I.KHÁI QUÁT VỀ SỰ HÌNH THÀNH ĐỀ TÀI
1.Tên đề tài: Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ và thị trường nhằm phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu gạo.
2. Thuộc chương trình: Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm chủ lực (KC 06).
3.Chủ nhiệm đề tài: Ths. Huỳnh Trấn Quốc
4. Cơ quan chủ trì đề tài: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam
5.Thành phần tham gia Đề tài: Trực tiếp có người từ các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu, các Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Trung tâm Khuyến nông, cùng với chính quyền của huyện, xã và hàng trăm nông hộ thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng; các công ty lương thực Long An, Đồng Tháp, Angimex, Nông trường Cờ Đỏ, Hợp tác xã nông nghiệp, cơ sở chế biến và kinh doanh lúa-gạo ở các tỉnh ĐBSCL hợp tác thực hiện, cung cấp thông tin tư liệu và trao đổi ý kiến.
6. Thời gian thực hiện -Bắt đầu: 10/2001 -Kết thúc: 4/2005
7. Tổng kinh phí thực hiện: 2.500 triệu đồng (hai ngàn năm trăm triệu đồng) Trong đó, kinh phí từ NSNN: 2.500 triệu đồng (hai ngàn năm trăm triệu đồng)
II. MỤC TIÊU VÀ NHỮNG NỘI DUNG CÙNG CÁCH TIẾP CẬN KHOA HỌC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
1.Mục tiêu của đề tài
- Nâng cao chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu khác nhau.
- Đa dạng hóa loại gạo xuất khẩu.
- Nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, thu hẹp dần khoảng cách về giá gạo xuất khẩu của Việt Nam so với các nước xuất khẩu như Thái Lan….
2. Nội dung nghiên cứu
• Tổng quan tình hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao và các vấn đề thương mại lúa gạo ở ĐBSCL.
• Thu thập số liệu, tài liệu, bản đồ, kết quả nghiên cứu, văn bản liên quan đến hệ thống sản xuất lúa chất lượng cao. Phân tích đánh giá tổng hợp các tài liệu số liệu thứ cấp về thị trường, chính sách đối với vùng nguyên liệu.
• Xác định các vùng nguyên liệu gạo xuất khẩu ở mức độ huyện và tỉnh (điều kiện tự nhiên, diện tích, tiềm năng sản xuất lúa xuất khẩu).
• Nghiên cứu xây dựng qui trình kỹ thuật sản xuất lúa xuất khẩu cho các vùng sinh thái Đồng bằng ven biển cao, Đồng lụt ven sông, Đồng Tháp Mười.
• Xác định hiệu quả sản xuất lúa gạo ở qui mô nông hộ và trở ngại kỹ thuật đối với việc sản xuất lúa xuất khẩu trên các vùng nguyên liệu.
Xây dựng hệ thống thí nghiệm, thử nghiệm các kỹ thuật canh tác tổng hợp trên trạm trại và ruộng nông dân nhằm nâng cao chất lượng lúa xuất khẩu và giảm giá thành sản xuất trên các vùng nguyên liệu.
• Nghiên cứu qui trình công nghệ sau thu hoạch đạt yêu cầu chất lượng và giảm giá thành lúa xuất khẩu trên các vùng sinh thái chính.
• Xác định hiệu quả và trở ngại sau thu hoạch đối với các nhóm lúa xuất khẩu khác nhau.
• Nghiên cứu qui trình kỹ thuật sơ chế và bảo quản lúa xuất khẩu.
• Nghiên cứu qui trình chế biến lúa gạo xuất khẩu 3. Phương pháp nghiên cứu
Chọn 3 vùng sinh thái canh tác lúa của ĐBSCL là vùng nghiên cứu chính:
Vùng Đồng lụt ven sông.
Vùng Đồng bằng ven biển cao.
Vùng Đồng Tháp Mười.
Phương pháp nghiên cứu hệ thống được áp dụng trong suốt quá trình nghiên cứu, thực hiện đề tài. Các phương pháp sau đã được áp dụng trong đề tài:
• Sử dụng phương pháp chuyên gia, tổ chức hội thảo chuyên đề (đầu tư, tín dụng, thị
trường thương mại sản phẩm, hạ tầng cơ sở). Áp dụng phương pháp phân tích hệ thống canh tác (Farming Systems Analysis), ma trận phân tích chính sách PAM (Policy Analysis Matrix), phân tích chi phí-lợi nhuận CBA (Cost-Benefit Analysis) để phân tích chính sách cho vùng lúa xuất khẩu. Mạng lưới nghiên cứu về thành phần kỹ thuật và theo dõi đầu tư và hiệu quả sản xuất nông hộ đại diện, kênh sản xuất-chế biến-tiêu thụ được thiết lập để thu thập số liệu phân tích theo thời gian và không gian. Áp dụng phương pháp phân tích kinh tế lượng và theo ngành hàng để đánh giá về mặt tài chính và kinh tế của vùng sản xuất lúa chất lượng cao.
• Nghiên cứu qui trình kỹ thuật sản xuất và chế biến lúa xuất khẩu:
Các thí nghiệm về thành phần kỹ thuật được thực hiện trên các trạm nhân giống địa phương và trên ruộng nông dân đại diện cho các vùng sinh thái, phương pháp nghiên cứu tham gia là chìa khóa chính trong các nghiên cứu, chọn lọc, so sánh, đánh giá tính thích nghi của giống và các hợp phần kỹ thuật. Phương pháp nghiên cứu chính qui trên trạm, trại và nhà máy xay xát chế biến gạo (quốc doanh và tư nhân) kết hợp với nghiên cứu có sự tham gia của nông dân trên các điểm nghiên cứu. Tổ chức hội thảo khoa học và hội thảo chuyên gia để phân tích và đánh giá các kết quả thực hiện từng vụ và năm xây dựng kế hoạch nghiên cứu cho các giai đoạn kế tiếp trong quá trình thực hiện Đề tài.
• Sử dụng các phần mềm SPSS, Excel, MSTATC, SAS, EVIEWS trong phân tích số liệu điều tra, thí nghiệm, số liệu kinh tế - xã hội.