Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
1.5 Nhận định tình hình phát triển kinh tế nông thôn vùng sản xuất lúa gạo
1.5.2 Xu hướng phát triển kinh tế nông thôn vùng lúa xuất khẩu trong thời gian qua
Đặc điểm đó thể hiện trong thập niên 90 có 2 giai đoạn: kinh tế nông thôn vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu tăng trưởng rất nhanh ở giai đoạn đầu (1990-1995) và chựng lại ở giai đoạn sau (từ 1996 đến nay).
Có tình hình trên là do:
Kinh tế nông thôn vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu ĐBSCL được phát triển theo hướng tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và lấy sản xuất lương thực làm trọng tâm. Khi sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là sản xuất lúa chựng lại đã dẫn đến sự giảm sút tốc độ tăng trưởng kinh tế nông thôn.
Các yếu tố và điều kiện tự nhiên kỹ thuật (đất canh tác, cơ cấu mùa vụ, ngưỡng sinh học của cây lúa với kỹ thuật canh tác hiện nay, thâm dụng lao động sống,..) để phát triển nông nghiệp theo chiều rộng đã gần đến mức bão hòa, trong khi đó các yếu tố và điều kiện giúp nông nghiệp phát triển theo chiều sâu chậm hình thành (giống mới, chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, …)
Nông sản hàng hóa chủ lực chưa có thị trường ổn định, tính cạnh tranh chưa cao nên khó xuất khẩu. Thị trường trong nước và trong vùng chưa phát triển.
Mức tăng trưởng nông nghiệp cao ở giai đoạn đầu của vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu chủ yếu là do những thay đổi về cơ chế quản lý nông nghiệp, khai thác đất hoang hóa, tăng vụ, chuyển vụ nhờ vào sự ngọt hóa và các cơ sở hạ tầng đầu tư trước đó đã phát huy
tác dụng. Tuy nhiên, các yếu tố phát triển theo chiều rộng này đã được khai thác gần như tối đa. Vì thế, muốn tiếp tục giữ tăng trưởng ở mức 3- 4% thì phải đầu tư khai thác theo chiều sâu và đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
Hiện đại hóa nền nông nghiệp ở vùng sản xuất lúa xuất khẩu diễn ra chậm so với khối lượng nông sản hàng hóa nên dẫn đến tình trạng dư nông sản thô.
Giống cây trồng vật nuôi chủ lực trong vùng có chất lượng chưa cao và chưa ổn định. Đa số nông dân tự để giống hoặc trao đổi giống cây trồng vật nuôi trong nội bộ nên không đảm bảo chất lượng. Theo kết quả khảo sát của Bộ Nông nghiệp & PTNT, trên địa bàn mỗi tỉnh, riêng lúa có đến 40 giống khác nhau và hầu hết là dùng lúa thịt qua nhiều đời làm giống dẫn đến thoái hóa giống, làm giảm chất lượng gạo xuất khẩu.
Kỹ thuật sản xuất mặc dù có nhiều cải tiến song đa số nông dân vẫn chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, ngay cả đối với cây trồng chủ lực là lúa. Tỷ lệ nông dân tiếp cận kỹ thuật mới trong trồng lúa ở vùng Đồng Tháp Mười thấp nhất trong vùng (Lê Minh Triết, 1999)[23] trong khi đây lại là vùng có tốc độ tăng sản lượng lương thực hàng hóa cao nhất.
Công nghệ sau thu hoạch không theo kịp với yêu cầu tăng sản lượng lúa và không đáp ứng cho nhu cầu đa dạng hóa cây trồng vật nuôi dẫn đến thất thoát sản lượng (bình quân thất thoát sản lượng lúa sau thu hoạch là 15% ở ĐBSCL và từ 18 - 23 % vùng ĐTM – theo KX03. 21C và VIE/80/014).
Tỷ lệ nông dân tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật còn quá thấp và cũng chỉ tập trung cho cây lúa.
