. Ví dụ, khi dạy học bài “Con đường đến trường”
(Tiếng Việt 3, tập một, tr.46-47, sách KNTTVCS), GV nhận thấy, việc trải nghiệm thực tiễn con đường đến trường của mỗi HS thực sự có ý nghĩa, HS có thể đem trải nghiệm này vào quá trình đọc để hiểu sâu sắc hơn văn bản. Vẫn biết ai cũng có con đường đến trường. Nhưng đôi khi chúng ta không mấy để ý quan tâm, quan sát cẩn thận, kĩ lưỡng.
Vì vậy, để việc trải nghiệm thực tiễn con đường đến trường thực sự sâu sắc, GV cần nhắc HS chú ý quan sát con đường mình đi học và miêu tả lại ngắn gọn về con đường đó để HS thực hiện vào thời điểm một vài ngày trước khi diễn ra giờ học đọc. Để HS có thể dễ dàng thực hiện, GV cung cấp một số gợi ý như: Em đến trường với ai và bằng phương tiện nào? Con đường đó có tên không và nếu có thì tên là gì? Con đường đó dài hay ngắn? Bề mặt đường thế nào? Xung quanh hai bên đường có những gì? Em thấy con đường đó có thân thuộc với mình không? Khi nào em có cảm giác con đường đến trường như ngắn lại hay dài hơn so với ngày thường? Em hãy nhờ người thân chụp một bức ảnh em và con đường đến trường để chia sẻ cùng mọi người,… HS có thể chọn một vài trong số các gợi ý đó để thực hiện.
Như thế là HĐTN thực tiễn xảy ra ngoài cánh cửa nhà trường, trong cuộc sống hàng ngày của HS nhưng được GV định hướng để phục vụ cho hoạt động dạy học đọc VBVH. Những nội dung nào HS không thể trải nghiệm bằng cách tiếp xúc trực tiếp thì có thể hướng dẫn các em trải nghiệm qua màn ảnh nhỏ hoặc qua các kênh khác. Việc trải nghiệm thực tiễn là cơ sở để có vốn sống, từ đó mới có thể tiến hành huy động những nghiệm trải này trong hoạt động đọc bằng những cách thức phong phú khác nhau.
Ngoài những trải nghiệm thực tiễn trong thực tế đời sống của HS được định hướng, lựa chọn để đưa vào hoạt động đọc VBVH như vậy, còn có những trải nghiệm thực tiễn được GV môn Tiếng Việt tổ chức trong các hoạt động giáo dục của nhà trường như tham quan nông trại, nhà máy, xí nghiệp, cánh đồng quê hương,.. Tất cả đều là
những chất liệu đời sống cần thiết để giúp HS sử dụng khi bước vào thế giới của tác phẩm văn học.