Huỳnh Thúc Kháng phê phán nền giáo dục Nho giáo

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 107 - 113)

CHƯƠNG 3 QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, CHUYỂN BIẾN VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN

3.2.1. Huỳnh Thúc Kháng phê phán nền giáo dục Nho giáo

Những nhà tư tưởng cùng thời với Huỳnh Thúc Kháng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cật lực phê phán tư tưởng tôn quân quyền với tư cách là đối tượng của nền quân chủ phong kiến. Tư tưởng tôn quân quyền là một trong những đặc trưng quan trọng của nền giáo dục phong kiến Nho giáo, nhất là dưới thời nhà Nguyễn. Nó bó buộc tư tưởng người học trong phạm vi “trung quân ái quốc” một cách tuyệt đối, đề cao vai trò vị thế của nhà vua trong sự cai trị của nền quân chủ phong kiến. Tư tưởng tôn quân quyền chính là nguồn gốc ràng buộc chặt chẽ con người vào mối quan hệ của tam cương ngũ thường để vô hiệu quá vai trò của nhân dân nhằm thực hiện chuyên chế một cách triệt để. Đó là cơ sở để thực dân Pháp lợi

dụng áp đặt nền cai trị thực dân lên nhân dân Việt Nam. Chúng biến phong kiến thành tay sai và tiếp tục dùng tư tưởng tôn quần quyền để thống trị đời sống tinh thần của xã hội. Điều quan trọng nữa là Phan Châu Trinh từng là quan trọng thần của triều đình, do vậy ông hiểu rất rõ bản chất chính quyền phong kiến cùng với dã tâm thâm độc của thực dân Pháp khi tiến hành áp đặt nền thống trị thuộc địa. Ông phê phán nền quân chủ qua những bài viết của ông sau này khi ông vẫn một mực khen ngợi trình độ văn minh của người Nhật, người Xiêm nhưng không bao giờ dành lời nào cho chế độ vương quyền của hai nước đó.

Phan Bội Châu từng viết: “Người Pháp biết tập quán người An Nam rất trọng về cương thường; mà trong cương thường rất trọng về tôn quân. Pháp cướp nước ta không bao giờ cướp tới vua, ngôi vua vẫn y nhiên, danh hiệu vua vẫn lừng lẫy, kỳ thật họ quý trọng gì vua An Nam đâu” [144; 76]. Chính vì lẽ đó mà theo các ông, muốn thực hiện được cách mạng dân chủ, giải phóng dân tộc thì trước hết cần phải phê phán và đánh đổ tư tưởng tôn quân quyền. Trong khi đó, Huỳnh Thúc Kháng vốn dĩ là một danh sĩ đỗ đạt tiến sĩ không ra làm quan, nên ông không phê phán một cách trực diện triều đình phong kiến, mà ông chọn một con đường khác – phê phán nền giáo dục Nho giáo và muốn cứu nước cứu dân phải làm cho nhận thức của quần chúng thay đổi, thay đổi tư duy phong kiến đã tồn tại hàng ngàn năm. Ông đề xuất tân học: “…bọn chúng tôi đương cái gánh đề xướng tân học, bài xích cựu học,…”

[139; 1455]. Mặt khác, ông cho rằng tất cả mọi cái đều có chung một cái gốc là Hán học xưa cũ gây ra, nên cật lực phê phán: “…học thuyết tôn quân, gốc trong Hán học mà Hán học đã thành ra tro tàn, thì tâm lý tôn quân trong xã hội cũng theo mà nguội lạnh, muốn tôn quân quyền mà bỏ Hán học ấy là một điều trái ngược.” [139; 521].

Từ cuối thế kỷ XIX, nền giáo dục Nho giáo đi dần vào suy thoái, sự du nhập và từng bước hình thành hệ thống giáo dục phương Tây hiện đại. Trong bối cảnh đó, tầng lớp trí thức Nho học được đào tạo và tôi luyện trong giai đoạn này chủ yếu vẫn dựa trên tứ thư, ngũ kinh với cầm, kỳ, thi, họa kết hợp với việc tu dưỡng nhân cách, xây dựng lẽ sống theo khuôn sách của thánh hiền. Tuy nhiên, sự chi phối của nền giáo dục phong kiến Nho học đối với người học không còn được như trước mà tùy

thuộc vào khả năng nhận thức của người học trước những đổi thay mạnh mẽ của thời cuộc và mục đích của chính người học. Mục tiêu đào tạo ra tầng lớp trí thức

“trung quân ái quốc”, học hành đỗ đạt làm quan, cai trị và tuyệt đối trung thành với chế độ quân chủ chuyên chế không còn phù hợp. Trong cuộc đời của mình, cốt cách Nho học của Huỳnh Thúc Kháng vẫn xuyên suốt với nền tảng là tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước nhưng ông không hoàn toàn “ngu trung”, mà tích cực đổi mới trước những đổi thay của thời cuộc về một nền tri thức mới – tri thức khoa học, tiến bộ phương Tây. Thực hiện hoàn cảnh lịch sử - xã hội đã làm tư tưởng ông thay đổi hoàn toàn, không bị chi phối bởi những tư tưởng Nho giáo của triều Nguyễn.

