CHƯƠNG 3: CÁCH THỨC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM
3.3. Nội dung hoạt động trải nghiệm trong dạy học đọc văn bản văn học cho học sinh lớp 2, 3
3.3.3. Trải nghiệm phương diện âm thanh của ngôn từ nghệ thuật để cảm thụ và bộc lộ kết quả đọc
Mỗi loại hình nghệ thuật đều có một ngôn ngữ làm phương tiện thể hiện riêng.
Trong VBVH, phương tiện, chất liệu đó chính là "một hệ thống ngôn từ, phương tiện tạo hình, biểu diễn, hệ thống quy tắc thông báo bằng tín hiệu thẩm mỹ của một ngành, một sáng tác nghệ thuật" [56, tr.185]. Ngôn ngữ là công cụ tư duy, là phương tiện truyền đạt tư tưởng, tình cảm... giúp nhà văn xây dựng hình ảnh, miêu tả đời sống của con người trong văn bản. Ngôn ngữ trong VBVH hoàn toàn khác biệt với khẩu ngữ và từ ngữ giao tiếp hằng ngày: “Ngôn ngữ trong VBVH là một hiện tượng nghệ thuật do nghệ sĩ sáng tạo theo quy luật chung của nghệ thuật, truyền đạt một ý nghĩa mà không một phát ngôn nào có thể thay thế được”. Qua ngôn từ, người đọc khám phá thế giới hình ảnh, tư tưởng, quan niệm,… nói chung là thế giới nghệ thuật mà tác giả sáng tạo, cảm nhận được sự giàu đẹp, sức biểu đạt mà tác giả gửi gắm trong văn bản. Trong mối quan hệ chặt chẽ ấy, ngôn từ trở thành phương thức tồn tại, phương tiện biểu hiện nội dung, thể hiện trực tiếp và rõ nét phong cách, tài năng của tác giả. Ngôn từ trong VBVH được tổ chức chặt chẽ dựa trên sự sáng tạo của người cầm bút và đặc điểm của thể loại. Hiện diện trong tác phẩm, ngôn từ văn học mang tính chính xác, tính biểu cảm, sự hàm súc, đa nghĩa - lời ít, ý nhiều, lời dừng mà ý dư ba, tính hình tượng và rất giàu nhạc điệu,…
Trong đọc hiểu VBVH, để nắm bắt thông tin, chi tiết, nội dung của văn bản, từ đó phân tích, cắt nghĩa các chi tiết ấy; đồng thời trải nghiệm thế giới nghệ thuật của VBVH;
tìm ra ý nghĩa, thông điệp thẩm mĩ của văn bản,… như các bước đã chỉ ra ở sơ đồ mô hình HĐTN trong tiến trình dạy học đọc văn bản trên đây, người đọc nói chung, bạn đọc HS nói riêng cần tiếp cận, tìm hiểu ngôn từ được tác giả sử dụng trong văn bản. Những điều này đã được thực hiện ở các bước thứ nhất, thứ hai, là điều kiện để đi đến bước thứ ba của sơ đồ hoạt động trải nghiệm trong tiến trình dạy học đọc đọc văn bản đã nêu. Bởi vậy, nội dung trải nghiệm ngôn từ của văn bản văn học ở đây tập trung chủ yếu vào việc trải nghiệm phương diện âm thanh vật chất của ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm. Bạn đọc HS lớp 2, 3 không chỉ đọc văn bản, “thu” thông tin của các từ ngữ, đoạn văn, hiểu nội dung thông tin, chi tiết mang tính thông báo của văn bản, suy luận để hiểu các thông tin hàm ngôn của văn bản; không chỉ bước vào trải nghiệm thế giới nghệ thuật do ngôn từ của VBVH tạo nên; họ còn trực tiếp nếm trải phương diện vật chất - vỏ âm thanh ngôn từ gắn liền với nội dung ý nghĩa mà nó biểu đạt. Bằng con đường này, lời nói - ngôn từ của văn bản vang lên một cách cụ thể, sinh động với tất cả sự giàu đẹp, nhạc tính phong phú,…
của nó để biểu đạt thế giới tinh thần của con người.
