MỸ KHÔNG CỨU PHÁP KHI BỊ NHẬT ĐẢO CHÍNH

Một phần của tài liệu việt nam trong chính sách của mỹ từ 1940 đến 1956 (Trang 40 - 43)

CHƯƠNG 1: VIỆT NAM TRONG CHÍNH SÁCH CỦA MỸ THỜI CHIẾN TRANH THẾ GIỚI LẦN THỨ II (từ giữa năm 1940 đến giữa

1.2. VIỆT NAM TRONG QUAN HỆ MỸ - PHÁP

1.2.1. MỸ TÌM MỌI CÁCH LOẠI PHÁP KHỎI VIỆT NAM

1.2.1.3. MỸ KHÔNG CỨU PHÁP KHI BỊ NHẬT ĐẢO CHÍNH

Sợ Pháp ở Đông Dương có thể hoạt động phối hợp với Mỹ một khi Mỹ cho quân đổ bộ len bán đảo này, Nhật ra tay trước, lật đổ Pháp trên toàn Đông Dương trong đêm 9-3-1945.

Toàn bộ viên chức Pháp các cấp, dân sự lẫn quân sự, kể cả toàn quyền, thống đốc, thống sứ, khâm sứ, tướng tá..., đều bị bắt giam. Một số ít lính Pháp trong thành Lạng Sơn kháng cự một cách tuyệt vọng. Họ đánh điện kêu cứu: "Còn giữ ba phần tư thành. Không có nước.

Xin yểm trợ bằng máy bay và thả dù đồ tiếp tế. Người Mỹ ở đâu?" [173, 131]. Lúc đó, quân Mỹ đang có mặt ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), cách Lạng Sơn không xa, nhưng bị Washington ra lệnh án binh bất động. Kết quả: toàn bộ lính Pháp ở thành Lạng Sơn bị Nhật tàn sát.

Tướng Gabriel Sabattier trốn khỏi Hà Nội, chạy lên Lai Châu. Tướng Alessandri cùng vài ngàn tính Pháp đóng ở Thông (Sơn Tây) cũng thoát lên được Lai Châu và Sơn La. Một mặt, De Gaulle cử đại tá Passy và thiếu tá De Langlade bí mật tới Điện Biên Phủ để yêu cầu hai tướng Sabattier và Alessandri ở lại Đông Dương bằng mọi giá nhằm tổ chức cuộc kháng chiến chống Nhật. Mặt khác, trong diễn văn trên đài phát thanh ngày 14-3-1945, ông chính thức kêu gọi Mỹ cung cấp súng đạn và đồ tiếp tế để giúp người Pháp ở Đông Dương đánh Nhật. ông còn gặp đại sứ Mỹ tại Pháp Jefferson Caffery khẳng định người Pháp ở Đông Dương đang tiến hành "một cuộc chiến đấu thực sự" (a real fight) [105, 101] và đề nghị Mỹ giúp. ở Washington, đại sứ Pháp Henri Bonnet cũng nhấn mạnh điều tương tự với Cordell Hull, nhưng ngoại trưởng Mỹ đã trả lời một cách lạnh lùng: "ở Đông Dương chẳng có quân kháng chiến nào cả" [105, 101].

Tướng Albert C. Wedemeyer lúc đó đang có mặt ở Washington, D.C. đến gặp Roosevelt. Wedemeyer kể: "Ông ấy bảo tôi không được cung cấp bất cứ tiếp viện nào cho các lực lượng Pháp hoạt động trong vùng" [173, 132]. Tướng Claire L. Chennault, tư lệnh Lực lượng không quân số 14 của Mỹ ở Trung Hoa, viết trong hồi ký: "Lệnh từ Tổng hành dinh Chiến trường [Trung Hoa] nói rằng không được cung cấp vũ khí đạn dược cho quân Pháp trong bất kỳ trường hợp nào. Tôi được phép tiến hành hoạt động "bình thường" chống lại .Nhật ở Đông Dương miễn là hành động ấy không dính dáng tới việc tiếp tế cho quân Pháp. Lệnh không được giúp đỡ người Pháp của tướng Wedemeyer được ban hành trực tiếp từ Bộ chiến tranh [Mỹ]" [49, 342]. Tướng De Gaulle ghi nhận điều tương tự trong hồi ký của mình: "Ngay cả không quân Mỹ đóng tại Trung Hoa nằm trong tầm trực tiếp với binh