Huỳnh Thúc Kháng phê phán quyết liệt nền giáo dục phong kiến bởi sự bảo thủ về nội dung, giáo điều về phương pháp và hư vô về kỹ năng, thực hành. Trong tâm thức của người Việt bao đời nay luôn cho rằng: “… “đi học cốt để làm quan”, vì cái tánh đó cha truyền con nối, trước bày nay làm, dầu cho ngày nay phép học phép thi đổi ra cách mới, công chiến thương chiến giặc tới bên chưn, mà người đi học trong nước vẫn ôm cái hy vọng “làm quan” là chủ chốt.” [139; 281]. Từ đó, ông chỉ trích việc người học chỉ có một lối thoát mà đồng thời cũng là tham vọng duy nhất trên con đường học vấn là được một vị trí chốn quan trường: “Người hạng nào cũng có thể mong làm nên quan được, nhưng đã lên đến bực quan thì đối với dân

“nhứt tự cách trùng sơn” trong khoảng quan dân bỗng nhiên sinh ra xa nhau như trời và vực… Quan là rất quý mà dân là rất tiện, trong xã hội ai cũng hăm hở mong quan, từ khi mới để trái đào cắp sách đi học cũng đã mang cái mộng tưởng làm quan trong não”. Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi dưới chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến thì triều đình phải đặt ra cái chế độ khoa cử nhằm bó buộc và lung lạc những kẻ sĩ, chỉ nhằm một mục đích duy nhất là bảo vệ quyền lợi của giai cấp cầm quyền, Huỳnh Thúc Kháng đã chỉ rõ: “…sĩ phu mà đã đi vào đường ấy thì không những không khi nào nghị luận đến quyền quân chủ mà lại là những phần tử tận trung tận tín, làm vây cánh rất mạnh mẽ cho Triều đình.” [139; 493].

Huỳnh Thúc Kháng sớm nhận ra được cái hạn chế và tiêu cực của khoa cử Nho học đã dứt khoát, quyết liệt từ bỏ dù rằng không phải trong nội dung của nó

không có những yếu tố tích cực: “Cái học khoa cử làm hại người nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ, mà sĩ phu ta còn chun đầu vào trong như kiến, giấc mộng mê say này, không cho một gậy ngang đầu, không thể nào thức dậy được” [139;

1419]. Ông bắt tay vào xây dựng một nền giáo dục mới, các ngôi trường tân học được hình thành, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam quê hương của ông. Phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ do Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng ngày càng mạnh mẽ và như một luồng gió mới thổi mạnh vào làng xã Việt Nam bao đời nay vẫn theo nếp cũ của lễ nghĩa giáo điều của tư tưởng Nho học, cốt chỉ để phục vụ cho giai cấp địa chủ phong kiến đang cầm quyền. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc phê phán lối học cũ mà Huỳnh Thúc Kháng cũng thẳng thắn mà chỉ ra những hạn chế của nền giáo dục của chính quyền thực dân với mục tiêu “ngu dân” hơn là

“khai hóa” văn minh: “Dân An Nam là một dân tộc sẵn có văn hóa mấy trăm đời, ai cũng công nhận sự học là sự cần thiết nhất xem như tính mệnh, tài sản, không có không sống được. Vậy mà nhà nước một nói rằng khai hóa, hai nói rằng hợp tác, song về đường học giới không chịu châm chước thế nào cho thỏa hiệp. Xứ Trung Kỳ bây giờ, học cũ đã bỏ hẳn, mà học mới trăm phần chưa được một, trường công không đủ dùng mà trường tư thì không có, gia dĩ chương trình hạn chế, quy luật ngăn ngừa dân thì lấy sự học làm sinh mệnh mà quan xem sự học như thù nghịch thì ức vạn thiếu niên An Nam sẽ thành ra một bọn thất nghiệp” [139; 198].