Tóm lược chương 1
Từ việc phân tích tổng quan các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và thương mại – chế biến lúa gạo ĐBSCL có thể rút ra được các nhận định quan trọng sau:
1/ Với diện tích tự nhiên 3.971.232 ha, chiếm 12,06% diện tích cả nước. Chế độ thủy văn mùa khô và mùa mưa rất khác biệt kết hợp với địa hình và quá trình địa chất hình thành vùng châu thổ, có thể phân định các vùng sinh thái nông nghiệp trồng lúa quan trọng ở ĐBSCL như sau:
- Vùng Đồng bằng ven sông Tiền và sông Hậu (Đồng lụt ven sông), chiếm 29,18%
diện tích đồng bằng.
- Vùng trũng Đồng Tháp Mười (đồng lụt kín): 13,10% diện tích.
- Vùng trũng Hà Tiên (đồng lụt hở): 17,80% diện tích.
- Đồng bằng ven biển cao: 17,8% diện tích.
Diện tích canh tác lúa chiếm 44,5% tổng diện tích lúa cả nước (Niên giám thống kê, 2004).
2/ Với tỷ lệ dân số chiếm 22% so với cả nước, trong đó dân số nông thôn có tỷ lệ khoảng 83% và tốc độ tăng dân số tự nhiên là 1,7%. Lao động không chuyên môn chiếm tỷ lệ cao hơn so với vùng Đông Nam Bộ (28% và 11,9%). Với tỷ lệ dân số tăng nhanh đã làm cho diện tích đất đai sở hữu/ nông hộ ngày càng giảm (4,3 ha/ hộ nông thôn vào năm 1970 và 1 ha/ hộ nông thôn vào năm 2004), đây là trở ngại quan trọng trong việc cơ giới hóa và hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp nông thôn trong vùng. Luật đất đai năm 1993 đã thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất xảy ra ở nông thôn khá nhanh. Hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị và các thành phố lớn đã diễn ra mạnh trong các năm gần đây. Hiện tượng này đã làm thiếu hụt lao động nông nghiệp trong một số hoạt động thu hoạch và sau thu hoạch trên các vùng thâm canh lúa.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo khuynh hướng giảm nông nghiệp, gia tăng công nghiệp và dịch vụ. Sản xuất lúa có khuynh hướng được thay thế bằng các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn.
3/ Sản xuất lúa gạo chiếm vị trí quan trọng ở ĐBSCL và trong cả nước. Vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu chiếm vị trí quan trọng về diện tích và sản lượng lúa gạo của ĐBSCL. Dựa vào các chỉ tiêu điều kiện tự nhiên, nguồn lực và trình độ lao động trong sản xuất lúa, hiện trạng sản xuất và hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ nông nghiệp có thể xác định được 13 tỉnh thành của ĐBSCL đều có khả năng trồng lúa xuất khẩu. Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ có diện tích và có điều kiện canh tác lúa xuất khẩu quan trọng ở ĐBSCL. Trong giai đoạn 1995-2004, diện tích gieo trồng lúa của ĐBSCL tăng bình quân 2%/năm, năng suất tăng 2,1% làm cho sản lượng lúa tăng bình quân 4,16%/năm.
4/ Hệ thống thương mại lúa gạo của ĐBSCL đã được hình thành trong thời gian khá lâu dài, sự phân chia hoạt động cho từng nhóm tác nhân trong ngành hàng theo cơ chế thị trường từ khi có chính sách đổi mới của nhà nước. Việc kinh doanh lúa gạo đã có sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó vai trò của hàng xáo trong việc thu mua lúa gạo ở hộ nông dân là rất quan trọng. Các dạng hình thương lái tư nhân chiếm vai trò quan trọng trong thu mua, tồn trữ và chế biến lúa gạo nội địa và tạo nguồn hàng cho các công ty xuất khẩu. Công ty quốc doanh chiếm giữ vai trò quan trọng trong xuất khẩu gạo. Khó khăn trở ngại trong hệ thống thương mại lúa gạo ở ĐBSCL: đó là sự kém phát triển của doanh nghiệp tư nhân, tiếp cận thông tin thị trường, tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế và cơ chế hành chính trong hệ thống danh nghiệp quốc doanh còn nhiều phức tạp.
Động thái giá lúa gạo của ĐBSCL có tính hòa nhập cao, phụ thuộc nhiều nhất vào giá gạo xuất khẩu và giá gạo trên thị trường thế giới. Sự cạnh tranh và phát triển thể chế đã giúp cho thị trường lúa gạo có hiệu quả.