40

đoàn của Alessandri, cũng không giúp đỡ binh đoàn này. Tướng Sabattier (...) tiếp xúc với Bộ tư lệnh Mỹ ở Trung Hoa, bị từ chối mọi yểm trợ" [138,III,195].

Không những không cứu Pháp, Mỹ còn chống lại việc Anh giúp đỡ lính Pháp ở Đông Dương. Giữa tháng 5-1945, đô đốc Anh Mounbatten, tư lệnh Chiến trường Đông Nam Á, cho máy bay thả đồ tiếp tế xuống Đông Dương. Hay tin, ngày 25-5, tướng Wedemeyer kịch liệt phản đối việc Mounbatten xâm phạm ranh giới của Chiến trường Trung Hoa (vì Đông Dương thuộc lãnh thổ của Chiến trường này) và báo cáo sự việc lên Hội đồng tham mứu trưởng liên quân Mỹ [105, 122].

Không được cứu giúp, Sabattier và Alessandri không còn cách nào khác hơn là dẫn đám tàn binh băng rừng lội suối, vượt 800 dặm đường, chạy sang Trung Hoa. "Washington ra lệnh nghiêm cấm việc yểm trợ bằng máy bay cho các toán quân Pháp đang rút lui về hướng bắc trong một cố gắng tuyệt vọng chạy trốn quân Nhật" [90, 268]. Theo De Gaulle, 200 sĩ quan và 4000 binh sĩ đã bỏ mạng trên đường tháo chạy, chỉ còn 320 sĩ quan và 5450 binh sĩ tới được Vân Nam.

De Gaulle đề nghị Mỹ vũ trang lại cho họ và giúp họ tham chiến dọc biên giới Việt- Trung cũng như trên lãnh thổ Bắc Kỳ để chống lại kẻ thù chung là phát-xít Nhật. Nhưng chấp hành chỉ thị của Washington, tướng Wedemeyer ra lệnh tước vũ khí của họ ngay khi họ vừa đặt chân lên đất Trung Hoa, giam lỏng họ ở Vân Nam, đặt họ dưới sự kiểm soát của Mỹ và Trung Hoa. Để đưa họ tới một nơi càng xa Đông Dương càng tốt, Wedemeyer đề nghị họ tham gia đánh Nhật ở vùng đông bắc Trung Hoa. Biết được thâm ý của Mỹ, họ từ chối, viện lý do còn mệt mỏi sau chuyên trốn chạy. Vì vậy, họ không được hoạt động gì cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Tướng Mỹ Chennault nhận định: "Rõ ràng chính sách của Mỹ lúc đó là sẽ không trao Đông Dương thuộc Pháp lại cho Pháp" [49, 342]. Nhà sử học Mỹ gốc Pháp, tiến sĩ Bemard B. Fall, cũng có ý kiến tương tự: Mỹ quyết "loại bỏ Pháp ra khỏi Đông Dương bằng mọi giá" [173, 133].

1.2.1.4. MỸ NGĂN CẢN PHÁP TRỞ LẠI VIỆT NAM SAU CHIẾN TRANH:

Vào giai đoạn cuối của thế chiến, Mỹ tập trung lực lượng để đổ bộ lên lãnh thổ Nhật, giành độc quyền chiếm đóng quần đảo này, do đó Mỹ không những bỏ kế hoạch tấn công Bắc Việt Nam mà còn quyết định không tham gia vào việc tước vũ khí và hồi hương quân Nhật ở Đông Dương. Tại hội nghị Potsdam (từ 17-7 đến 2-8-1945), công việc này được giao

41

cho Trung Hoa (đối với phần phía bắc vĩ tuyến 16°) và cho Anh (đối với phần phía nam vĩ tuyến 16°). Pháp bị loại ra khỏi Đông Dương sau chiến tranh.