Huỳnh Thúc Kháng đề cao vai trò của tân học, xóa bỏ cựu học nhưng đồng thời cũng chỉ ra những tiêu cực của cả cựu học và tân học đối người học mà không biết xác định mục tiêu: “Ngày trước học Hán văn, chăm chú vào khoa danh lợi lộc, cốt làm sao cho đạt được cái mục đích “thi đỗ làm quan”; thì ngày nay cốt sao cho dựt được tấm bằng để kiếm việc làm, mà việc làm ấy không ngoài phạm vi thân gia.” [139; 591]. Bên cạnh đó, thực trạng việc đổi mới tư tưởng trong một xã hội mới chưa được như Huỳnh Thúc Kháng mong mỏi. Ông thấy rõ vẫn là cái thói học giả, với những điều giả dối trong hành vi dù con người được giáo dục để đạt tới thực hành chân – thiện – mỹ của cựu học hay tân học: “Ngày trước Hán học, nói liêm sỉ, nói nhân nghĩa, toàn là lời suông trên mặt giấy mà đến khi nhúng tay vào

việc, thì lắm kẻ trổ ra ngón tham gian tàn bạo trái với sự học mà đành lòng làm được. Ngày nay Âu học, những tiếng chân lý, nhân đạo, cùng công tâm công lợi, thường thấy phô bày nơi tập chương trình, bài diễn văn, mà rốt cuộc không mấy ai giữ y lời hứa.” [139; 592]. Vì vậy, ông cho rằng ngay từ đầu người dân cần phải biết nhận thức cho rõ việc thay đổi tư tưởng của giáo dục, khoa cử là như thế nào, xác định dựa trên thực tế điều kiện, hoàn cảnh lịch sử xã hội của đất nước chứ không phải chạy theo lối học mới mà không hiểu biết gì: “Nói cho rõ là học cái hay bỏ cái dở mà lựa chọn lừa lọc rất cẩn thận, không có cái “theo mù” và chỉ tô cái vỏ bề ngoài như lối học của người Nam ta” [139; 610].

Với việc học chữ Quốc ngữ trong các nhà trường, Huỳnh Thúc Kháng cùng với phong trào Duy Tân đã tiến hành không dạy Tam tự kinh hay Minh tâm bảo giám như trươc kia mà chuyển sang dạy lịch sử Việt Nam và thế giới, địa lý, bác vật (khoa học tự nhiên), toán pháp. Tiến bộ hơn nữa, ông cho rằng chữ Pháp còn quan trọng hơn chữ Quốc ngữ trong điều kiện Việt Nam vẫn đang trực thuộc nền đô hộ thực dân Pháp: “Giáo dục nhất định theo sự tất yếu trên đường sanh hoạt một dân tộc. Trừ ra thời thế đổi khác không nói, nước mình mà còn thuộc quyền bảo hộ nước Pháp ngày nào, là người mình cần học chữ Pháp ngày ấy”. Rồi ông đưa ra quan điểm về việc dạy chữ theo chương trình kết hợp cả ba là chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán với định hướng: “…trong thời kỳ tiểu học 4 năm, học chữ quốc ngữ có lâu lắm là 2 năm, sau phải nhường chỗ cho chữ Pháp để khỏi mất công và tốn thì giờ của trẻ con. Còn chữ Hán để về lớp sau chữ Pháp, cái đó không phải nói” [139;

575]. Huỳnh Thúc Kháng hiểu rất rõ những tệ hại, lạc hậu cùng với những tinh túy của khoa cử Hán học. Do đó, ông cũng không chủ trương vứt bỏ hết tất cả mà là vừa tiếp thu cái mới, cái tiến bộ, vừa phát huy, chấn hưng cái tinh hoa cổ học của mọi nền văn minh Á – Âu, kim – cổ để cùng xây dựng nên một nền văn hóa mới của dân tộc, khẳng định bản sắc của Việt Nam trong thời đại mới.

Huỳnh Thúc Kháng kỳ vọng một nền giáo dục mới phải thể hiện sự tự do trong tư tưởng nên cho rằng: “Học giới nước ta không có tư tưởng tự do, không có năng lực sáng tạo, mất hẳn tính chất phán đoán, chỉ một mực nhắm mắt theo mù

làm nô lệ cho người xưa”. Do đó mà ông nhận định: “…muốn tư tưởng được tự do, thời tâm trí phải biết tự lập mới được. Tự lập nghĩa là tự mình xét, tự mình tin … phải có não khảo cứu… phải lấy khoa học làm chủ nghĩa” [139; 269]. Trong quá trình học, người học cần có tư duy khoa học để nghiên cứu tìm tòi nội dung của môn học. Mong muốn và kỳ vọng là như vậy nhưng thực tiễn kẻ sĩ đi học xưa và trong thời đại mới của Huỳnh Thúc Kháng cũng khác nhau không nhiều, ông đã chỉ ra những hiện trạng của nội dung học tập rập khuôn, máy móc và thậm chí là sáo rỗng: “Ngày trước học Hán văn, đọc sách làm văn, theo lối từ chương không cần biết đến thực dụng học văn của thánh hiền là thế nào, nên mài miệt theo mậu thuyết Tống nho mà hết ngày. Ngày nay học Âu, cũng không cần khảo sát đến chế độ, học thuật, lý thuyết thực tế của Âu Tây, mà chỉ lọt một ít lối văn tiểu thuyết để lòe đời.”