5/ Việc cơ giới hóa các khâu làm đất, bơm nước, tuốt lúa đã đạt 90%-100%. Tuy nhiên tập quán thu hoạch thủ công vẫn chiếm tỉ trọng lớn ở các vùng trồng lúa ĐBSCL.
Các cơ sở trong nước đã có đủ khả năng sản xuất các loại máy gặt lúa, tuy nhiên vẫn chưa có mẫu máy cắt lúa phù hợp với điều kiện sản xuất của các địa phương. Mẫu máy sấy vỉ ngang công suất 4-8 tấn/mẻ chiếm tỷ lệ 75% trong tổng số máy sấy ở ĐBCSL. Việc áp dụng qui trình kỹ thuật sấy lúa là vấn đề tồn tại ở các hộ có máy sấy. Rất ít công ty, xí nghiệp chế biến sử dụng công nghệ sấy lúa.
Tồn trữ lúa gạo là một vấn đề quan trọng ở ĐBSCL, nhưng do các nguyên nhân kinh tế, thị trường, công nghệ đã làm cho các doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc tồn trữ nguyên liệu lúa gạo trong năm.
Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành các cụm công nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu tập trung với các loại nhà máy ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long có công suất đáp ứng được trên 4 triệu tấn gạo xuất khẩu/năm. Tuy nhiên công nghệ chế biến gạo xuất khẩu theo “qui trình ngược” hoặc “hai hệ thống” đã làm giảm giá trị sản phẩm và nâng cao giá thành sản xuất. Các nguyên nhân chính là do chất lựợng lúa nguyên liệu không đồng nhất (không có vùng lúa nguyên liệu riêng cho cơ sở kinh doanh, chế biến), thiếu các tiêu chí chuẩn hóa giá trị các nhóm
nguyên liệu lúa thu mua, công nghệ của các cơ sở xay xát nhỏ (>1,5 tấn/giờ), không hoàn chỉnh và lạc hậu so với các cơ sở quốc doanh và công ty chế biến tư nhân do đó sản phẩm gạo lức thường có tỷ lệ gạo nguyên thấp và chất lượng không ổn định. Số nhà máy nhỏ và trung bình chiếm tỷ lệ rất quan trọng trong hệ thống chế biến gạo (91% tổng công suất xay xát của ĐBSCL) nhưng có nhiều khó khăn và trở ngại về thông tin thị trường, tồn trữ, công nghệ, tín dụng và khả năng cạnh tranh với nhà máy quốc doanh.
6/ Quy mô canh tác lúa của nông hộ vùng ĐBSCL biến động tùy theo điều kiện tự nhiên và lịch sử phát triển. Diện tích đất lúa/lao động trên hộ của vùng Đồng lụt ven sông thấp hơn vùng Đồng bằng ven biển cao. Vùng lúa có tưới, người sản xuất đã thực hiện thâm canh, tăng vụ tối đa và thường cao gấp 1,5 lần vùng canh tác nhờ nước trời. Quy mô nông trại trên cả 3 vùng sinh thái có chiều hướng biến thiên thuận với thu nhập, quy mô càng lớn thu nhập càng lớn. Do đó để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa của nông hộ cần có giải pháp tích tụ ruộng, tập trung ruộng đất để nâng cao số lượng, chất lượng hàng hóa và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
7/ Nông thôn vùng sản xuất lúa xuất khẩu đã có bước phát triển kinh tế xã hội và hạ tầng cơ sở nhờ vào việc giải phóng 2 yếu tố cơ bản là lao động và ruộng đất. Sản xuất lương thực tăng nhanh ở qui mô hàng hóa có khối lượng lớn góp phần cho an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Thu nhập nông hộ có cải thiện đáng kể. tuy nhiên giá lúa – gạo xuất khẩu không ổn định đã ảnh hưởng đến thu nhập của người sản xuất. Hiện đại hóa hệ thống sản xuất nông nghiệp trên các vùng lúa xuất khẩu ở ĐBSCL còn chậm, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và giá trị của sản phẩm lúa gạo nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung.
Chương 2