NHỮNG NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN, TIỀN

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 31 - 34)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

1.1. NHỮNG NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN, TIỀN

Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với những diễn biến đặc biệt của tình hình kinh tế - chính trị - xã hội đã thu hút được sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà khoa học. Tư tưởng chính trị của các nhà yêu nước trở thành một trong những cốt lõi của sự chuyển biến ý thức hệ tư tưởng thời kỳ này qua các nghiên cứu:

Các Giáo sư Trương Hữu Quýnh, Giáo sư Đinh Xuân Lâm và Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Mậu Hãn trong bộ ba tập Đại cương Lịch sử Việt Nam, cụ thể ở tập 2 (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2003) đã có những phân tích, đánh giá một cách tương đối toàn diện về đời sống kinh tế - xã hội – văn hóa…, đặc biệt là những dấu ấn giá trị tư tưởng của các bậc sĩ phu yêu nước, các nhà tư tưởng Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thông qua các phong trào yêu nước như Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục… với các tên tuổi Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can… Từ góc độ lịch sử, các tác giả nhận định về tư tưởng, đường lối cứu nước, tinh thần cách mạng của các nhà tư tưởng tuy còn có những hạn chế nhất định nhưng đã có sự đóng rất lớn vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam trong những ngày đầu tiếp cận với khu vực và phương Tây về con đường cách mạng, tự giải phóng cho dân tộc.

Nghiên cứu về lịch sử tư tưởng phương Đông nói chung và lịch sử tư tưởng Việt Nam nói riêng phải kể đến Giáo sư Cao Xuân Huy, tác giả của quyển Tư tưởng phương Đông – gợi những điểm nhìn tham chiếu (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1995) đã trình bày những vấn đề về tư tưởng Việt Nam từ sự so sánh với tư tưởng phương Đông và thế giới nhằm chỉ ra những nét đặc sắc của tư tưởng triết học Việt

Nam trong quá trình phát triển của lịch sử. Với hơn 790 trang sách, tác giả cũng đã điểm đến những vấn đề tư tưởng Việt Nam thông qua chủ thuyết canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, người sau này đã có những ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng đổi mới của Huỳnh Thúc Kháng.

Tài liệu lưu hành nội bộ năm 1984 của Viện Triết học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam với nhan đề Một số vấn đề lý luận về Lịch sử tư tưởng Việt Nam là tập hợp những quan điểm, nhận định đầu tiên của các nhà nghiên cứu về việc xác định đối tượng, phạm vị nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, phân kỳ lịch sử… cũng như chỉ ra những vấn đề cơ bản của việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam. Đồng thời, các tác giả cũng bước đầu chỉ ra những đặc điểm cơ bản, hệ tư tưởng, cấu trúc tư tưởng Việt Nam từ cội nguồn lịch sử dựng nước cho đến thế kỷ XIX.

Trong quyển Lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam thời kỳ Lê – Nguyễn (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013) của Giáo sư Lê Văn Quán đã trình bày về những biến đổi sâu sắc trong đời sống kinh tế, chính trị, tư tưởng, xã hội ở Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX. Tác giả đã hệ thống hóa những quan điểm, tư tưởng chính trị - xã hội chủ đạo thời kỳ phong kiến Lê Sơ cho đến triều đại cuối cùng của nền thống trị phong kiến Việt Nam – nhà Nguyễn. Nội dung công trình nghiên cứu được chia làm hai phần: (1) lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội triều Lê Sơ và (2) lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội triều Nguyễn. Ở phần thứ hai tác giả đã trình bày những khái lược cơ bản tư tưởng chính trị - xã hội triều Nguyễn trước và sau khi thực dân Pháp bắt đầu tiến hành xâm lược, triều đình phong kiến dần từng bước suy vong. Tác giả đã có những trình bày, phân tích và đánh giá về vấn đề canh tân – bảo thủ trong tư tưởng Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX thông qua những nhà Nho tiêu biểu trong cuộc đấu tranh tư tưởng giữa phái chủ hòa và phái chủ chiến của chính quyền phong kiến đang trong giai đoạn suy tàn.

Tác giả Doãn Chính trong quyển Tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011) đã chỉ ra, trên cơ sở điều kiện lịch sử - xã hội Việt Nam thế kỷ XV đến thế kỷ XIX chi phối bởi những khuôn mẫu

đã xơ cứng của Nho giáo làm cho kẻ sĩ – những bậc thanh cao, đầy nhiệt huyết – xuất thân từ “cửa Khổng, sân Trình” nhưng lại không chấp nhận mà cố tìm lối đi mới trong tam giáo. Chính sự độc tôn Nho giáo đã ràng buộc các nhà tư tưởng vào những chuẩn mực đạo đức, làm mất đi cái bản chất khoan dung, dân chủ vốn có của tư tưởng Việt Nam… Đây cũng là nguyên nhân sâu xa về mặt tư tưởng dẫn đến sự trở về tam giáo của các nhà tư tưởng thế kỷ XVII, XVIII và từng bước chuyển biến sang tư tưởng dân chủ tư sản ở cuối XIX đầu thế kỷ XX qua tác động của Tân thư và Tân văn.

Bên cạnh đó, năm 2013 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Doãn Chính tiếp tục xuất bản công trình nghiên cứu tập trung chuyên biệt về Lịch sử tư tưởng Triết học Việt Nam từ thời kỳ dựng nước đến đầu thế kỷ XX (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013). Tác giả đã trình bày một cách hệ thống và cơ bản lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam qua năm thời kỳ gắn với điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị - xã hội và văn hóa của dân tộc. Trong đó, thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với các phái, các nhà tư tưởng nổi tiếng trong lịch sử văn hóa dân tộc như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh…, gắn với quá trình chuyển biến tư tưởng, ý thức hệ của cả một dân tộc trong sự chuyển biến của hình thái kinh tế - xã hội.

Tác giả Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường với giáo trình sau đại học Lịch sử tư tưởng phương Đông và Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012) đã có những bày khái quát và hệ thống hóa tư tưởng của Trung Quốc, Ấn Độ, Ả rập và Việt Nam nhằm phục vụ cho quá trình đào tạo học viên Cao học và Nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học xã hội. Tác giả đã đề cập đến tư tưởng chính trị Việt Nam về dân chủ tư sản qua những dòng tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường… của giai đoạn đầy biến động về ý thức hệ tư tưởng nửa cuối thế kỷ XIX đầu XX như một bộ phận trong hệ thống tư tưởng Việt Nam gồm hai phần: tư tưởng chính trị (Nho giáo, Dân chủ tư sản và Chủ nghĩa Mác – Lênin) và tư tưởng tôn giáo (Phật giáo, Đạo giáo, Kito giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, tín ngưỡng dân gian).

Như vậy, những nghiên cứu đã có đóng góp nhất định vào vấn đề cơ bản của lịch sử tư tưởng phương Đông nói chung và lịch sử tư tưởng triết học, chính trị Việt Nam nói riêng xuyên suốt chiều dài quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã góp phần quan trọng vào việc hệ thống hóa các quan điểm, phân tích và đánh giá về các luận điểm tư tưởng chính trị của các nhà tư tưởng nói riêng và toàn bộ tư tưởng Việt Nam nói chung, khẳng định vai trò và ý nghĩa lịch sử của tư tưởng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử trên cơ sở những điều kiện, tiền đề kinh tế - xã hội quy định. Những đóng góp về mặt lý luận là căn cứ, cơ sở khoa học để tác giả kế thừa, vận dụng sáng tạo vào quá trình nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w