[139; 591]. Phê phán việc học tập hệ tư tưởng cổ hủ, lạc hậu hàng ngàn năm qua của Tống Nho, Huỳnh Thúc Kháng viết: “…cách trích cú tầm chương, chú thích từng câu từng chữ trong thánh kinh hiền truyện để tô vẽ cho đạo lý tôn quân, cách học ấy rất là áp chế tư tưởng, thúc phược tinh thần… chính là thích hợp với cái nhu cầu của nhà quân chủ để bảo trì quyền uy của mình và khu hết cả sĩ phu trong nước vào cái đường tối tăm chặt hẹp có lợi cho mình.” [139; 492].

Đồng thời, ông cũng không quên nhắc lại cho người nay thấy rõ bản chất của Khổng giáo không chỉ có những mặt tích cực mang tính tuyệt đối vốn dĩ trước giờ vẫn đề cao mà còn có những khuyết điểm hạn chế trước những đổi thay của thời đại mới. Trước hết, ông chỉ ra lối học với tư duy phản biện của người phương Tây là:

“…nhờ cái mối tư tưởng tự do mà phát đạt rất sớm. Tư tưởng được tự do, nên phàm nhà hiền triết, sáng lập và phát minh được cái thuyết gì thì làm ra sách vở, công bố cho người đời tha hồ biện bác phê bình. Nhờ lối biện bác phê bình ấy mà chân lý càng bày tỏ ra, không bị cái gì che lấp” [139; 505]. Từ thực tiễn ấy, nhìn lại Khổng giáo tuy đã không còn nguyên vẹn khi bị thay đổi bởi những nhà nho của các thế hệ đời sau nhưng sĩ tử vẫn phải theo một nguyên tắc tiếp thu một chiều, hoàn toàn không được phản biện hay có suy nghĩ khác. Những tư tưởng của Khổng Tử thường chú trọng những gì thuộc về quá khứ nhà Chu mà không có những biến chuyển xây

dựng mới trên cơ sở những đổi thay của hoàn cảnh lịch sử. Do vậy mà Huỳnh Thúc Kháng viết rằng: “ … ở thế giới ngày nay mà đem cái thuyết chánh trị của cụ Khổng ra ứng phó thật không khác gì chèo thuyền nan mà đua với tàu thủy, cưỡi ngựa trạm mà chạy theo xe hơi, chỉ mệt ngọc mà không công hiệu gì” [139; 507] - đồng thời so sánh những kẻ sĩ học theo Khổng Tử xưa cũ với thực tại xã hội hiện đại: “… cuộc đời xoay chuyển như chong chóng mà lắm kẻ cứ nằm trong giấc chiêm bao toan muốn đem mão cũ đời Đường, đời Ngu, áo rách sông Thù sông Tứ mà chưng ra giữa thế kỷ 20 tàu lặn, máy bay này” [139; 508].

Như vậy, Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành người tuyên truyền, phổ biến tư tưởng về một nền giáo dục mới cho quần chúng nhân dân. Trong tư duy nhận thức của mình, ông có cách nhìn hài hòa, không thiên vị hay cực đoan, càng không mâu thuẫn, phiến diện mà ông chỉ vào cụ thể nguồn gốc của vấn đề khi muốn xây dựng một xã hội mới cần bắt đầu từ sự thay đổi về tư tưởng, trình độ nhận thức, hiểu biết của đa số quần chúng nhân dân. Huỳnh Thúc Kháng đã chỉ ra rằng: “…ở vào thời đại dân tộc cạnh tranh ngày nay,… Trình độ quốc dân mà tấn hóa, thì quân chủ như nước Anh hay nước Nhật cũng cứ thạnh vượng; trái lại quốc dân mà ngu hèn chia rẽ, thì dân chủ như nước Tàu cũng không ăn thua gì...” [139; 553].

Tóm lại, tuy là phê phán nền giáo dục Nho giáo nhưng trong một chừng mực nào đó, Huỳnh Thúc Kháng vẫn thừa nhận những yếu tố tích cực và giá trị của nền giáo học Hán học trước đây kết hợp với những nhân tố mới của nền văn minh phương Tây nhằm từng bước xây dựng một nền giáo dục, văn hoá mới cho quốc dân.

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 107 - 113)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w