Trải nghiệm ngôn từ của VBVH được thực hiện bằng những hoạt động phổ biến là đọc diễn cảm và đọc nghệ thuật. Đây trước hết là thể cách để bạn đọc HS bộc lộ kết quả đọc hiểu văn bản đã thực hiện trước đó. Bởi lẽ đọc diễn cảm hay đọc nghệ thuật không đơn thuần là “kĩ xảo” trình bày lời văn, lời thơ “lên bổng xuống trầm” một cách
tuỳ hứng. Đó là quá trình “phân tích” tác phẩm bằng âm thanh. Do đó, giọng đọc cần thể hiện đúng tình điệu, cảm xúc của nhân vật, tác giả. Khi đọc diễn cảm, đọc nghệ thuật là HS đang chia sẻ với thầy cô và các bạn đọc khác sự cảm hiểu về tác phẩm của mình qua phương diện âm thanh. Sự chia sẻ này là bằng con đường trải nghiệm - trực tiếp sử dụng giác quan vật chất (cơ quan phát âm) của người đọc và sự cảm thụ ngôn từ để làm vang lên thế giới âm thanh sinh động, làm cho thế giới ấy hiện ra một cách hữu hình.
Nhờ đó, tiếng nói của các nhân vật vang lên - lời kể của người bạn nhỏ về con đường đến trường nằm “vắt vẻo” nơi sườn đồi, rồi “buông mình” xuống chân đồi như ví dụ đã nêu. Sự nhấn giọng vào từ “vắt vẻo” cho người nghe cảm giác nhìn thấy một con đường nhỏ ở vùng cao, chạy uốn lượn từ sườn đồi bên này sang sườn đồi bên kia. Từ ngữ
“buông mình” và sự hạ thấp tông giọng khi đọc diễn cảm đã trực quan cảm nhận độ dốc thoải xuống, nhẹ thênh sau những lưng chừng “vắt vẻo” tưởng như lên cao mãi của con đường ấy. “Gió vù vù bên tai”, đọc diễn cảm câu văn này, nhấn giọng vào từ “vù vù”
mà tưởng như mình đang ở giữa con đường khi thả dốc. Mình cùng các bạn thi nhau chạy xem ai nhanh hơn, chỉ thấy tiếng gió vụt qua rất nhanh bên tai và sự háo hức, quyết tâm chạy làm sao cho nhanh nhất! Đọc diễn cảm bài thơ “Đàn gà mới nở” (Tiếng Việt 2, tập hai, tr.3-4, sách CD) để nghe được vang lên qua giọng đọc, sự trải nghiệm những âm thanh kì diệu của ngôn ngữ đang mở ra một thế giới xinh xắn, đáng yêu với những người bạn trong nhà:
Lông vàng mát dịu Mắt đen sáng ngời Ơi chú gà ơi!
Ta yêu chú lắm!
Giọng đọc nhấn vào màu sắc - màu vàng mát dịu của sắc lông, màu đen sáng ngời của đôi mắt như vẽ ra hình ảnh của chú gà con bé xinh. Tiếng gọi “Ơi chú gà ơi! - Ta yêu chú lắm!” bộc lộ cảm xúc của em nhỏ thật tha thiết, cứ như bạn nhỏ đang trò chuyện với những em bé gà con xinh xinh trước mặt vậy. Rồi giọng nhanh hơn, gấp gáp hơn khi thể hiện hình ảnh đàn gà con gặp hiểm nguy vội “biến” vào trong đôi cánh mẹ, giọng nhẹ nhàng, chậm rãi khi nguy hiểm đã đi qua, mẹ lại dẫn các con thong thả đi kiếm mồi, những bước chân líu ríu bé tí chạy sau yêu ơi là yêu!,… Trải nghiệm phương diện âm thanh của ngôn từ nghệ thuật giúp cho HS được nếm trải văn bản bằng tất cả tâm hồn mình, bộc lộ ra kết quả đọc hiểu văn bản trước đó. Đồng thời, khi đọc diễn cảm, đọc nghệ thuật, HS không chỉ là chủ thể thể hiện mà còn là chủ thể tiếp nhận. Họ không chỉ chia sẻ với thầy cô và các bạn sự cảm hiểu văn bản qua âm thanh của giọng đọc (chủ thể
thể hiện), họ còn là người đang lắng nghe chính những âm thanh ấy (chủ thể tiếp nhận).
Nhờ đó, sự cảm thụ văn bản của HS trở nên sâu sắc hơn.