Tuy vậy, hay tin Nhật đầu hàng (14-8-1945), Pháp vội tìm cách trở lại Đông Dương càng sớm càng tốt.

Trong hai ngày 16 và 17-8, De Gaulle bổ nhiệm tướng Leclerc làm tư lệnh tối cao các lực lượng trên bộ ở Đông Dương và đô đốc Georges Thieưy d'Argenlieu làm cao uy Pháp ở Đông Dương kiêm tổng tư lệnh các lực lượng hải lục không quân Pháp ở Viễn Đông.

FEFEO được lệnh sẵn sàng lên đường sang Đông Dương.

Các sĩ quan Pháp ở Trung Quốc cũng nôn nóng trở lại Đông Dương. Nhưng trong cảnh ăn nhờ ở đậu, việc di chuyển của họ tuy thuộc hoàn toàn vào quyết định của Mỹ và Trung Hoa.

Thiếu tá Jean Sainteny, trưởng Phái bộ quân sự Pháp (M5), xin đi Hà Nội, nhưng tổng hành dinh của tướng Wedemeyer không cho phép. Thiếu tá Mỹ Archimedes L.A. Patti giải thích: "Hiệp định Potsdam không hề ghi nhận chủ quyền của Pháp đối với Việt Nam, do đó người Pháp không còn quyền can thiệp vào những việc không còn quan hệ với họ nữa"

[151, 124].

Một chiếc máy bay C.47 của Pháp từ Calcutta (Ấn Độ) đến. Sainteny định dùng máy bay ấy đi Hà Nội. Biết được điều đó, tướng Wedemeyer ra lệnh: "mọi máy bay, không kể nguồn gốc hay quốc tịch nào, đều không được cất cánh bay sang Đông Dương thuộc Pháp cho đến khi có lệnh mới" [105, 145]. Để đánh lừa Mỹ, Sainteny tuyên bố là bay đi Ấn Độ, sau đó sẽ giả vờ bay lạc sang Việt Nam, khi đến bầu trời Hà Nội Sainteny và đồng đội sẽ nhảy dù xuống còn máy bay tiếp tục bay đi Ấn Độ. Đoán được mưu mô của Sainteny, tướng Wedemeyer cho lính bao vây máy bay, cấm mọi người lại gần.

Sainteny tiếp tục vận động nên cuối cùng được phép đi nhờ trên một máy bay Dakota của Mỹ chở phái đoàn của Patti sang Hà Nội ngày 22-8 với điều kiện Sainteny và 4 đồng đội của ông ta "bị đặt dưới sự chỉ huy hoàn toàn của Mỹ" và "không được dùng cờ Pháp"

[105, 146].

Tướng Alessandri, đại tá Le Porz, Léon Pignon ... xin đi nhờ máy bay sang Hà Nội, nhưng tướng Gallager (Mỹ) và tướng Wang (Trung Hoa) trả lời rằng "vấn đề Pháp trở lại Đông Dương đang đựơc thảo luận tại Hội nghị năm cường quốc ở London và giữa [ngoại

42

trưởng Pháp] Georges Bidault với [thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trung Hoa] Tống Tử Văn ở Paris, do đó họ [Gallager và Wang] không muốn chuốc lấy trách nhiệm trong việc chở các đại biểu của Pháp tới Hà Nội" [151, 124]. Mãi đến 19-9, Alessandri và đồng đội của ông mới đặt chân lên Hà Nội.

Trong báo cáo ngày 28-8 gửi lên cấp trên của mình, Sainteny viết: "Chúng ta đang đứng trước một thủ đoạn liên kết của các nước đồng minh [ám chỉ Mỹ và Trung Hoa] nhằm loại Pháp ra khỏi Đông Dương "[151,91].

Một phần của tài liệu việt nam trong chính sách của mỹ từ 1940 đến 1956 (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(212 trang)